Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID21037 - Luật : Pháp Chánh Truyền

  Tân Luật

Lời Tựa
ID21038 - Chương : Lời Tựa
Luật : Pháp Chánh Truyền

Lời Tựa

Nghĩ vì cơ Huyền vi Mầu nhiệm của Đạo có Thiên Điều cũng như cơ Đời có Luật Pháp chơn truyền để chế ngự những dục vọng bất chánh mà ở cõi nào và đời nào cũng có, nếu không có gì chế ngự thì sự điều hòa tốt đẹp của cơ Tạo Hóa sắp đặt có thể mất đi mà chớ;

Nên khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã lập ngay một PHÁP CHÁNH TRUYỀN và TÂN LUẬT để điều hành guồng máy Hành Chánh Đạo, hầu bảo thủ chơn truyền và công bình Thiên Đạo, kèm theo luật pháp còn có THÁNH NGÔN và GIÁO ĐIỀU dạy bảo.

Muốn lập một nền Đạo lớn lao như Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập Pháp thì làm sao điều độ được một số Giáo Đồ quá đông gồm gần toàn thể nhân loại.

Bởi thế nên quyển PHÁP CHÁNH TRUYỀN nầy cần được tục bản mãi mãi kỳ này hết tới kỳ khác; để lấy đó làm căn bản cho tất cả Giáo Đồ noi theo mà hành đạo hoặc giữ gìn cho trọn tư cách người Đạo đến cùng không vi phạm Luật Đạo và không sai đường lạc lối.

Mặc dù không Luật Pháp nào được gọi là hoàn bị cả. Nhưng Luật Pháp nào cũng đều phải ấn định ít nhứt những đại cương và nguyên tắc.

Chẳng hạn như Luật Công Bình giữa người với người thì phải có nguyên tắc bất di bất dịch là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn. (Cái gì mà mình không muốn, thì đừng làm cho người) Ví dụ: Nếu mình muốn được tự do thì đừng làm mất tự do của người khác.

Tuy nghe rất đơn giản nhưng không còn cách giải thích nào đúng hơn nữa. Luật Pháp rất cần ích cho sự điều hòa trật tự trong xã hội.

Nó lại còn cần ích hơn nữa cho Đạo vì nếu thiếu Luật Pháp thì khó tránh sự hỗn loạn. Mà nếu trong Đạo có sự hỗn loạn, thì còn gì là đạo lý!

Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh cho Đạo tức là lập chủ quyền cho Đạo đó vậy. Nếu ai có tinh thần xây dựng nền Đạo thì tất nhiên phải tôn trọng chủ quyền đó.

Cũng nhờ chủ quyền đó mà Hội Thánh là hình thể Đức Chí Tôn tại thế mới có đủ quyền hành để thể Thiên hành hóa.

Tuy nhiên, quyền Đạo có khác hơn quyền Đời là vì nó do sự thương yêu mà có chớ không phải dùng áp lực để chế ngự người ta.

Luật Pháp đã do Thiên Lý và Công Lý mà lập ra, thì tự nhiên phải tuyệt đối công bình không còn sự chênh lệch nào đối với toàn thể bổn Đạo.

Vì trong Đạo từ trên xuống dưới, từ nhỏ tới lớn đều có qui luật định phân, lớn không giành quyền nhỏ, nhỏ không lấn quyền lớn.

Nếu cứ chiếu luật thi hành thì toàn Đạo được điều hòa êm ái và guồng máy Hành Chánh Đạo cứ tiến hành theo luật định Thiên nhiên không còn gì trở ngại.

Hội Thánh lấy làm hoan hỉ cho tái bản quyển PHÁP CHÁNH TRUYỀN hầu phổ biến trong toàn Đạo để cho tất cả được thụ hưởng PHÁP LÝ CÔNG BÌNH THIÊN ÐẠO, và mong rằng từ đây không ai còn viện lẽ không hiểu Luật Đạo mà vi phạm nữa.

Cửu Trùng Đài
ID21039 - Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Cửu Trùng Đài

Quyền hành GIÁO TÔNG
ID21040 - Chương : Quyền hành GIÁO TÔNG
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành GIÁO TÔNG

Quyền hành GIÁO TÔNG.
Giáo Tông là anh cả các con.
Có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời.
Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn.
Nó đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung, đặng cầu rỗi cho các con.

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

I. Quyền hành GIÁO TÔNG

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Tông là anh cả các con.

CHÚ GIẢI: Giáo Tông thay mặt cho Thầy, đặng bảo tồn chơn Đạo của Thầy tại thế, thì anh cả nhơn sanh đặng dìu dắt các con cái của Thầy, dầu lớn tuổi hay là nhỏ tuổi, quyền Thiêng Liêng đã định vậy.

Tuy trong Hội Thánh có chia ra hai phần hữu hình là: "Cửu Trùng Đài" và "Hiệp Thiên Đài" mà nơi Hiệp Thiên Đài, dầu cho Hộ Pháp cũng phải là em của Giáo Tông, song Hộ Pháp phải nhỏ về phần hữu hình đã nói trên đây, chớ phần Thiêng Liêng thì đồng vị.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời.

CHÚ GIẢI: Giáo Tông đặng đồng quyền cùng Thầy mà dạy dỗ cả chư Môn Đệ của Thầy trong đường Đạo Đức, dìu bước từ người, chăm nom săn sóc cho khỏi phạm Thiên Điều, thì là buộc tuân y TÂN LUẬT.

Ấy vậy dầu cho phẩm vị nào phạm tội; thì Giáo Tông cũng chẳng vì tình riêng gọi là tha thứ khoan dung. Để lòng che chở, làm cho kẻ phạm phải mất Thiên Vị, lại gây điều đố kỵ của nhơn sanh, làm cho nhẹ giá trị của nền Chánh Giáo.

Những sự đau thảm khó khăn của Tín Đồ tức là chúng sanh, những sự khổ hạnh của Hội Thánh, nghĩa là hàng Chức Sắc Thiên Phong, thì Giáo Tông phải liệu phương che chở an ủi làm cho đời khổ não hóa ra đời hạnh phước; người nắm trọn quyền thể Thiên hành hóa, ấy là phận sự tối cao tối trọng của Đức Giáo Tông đó.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn.

CHÚ GIẢI: Hễ nói về phần xác là nói phần hữu hình, mà nói về phần hữu hình của chúng sanh tức là nói về phần Đời. Còn như nói về phần hồn tức là phần Thiêng Liêng ấy là phần Đạo.

Trên đây Thầy đã nói rằng: Có quyền dìu dắt trong đường Đạo và đường Đời, thì Thầy đã chỉ rõ rằng, có quyền dìu dắt cả các con cái của Thầy trên con đường Đạo Đức của chính mình Thầy khai tạo và trên con đường Đời cơ Đạo gầy nên;

Chớ chẳng phải nói trọn quyền về phần Đạo và phần Đời, nghĩa lý phân biệt nhau duy có chữ ĐƯỜNG và chữ PHẦN, xin rán hiểu đừng lầm hai chữ ấy.

Đây là lời Thánh giáo của Thầy đã dạy Hộ Pháp khi Người hỏi Thầy về quyền của Giáo Tông.

Hộ Pháp hỏi: "Thưa Thầy theo như luật lệ Thánh Giáo Gia Tô Thầy truyền tại thế, thì Thầy cho Giáo Tông trọn quyền về phần hồn và phần xác; Người nhờ nương quyền hành cao trọng đó, Đạo Thánh mới có thế lực hữu hình như vậy.

Đến ngày nay, Thầy giảm quyền Giáo Tông của mấy con về phần hồn đi, thì con sợ e cho Người không đủ quyền lực mà độ rỗi chúng sanh chăng?"

Thầy đáp: "Cười! Ấy là một điều lầm lạc của Thầy, vì nặng mang phàm thể mà ra. Thầy cho một người phàm đồng quyền cùng Thầy về phần hồn thì nó lên ngai Thầy mà ngồi, lại nắm quyền hành CHÍ TÔN ấy, đặng buộc nhơn sanh phải chịu lòn cúi trong vòng tôi tớ của xác thịt hơn nữa.

Cái quyền hành quí hóa ấy, Thầy tưởng vì thương mà cho các con, nào dè nó là một cây gươm hai lưỡi để giục loạn cho các con.

Nay Thầy đến chẳng phải lấy nó lại, mà Thầy chỉ đến làm cho tiêu diệt cái hại của nó; nếu muốn trừ cái hại ấy thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.

Kẻ nào đã nắm trọn phần hữu hình và phần Thiêng Liêng, thì là độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ vào tay, thì nhơn sanh chẳng phương nào thoát khỏi vòng áp chế.

Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Đạo và Đời) thì "HIỆP THIÊN ĐÀI" lập ra chẳng là vô ích lắm sao con?

"CỬU TRÙNG ĐÀI" là Đời, "HIỆP THIÊN ĐÀI" là Đạo, Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh Giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN:Nó đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung, đặng cầu rỗi cho các con.

CHÚ GIẢI: Thầy đã nói, đặng cầu rỗi cho các con thì Thầy đã chỉ rõ rằng, Giáo Tông có phần cầu rỗi mà thôi, chớ phần siêu rỗi là về quyền của Bát Quái Đài chưởng quản.

Đức Giáo Tông làm thế nào mà thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung mà cầu rỗi cho các Tín Đồ?

Người phải đến Hiệp Thiên Đài cầu huyền diệu Cơ Bút mới đặng. Xin trích lục ra đây, đoạn Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài nói về việc ấy: "Lại nữa Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại".

Ấy vậy về phần Thiêng Liêng là phần Đạo, thì Ngài chẳng có quyền hành chi hết, dầu cho dâng sớ cầu điều chi cùng Bát Quái Đài, thì cũng phải do nơi Hiệp Thiên Đài cả.

Hiệp Thiên Đài là trung gian để liên hiệp Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Quyền hành CHƯỞNG PHÁP
ID21041 - Chương : Quyền hành CHƯỞNG PHÁP
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành CHƯỞNG PHÁP

Quyền hành CHƯỞNG PHÁP.
Chưởng Pháp của ba Phái là: Đạo, Nho, Thích.
"Pháp Luật Tam Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một".
Vậy thì một thành ba, mà ba cũng như một.
Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Đầu Sư dâng lên.
Như hai đàng không thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại.
Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.
"Buộc cả Tín Đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật Đời".
"Thầy khuyên các con phải xúm nhau vùa giúp chúng nó".
Mỗi Chưởng Pháp phải có ấn riêng.
Ba ấn phải có trên mỗi luật mới đặng thi hành.

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

II. Quyền hành CHƯỞNG PHÁP

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chưởng Pháp của ba Phái là: Đạo, Nho, Thích.

CHÚ GIẢI: Nghĩa là: mỗi Phái là một vị, mà ba Đạo vẫn khác nhau, nội dung, ngoại dung, đều khác hẳn luật lệ vốn không đồng, chỉ nhờ Tân Luật làm cơ qui nhứt, cho nên Thầy mới nói.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Pháp Luật Tam Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một".

CHÚ GIẢI: Vì coi như một, nên Thầy mới đến cho nhơn loại lập Tân Luật , thế nào cho phù hạp với nhơn trí, hiệp tánh với nhơn tâm, chung chịu một Đạo Luật, có phương hành Đạo, chẳng nghịch với Thiên Điều, đặng lập vị mình dễ dàng, mới toàn câu phổ độ.

Buổi trước thì Thiên Điều buộc nhơn loại phải nâng cao phẩm hạnh mình cho bằng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đặng đoạt đức tánh mà lập vị mình, còn nay thì các Đấng ấy lại hạ mình, đến cùng nhơn loại đặng dìu cả chơn hồn lên tột phẩm vị Thiêng Liêng, đến ngang bực cùng Thầy.

Buổi buộc thì khó, buổi mở thì dễ, ấy là lẽ tự nhiên; huống chi nhơn trí ngày nay đã qua khỏi "Ngươn Tấn Hóa"(1) thì đã tăng tiến lên địa vị tối cao;

Chủ nghĩa cựu luật của các Tôn Giáo không đủ sức kềm chế đức tin, mà hễ nhơn loại đã mất đức tin về đạo đức rồi, thì cơ tự diệt vốn còn, mà cơ tự diệt còn thì nhơn loại khó tránh khỏi cái nạn giết lẫn nhau cho đặng.

Đời phải tùy Đạo mới còn, mà Đạo cũng phải tùy Đời mới vững, biết đâu Tân Luật ngày nay Thầy đã đến dạy chúng ta lập thành; trong thời gian tới nữa đây, nó sẽ phải thay đổi cho phù hạp với nhơn trí Đạo, Đời tương đắc. Mà dìu dắt cả nhơn sanh đời đời kiếp kiếp.

Thí dụ: Như có kẻ hỏi: "Sao Thầy không dùng Cựu Luật trong Tam Giáo đã có sẵn rồi, lại lập chi Tân Luật nữa, mà buộc nhơn sanh phải yểm cựu nghinh tân vậy?"

Ta lại đáp: "Chính Thầy đã giáng cơ nói: Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ; ấy vậy Cựu Luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác, còn Cổ Pháp thì Lôi Âm Tự đã phá tiêu, vậy thì ngày nay Cựu Luật và Cổ Pháp chẳng còn ý vị chi hết.

Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng Cựu Luật hay là Cổ Pháp thì trái hẵn với Thiên Điều của Đ.Đ.T.K.P.Đ. thể Thiên hành chánh.

Bởi cớ ấy nên CHÍ TÔN đã cấm ngũ chi phái Ngọc, dùng Cổ Luật mà mê hoặc nhơn sanh nữa.

Hễ tùng Cựu Luật tức phải tùng Thiên Điều, mà hễ tùng Thiên Điều thì khó lập vị cho mình đặng".

Xin xem tiếp đây, thì thấy rõ Thầy đã quyết định điều ấy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Vậy thì một thành ba, mà ba cũng như một.

CHÚ GIẢI: Ấy vậy Tân Luật đã gồm trọn Tam Giáo, tức là một thành ba, mà ba Cựu Luật của Tam Giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là: "Tân Luật".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Đầu Sư dâng lên.

CHÚ GIẢI: Nơi Cửu Trùng Đài, có Đức Giáo Tông là người thay mặt cho các Đấng Thiêng Liêng đặng hành hóa; Giáo Tông có quyền lập luật, ấy là quyền cao trọng của các Đấng Thiêng Liêng cùng CHÍ TÔN ban cho nắm giữ, và Đầu Sư là người thay mặt cho cả nhơn sanh, ấy là quyền cao trọng của nhơn sanh ban cho, hai đàng phải tương đắc mới bền vững cơ "Tạo Thế" Trời, người hiệp một.

Thường thấy Thiên Mạng hằng quá sức phàm thế còn phàm thế thì nghịch hẳn Thiên Mạng; biết đâu một ngày kia Giáo Tông không lập ra luật lệ quá sức người phàm làm đặng và Đầu Sư lại không xin một luật lệ quá phép Thiên Điều, thì hai đàng ắt phải nghịch lẫn nhau;

Nếu không có Chưởng Pháp đứng trung gian thế quyền Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài mà điều độ cho êm đềm hòa nhã, thì nền Đạo phải chinh nghiêng sanh ra rối loạn, thượng hạ khắc nhau, phải mất trật tự mà gây nên đảng phái.

Ấy vậy Chưởng Pháp có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành. Luật lệ nào không có ba ấn Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn thì cả chư Tín Đồ của Thầy không tuân mạng. Hay! (2)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như hai đàng không thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại.

CHÚ GIẢI: Một Đạo Luật nào của Giáo Tông truyền xuống mà nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh, Đầu Sư đã định quyết không thể thi hành đặng, thì chính mình Đầu Sư phải đệ lên cho Chưởng Pháp mà cầu người sửa cải.

Còn như Giáo Tông tiếp đặng một Đạo Luật nào của Đầu Sư dâng lên mà phạm phép Thiên Điều thì chính mình Giáo Tông cũng phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét, hai bên không đặng ỷ quyền bỏ luật, làm cho thất thể đôi đàng; phải phải phân phân, để cho Chưởng Pháp định liệu.

Như quyết định mà hai đàng không thuận, thì người phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy sửa lại, hay là Hộ Pháp luận ý đôi bên mà lập lại.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.

CHÚ GIẢI: Nói rằng có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, thì tức phải kiểm duyệt các kinh điển ấy trước khi xuất bản;

Ấy vậy, tuy kiểm duyệt thì tự quyền Chưởng Pháp định đoạt, bất câu kinh sách nào mà làm cho hại phong hóa cùng là sái Đạo Luật thì Ngài có quyền trừ bỏ, không cho xuất bản, song trước khi thị nhận cho xuất bản, hay là không cho, thì buộc Chưởng Pháp phải đệ lên Hiệp Thiên Đài cầu xin phê chuẩn mới đặng.

Chẳng phải nói các kinh điển của người trong Đạo làm ra mà thôi, dầu cho người Ngoại Giáo làm ra đi nữa, nếu có thương phong bại tục, thì buộc Hội Thánh phải vùa giúp Chưởng Pháp mà lo trừ diệt cho đặng; bởi vậy cho nên Thầy có nói câu nầy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Buộc cả Tín Đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật Đời".

CHÚ GIẢI: Dầu cho luật lệ Đời mà làm cho thống khổ nhơn sanh thì Chưởng Pháp cũng liệu phương nài xin chế giảm. Cái quyền lực ấy phải nhờ nương Đạo quyền mới đủ mạnh, nghĩa là Đạo mạnh thì quyền người mới mạnh, mà Đạo mạnh thì mới mong tế độ nhơn sanh khỏi đường Đời thảm khổ; vì vậy mà Thầy lại buộc phải nói thêm câu sau này nữa:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy khuyên các con phải xúm nhau vùa giúp chúng nó".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Mỗi Chưởng Pháp phải có ấn riêng.

CHÚ GIẢI:

  • Thái Chưởng Pháp thì bình Bát Vu,
  • Thượng Chưởng Pháp thì cây Phất Chủ,
  • Ngọc Chưởng Pháp thì bộ Xuân Thu.

Hiệp một gọi là Cổ Pháp. Ba cái Cổ Pháp ấy vốn của Hộ Pháp hằng kỉnh trọng. Nơi mão Tiểu phục của Người phải có ba Cổ Pháp ấy. Còn nơi mão Đại phục của Đức Giáo Tông thì lại có ba Cổ Pháp khác nữa, nghĩa là:

  • Long Tu Phiến.
  • Thư Hùng Kiếm.
  • Phất Chủ.

Ấy là Cổ Pháp của Thượng Phẩm cùng Thượng Sanh.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba ấn phải có trên mỗi luật mới đặng thi hành.

CHÚ GIẢI: Bất câu luật lệ hay là kinh điển nào, dầu đã đặng hai vị Chưởng Pháp phê chuẩn rồi mà thiếu một, thì cũng không đặng phép ban hành; nghĩa là: trên Giáo Tông không đặng phép thị nhận; dưới Đầu Sư không đặng phép thi hành.

Cửu Trùng Đài vẫn là Chánh Trị, mà Chưởng Pháp lại thuộc về luật lệ, vậy thì Chưởng Pháp là người thay mặt Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài. Ấy là cơ Đạo cổ kim hi hữu.


(1)
  • ✼ Thượng Ngươn là Ngươn Tạo Hóa; ấy là Ngươn Thánh Đức tức là Ngươn vô tội (Cycle de creation c'est a dire cycle de l'innocence).
  • ✼ Trung Ngươn là Ngươn Tấn Hóa; ấy là Ngươn Tranh Đấu tức là Ngươn tự diệt (Cycle de progrès ou cycle de lutte et de destruction).
  • ✼ Hạ Ngươn là Ngươn Bảo Tồn; ấy là Ngươn Tái Tạo, tức là Ngươn qui cổ (cycle de conservation ou cycle de reproduction et de rénovation).

(2) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Quyền hành ĐẦU SƯ
ID21042 - Chương : Quyền hành ĐẦU SƯ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành ĐẦU SƯ

Quyền hành ĐẦU SƯ.
Đầu Sư có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của chư Môn Đệ "CHÍ TÔN".
Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn.
Luật lệ ấy lại phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải hữu ích cho nhơn sanh chăng?
Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.
"Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy".
Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sinh hoạt của nhơn sanh, thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.
Thầy khuyên các con phải thương yêu nó giúp đỡ nó.
Thầy dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.
Ba chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau.
"Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa".
Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau; mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à!

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

III. Quyền hành ĐẦU SƯ

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Đầu Sư có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của chư Môn Đệ "CHÍ TÔN".

CHÚ GIẢI: Đây Thầy dùng chữ "phần Đạo" và "phần Đời" đặng định quyền hành của Đầu Sư, thì là Đầu Sư có trọn quyền về phần Chánh Trị của Cửu Trùng Đài và phần luật lệ của Hiệp Thiên Đài.

Vậy thì người đặng quyền thay mặt cho Giáo Tông và Hộ Pháp trước mặt nhơn sanh. Hễ thay quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp, tức là người của Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài;

Bởi vậy buộc Đầu Sư phải tùng quyền cả hai mà hành chánh, chẳng đặng phép tự ý riêng mình mà thi thố điều chi không có lịnh của Giáo Tông và Hộ Pháp truyền dạy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn.

CHÚ GIẢI: Đầu Sư đặng quyền lập luật cho phù hạp cùng sự chánh trị của nền Đạo, thế nào cho thuận với nhơn tình và không nghịch cùng Thánh ý;

Mà phàm như hễ thuận nhơn tình thì hằng nghịch với Thánh ý luôn luôn, nên chi buộc Đầu Sư trước phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn, vì Giáo Tông là người thay quyền cho Thầy, đặng điều đình chẳng cho nhơn sanh trái Thánh ý.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Luật lệ ấy lại phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải hữu ích cho nhơn sanh chăng?

CHÚ GIẢI: Câu này đã chỉ rõ rằng: Phàm như Đầu Sư có lập luật lệ chi, thì luật lệ ấy buộc phải cần ích cho nhơn sanh mới đặng, nên chi Thầy có dặn:

"Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải xem xét cho nghiêm nhặt, điều chi không thật hữu ích cho nhơn sanh thì Đầu Sư không nên lập luật hay là phá luật".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.

CHÚ GIẢI: Dầu cho luật lệ ấy đã thuận ý Giáo Tông đi nữa, thì Giáo Tông cũng không quyền phê chuẩn tức thì, nhưng buộc phải giao lại cho Chưởng Pháp xét nét trước đã.

Trên đã có định quyền cho Chưởng Pháp rằng: Các luật lệ chẳng đủ ba vị phê chuẩn thì luật lệ ấy không đặng phép ban hành.

Vậy thì Đầu Sư và Giáo Tông chẳng đặng thuận tình với nhau mà trái nghịch cùng Pháp Chánh Truyền, hễ đôi bên chẳng do nơi Chưởng Pháp xét nét luật lệ thì là phạm pháp: Mà hễ phạm pháp thì dầu cho bực nào cũng khó tránh qua khỏi luật Tòa Tam Giáo.

Buộc Đầu Sư phải tùng mạng lịnh của Giáo Tông truyền xuống mới đặng phép ban hành, nên Thầy nói:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy".

CHÚ GIẢI: Đầu Sư chỉ có tuân mạng lịnh của Giáo Tông mà thôi, dầu cho Người, là người thay mặt cho Hiệp Thiên Đài về phần luật lệ đi nữa, thì luật lệ ấy trước đã xét nét bởi Chưởng Pháp và phê chuẩn bởi Hiệp Thiên Đài rồi, tức là luật lịnh của Hiệp Thiên Đài sẵn định vào đó.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sinh hoạt của nhơn sanh, thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.

CHÚ GIẢI: Chẳng nói là Tân Luật ngày nay mà thôi, nếu sau Tân Luật nầy mà trở nên Cựu Luật đi nữa, nếu nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh thì Đầu Sư cũng đặng phép nài xin hủy bỏ.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy khuyên các con phải thương yêu nó giúp đỡ nó.

CHÚ GIẢI: Thầy nhủ lời khuyên cả Hội Thánh đôi bên để mắt vào trách nhậm nặng nề của Đầu Sư mà thương yêu và giúp đỡ Người cho tròn phận sự.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.

CHÚ GIẢI: Thầy dặn cả chư Môn Đệ của Thầy, ấy là toàn cả chúng sanh, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi Đầu Sư; vì Người thay quyền cho Đạo trọn vẹn nơi thế nầy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau.

CHÚ GIẢI: Ba chi của Đạo là: Nho, Lão, Thích; ba chi tuy khác mà quyền lực vẫn so đồng, bởi tùng theo Tân Luật. Ấy là một thành ba mà ba cũng như một.

Ba vị Đầu Sư không ai lớn, không ai nhỏ, Hay.. . (1) quyền vốn đồng quyền, Luật Lệ nào của Giáo Tông truyền xuống hay là của nhơn sanh dâng lên mà đã có Chưởng Pháp và Hiệp Thiên Đài phê chuẩn, thì dầu cho một người trong ba mà chịu vâng mạng thì Luật Lệ ấy cũng phải buộc ban hành.

Hay.. . (1) Trừ ra khi nào ba người đồng không thể tuân mạng lịnh đặng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông; buộc Giáo Tông phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa, Hay.. . (1) vì vậy mà Thầy nói:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa".

CHÚ GIẢI: Thầy đã nhứt định rằng: Nếu cả ba đồng ký tên không vâng mạng đặng, thì Thầy đã chắc chắn rằng luật lệ ấy quả nghịch với nhơn sanh; mà cần yếu hơn hết thì phải quyết định thế nào cho sự nghịch với nhơn sanh ấy cho có cớ hiển nhiên thì Đầu Sư mới đặng phép nghịch mạng bề trên, cầu nài bác luật.

Thảng có một người trong ba mà tuân mạng lịnh đặng thì cũng chưa quyết đoán rằng luật lệ ấy đã nghịch hẳn với nhơn sanh, mà hễ nếu chưa nghịch hẳn cùng nhơn sanh thì buộc phải ban hành.

Quyền hành ấy, nghiêm khắc nầy, nghĩ ra cũng quá đáng; vì Thánh ý muốn cho cả ba phải hiệp một mà thôi. Hay.. . (1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau; mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à!

CHÚ GIẢI: Ba ấn ấy là: Thái, Thượng, Ngọc; mỗi tờ giấy chi hễ định thi hành thì buộc phải có đủ ba ấn Đầu Sư mới đặng.

Trước khi Đầu Sư lãnh quyền chấp chánh buộc người phải lập minh thệ nơi Tòa Thánh, hằng giữ dạ vô tư hành đạo, y như Chức Sắc Hiệp Thiên Đài đã lập thệ.

QUYỀN THỐNG NHỨT: Khi minh thệ rồi, Đầu Sư đặng cầm quyền luôn cả và Chánh Trị cùng Luật Lệ .

Nhờ quyền lớn lao này; Đầu Sư sẽ có đủ thệ lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Đầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy. Hay.. . (1).


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ
ID21043 - Chương : Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ
"Phối Sư mỗi phái là 12 người, cộng là ba mươi sáu, trong ba mươi sáu vị ấy, có ba vị Chánh".
"Ba vị Chánh Phối Sư đặng phép thế quyền cho Đầu Sư, song không đặng quyền cầu phá luật lệ".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

IV. Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Phối Sư mỗi phái là 12 người, cộng là ba mươi sáu, trong ba mươi sáu vị ấy, có ba vị Chánh".

CHÚ GIẢI: Ba vị Chánh Phối Sư, phải lựa cho đủ ba phái là: Thái, Thượng, Ngọc. Ba vị ấy chẳng phải làm đầu cho ba mươi ba vị Phối Sư kia mà thôi, mà lại là người thay quyền cho Đầu Sư mà hành sự, y như quyền Đầu Sư vậy.

Ấy là người thay mặt cho cả Hội Thánh Cửu Trùng Đài và cả nhơn sanh.

Người nắm trọn quyền hành sự nơi tay, chỉ tùng lệnh Đầu Sư phán dạy thế nào, thì phải tuân theo thế ấy; chẳng đặng cải mạng lịnh tự mình chế biến; nhứt nhứt đợi lịnh Đầu Sư, song Đầu Sư cũng không đặng phép giành quyền hành sự của ba vị ấy.

Hễ Đầu Sư, lấn quyền hành sự mà không do nơi Chánh Phối Sư thì là quá quyền mình, ắt phải phạm Pháp Chánh Truyền ...Hay.. . (1).

Đây xin nhắc lại khi Đức CHÍ TÔN ban lịnh lập Tân Luật, vì cớ nào Đức Giáo Tông lại giao cho Chánh Phối Sư xem xét chỉnh đốn trước khi dâng lên cho Ngài, kế Chưởng Pháp kiểm dượt rồi mới đệ lên cho Hiệp Thiên Đài phê chuẩn, sau rốt Hộ Pháp phải đem luật ấy xuống Cửu Trùng Đài đọc mà ban hành.

Lại nữa buổi ba vị Chánh Phối Sư dâng luật Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Đức Giáo Tông giáng sửa (13 tháng chạp năm Bính Dần).

Ngài có truyền dạy ba vị Đầu Sư và Chưởng Pháp phải ngự trên ngai; đoạn đòi ba vị Chánh Phối Sư vào hành lễ, rồi kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh mà dạy rằng: "Hiền Hữu coi Lão hành sự đây mà bắt chước".

Ngài lại dạy ba vị Chánh Phối Sư mỗi người phải dâng luật thế nào cho đủ sáu bàn tay nâng luật ấy, chẳng nên cho hở, đặng dâng lại cho Đầu Sư;

Đầu Sư cũng phải cho đủ sáu tay mà dâng lên cho Chưởng Pháp, rồi Chưởng Pháp cũng phải đủ sáu tay mà dâng lên cho Ngài.

Khi ấy Ngài dạy phải đi ngay lên Đại Điện đưa qua khỏi đầu Hộ Pháp và Thượng Phẩm. Ngài hạ Ngọc Cơ xuống dưới, đặng đi ngay qua cho khỏi Ngài nữa. Hay.. . (1).

Chưởng Pháp tiếp luật rồi, lại đưa ngay qua khỏi đầu Khương Thái Công và Thánh Chúa Jésus nữa.

Sau Hộ Pháp có để lời than cùng Thầy về điều ấy, thì Thầy cười mà phán dạy rằng: "Mắc Tiên vị của Thái Bạch còn ở dưới Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử bằng chẳng vậy thì bộ luật cũng đi ngang qua đầu các Đấng ấy nữa, vì nó là Thiên Điều đó con". (2)

Bộ Tân Luật để trước Tiên vị của Đức Giáo Tông một ngày một đêm, cho Ngài xét đoán; bữa sau Ngài giáng cơ than rằng: "Thiên Điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm".

Ngài cười rồi tiếp rằng: Những điều ấy chư Hiền Hữu biết đâu mà lập cho đặng... Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy, thì chẳng thành luật; nếu chẳng thành luật, thế nào thành Đạo.

Ngài cười rồi tiếp: Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy chư Hiền Hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất; các Đạo Hữu phải để lòng thành khẩn; hiệp sức làm một với Lão, mà nài xin Thánh Luật, nghe à;

(Cười...). Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền Hữu trọng, vậy thì chư Hiền Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người Đời...

Từ đây, Lão hằng giữ gìn cho chư Hiền Hữu hơn nữa; nếu thảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn giá trị chư Hiền Hữu thêm cao trọng nữa, vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà, nghe!

Ngài liền kêu hai vị Chưởng Pháp lên lấy bộ Luật xuống, đặng dâng qua cho Hiệp Thiên Đài, lại dạy Hộ Pháp và Thượng Phẩm xuống Cửu Trùng Đài đứng nơi vị mình.

Hộ Pháp thì bắt ấn Hộ Pháp trấn trên bộ Luật, còn Thượng Phẩm thì cầm Long Tu Phiến che trên ấn ấy, rồi dạy hai vị Chưởng Pháp như vầy: "Ta kỳ cho một tháng phải nạp Luật".

Hai vị Chưởng Pháp lãnh kiểm dượt luật trong một tháng đem nạp hồi cho Lý Giáo Tông; rồi Ngài mới cậy hai vị Đầu Sư thay mặt cho Ngài, đệ lên Hiệp Thiên Đài dâng cho Hộ Pháp cầu Thầy giáng xuống sửa lại. Nhờ Ngài và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các bí pháp ấy cho Hộ Pháp (3).

Coi theo đây thì thấy rõ: Đức Giáo Tông kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh xem người hành sự mà bắt chước, thì đủ chỉ rõ rằng: Ngài ban quyền hành sự trọn vẹn cho Chánh Phối Sư, lại buộc cả ba đều để sáu bàn tay vào cho đủ, tức là cả buộc cả ba hiệp một mới đặng.

Đầu Sư cũng vậy mà Chưởng Pháp cũng vậy, phải hiệp một mới phù hạp câu Thánh Ngôn "Một thành ba, mà ba cũng như một" (4) .

Sao lại giao cho Chánh Phối Sư chỉnh đốn Tân Luật, ngày sau có phải giao cho Chánh Phối Sư như vậy nữa chăng?

Trên kia đã nói Chánh Phối Sư là người thay mặt cho cả nhơn sanh giữa Hội Thánh, ấy là người làm chủ nhơn sanh trong nền Đạo (5), hễ gọi là chủ nhơn sanh, ấy là nhơn sanh vậy.

Trong Bát Quái Đài kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng Trọn Lành "classe des Parfaits ou des Purs" (6), từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh "classe des Épures" (6), từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục "classe des Impurs" (6);

Ấy vậy trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giái, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị.

Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh Đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại bất tiêu bất diệt.

Trong Hiệp Thiên Đài thì có Hộ Pháp thay quyền cho các Đấng Thiêng Liêng và Thầy mà gìn giữ công bình Tọa Hóa, bảo hộ nhơn loại và vạn vật lên cho tới địa vị tận thiện tận mỹ; người thì tận thiện, còn vật thì tận mỹ. Hay.. . (1)

Chẳng cần lấy sức mình mà lập, chỉ bảo hộ cho sự tấn hóa tự nhiên khỏi điều trở ngại, nếu nói có quyền bảo hộ thì phải có luật pháp, lấy luật pháp mà kềm chế nhơn sanh, cũng như các Đấng trọn lành lấy Thiên Điều mà sửa trị Càn Khôn Thế Giái.

Hộ Pháp là thể các Đấng Trọn Lành, Hay.. . (1) người lại giao quyền cho Thượng Phẩm lập Đạo, đặng dìu dắt các chơn hồn lên tột phẩm vị của mình, tức là nâng đỡ binh vực cả Tín Đồ và Chức Sắc Thiên Phong ngồi an địa vị, cũng như chư Thần, Thánh điều đình Càn Khôn Thế Giái cho an tịnh hòa bình mà giúp sức cho vạn loại sanh sanh hóa hóa.

Thượng Phẩm tiếp các chơn hồn của Thượng Sanh giao vào cửa Đạo; Thượng Phẩm là người thể Đạo đối với hàng Thánh, ấy là người làm đầu các Thánh.

Còn Thượng Sanh về thế độ, đem các chơn hồn vào cửa Đạo, dầu nguyên nhân hay là hóa nhân cũng vậy, phải nhờ người độ rỗi. Thượng Sanh đặng mạng lịnh chuyển thế, điều độ nhơn sanh ra khỏi trầm luân khổ hải, Hay.. . (1)

Buộc Thượng Sanh phải gần kẻ vô đạo đặng an ủi dạy dỗ, mà kể từ hạng vô đạo trở xuống, cho tới vật chất thuộc về phàm, ấy vậy Thượng Sanh là thể Đời, người đứng đầu của phẩm phàm tục. Hay.. . (1).

Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên: Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy.

Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn Lành của Bát Quái Đài.

Giáo Tông giao quyền cho Đầu Sư, Đầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư, Hay.. . lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm;

Còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh, Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, Chư Tín Đồ đối phẩm Địa Thần. Hay.. . Ấy vậy, các vị ấy đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Đài là cầm quyền lập Đạo.

Kẻ Ngoại Giáo, Tả Đạo Bàn Môn, người vô đạo, riêng nắm quyền hành thế tục, nghịch cùng chơn lý Chánh Truyền; mượn thế lực phàm tục mà diệt lành dưỡng dữ, mê hoặc nhơn sanh, lưu luyến trần thế;

Trên không biết Trời, dưới không kỉnh đất; lấy người làm lợi khí đặng vụ tất công danh, quyền quyền thế thế: chẳng kiêng nể luân hồi, ham vật chất hơn tinh thần, lấy vinh hoa của kiếp sanh làm sở nguyện, như thú vật, cây cỏ, sắt đá, chỉ biết sống mà không biết sống để làm gì, còn không hay, mà mất cũng không biết.

Ấy là hạng phàm, gọi đời đó vậy, (Hay.. . Áng văn tuyệt bút Lão khen đa) (1)

Thầy đã dạy nhơn sanh tự lập luật lấy mình, mà Chánh Phối Sư đã hẳn là người thay mặt cho Nhơn Sanh, tức nhiên quyền hành lập luật là nơi tay Chánh Phối Sư đã đáng.

Quyền hành chánh trị về phần Đầu Sư, mà quyền hành sự về Chánh Phối Sư, bằng chẳng vậy thì ngôi Giáo Tông, Đầu Sư cũng không kiêng nể; vì đã nhứt thống quyền chánh trị và luật lệ; lại nữa, Thầy đã định ngôi Giáo Tông thì Đầu Sư và Chưởng Pháp tranh cử đặng, nếu không giảm quyền Đầu Sư thì Chưởng Pháp mong chi đắc cử.

Chánh Phối Sư đã là người thay mặt cho nhơn sanh chỉ biết tuân lịnh mà thôi, chớ không phép cãi lịnh, có phép dâng luật lên cho Đầu Sư cầu xin chế giảm chớ không đặng phép lập luật. Như ngày sau, nếu Thầy ban quyền cho nhơn sanh lập luật lại nữa, thì người mới có quyền chỉnh đốn luật lệ như buổi nầy vậy. Vì vậy mà Thầy mới nói:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Ba vị Chánh Phối Sư đặng phép thế quyền cho Đầu Sư, song không đặng quyền cầu phá luật lệ".

CHÚ GIẢI: Hễ trái mạng lịnh Thiêng Liêng, sửa cãi luật lệ mà hành sự, hoặc thêm, hoặc bớt, thì là phạm phép Thiên Điều làm cho Thánh Giáo trở nên Phàm Giáo.

Nhơn sanh là Phàm, Hội Thánh là Thánh, nếu không Hội Thánh phê chuẩn thì những điều chi sửa cãi bởi Chánh Phối Sư, nghĩa là nhơn sanh, đều là phàm cả, mà hễ phàm thì khó mong lập vị Thánh cho đặng. Hay.. . (1) Bởi cớ ấy nên Thầy không cho Chánh Phối Sư lập luật; ấy cũng là cơ mầu nhiệm, diệt phàm của Đạo vậy. Hay.. . (1).


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.
(2) Cười... Cái giá trị của Tân Luật dường đó, mà cả Hội Thánh coi rẻ rúng chẳng kể, làm cho Lão phải từ ngôi Giáo Tông, đặng lấy Thiên Điều khảo tội. Ôi thôi! Biết bao kẻ bị đọa lạc vào Phong đô, vì đó.
(3) Mừng thay cho nhơn loại chút ít rồi. Hội Thánh Chơn Truyền Tân Pháp đã đạt đặng như phép "Giải Oan", phép "Khai Sanh Môn", Ban Kim Quan vân vân..., lại còn nhiều bí pháp nữa mà Hộ Pháp chưa có lịnh truyền và lại bị chúng sanh và Hội Thánh còn mờ hồ không nạp dụng.

Ngày nay chẳng biết các Đấng Thiêng Liêng là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Bát Quái Đài đã thọ lịnh của Thầy mà hành Pháp vì thuộc về quyền hành của các Đấng ấy; ngày nay mới tính sao?

Trong các bí pháp có cơ mầu nhiệm đắc Đạo, bây giờ các Đấng ấy có cho hay là không? Thảm!... (Cười), nếu Lão có phương chỉnh đốn nền Đạo lại thì đặng, bằng chẳng vậy, thì không có một người đắc Pháp, Cửu Trùng Đài cũng đã yểm quyền Bát Quái Đài mà chớ: Thật vậy đó chút!

(4) Ấy là cơ vô vi Tinh Khí Thần hiệp nhứt, chư Hiền Hữu có biết à! Ngọc là Tinh, Thượng là Khí, Thái là Thần, nếu cả ba không hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng khá nhớ!
(5) Đây cũng nên giải, vì cớ nào kể từ phẩm Chánh Phối Sư trở xuống, thuộc về thế, nghĩa là Đời và từ phẩm Đầu Sư đổ lên thuộc về Thánh, nghĩa là Đạo, bên Hiệp Thiên Đài cũng có Đời và Đạo, mà Bát Quái Đài cũng phải có vậy, mới nhằm cơ hiệp một Đời cùng Đạo. Tức là trong Đạo có Đời, mà trong Đời cũng có Đạo.
(6) Đức Lý Giáo Tông khen hay.

Quyền hành PHỐI SƯ
ID21044 - Chương : Quyền hành PHỐI SƯ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành PHỐI SƯ

Quyền hành PHỐI SƯ

CHÚ GIẢI: Phối Sư là người lãnh quyền của Chánh Phối Sư ban cho, đặng đồng quyền, đồng thể cùng Chánh Phối Sư khi người giao trách nhậm cho mình; chẳng đặng làm điều chi không có lịnh của Chánh Phối Sư truyền dạy;

Nhứt nhứt điều phải tuân mạng lịnh của Chánh Phối Sư khi đặng sai trấn nhậm các nơi; mọi điều canh cải là phạm Pháp Chánh Truyền, ắt bị giải ra Tòa Tam Giáo.

Quyền hành GIÁO SƯ
ID21045 - Chương : Quyền hành GIÁO SƯ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành GIÁO SƯ

Quyền hành GIÁO SƯ
Giáo Sư có 72 người, mỗi phái là 24 người.
Giáo Sư là người dạy dỗ chư Môn Đệ trong đường Đạo và đường Đời.
Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em.
Chúng nó cầm sổ bộ của cả Tín Đồ.
Chúng nó phải chăm nom về sự tang hôn của mỗi đứa.
Như tại Châu Thành lớn thì mỗi đứa đặng quyền cai quản, cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư.
Chúng nó đặng dâng sớ kêu nài về sự luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy.
Chúng nó phải thân cận với mỗi Môn Đệ, như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, nghe à!

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

VI. Quyền hành GIÁO SƯ

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Sư có 72 người, mỗi phái là 24 người.

CHÚ GIẢI: Giáo Sư có 72 người, chia đều ra mỗi Phái là 24, không đặng phép tăng thêm hay là giảm bớt.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Sư là người dạy dỗ chư Môn Đệ trong đường Đạo và đường Đời.

CHÚ GIẢI: Đã biết rằng Giáo Sư thế quyền cho Đầu Sư và Phối Sư mà cai quản các Thánh Thất nơi Châu Thành lớn mặc dầu, nhưng Thầy định quyết cho người có quyền dạy dỗ mà thôi, song quyền hành có rộng thêm đôi chút là dạy dỗ trọn cả đường Đạo và đường Đời.

Nghĩ cũng chẵng chi làm lạ, vì cả Chức Sắc Hội Thánh Cửu Trùng Đài của Thầy lập, phải tùy theo tôn chỉ Đạo, nghĩa là xu hướng về phần giáo dục mà thôi.

Thầy đã xưng là Thầy đặng dạy dỗ, còn tên của Chức Sắc đủ chỉ rõ ràng phận sự giáo hóa là chánh vai của mỗi người; như Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Giáo Tông; xem rõ lại thì tên mỗi vị chẳng mất chữ Giáo hay là chữ Sư.

Cơ Đạo từ cổ chí kim vẫn vậy, lại hiệp lời nầy "Thiên mạng chi vị tánh, xuất tánh chi vị Đạo, tu Đạo chi vị Giáo".

Thầy chỉ cậy Hội Thánh, Thầy đã đến lập, thay quyền cho Thầy mà dạy dỗ cả con cái của Thầy, nghĩa là chúng sanh đặng lành; ấy là phận sự cần nhứt của Hội Thánh đó.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em.

CHÚ GIẢI: Thầy buộc Giáo Sư phải lo lắng cho các Tín Đồ trong địa phận mình cai quản, như anh ruột lo cho em, nghĩa là thân cận với các Tín Đồ như anh em một nhà;

Cần lo giúp đỡ, phải đoạt tình thân thiết của mỗi người cho họ đủ yêu mến mà nương dựa nơi mình, hầu lừa thế chia vui, sớt nhọc, tình ái liên lạc thế nào, phải cho ra người anh ruột của các Tín Đồ, mới vừa lòng Thầy sở định. Hay.. . (1) Những tiếng anh ruột lo cho em là đủ nghĩa.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó cầm sổ bộ của cả Tín Đồ.

CHÚ GIẢI: Bộ sanh tử, bộ hôn phối, sổ nhập môn hay là trục xuất của cả Tín Đồ, đều về phần Giáo Sư nắm giữ. Giáo Sư là người thủ bộ Đời của Đạo, quyền hành đã nhứt định; chẳng Chức Sắc nào đoạt đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải chăm nom về sự tang hôn của mỗi đứa.

CHÚ GIẢI: Hễ thủ bộ Đời, thì chăm nom về tang hôn rất tiện. Quan, Hôn, Tang, Tế, là điều cần nhứt của kiếp sống người đời, mà Thầy chỉ định giao cho Giáo Sư có sự tang hôn mà thôi;

Ấy vậy Giáo Sư đặng trọn quyền sắp đặt sửa đương thế nào cho hai lẽ ấy đặng phù hạp với tục lệ của nhơn sanh, tùy theo phong hóa của các sắc người, song chẳng đặng làm cho thất thể Đạo, nghĩa là mỗi điều sửa cải phải do nơi Hội Thánh phê chuẩn. Thầy đã nói: "Của mỗi đứa", tức nhiên mình cũng phải hiểu của mỗi nước.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như tại Châu Thành lớn thì mỗi đứa đặng quyền cai quản, cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư.

CHÚ GIẢI: Đây Thầy đã nói tại Châu Thành lớn, thì chúng sanh cũng nên hiểu là địa phận thuộc về dưới quyền trách nhậm của Giáo Sư cai quản, người đặng quyền cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư, mà đặng quyền cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư thì tức nhiên phải tùng theo lễ phép của Đầu Sư và Phối Sư phán dạy. Ấy vậy lễ cúng tế chẳng phải trọn quyền của người mà là của Hội Thánh sở định.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng dâng sớ kêu nài về sự luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy.

CHÚ GIẢI: Những Tân Luật hay là Cựu Luật mà đã rõ có hại cho nhơn sanh, thì Giáo Sư đặng phép kêu nài hay là cầu xin chế giảm.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải thân cận với mỗi Môn Đệ, như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, nghe à!

CHÚ GIẢI: Đây là một câu Thầy lập lại nữa, quyết định cho Giáo Sư phải thân cận với mỗi Môn Đệ của Thầy như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, nên chi, Thầy mới gằn hai chữ "nghe à" xin hãy coi đó mà để ý.

Giáo Sư đã là người thay quyền cho Đầu Sư và Phối Sư mà cai quản Thánh Thất và cúng tế Thầy, ắt buộc phải tùng quyền Phối Sư, chẳng đặng trái mạng lịnh người, trừ ra các quyền hành riêng Thầy đã định, thì nhứt nhứt đều tùng trật tự, do lịnh Phối Sư không đặng phép tự mình sửa cãi.

Nếu sửa cãi là phạm trật tự, mà phạm trật tự, nghịch Pháp Chánh Truyền ắt bị giải ra Tòa Tam Giáo.


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Quyền hành GIÁO HỮU
ID21046 - Chương : Quyền hành GIÁO HỮU
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành GIÁO HỮU

Quyền hành GIÁO HỮU
Giáo Hữu là người để phổ thông chơn Đạo của Thầy.
Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ.
Ba ngàn Giáo Hữu chia ra đều, mỗi Phái là một ngàn, chẳng nên tăng thêm hay giảm bớt.
Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa nơi mấy tỉnh nhỏ.
Điều chi chúng nó xin, thì buộc Giáo Tông phải cần mẫn hơn hết.
Như điều chi mơ hồ, thì cũng nó là kẻ sai đi kiểm dượt.
Chúng nó phải tu hạnh đức, tư cách, cho lắm mới đặng, vì chúng nó là người thân cận với nhơn sanh hơn hết nghe à!

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

VII. Quyền hành GIÁO HỮU

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Hữu là người để phổ thông chơn Đạo của Thầy.

CHÚ GIẢI: Muốn phổ thông chơn Đạo của Thầy, buộc Giáo Hữu phải học cho lảu thông chơn Đạo của Thầy. Ấy vậy, chức Giáo Hữu phải có khoa mục mới đặng.

Cái phận sự phổ thông là một phận sự lớn lao quí trọng, nếu chẳng biết tôn chỉ của Đạo cho thông suốt, lại đem xuống truyền bá cho nhơn sanh những tư tưởng nghịch cùng chơn lý của Đạo, là hại Đạo.

Huống chi Thầy đã nói Giáo Hữu là người thân cận của nhơn sanh hơn hết, nếu chẳng lựa chọn kẻ hạnh đức, tu tâm, có đủ tư cách mà bày gương Đạo cho rõ ràng, nhơn sanh chỉ để mắt vào đó mà khen, hay là chê Đạo, vì sự chơn thật, hay là giả dối, nhơn sanh chỉ coi đó mà quyết đoán.

Trò phải như Thầy, mà Thầy thế nào Trò phải thế ấy, nhơn sanh xem Trò mà đoán Thầy. Cái thể thống của Đạo Thầy gọi là chơn thật thì phải hành Đạo thế nào cho ra chơn thật y như Thầy sở định.

Bực trí thức, muốn quan sát một nền Đạo nào, thì chẳng cần biết hết Chức Sắc, chỉ lựa một phẩm vị yếu trọng hơn hết là bực hạ thừa, mà so sánh tư cách, hạnh đức, đặng quyết đoán tôn chỉ nội dung của Tôn Giáo ấy.

Giáo Hữu là một phẩm vị rất yếu trọng. Ấy vậy buộc Giáo Hữu phải thể Đạo cho xứng đáng Tôn chỉ cao thượng của Đạo. Muốn cho xứng đáng thì phải thông suốt cả các chơn lý Đạo.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ.

CHÚ GIẢI: Giáo Hữu đặng quyền dưng sớ cho bề trên mà xin chế giảm luật lệ; biết đâu, ngày kia các vị ấy còn phải thuyên bổ đi phổ thông chơn Đạo Thầy trong một nước, hay là một dân tộc nào mà phong hóa không thể tùng theo Đạo luật đặng, nếu không chế giảm cho phù hạp thức lệ lễ nghi của sắc dân ấy, thì khó mà độ rỗi cho đặng. Thầy cho Giáo Hữu đặng quyền xin chế giảm luật lệ là vì vậy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba ngàn Giáo Hữu chia ra đều, mỗi Phái là một ngàn, chẳng nên tăng thêm hay giảm bớt.

CHÚ GIẢI: Câu ấy đã nói rõ, chẳng cần phải giải, song buộc phải nói rằng: chức Giáo Hữu để cho cả các sắc dân toàn khắp địa cầu, chớ không phải dành để cho một nước Nam n ầy mà thôi, dầu cho ngôi Giáo Tông ngày sau, cũng có đủ các dân tộc khác cầm quyền chấp chánh. Hay.. . (1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa nơi mấy tỉnh nhỏ.

CHÚ GIẢI: Hễ nói mấy tỉnh nhỏ đặng, thì cũng nói mấy xứ nhỏ, mấy nước nhỏ đặng, mà mấy tỉnh nhỏ, mấy xứ nhỏ, mấy nước nhỏ, thì phải tùng quyền mấy tỉnh lớn, mấy nước lớn, mấy xứ lớn; tức nhiên Giáo Hữu phải tùng quyền Giáo Sư.

Khi làm chủ các Thánh Thất, thì Giáo Hữu đặng phép hành lễ y như thức lệ Giáo Sư sở định, không đặng phép sửa cải, nhứt nhứt phải đợi lịnh Giáo Sư, nếu nghịch mạng thì phạm Pháp Chánh Truyền.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Điều chi chúng nó xin, thì buộc Giáo Tông phải cần mẫn hơn hết.

CHÚ GIẢI: Đã nói Giáo Hữu là người thân mật với nhơn sanh hơn hết, mà kể từ phẩm Giáo Hữu đổ lên cho tới Giáo Tông thì xa lắm;

Ấy vậy, Giáo Hữu thì gần với nhơn sanh, còn Giáo Tông thì xa nhơn sanh, nếu Giáo Tông muốn gần với nhơn sanh thì phải cần mẫn giao thân cùng Giáo Hữu. Giáo Hữu là người biết nhơn sanh hơn hết, nếu Giáo Tông muốn biết nhơn sanh, thì phải nghe lời Giáo Hữu.

Thánh ý muốn cho Giáo Tông đặng gần nhơn sanh cũng như Giáo Hữu, cho nên dặn Giáo Tông phải để ý cần mẫn, xét nét mỗi điều của Giáo Hữu cầu xin hơn hết song mỗi điều chi Giáo Hữu cũng không đặng phép loạn đẳng cấp, nghĩa là phải nương theo các phẩm cấp trên mình mà dâng sớ.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như điều chi mơ hồ, thì cũng nó là kẻ sai đi kiểm dượt.

CHÚ GIẢI: Chúng sanh là Thế, mà muốn cho biết Thế, thì phải thân cận chúng sanh, gần chúng sanh thì mới biết đặng sự hạnh phúc cùng là sự uất ức của chúng sanh.

Người gần gũi chúng sanh là Giáo Hữu: Thảng như có điều chi làm cho Đạo với Đời không tương đắc, sanh ra nghi hoặc, mơ hồ, thì không ai có thể quan sát và kiểm dượt dễ dàng hơn Giáo Hữu, nên Thầy mới giao trách nhậm riêng ấy cho, là vì vậy. Hay.. . (1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải tu hạnh đức, tư cách, cho lắm mới đặng, vì chúng nó là người thân cận với nhơn sanh hơn hết nghe à!

CHÚ GIẢI: Câu nầy trên kia đã giải rõ, đây chỉ nhắc câu quyết định "nghe à!" của Thầy đó mà thôi. Xin khá để ý.

(Ôi! cái trách nhậm lớn lao ấy, vân vân ...)


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Quyền hành LỄ SANH
ID21047 - Chương : Quyền hành LỄ SANH
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành LỄ SANH

Quyền hành LỄ SANH
Lễ Sanh là đứa có hạnh, lựa chọn trong chư Môn Đệ để hành lễ.
Chúng nó đặng đi khai đàn cho mỗi Tín Đồ.
"Thầy dặn các con rằng: Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó".
"Như đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua được hàng Chức Sắc".
Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới qua khỏi ngã ấy mà thôi, "nghe à!".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

VIII. Quyền hành LỄ SANH

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Lễ Sanh là đứa có hạnh, lựa chọn trong chư Môn Đệ để hành lễ.

CHÚ GIẢI: Thầy đã nói Lễ Sanh thì phải lựa chọn người có hạnh hơn hết trong chư Môn Đệ của Thầy ắt buộc phải hạnh nết hoàn toàn, huống chi phải vào bực Lễ Sanh mới mong bước qua hàng Chức Sắc, thì Lễ Sanh tất phải là người xứng đáng, có đủ tư cách, học thức mà làm một vị Chức Sắc Thiên Phong ngày sau.

Tuy vẫn đã biết, lúc Thầy lập Pháp Chánh Truyền, thì Thầy dạy hành lễ dường ấy mặc dầu, là bởi lễ nghi phong hóa nhà Nam ta buộc phải vậy, chớ Lễ Sanh mà đối chức "Anh" ( Frère ) của Thánh Giáo, thì phận sự cao trọng của Chức Sắc ấy là dường nào!

Sau đây buộc Lễ Sanh phải có cấp bằng nơi trường Đạo, mới mong dự cử vào địa vị ấy. Vậy thì Lễ Sanh là người thay mặt cho Giáo Hữu, khi Giáo Hữu vắng mặt, mà hành lễ cúng tế Thầy, song phải tùng quyền Giáo Hữu mà hành sự (1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng đi khai đàn cho mỗi Tín Đồ.

CHÚ GIẢI: Lễ Sanh phải đi thăm viếng các nhà Đạo Hữu, thượng tượng khai đàn; dạy cho biết lễ nghi cúng tế Thầy, thay quyền cho Giáo Hữu.

Như ngày kia Đạo đã xuất dương ra ngoại quốc thì sẽ có nhiều dân tộc chẳng có thể thờ phượng như Nam, phận sự của Lễ Sanh đây mới ra sao? Tưởng chẳng chi khác hơn là đổi ra phần thăm viếng Tín Đồ, an ủi, dạy dỗ chăm nom dìu dắt trong đường Đạo cũng như đường Đời, thay quyền cho Giáo Hữu.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy dặn các con rằng: Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó".

CHÚ GIẢI: Thấy lòng bác ái của Thầy bắt động lòng, vì Thầy đã biết rằng Lễ Sanh phải chịu tùng phục dưới quyền người sai khiến, nên phải có hạnh đức, mới biết an phận mình, mà chịu phần lòn cúi, quật hạ đặng. Thầy lại để lời dặn rằng: Lễ Sanh là người yêu mến của Thầy, ấy là Thánh ý muốn không cho kẻ bề trên lấy quyền hiếp em dưới.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Như đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua được hàng Chức Sắc".

CHÚ GIẢI: Câu nầy trên đã giải rõ, nên chẳng cần lập lại, nhưng phải nhắc rằng Lễ Sanh, hoặc đặng đắc cử hay là có khoa mục mới đạt vị.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới qua khỏi ngã ấy mà thôi, "nghe à!".

CHÚ GIẢI: Phải có cấp bằng Lễ Sanh mới vào hàng Giáo Hữu đặng, kỳ dư Thầy giáng cơ phong thưởng riêng, mới qua đặng Pháp Chánh Truyền, Thầy quyết định với tiếng "nghe à!" xin khá để ý (2).


(1) Nhiều khi chư Hiền Hữu lạm dụng danh Lễ Sanh mà cho kẻ hiến lễ làm cho mất thể diện của vị Thiên phong. Vậy Lão đặt tên cho kẻ hiến lễ ấy là Lễ Sĩ.
(2) Ôi! cái hại là do tại nơi lòng quá yêu của Chí Tôn phong thưởng ấy, mà gây loạn cho Chơn Truyền. Lão nhứt định cầu khẩn Chí Tôn chẳng cho như vậy nữa.

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ
ID21048 - Chương : Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ

CHÚ GIẢI: Chánh Trị Sự là Chức Sắc của Đức Lý Giáo Tông lập thành, (1) phải tùng quyền Lễ Sanh mà hành sự. Đặng làm chủ trong địa phận Giáo Hữu và thay mặt cho Đạo làm anh cả trong phần địa phận ấy.

Đây xin nhắc lời của Đức Lý Giáo Tông giáng bút giải nghĩa chức Chánh Trị Sự và nài Hộ Pháp ban quyền luật lệ Hiệp Thiên Đài cho Chức Sắc ấy (2) đặng đủ thế lực mà làm cho hoàn toàn trách nhậm.

Lời Đức Lý Giáo Tông nói: "Chánh Trị Sự là người thay mặt cho Lão, làm anh cả của chư Tín Đồ trong phần địa phận của nó, Lão muốn thế nào cho Lão có mặt khắp nơi, tận ven Trời cùng góc bể. Lão tưởng Hiền Hữu cũng muốn vậy chớ (3).

Trong nhơn sanh, hạng trí thức thì ít, hạng ngu muội thì nhiều, nếu chúng ta không có đủ sức điều đình, thì khó mà rải chơn lý Đạo khắp nơi cho đặng.

Càng thân cận với nhơn sanh lại càng chịu nhiều sự khó khăn rắc rối; chúng ta phải liệu phương nào mà trừ diệt những sự khó khăn ấy, khi mới nảy sanh ra. thì nền Đạo mới khỏi loạn lạc.

Vậy Lão xin Hiền Hữu ban quyền cho Chánh Trị Sự đặng phép xử trị, hầu có thể dạy dỗ sửa răn, thay quyền cho chúng ta trong chốn thôn quê sằn dã"

Khi ấy Hộ Pháp đã chịu lời cùng Ngài, (4) và đã hiểu rõ ý tứ cao thượng ấy.

Sao Thầy lại giáng bút nữa cũng khuyên Hộ Pháp ban quyền.

Theo Thánh ý Đức Lý Giáo Tông, thì quyền hành Chánh Trị Sự như vầy: Chánh Trị Sự phải chăm nom, giúp đỡ sự sanh hoạt của Môn Đệ Thầy đã chịu dưới quyền người điều khiển, giúp khó, trợ nghèo,

Coi cả Tín Đồ như em ruột, có quyền xử đoán, nhứt là việc bất bình nhỏ mọn xảy ra trong phần Địa phận của mình, song phải tùng lịnh Giáo Hữu và Lễ Sanh cùng người Đầu Họ.

Người Tín Đồ mà phạm luật Đạo, thì Chánh Trị Sự phải khuyên nhủ răn he, ít nữa là đôi lần, thảng như không biết ăn năn chừa cải, thì tư tờ về Thánh Thất sở tại cho Giáo Hữu, đặng người đòi đến mà dạy dỗ răn he.

Như Giáo Hữu đã dạy dỗ răn he rồi, mà còn tái phạm, thì Chánh Trị Sự có quyền đệ tờ lên cho người Đầu Họ mà cầu xin Hội Thánh trừng trị hay là trục xuất, chiếu theo Tân Luật.

Tờ nầy phải làm ra hai bổn, một bổn tư về Hiệp Thiên Đài, và một bổn về Cửu Trùng Đài.

Như có điều chi sái luật Đạo, mà Chánh Trị Sự đã nhiều phen tư tờ cho Cửu Trùng Đài, song Cửu Trùng Đài yêm ẩn, thì Chánh Trị Sự đặng phép tư tờ thẳng lên Hiệp Thiên Đài, kêu nài định đoạt.(5)

Cấm Chánh Trị Sự không đặng phép lấn địa phận của người đồng phẩm, không đặng đi nơi khác mà hành chánh. Buộc hành Đạo như vầy: "Phải chia địa phận mình ra nhiều địa phận", tùy theo lớn nhỏ mà giao cho Phó Trị Sự.

Buộc Phó Trị Sự phải thay phiên nhau đặng nạp cho Chánh Trị Sự, mỗi tháng ba mươi người công quả, tức là mỗi ngày, phải có một người hầu việc cho Chánh Trị Sự.

Chánh Trị sự mới sai người đó đi khắp địa phận mà thăm viếng Tín Đồ về sự bịnh hoạn, đói khó.

Hễ có một người trong địa phận bị tai nạn, thì biểu người công quả ấy ở tại đó mà giúp đỡ, săn sóc, hoặc bịnh hoạn phải lo nuôi dưỡng, hoặc nghèo nàn phải chung hiệp nhau mà gở khổ, ấy là phận sự rất cao thượng của Chánh Trị Sự, cái vẻ riêng tốt đẹp của Đạo do tại nơi đó.

Đức Lý Giáo Tông lại dạy rằng: "Vậy mới phải là anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, chia vui sớt thảm, no đói có nhau, giữ quyền lợi cho nhau, không giành, không giựt, hễ đói thì mình chung nuôi, bị thất lợi thì mình phải giữ; hễ nhục thì mình chung chịu, ắt quyền hành mình phải trọng."

Trước khi lãnh trách nhậm, buộc Chánh Trị Sự phải đến Thánh Thất sở tại mà lập minh thệ; phải thề rằng: "Giữ dạ vô tư mà hành Đạo, dầu cha mẹ, anh em, vợ con, cũng chẳng đặng phép tư vị, gìn dạ chơn thành, thể thiên hành Đạo. Chánh Trị Sự là Đầu Sư em đó vậy.


(1) Đức Giáo Tông khen: "Phải".
(2) Cười.
(3) Lão tưởng chư Hiền Hữu lại tưởng thế nào. Lão hỏi?

Thượng Trung Nhựt trả lời: Bạch Ngài, ấy là điều quí báu, từ xưa đến nay nhơn sanh không đặng hưởng ân huệ như vậy.

(4) Lão khen tài nhớ của Hộ Pháp đó.
(5) Dường ấy mới tránh sự áp quyền.

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ
ID21049 - Chương : Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ

CHÚ GIẢI: Phó Trị Sự cũng là Chức Sắc của Lý Giáo Tông lập thành.

Người đặng đồng quyền cùng Chánh Trị Sự, trong một địa phận của Chánh Trị Sự nầy cho cai quản. Người có quyền về chánh trị chớ không có quyền về luật lệ. Đặng phép sửa đương, giúp đỡ dìu dắt, dạy dỗ chư Tín Đồ trong địa phận trấn nhậm, mà không đặng phép xử đoán.

Buộc mỗi tháng, thay phiên với các Phó Trị Sự khác, mà dâng cho Chánh Trị Sự ba chục người công quả, đặng cho Chánh Trị Sự có thể sắp đặt việc giúp đỡ kẻ cô thế, bịnh hoạn, bị tai nạn, trong địa phận sở tại mình,

Song khi đắc lịnh của Chánh Trị Sự dạy giao người công quả ấy, nơi nhà người Tín Đồ nào, thì phải chăm nom coi chừng có làm phận sự cùng chăng? Hoặc có sơ sót điều chi, phải cho Chánh Trị Sự hay, đặng sửa đương chỉnh đốn lại.

Mỗi ngày phải chạy tờ nhựt để cho Chánh Trị Sự hiểu điều động tịnh trong địa phận của mình; nhứt là những sự chi làm hại cho phương diện Đạo, thì phải tức cấp cho Thông Sự hay, đặng điều đình thế nào cho an ổn.

Những sự kiện thưa, những điều sái luật Đạo, đã đặng tin quả quyết, thì chẳng đặng phép yêm ẩn, ngó lơ, buộc phải giao cho Thông Sự phán xử.

Cấm nhặt không cho Phó Trị Sự lấn quyền về luật lệ, (Hay.. .) (1) Phó Trị Sự là Giáo Tông em .


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Quyền hành THÔNG SỰ
ID21050 - Chương : Quyền hành THÔNG SỰ
Phần : Cửu Trùng Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành THÔNG SỰ

Quyền hành THÔNG SỰ

CHÚ GIẢI: Thông Sự là Chức Sắc của Lý Giáo Tông khuyên Hộ Pháp lập thành.

Thông Sự là người đồng thể cùng Phó Trị Sự trong địa phận của Phó Trị Sự cai quản, song người có quyền về luật lệ chớ không có quyền về chánh trị.

Thông Sự là người của Hiệp Thiên Đài để tùng quyền Chánh Trị Sự. Phận sự của người thì phải xem xét, kiểm dượt cử chỉ hành đạo của Phó Trị Sự. Moi việc chi làm cho mất lẽ công bình nơi địa phận của Phó Trị Sự cai quản mà Hội Thánh không rõ thấu, thì Thông Sự phải chịu phần trách cứ. Hay.. . (1)

Những điều chi sái luật Đạo, chẳng y theo lịnh Hội Thánh tư truyền, hoặc sửa cải Tân Luật, hoặc cải lịnh hành chánh, Hay.. . (1) nếu chẳng có phép của Chánh Trị Sự truyền dạy mà Phó Trị Sự tự chuyên thi hành, Hội Thánh lại không hay biết chi hết, thì tội tình ấy về phần Thông Sự.

Tuy người phải chịu dưới quyền Chánh Trị Sự mặc dầu, song đặng quyền sửa lỗi của Chánh Trị Sự. Thảng như đã thấy lẽ vô Đạo hiển nhiên của Chánh Trị Sự, thì Thông Sự đặng phép can gián sửa lỗi;

Nếu đã nhiều phen mà Chánh Trị Sự chẳng nghe và đã có tư tờ về Cửu Trùng Đài mà Cửu Trùng Đài yêm ẩn, thì người đặng phép chạy tờ về Hiệp Thiên Đài mà cầu xin sửa trị.

Người phải chăm nom, binh vực những kẻ cô thế, bất câu người có Đạo hay là ngoại Đạo, hoặc là bị tai nạn thình lình, hoặc bị nghèo nàn đói khó, hoặc bị bịnh hoạn cô thân, hoặc phải bị tha hương lữ thứ, hoặc bị yếu tha già thải, (2) người đặng trọn quyền buộc Phó Trị Sự phải liệu phương giúp đỡ.

Bất kỳ Chức Sắc nào, dầu lớn nhỏ cũng vậy, khi Thông Sự có gặp (3) việc cần dùng gắp rút trong khi hành chánh của Đạo thì buộc phải giúp đỡ binh vực.

Những kẻ nào mà Thông Sự đã nhiều phen trách cứ về tánh cường ngạnh, không chịu giúp sức người trong cơn gắp rút đã đủ chứng cớ thì Hiệp Thiên Đài sẽ xin Hội Thánh trừng trị.

Trước khi lãnh trách nhiệm, buộc Thông Sự phải đến Thánh Thất sở tại mà lập minh thệ, y như Chánh Trị Sự, Thông Sự là Hộ Pháp em.

Thầy đã nói: "Nếu dưới mắt các con còn thấy một điều mất lẽ công bình, thì Đạo chưa thành lập"(1).

CHÚ GIẢI: Bực hạ đẳng nhơn sanh thường bị hiếp đáp vì mất lẽ công bình hơn hết. Bởi cớ ấy mà quyền của Thông Sự rất nên yếu trọng.


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.
(2) Đời có sưu thuế mà đặng tha đi là có tật nguyền không phương bảo thân cho vẹn, còn lớn thì có bịnh tình phận sự mà bị thải ra thì là lão thành cô độc.
(3) Đoạn này Đức Lý Giáo Tông hỏi rằng: Nếu nói có việc chi dầu cho không nó cũng kiếm cớ đặng dụng ai sai nấy thì Hộ Pháp mới tính sao? (Cười) Ngài thêm chữ gặp vào nữa, nghĩa là thay vì: có việc; Ngài để: có gặp việc.

Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
ID21051 - Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái

Đạo phục GIÁO TÔNG
ID21052 - Chương : Đạo phục GIÁO TÔNG
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục GIÁO TÔNG

Đạo phục GIÁO TÔNG

CHÚ GIẢI: Đạo phục của Giáo Tông có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn bằng hàng trắng, có thêu bông sen vàng từ trên tới dưới, hai bên cổ áo, mỗi phía có ba Cổ Pháp là: Long Tu Phiến, Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ. (Ấy Cổ Pháp của Thượng Phẩm và Thượng Sanh trị thế)

Đầu đội mão vàng năm từng hình Bát Quái (thế Ngũ Chi Đại Đạo) ráp tròn lại bít chính giữa; trên chót mão có để chữ "Vạn" giữa chữ vạn có Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí; nơi ngạch mão, phải chạm ba Cổ Pháp cho rõ ràng, y như hai bên cổ áo đã nói trên kia,

Tay mặt cầm cây gậy 0m90, trên đầu gậy có chữ "Vạn" bằng vàng, nơi giữa chữ vạn có Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí (1).

Bộ Tiểu Phục cũng toàn bằng hàng trắng, có thêu chữ Bát Quái bằng vàng, cung Khảm ngay Hạ Đơn Điền, cung Cấn bên tay mặt, cung Chấn bên tay trái, cung Đoài bên vai mặt, cung Tốn bên vai trái, cung Ly ngay trái tim, cung Khôn ngay giữa lưng.

Đầu đội mão Hiệp Chưởng (Mitre) cũng toàn bằng hàng trắng, bề cao ba tất ba phân ba ly (0m333) may giáp mối lại cho có trước một ngạnh, sau một ngạnh hiệp lại có một đường xếp (ấy là âm dương tương hiệp) cột dây xếp hai lại;

Nơi bên tay trái có để hai dải thòng xuống, một mí dài một mí vắn (mí dài bề ngang 0m03,bề dài 0m30) trên mão ngay trước trán có thêu chữ cung Càn.

Chơn đi giày vô ưu toàn bằng hàng trắng, trước mũi có chữ Tịch Đạo Nam Nữ. Tỷ như Đức Lý Giáo Tông đương thời. thì nơi trước mũi giày của Ngài phải có chữ Tịch Đạo là "Thanh Hương" (2).


(1) Thật đẹp.
(2) Hay.

Đạo phục CHƯỞNG PHÁP
ID21053 - Chương : Đạo phục CHƯỞNG PHÁP
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục CHƯỞNG PHÁP

Đạo phục CHƯỞNG PHÁP

I.

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Thái Chưởng Pháp có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn bằng màu vàng (màu Đạo) có thêu chữ Bát Quái y như Bộ Tiểu Phục Giáo Tông, ngoài thì choàng Bá Nạp Quang màu đỏ, tức gọi là Khậu, đầu đội mão Hiệp Chưởng Hòa Thượng tay cầm bình Bát Vu, chơn đi giày vô ưu cũng màu vàng, một sắc với áo, trước mũi có chữ "Thích".

Bộ Tiểu Phục thì cũng màu vàng, y như áo Đại Phục, ngoài không đắp khậu, không đội mão mà bịt khăn màu vàng chín lớp chữ Nhứt.

II.

CHÚ GIẢI: Đạo Phục Thượng Chưởng Pháp có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn hàng trắng nơi trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đầu đội mão Hiệp Chưởng (Mitre) màu trắng, y như kiểu mão Tiểu Phục của Giáo Tông. Tay cầm Phất Chủ chơn đi giày vô ưu cũng màu trắng trước mũi có chữ "Đạo".

Bộ Tiểu Phục thì màu trắng y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu trắng chín lớp chữ Nhứt.

III.

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Nho Chưởng Pháp có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn bằng màu hồng (màu Đạo) nơi trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí. Đầu đội mão Văn Đằng màu hồng, trên mão ngay trước trán có Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí, và trên có sao Bắc Đẩu Tinh Quân. Tay cầm bộ Xuân Thu, chơn đi giày vô ưu màu hồng trước mũi có chữ "Nho".

Bộ Tiểu Phục thì cũng hàng màu hồng, y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu hồng chín lớp chữ Nhứt.

Đạo phục ĐẦU SƯ
ID21054 - Chương : Đạo phục ĐẦU SƯ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục ĐẦU SƯ

Đạo phục ĐẦU SƯ

I.

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Thái Đầu Sư có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục toàn hàng màu vàng (màu Đạo) nơi trước ngực và sau lưng có thêu sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bao quanh ba vòng vô vi, ngay giữa có một chữ Thái, áo có chín dải, ngoài choàng Bá Nạp Quang màu đỏ, y như của Thái Chưởng Pháp. Đầu đội Bát Quái Mạo màu vàng, có thêu đủ tám cung chung quanh, chơn đi giày vô ưu màu đen, trước mũi có chữ "Thái".

Bộ Tiểu Phục thì cũng hàng màu vàng y như áo Đại Phục. Đầu không đội mão mà bịt khăn màu vàng chín lớp chữ Nhứt.

II.

CHÚ GIẢI: Đại Phục của Thượng Đầu Sư cũng có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn hàng màu xanh da trời (azur) (màu Đạo) nơi trước ngực và sau lưng có thêu sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bao quanh ba vòng vô vi, cũng y như của Thái Đầu Sư, song ngay giữa có để chữ "Thượng" áo cũng chín dải, đầu đội Bát Quái Mạo y như của Thái Đầu Sư, mà màu xanh da trời, chơn đi giày vô ưu màu đen, trước mũi có chữ "Thượng".

Bộ Tiểu Phục thì cũng hàng màu xanh da trời y như Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu xanh da Trời, chín lớp chử nhứt.

III.

CHÚ GIẢI: Đạo phục của Ngọc Đầu Sư cũng có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục toàn bằng hàng màu hồng (màu Đạo) nơi trước ngực và sau lưng có thêu sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bao quanh ba vòng vô vi cũng y như Thái Đầu Sư và Thượng Đầu Sư, song ngay giữa có để chữ "Ngọc", áo cũng chín dải, đầu đội Bát Quái Mạo y như của Thượng Đầu Sư song màu hồng. Chơn đi giày vô ưu màu đen, trước mũi có chữ "Ngọc".

Bộ Tiểu Phục thì cũng hàng màu hồng, y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu hồng chín lớp chữ Nhứt.

Đạo phục của CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ
ID21055 - Chương : Đạo phục của CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ

Đạo phục của CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ

CHÚ GIẢI: Đạo Phục cũng có hai bộ phân biệt nhau (Đại Phục và Tiểu Phục) như của vị Đầu Sư, song trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng vô vi.

Chánh Phối Sư thì áo chín dải, còn Phối Sư ba dải. Chánh Phối Sư phái Thái thì choàng ngoài Đại Bá Nạp Quang màu Đỏ, còn Phối Sư phái Thái thì Tiểu Bá Nạp Quang. Đầu đội Bát Quái Mạo y như của ba vị Đầu Sư song tùy theo sắc phái mình, chơn đi giày vô ưu màu đen, trước mũi không có chữ chi hết.

Còn Tiểu Phục cũng như Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn tùy theo sắc phái mình, chín lớp chữ nhứt.

Đạo phục của GIÁO SƯ
ID21056 - Chương : Đạo phục của GIÁO SƯ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của GIÁO SƯ

Đạo phục của GIÁO SƯ

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Giáo Sư cũng có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn bằng hàng tùy theo sắc phái, nơi trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng vô vi, áo ba dải, đầu đội Thiên Ngươn Mạo Bát Quái, tùy theo sắc phái, có thêu chữ Bát Quái chung quanh, trên chót mão có Minh Châu Lý, Giáo Sư không đặng đi giày.

Tiểu Phục cũng như Đại Phục. Đầu không đội mão mà bịt khăn tùy theo sắc phái mình, bảy lớp chữ Nhơn.

Duy có Giáo Sư phái Thái phải choàng ngoài một Tiểu Bá Nạp Quang gọi là "Khậu", đầu đội mão Hiệp Chưởng của nhà Thiền, hai bên có thêu Thiên Nhãn.

Đạo phục của GIÁO HỮU
ID21057 - Chương : Đạo phục của GIÁO HỮU
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của GIÁO HỮU

Đạo phục của GIÁO HỮU

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Giáo Hữu có một bộ mà thôi, toàn bằng hàng, tùy theo sắc phái không có thêu thùa chi hết, áo có ba dải. Đầu đội Ngưỡng Thiên Mạo, cũng tùy theo sắc phái. Cái mão ấy bề cao phải cho đủ phân tấc là 0m150, ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh ba vòng vô vi, Giáo Hữu chẳng đặng bịt khăn.

Đạo phục của LỄ SANH
ID21058 - Chương : Đạo phục của LỄ SANH
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của LỄ SANH

Đạo phục của LỄ SANH

CHÚ GIẢI: Đạo phục của Lễ Sanh cũng y như của Giáo Hữu toàn bằng hàng tùy theo sắc phái, đầu đội Khôi Khoa Mạo toàn bằng hàng trắng, dầu cho phái nào cũng vậy. Ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí, Lễ Sanh không đặng phép đi giày.

Đạo phục của CHÁNH TRỊ SỰ
ID21059 - Chương : Đạo phục của CHÁNH TRỊ SỰ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của CHÁNH TRỊ SỰ

Đạo phục của CHÁNH TRỊ SỰ

CHÚ GIẢI: Chánh Trị Sự mặc Đạo phục, y như Lễ Sanh, song toàn bằng vải trắng, nịt ngang lưng một sợi dây cũng bằng vải trắng cho thiệt cứng như dây nịt: bề ngang 0m05, áo Đạo cổ trịt viền chỉ kim tuyến vàng, nơi tay trái có ba sắc Đạo bề ngang (0m06 bề dài 0m10) đầu bịt khăn đen bảy lớp chữ Nhơn, nơi khăn đen ngay giữa trán có thêu ba Cổ Pháp, y như trên mão Tiểu Phục của Hộ Pháp.

Đạo phục của PHÓ TRỊ SỰ
ID21060 - Chương : Đạo phục của PHÓ TRỊ SỰ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của PHÓ TRỊ SỰ

Đạo phục của PHÓ TRỊ SỰ

CHÚ GIẢI: Phó Trị Sự mặc Đạo Phục y như Chánh Trị Sự, song cổ trịt viền chỉ kim tuyến trắng; không đặng phép nịt ngang lưng sợi dây như Chánh Trị Sự, áo có một dải, nơi tay trái cũng có ba sắc Đạo (bề ngang 0m03 bề dài 0m05). Đầu bịt khăn đen bảy lớp chữ Nhơn.

Đạo phục của THÔNG SỰ
ID21061 - Chương : Đạo phục của THÔNG SỰ
Phần : Đạo phục chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI nam phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của THÔNG SỰ

Đạo phục của THÔNG SỰ

CHÚ GIẢI: Thông Sự mặc Đạo Phục toàn bằng vải trắng, không đặng phép viền chỉ kim tuyến, hai bên cổ áo có thêu ba Cổ Pháp của Đạo, y như của Hộ Pháp, nịt ngang lưng một sợi dây cũng bằng vải trắng cho thiệt cứng như dây nịt, bề ngang 0m05, đầu bịt khăn bảy lớp chữ Nhơn, nơi khăn đen ngay giữa trán có thêu ba Cổ Pháp y như của Chánh Trị Sự.

Cứu Trùng Đài Nữ Phái
ID21062 - Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Cứu Trùng Đài Nữ Phái

Nữ Phái
ID21063 - Chương : Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Nữ Phái

Lược giải Nữ Phái.
"Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ phái; nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp".
Nữ Phái phải tùng Đầu Sư Nữ Phái song Đầu Sư lại phải tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Nữ Phái

(Trích y Thánh Ngôn của Giáo Tông Lý Thái Bạch)

Nữ phái vốn của Đức Lý Giáo Tông lập thành.

Hộ Pháp nhắc lại lời Thầy nói cùng Chánh Phối Sư HƯƠNG THANH rằng: muốn phế Nữ Phái, song con cũng đồng con, hễ bao nhiêu Nam tức cũng bao nhiêu Nữ; Nam, Nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho Nữ Phái buổi lập Pháp Chánh Truyền, chẳng hiểu có điều chi huyền bí với Thầy cùng Ngọc Hư Cung nên Thầy mới đành lòng nói ra lời ấy, rồi lại cam lòng để cho Đức Giáo Tông đứng lập đặng tránh cho khỏi luật lệ Thiên Điều hay chăng? Hễ càng suy nghĩ lại càng thêm sợ hằng ngày.

Xem lại Nữ Phái không biết trau giồi trí thức đặng làm trách nhậm cho xứng vị mình, thì lại càng âu lo thêm nữa!

Chính mình Cao Thượng Phẩm mới giáng cơ nói rằng nhờ Ngài cầu xin tha thứ cho Nữ Phái nơi Ngọc Hư, bằng chẳng thì đã bị phế; xin chư Đạo Tỷ để dạ lo lấy phận mình.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN:"Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ phái; nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp".

CHÚ GIẢI: Đức Giáo Tông đến kêu Hội Thánh Nam Phái nói rằng: Từ đây phải xem sắc tốt của Nữ Phái Ngài đến ban đặng hành lễ theo đẳng cấp.

Cái tiếng sắc tốt không, dầu ai đọc đến cũng thầm hiểu nghĩa lý sâu xa.(1)

Giáo Tông duy chỉ dặn xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp, ấy là Ngài buộc phải có trật tự cho lắm, vì vậy mà cũng chính mình Ngài đến lập lệ Nam Nữ Phái phân biệt nhau, chẳng đặng chung hiệp nhau về phần xác và phần hồn cũng vậy.

Hộ Pháp có hỏi Ngài về sự tôn ti phẩm trật, thì Ngài dạy rằng: Nam Nữ vốn đồng quyền, còn hỏi về Lễ Nghĩa giao thiệp về phần Đời, thì Ngài dạy Giáo Hữu Nam Phái cũng chịu dưới quyền Giáo Sư Nữ Phái (2), còn lễ thì khi vào Đại Điện tỷ như Giáo Sư Nam Phái gặp Phối Sư Nữ Phái thì Nam phải đãnh lễ Nữ trước, lớn nhỏ vẫn đồng, quyền hành tùy Chức Sắc.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN:Nữ Phái phải tùng Đầu Sư Nữ Phái song Đầu Sư lại phải tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.

CHÚ GIẢI: Hội Thánh Nữ Phái phải tùng quyền Đầu Sư Nữ Phái, song cả thảy đều phải tùng quyền Giáo Tông và Chưởng Pháp.

Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông.

Hộ Pháp để lời phân phiền cùng Thầy như vầy: Thưa Thầy, Thầy đã nói con cũng đồng con, Nam Nữ vốn như nhau mà Thầy truất quyền của Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông, thì con e mất lẽ công bình chăng?

Thầy dạy: Thiên Địa hữu Âm Dương, Dương thạnh tắc sanh, Âm thạnh tắc tử. Cả Càn Khôn Thế Giái nhờ Dương thạnh mới bền vững; cả chúng sanh sống bởi Dương quang, ngày nào mà Dương quang đã tuyệt, Âm khí lẫy lừng, ấy là ngày Càn Khôn Thế Giái phải chịu trong hắc ám, mà bị tiêu diệt.

Nam ấy Dương, Nữ ấy Âm, nếu Thầy cho Nữ Phái cầm quyền Giáo Tông làm chủ nền Đạo thì là Thầy cho Âm thắng Dương, nền Đạo ắt bị tiêu tàn ám muội.

Hộ Pháp lại kêu nài nữa rằng: Thầy truất quyền Giáo Tông Nữ Phái thì đã đành, song quyền Chưởng Pháp thì tưởng dầu ban cho cũng chẳng hại.

Thầy dạy: "Chưởng Pháp cũng là Giáo Tông, mà còn trọng hệ hơn, là vì người thay mặt cho Hộ Pháp nơi Cửu Trùng Đài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị Giáo Tông, thì lẽ nào cho ngồi địa vị Hộ Pháp con.

Bởi chịu phận rủi sanh, nên cam phận thiệt thòi, lẽ Thiên Cơ đã định, Thầy chỉ cậy con để dạ thương yêu binh vực thay Thầy kẻo tội nghiệp!


(1) Nếu chư Hiền Hữu biết coi Nữ Phái như em thơ dại, chỉ biết mến đẹp ham xinh, liệu phương dụ dỗ như Lão vậy mới đặng làm trai con Thầy mà chớ.
(2) Phải vậy.

Quyền hành ĐẦU SƯ Nữ Phái
ID21064 - Chương : Quyền hành ĐẦU SƯ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành ĐẦU SƯ Nữ Phái

Quyền hành ĐẦU SƯ Nữ Phái
"Đầu Sư Nữ Phái chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật lệ Hội Thánh phân xử về đường Đời và đường Đạo."
"Đầu Sư Nữ Phái mặc một bộ Đạo Phục y như Đạo Phục Đầu Sư Nam Phái, phải đội một Ni Kim Cô; như các vãi Chùa, toàn hàng trắng áo chín dải có thêu bông sen. Trên Kim Cô có choàng từ đầu tới gót. Đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngay đầu tóc có Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót có để chữ "HƯƠNG" nghe à!

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Quyền hành NỮ ĐẦU SƯ

CHÚ GIẢI: Nữ Đầu Sư quyền như Nam Phái, song điều đình bên Nữ Phái mà thôi, chặng đặng xen lộn qua Nam, cũng như Nam chẳng xen lộn qua Nữ.

Mỗi điều chi thuộc về Nữ Phái thì Giáo Tông và Hộ Pháp chỉ do nơi Nữ Đầu Sư.

Hộ Pháp có hỏi Thầy về cái ngai của Nữ Đầu Sư, thì Thầy dạy:

"Tòa Thánh day mặt ngay hướng Tây, tức là chánh cung Đoài, ấy là cung Đạo, còn bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn, đáng lẽ Thầy phải để bảy cái ngai của Phái Nam bên tay trái Thầy, tức bên cung Càn mới phải;

Song chúng nó vì thể Nhơn Đạo cho đủ Ngũ Chi, cho nên Thầy buộc phải để vào cung Đạo là cung Đoài, cho đủ số.

Ấy vậy cái ngai của Đầu Sư Nữ Phái phải để bên cung Khôn, tức là bên tay mặt Thầy."

Hộ Pháp hỏi cái ngai ấy ra sao? thì Thầy dạy: "Giống y như cái ngai của Quan Thế Âm Bồ Tát, nghĩa là một cái Cẩm Đôn để trong vườn Trước Tử trên Nam Hải, dưới chơn đạp hai bông Sen nở nhụy."

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Đầu Sư Nữ Phái chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật lệ Hội Thánh phân xử về đường Đời và đường Đạo."

CHÚ GIẢI: Đầu Sư Nữ Phái phải tuân y Tân Luật của Hội Thánh về đường Đạo, và đường Đời, phải chịu dưới quyền Hội Thánh xử trị cũng như Nam Phái vậy, dầu cho sự công cử lên các phẩm vị cũng phải tùng y như luật Hội Thánh ban hành; nhứt nhứt y quyền Nam Phái, không điều chi cải sửa, dầu cho sự hành chánh cũng vậy.

Quyền hành sự cũng về nơi Chánh Phối Sư, Đầu Sư không đặng phép lấn quyền; hễ lấn quyền thì phạm Pháp Chánh Truyền, cũng như Đầu Sư Nam Phái vậy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Đầu Sư Nữ Phái mặc một bộ Đạo Phục y như Đạo Phục Đầu Sư Nam Phái, phải đội một Ni Kim Cô; như các vãi Chùa, toàn hàng trắng áo chín dải có thêu bông sen. Trên Kim Cô có choàng từ đầu tới gót. Đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngay đầu tóc có Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày vô ưu màu trắng, trên chót có để chữ "HƯƠNG" nghe à!

CHÚ GIẢI: Đầu Sư Nữ Phái mặc một bộ Đạo Phục toàn là hàng trắng có thêu bông sen, y như Đạo Phục Đầu Sư Nam Phái áo chín dải, đội một cái Ni Kim Cô nghĩa là:

Cái Ni Kim Cô bằng hàng trắng, y như của các vãi Chùa, có thêu bông sen, bao quanh đầu một cái Kim Cô bằng vàng, trên Ni Kim Cô ấy phải choàng một cái mão Phương Thiên, nghĩa là: Cái choàng bằng hàng cho thiệt mỏng, trên chót thêm một cái mũ bằng vàng chụp trọn đầu tóc, chính giữa ngay trước mặt có chạm Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí;

Cái choàng của mão Phương Thiên phải cho thiệt dài, ba thước ba tất ba phân, vì mỗi phen lên ngự trên ngai; thì phải có hai vị Lễ Sanh Nữ Phái theo sau, nâng đợ chẵng cho phết dưới đất;

Chơn đi giày vô ưu toàn bằng hàng trắng, trên chót mũi giày có thêu chữ "HƯƠNG" là Tịch Đạo (1). Nếu đội mão Phương Thiên dường ấy là phải bới đầu tóc ngay mỏ ác mới đặng (coi đẹp chớ hệ chi mà phòng ngại) (2).

Hương Tâm nhứt phiến cận Càn Khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

Cũng như của Nam Phái:

Thanh Đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa huyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tại vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

Đương đời này của Đức Lý Giáo Tông, thì Nam lấy chữ "THANH" Nữ lấy chữ "HƯƠNG" làm tịch, tức là cả Đạo Hữu Nam Nữ từ Tín Đồ chí Thiên Phong đều trong đời Đức Lý Giáo Tông hành chánh đứng vào tịch Thanh, Hương.

Qua đời Giáo Tông khác thì Nam sẽ lấy chữ "Đạo" Nữ chữ "Tâm". Rồi cả chư Đạo Hữu Nam Nữ sẽ lấy Tịch: Đạo, Tâm; như vậy nối truyền hoài cho hết Tịch Đạo thì Thầy sẽ giáng cơ cho Tịch Đạo khác nữa. Lớn nhỏ, sau trước nhờ chữ Tịch Đạo ấy mà phân biệt (Hay.. .).

Có kẻ hỏi: Thí dụ như đời Giáo Tông, thì Tịch Đạo của chư Đạo Hữu Nam Nữ đời trước, dầu Chức Sắc hay Tín Đồ cũng vậy, có phải buộc thay đổi Tịch Đạo không?

Ta nói: Không, vì chính mình Giáo Tông kế vị cũng phải giữ Tịch Đạo trước, kỳ dư những Tín Đồ của đời Ngài độ rỗi, tức là chi tộc của Ngài, mới đặng thay đổi mà thôi, còn những Chức Sắc cùng là Tín Đồ của Giáo Tông đời trước còn sót lại thì thuộc về chi tộc của Giáo Tông ấy không đặng phép thay đổi Tịch. (Hay.. .)

Tỷ như có Tân Giáo Tông sẽ lên kế vị cho Lý Giáo Tông thì cả Tín Đồ Nam Nữ mới nhập môn đều phải lấy Tịch "Đạo Tâm", dầu trong hàng Tín Đồ ấy sẽ có một chơn linh xứng đáng địa vị Chánh Phối Sư, mà Thầy giáng cơ phong chức đi nữa, thì cũng chịu Tịch Đạo Tâm, như các Tín Đồ khác, chớ Chức Sắc và Tín Đồ trong đời Lý Giáo Tông còn lại thì giữ Tịch "Thanh Hương" mà thôi, không đặng thay đổi.


(1) Xin giải Tịch Đạo của Nữ Phái; kế đây.
(2) Vì thấy cả Chức Sắc Nam Nữ đều chúm chím cười thầm, nên Đức Lý Giáo Tông để câu nầy.

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ Nữ Phái
ID21065 - Chương : Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ Nữ Phái

Quyền hành Chánh Phối Sư và Phối Sư Nữ Phái.
"Phối Sư cũng mặc y phục như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo ba dải, nhưng trước ngực có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Quyền hành CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Chánh Phối Sư và Phối Sư Nam Phái, song chưởng quản Nữ Phái mà thôi.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Phối Sư cũng mặc y phục như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo ba dải, nhưng trước ngực có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí".

CHÚ GIẢI: Chánh Phối Sư mặc Đạo Phục y như Đầu Sư, áo chín dải, toàn bằng hàng trắng, nơi trước ngực có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh Khí áo có thêu bông sen y như của Đầu Sư vậy, đầu đội Ni Kim Cô cũng như Đầu Sư, chơn đi giày vô ưu, có Tịch Đạo trước mũi, song không đặng phép đội mão Phương Thiên.

Phối Sư cũng mặc Đạo phục y như Chánh Phối Sư song áo có ba dải mà thôi. Chơn cũng đi giày vô ưu, có chữ Tịch Đạo trước mũi.

Quyền hành nữ GIÁO SƯ Nữ Phái
ID21066 - Chương : Quyền hành nữ GIÁO SƯ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành nữ GIÁO SƯ Nữ Phái

Quyền hành nữ GIÁO SƯ Nữ Phái
"Giáo Sư mặc áo ba dải; đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, không đi giày".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Quyền hành GIÁO SƯ

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Giáo Sư Nam Phái, song chưởng quản phần Nữ Phái mà thôi.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Giáo Sư mặc áo ba dải; đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, không đi giày".

CHÚ GIẢI: Giáo Sư mặc Đạo Phục toàn bằng hàng trắng trơn, không thêu bông sen, áo ba dải; đầu đội Ni Kim Cô bằng hàng trắng, phải cho dài từ đầu tới gót, y như của Đầu Sư và Phối Sư, chơn không đi giày.

Quyền hành GIÁO HỮU Nữ Phái
ID21067 - Chương : Quyền hành GIÁO HỮU Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành GIÁO HỮU Nữ Phái

Quyền hành GIÁO HỮU Nữ Phái
Giáo Hữu mặc Đạo Phục như Giáo Sư, nhưng không đội mão, giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên Nhãn Thầy.

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Quyền hành GIÁO HỮU

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Nam Phái, song chưởng quản phần Nữ Phái mà thôi.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Hữu mặc Đạo Phục như Giáo Sư, nhưng không đội mão, giắt một bông sen, trên bông sen có Thiên Nhãn Thầy.

CHÚ GIẢI: Giáo Hữu mặc Đạo phục y như Giáo Sư, song trên đầu không đặng đội mão Ni Kim Cô, chỉ giắt một bông sen trên đầu tóc mà thôi, giữa bông sen có Thiên Nhãn Thầy.

Quyền hành LỄ SANH Nữ Phái
ID21068 - Chương : Quyền hành LỄ SANH Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành LỄ SANH Nữ Phái

Quyền hành LỄ SANH Nữ Phái
Lễ Sanh Nữ Phái mặc Đạo Phục như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, ngay đầu tóc có giắt một bông sen.

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Quyền hành LỄ SANH Nữ Phái

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Nam Phái, song chưởng quản về phần Nữ Phái mà thôi.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Lễ Sanh Nữ Phái mặc Đạo Phục như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, ngay đầu tóc có giắt một bông sen.

CHÚ GIẢI: Lễ Sanh Nữ Phái mặc Đạo Phục y như Nữ Giáo Hữu, nhưng trên đầu thì choàng ngang một đoạn vải mỏng cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, xuống cho tới khỏi trôn, ngay đầu tóc có giắt một cái bông sen trơn chớ không Thiên Nhãn. (Phải sửa y phục của Lễ Sanh như vầy chớ phần nhiều người sái về liên hoa ấy lắm).

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ Nữ Phái
ID21069 - Chương : Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ Nữ Phái

Quyền hành CHÁNH TRỊ SỰ Nữ Phái

CHÚ GIẢI: Y như quyền Chánh Trị Sự Nam Phái song chưởng quản phần Nữ Phái mà thôi.

Chánh Trị Sự mặc Đạo Phục y như Lễ Sanh, song toàn bằng vải trắng, nịt ngang lưng một sợi dây cũng bằng vải trắng, cho thiệt cứng như dây nịt (bề ngang 0m03) áo Đạo cổ trịt viền chỉ kim tuyến vàng, nơi tay trái có ba sắc Đạo (bề ngang 0m06 bề dài 0m10) đầu để trần.

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ Nữ Phái
ID21070 - Chương : Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ Nữ Phái

Quyền hành PHÓ TRỊ SỰ Nữ Phái.

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Phó Trị Sự Nam Phái song chưởng quản phần Nữ Phái mà thôi.

Phó Trị Sự mặc Đạo Phục y như Chánh Trị Sự, song áo cổ trịt viền chỉ kim tuyến trắng, không đặng phép nịt ngang lưng một sợi dây như Chánh Trị Sự, áo một dải, nơi tay trái cũng có ba sắc Đạo (bề ngang 0m03 bề dài 0m05).

Quyền hành THÔNG SỰ Nữ Phái
ID21071 - Chương : Quyền hành THÔNG SỰ Nữ Phái
Phần : Cứu Trùng Đài Nữ Phái
Luật : Pháp Chánh Truyền

Quyền hành THÔNG SỰ Nữ Phái

Quyền hành THÔNG SỰ Nữ Phái.

CHÚ GIẢI: Y như quyền hành Thông Sự Nam Phái, song chưởng quản phần Nữ Phái mà thôi.

Thông Sự mặc một bộ Đạo Phục toàn bằng vải trắng, không đặng phép viền chỉ kim tuyến, mà hai bên cổ áo có thêu ba cổ pháp của Đạo, là: Bình Bát Vu, Phất Chủ và Bộ Xuân Thu, y như hình trên mão Tiểu Phục của Hộ Pháp, nịt ngang lưng một sợi dây cũng bằng vải trắng cho thiệt cứng như dây nịt, (bề ngang 0m03).

Luật công cử của chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI (Nam Phái và Nữ Phái)
ID21072 - Phần : Luật công cử của chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI (Nam Phái và Nữ Phái)
Luật : Pháp Chánh Truyền

Luật công cử của chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI (Nam Phái và Nữ Phái)

Luật công cử chú giải.
"Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ ba vị công cử nhau".
"Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì 36 vị công cử ".
"Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì 72 vị kia xúm nhau công cử".
"Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư, thì nhờ 3.000 vị kia xúm nhau công cử ".
"Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu, thì nhờ có cả Lễ Sanh xúm nhau công cử".
"Môn Đệ muốn lên Lễ Sanh, thì nhờ cả Môn Đệ xúm nhau công cử. Kỳ dư Thầy giáng cơ cho người nào thì mới khỏi luật ấy mà thôi".
Công cử của Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự.
"Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn Môn Đệ công cử mới đặng. Kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật ấy".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Luật công cử của chức sắc CỬU TRÙNG ĐÀI (Nam Phái và Nữ Phái)

CHÚ GIẢI: Cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài Nam Nữ, đều phải thọ phong nơi Hiệp Thiên Đài hoặc bởi cơ bút hoặc bởi khoa mục hoặc bởi công cử.

Nên khi công cử phải có mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, giữ lẽ công bình cho khỏi điều tư vị, lại còn có phương thế hỏi Đức Giáo Tông cùng Thầy, coi người đắc cử có phải chánh vị hay chăng? nên trước khi thọ sắc phải do nơi Đức Giáo Tông cùng Thầy mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ ba vị công cử nhau".

CHÚ GIẢI: Ba vị Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì cả ba người phải có mặt nơi Tòa Thánh mà công cử nhau trước mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài chứng kiến.

Phối Sư lên Chánh Phối Sư thì Pháp Chánh Truyền không quyết tức là phẩm Chánh Phối Sư do nơi quyền Giáo Tông lựa chọn.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Phối Sư muốn lên Đầu Sư thì 36 vị công cử ".

CHÚ GIẢI: Phối Sư muốn lên Đầu Sư, thì cả 36 vị xúm nhau công cử.

Tỷ như hai phẩm Đầu Sư bị khuyết thì phép chia thăm làm hai theo luật công cử thường tình, nghĩa là mỗi người phải cho đủ 18 lá thăm hay là hơn mới đắc cử. Sự công cử ấy phải tại nơi Tòa Thánh trước Hội Thánh Cửu Trùng Đài, có Hiệp Thiên Đài chứng kiến mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì 72 vị kia xúm nhau công cử".

CHÚ GIẢI: Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì 72 vị xúm nhau công cử, phép chia thăm cũng buộc theo luật thường tình, sự công cử ấy phải tại nơi Tòa Thánh trước Hội Thánh Cửu Trùng Đài, có Hiệp Thiên Đài chứng kiến mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư, thì nhờ 3.000 vị kia xúm nhau công cử ".

CHÚ GIẢI: Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì cả ba ngàn vị kia xúm nhau công cử, phép chia thăm cũng buộc theo luật thường tình. Sự công cử tại nơi Tòa Thánh trước Hội Thánh Cửu Trùng Đài, có Hiệp Thiên Đài chứng kiến mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu, thì nhờ có cả Lễ Sanh xúm nhau công cử".

CHÚ GIẢI: Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu, thì nhờ có cả Lễ Sanh xúm nhau công cử, phép chia thăm cũng cứ theo luật thường tình. Nếu có bằng nhau, người nào hạnh đức nhiều thì cho đắc cử. Sự công cử ấy phải tại nơi Tòa Thánh, trước mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài, có Hiệp Thiên Đài chứng kiến mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Môn Đệ muốn lên Lễ Sanh, thì nhờ cả Môn Đệ xúm nhau công cử. Kỳ dư Thầy giáng cơ cho người nào thì mới khỏi luật ấy mà thôi".

CHÚ GIẢI: Môn Đệ muốn lên Lễ Sanh, thì nhờ cả Môn Đệ xúm nhau công cử, phép chia thăm cũng cứ luật thường tình, sự công cử này các nơi Thánh Thất làm đặng; song khi đắc cử phải về Tòa Thánh đặng thi lại, như đậu mới đặng lãnh chức, bằng rớt thì bỏ. Hay.. . (1) Kỳ dư Thầy giáng cơ phong thưởng cho người nào thì mới khỏi luật lệ ấy mà thôi.

Hộ Pháp có hỏi Đức Lý Giáo Tông về sự công cử của Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự, thì Ngài dạy như sau này:

"Chức Chánh Trị Sự thì nhờ có cả Phó Trị Sự và Thông Sự xúm nhau công cử, phép chia thăm cứ theo luật thường tình. Sự công cử ấy phải tại nơi Thánh Thất sở tại, trước mặt người Đầu Họ, có các Chánh Trị Sự kia làm chứng mới đặng. Tờ phong sắc cho Chánh Trị Sự thì phải có Giáo Tông và Hộ Pháp ký tên mới đặng".

Tín Đồ muốn lên Phó Trị Sự, thì nhờ cả Tín Đồ trong Họ xúm nhau công cử. Phép chia thăm cứ luật thường tình. Sự công cử ấy phải tại nơi Thánh Thất sở tại, trước mặt người làm Đầu Họ và có Chánh Trị Sự làm chứng mới đặng. Tờ phong sắc cho Phó Trị Sự phải để cho Đức Giáo Tông ký tên mới đặng.

Tín Đồ muốn lên Thông Sự thì nhờ cả Tín Đồ trong Họ xúm nhau công cử. Phép chia thăm cứ luật thường tình, sự công cử ấy phải tại nơi Thánh Thất sở tại, trước mặt người làm Đầu Họ và có Chánh Trị Sự chứng kiến mới đặng. Tờ phong sắc cho Thông Sự phải để cho Hộ Pháp ký tên mới đặng.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn Môn Đệ công cử mới đặng. Kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật ấy".

CHÚ GIẢI: Phẩm Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư tranh đặng, song phải chịu toàn cả Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và chư Tín Đồ đồng tâm công cử.

Vậy thì buộc phải có người của Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài chứng kiến cho cả chư Tín Đồ công cử. Khi đắc số thăm mỗi vị phải gởi về Tòa Thánh có Thượng Hội kiểm soát.

Bàn Thượng Hội ấy phải chọn người của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài hiệp một kể từ Đầu Sư, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đổ lên, trừ người ra tranh cử.

Khi đắc cử thì phải truyền tin ra cho khắp nhơn sanh đều biết hết.

Đắc cử quả quyết rồi, nghĩa là: Khi Hội Thánh đã đủ chứng chắc không điều chi bất công, thì Hội Thánh mới xúm nhau làm lễ đăng điện cho Ngài. Còn như có điều bất công, thì buộc phải đình hoặc công cử lại, hay là xét đoán lại.

Các Chức Sắc đều phải chịu theo luật công cử nầy, kỳ dư Thầy giáng cơ phong thưởng cho ai mới ra khỏi luật.


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

Hiệp Thiên Đài
ID21073 - Phần : Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Hiệp Thiên Đài

Lược giải Hiệp Thiên Đài
ID21074 - Chương : Lược giải Hiệp Thiên Đài
Phần : Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Lược giải Hiệp Thiên Đài

Lược giải Hiệp Thiên Đài
Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.
Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Chánh Giáo, mà lập ra Phàm Giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy, đặng dạy dỗ các con mà thôi; chớ không chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.
"Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả Nhơn loại".
"Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa".
"Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp Chưởng Quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm, phần của Hộ Pháp Chưởng quản về Pháp".
"Lo Bảo hộ luật Đời và luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết".
Thượng Phẩm thì quyền về Đạo.... Lo về phần Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư Môn Đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.
Thượng Sanh thì lo về phần Đời.
"Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo, Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".

Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.

Hiệp Thiên Đài

Trước khi Thầy lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, Thầy kêu "Cả chư Môn Đệ khá tuân mạng" thì Thầy đã chỉ rõ rằng: Thầy lập Hiệp Thiên Đài rất trọng hệ là dường nào. Sự trọng hệ ấy là chi? Sau đây nên giải rõ:

Cơ Tạo Hóa chỉ có hai bí mật tối trọng, một là quan sát sự hữu hình, hai là xét đoán sự vô vi; quan sát sự hữu hình thì dễ, mà xét đoán sự vô vi vẫn rất khó; hữu hình với vô vi chỉ phân nhau với màn bí mật,

Từ thuở tạo Thiên lập Địa, dầu cho bậc Trí Thức Nhơn Sanh đặng tấn hóa lên tới bậc Đại giác đi nữa, cũng chưa hề có phương thế hé trọn vẹn màn bí mật ấy, mà dòm qua phía vô vi cho đặng, nhưng nhơn sanh đã có sẵn nơi tay một cái chìa khóa, là xem cơ tương đắc của hữu hình và vô vi trong sự sanh họat của vạn vật.

Vô vi và hữu hình phải hiệp làm một, mới thuận theo cơ tạo. Trời Đất có Âm Dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn.

Sự sống của vạn loại trong Càn Khôn Thế Giái chỉ nhờ có vật chất (La matière) và tinh thần (L'essence) tương hiệp mới thành hình, cả:

  • Vật chất hồn,
  • Thảo mộc hồn,
  • Thú cầm hồn,
  • Nhơn hồn,
  • Thần hồn,
  • Thánh hồn,
  • Tiên hồn,
  • Phật hồn,
  • Thiên hồn

đều khác đẳng cấp nhau, nên hình thể cũng biến sanh ra khác.

Vật chất không giống thảo mộc, thảo mộc không giống thú cầm, thú cầm không giống người, người không giống Thần, Thần không giống Thánh, Thánh không giống Tiên, Tiên không giống Phật, Phật không giống Trời. Nói tóm một lời, hình thể tâm thần đều khác hẳn.

Vật chất (La matière) phải tùng lịnh tinh thần (L'essence) mà lập thành hình tượng. Cái cớ hiển nhiên là hình thể của nhơn loại cũng phải tùng tinh thần mà biệt phân đẳng cấp. Kẻ hung bạo thì hình dung cổ quái, còn người lương thiện thì tướng hảo quang minh; nhờ đó mà cổ nhơn xem tướng đoán tánh người.

Xác phải phù hạp với hồn, cũng như vật chất phải phù hạp với tinh thần, vật chất vốn hữu hình, mà tinh thần lại vô vi, vô vi cùng hữu hình phải tương đắc, thấy hữu hình đoán vô vi, biết vô vi mới định quyết hữu hình.

Ấy vậy Cửu Trùng Đài là xác, Hiệp Thiên Đài là hồn. Đã nói rằng Cửu Trùng Đài là Đời, tức nhiên là xác của Đạo, còn Hiệp Thiên Đài là Đạo, tức nhiên là chơn thần của Đạo, vậy thì xác thịt có định hạn lệ đẳng cấp, chớ chơn thần chẳng hề định hạn lệ đẳng cấp đặng.

Nhiều Đấng Thiêng Liêng cao mà lại tái thế muốn ra hèn hạ, còn cũng có nhiều Đấng Thiêng Liêng thấp mà lại nhờ một phen đắc Đạo lập vị cao trọng tột phẩm, vậy thì Thiêng Liêng không có giới hạn tức là Đạo không có giới hạn. Ấy là cơ bí mật của Đạo vậy.

Chư Hiền Hữu cùng như chư Hiền Muội sẽ thấy rằng: Thầy không quyết định trách nhậm của mỗi người Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, bởi cớ mà gây nên lắm điều trắc trở trong phẩm trật của cả Thiên Phong. Nghĩa là: Để tự nhiên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài lập vị mình, thế nào cho xứng đáng cùng phẩm định.

Cửu Trùng Đài là Đời, mà Hiệp Thiên Đài là Đạo, cho nên buộc Đời phải nương Đạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rỗi nhơn sanh chuyển cơ tạo hóa.

Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp Thiên Đài thì không có Đạo, Trời Đất qua chớ Đạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài không tuyệt. (Hay lắm)

Hiệp Thiên Đài là tay vén màn bí mật cho sự hữu hình và sự vô vi hiệp làm một, tức là tay làm cho Đạo với Đời tương đắc vậy. Vì cớ ấy mà Thầy giáng cơ buộc cả chư Môn Đệ Thầy, chẳng khi nào đặng phép trái mạng lịnh của Thầy.

Dưới đây Thầy đã nói rõ:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.

CHÚ GIẢI: Thầy là Chúa cả Càn Khôn Thế Giái, tức là Chúa tể sự vô vi, nghĩa là chủ quyền của Đạo, mà hễ chủ quyền của Đạo, ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy.

Thầy đã nói Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, ấy là nơi Thầy cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, vậy Đạo còn thì Tòa ngự của Thầy là Hiệp Thiên Đài vẫn còn, hễ nói Đạo chẳng hề khi nào bị diệt, vì Đạo diệt thì là tận thế, vậy thì Đạo chưa tuyệt, ắt Hiệp Thiên Đài cũng không tuyệt. (Hay lắm)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Chánh Giáo, mà lập ra Phàm Giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy, đặng dạy dỗ các con mà thôi; chớ không chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.

CHÚ GIẢI: Câu nầy Thầy đã nói rõ nghĩa, duy Thầy chỉ than rằng: Khi trước Thầy lỡ giao Chánh Giáo cho tay phàm, hễ càng lâu chừng nào thì Thánh Đức lại càng hao mòn mà phàm tâm lại tái phục, nhơn loại sửa cải Chánh Giáo, cho vừa theo thế lực của nhơn tình mà lần lần làm cho Thánh Giáo phải trở nên Phàm Giáo. (Hay)

Nay Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ nhơn sanh mà thôi, chớ không chịu giao nền Chánh Giáo của Thầy cho tay phàm nữa.

Thảng như có kẻ hỏi: Như đã nói vậy, sao Thầy lại giao Thánh Giáo cho phàm là Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, là ý nghĩa gì?

Trong bài diễn văn của Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14 tháng hai năm Mậu Thìn, có giải rõ rằng: Thầy đến qui các lương sanh của Thầy đã sai đến trước lại làm một đặng lập Hội Thánh mà làm hình thể của Thầy, hầu tránh khỏi hạ trần trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy. (Hay)

Hội Thánh ấy, có hai phần tại thế: Phần hữu hình là Cửu Trùng Đài, tức là Đời nghĩa là xác; một phần bán hữu hình là Hiệp Thiên Đài nghĩa là: Nửa Đời nửa Đạo, ấy là chơn thần; còn phần vô vi là Bát Quái Đài tức là hồn, ấy là Đạo.

Đã nói rằng: Thầy là Chúa tể của sự vô vi, ắt Bát Quái Đài thì Thầy là chủ, mà chủ Bát Quái Đài là chủ của hồn Đạo, hồn hiệp với xác bởi chơn thần, ấy vậy chơn thần là trung gian của hồn và xác; xác nhờ hồn mà nên, thì Cửu Trùng Đài cũng phải nhờ Hiệp Thiên Đài mới mong thành Đạo. (Hay)

Như có kẻ hỏi nữa: Thầy là Chí Tôn, huyền diệu vô biên, mà lại nói Thầy không giao Thánh Giáo cho tay phàm nữa, sao lại cũng còn phải nhờ Hiệp Thiên Đài, cũng là phàm vậy? Nếu không Hiệp Thiên Đài, thì Thầy không thể lập Đạo sao?

Ta lại nói: Thầy là chúa sự vô vi, nghĩa là chúa các việc vô hình, Thầy lại ban cho người đủ khôn ngoan trí thức Thiêng Liêng, đặng làm chúa của sự hữu hình, nghĩa là chúa cả của vạn vật, nếu muốn cho sự vô vi và sự hữu hình được tương đắc, thì cả hai ông chúa phải liên hiệp nhau mới đặng, người có sức sửa cơ Tạo Hóa, song Tạo Hóa cũng tùy người mà làm cho vạn loại trở nên tận thiên, tận mỹ.

Chịu dưới quyền Thiêng Liêng của Tạo Hóa, sanh sanh tử tử, luật lệ ấy vốn nơi Trời, số số căn căn Thiên Điều đã định; người chỉ đặng có một quyền tự lập, là mình làm chủ lấy mình, luân luân chuyển chuyển, giồi cho đẹp đẽ Thánh Đức căn sanh, đặng lên tột phẩm vị Thiêng Liêng mới nhập vào cửa vô vi đồng thể cùng Trời Đất. (Hay lắm, Lão khen đó)

Quyền tự chủ ấy, vẫn đã định trước làm cho cả nhơn sanh vui theo cơ Tấn Hóa, thì dầu cho Thầy cũng không cải qua đặng; vì hễ sửa cải thì là mất lẽ công bình Thiêng Liêng đã định, làm chinh nghiêng cơ thưởng phạt. Hễ có công thưởng tội trừng thì phải để rộng quyền cho người tự chủ.

Thiên cơ đã lập có Điạ Ngục với Thiên Đàng, ấy cảnh thăng cảnh đọa.

Địa Ngục dành để cho kẻ bạo tàn, Thiên Đàng cho người đạo đức, thì cân công bình Thiêng Liêng đã sẵn. Ấy vậy chẳng buộc ai vào Địa Ngục, mà cũng chẳng nâng đỡ ai đến Thiên Đàng. Đôi đường hiển hiện, tự quyền người lựa chọn, siêu đọa tại nơi mình, các Đấng Thiêng Liêng duy có thương mà chỉ dẫn.

Thầy đến, nếu dùng cả quyền Thiêng Liêng làm cho chúng sanh thấy đặng đủ đức tin, theo đường siêu mà bỏ nẻo đọa, thì cả nhơn loại ắt xu hướng vào đường đạo đức, thì là Thầy nâng đỡ các chơn hồn vào Thiên Đàng, không cho vào Địa Ngục, (Hay) thì sự công bình Thiêng Liêng bởi nơi nào bền vững. Thưởng phạt ra bất minh, ắt phải truất bỏ cơ luân hồi chuyển kiếp.

Thầy cùng các Đấng Thiêng Liêng không nhơn thân phàm ngữ, thế nào mà thông công cùng cả chúng sanh, lại còn cao khó vói, khuất không rờ, chỉ nhờ lương sanh giúp công gầy đạo đức. Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài là người giúp công cho Thầy và các Đấng Thiêng Liêng gầy Đạo.

Luân hồi chuyển kiếp là cơ mầu nhiệm để cho các chơn hồn đặng cứu chuộc và tấn hóa, nếu truất bỏ cơ mầu nhiệm ấy đi, thì Đạo nơi nào mà bền chặt?

Nhơn loại có hóa nhân, quỉ nhân và nguyên nhân, ấy là có phân đẳng cấp, nếu Thầy dùng huyền diệu Thiêng Liêng mà làm cho nhơn loại cả thảy đều thấy đặng cơ mầu nhiệm của Đạo, đồng đặng đắc kiếp, thì phẩm vị Thiêng Liêng cũng không còn trật tự.

Trước đã nói Hiệp Thiên Đài là chơn thần, Cửu Trùng Đài là xác thịt, Bát Quái Đài là linh hồn. Hồn đặng tương hiệp cùng xác phải nhờ chơn thần, chơn thần lại là bán hữu hình, tiếp vô vi mà hiệp cùng hình thể, cũng như Đạo tiếp Thánh Đức của các Đấng Thiêng Liêng mà rưới chan cho nhơn loại. (Hay) Nhơn loại đặng liên hiệp cùng Trời thể nào, thì Cửu Trùng Đài phải liên hiệp cùng Bát Quái Đài thể ấy.

Bát Quái Đài là hồn của Đạo mà Thầy đã nắm chặt phần hồn thì xác phải nương theo hồn, mới mong giữ bền sanh hoạt, hồn Đạo Thầy đã nắm chặt rồi; thì Đạo chẳng hề khi nào còn chịu dưới tay phàm nữa (2) Ấy vậy Thầy nói không chịu giao Thánh Giáo cho tay phàm là tại vậy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả Nhơn loại".

CHÚ GIẢI: Câu nầy, đã có giải rõ trong chú giải Pháp Chánh Truyền, Cửu Trùng Đài Nam Phái, nên không cần nói lại.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa".

CHÚ GIẢI: Sở dụng Thiêng Liêng là Hiệp Thiên Đài, làm trung gian của Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nghĩa là: Trung gian của Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài; vì Cửu Trùng Đài cầm quyền độ rỗi, còn Bát Quái Đài cầm quyền siêu rỗi. (Hay)

Cả chơn thần toàn trong thế giái đặng tương hiệp nhau chỉ phải nhờ nơi cửa Hiệp Thiên Đài, ấy là phần Thiêng Liêng; còn phần phàm trần thì cầm quyền luật lệ, cũng như Đạo có phép Thiên Điều, mà gìn giữ công bình Thiêng Liêng cơ tạo, chế sửa Ngươn Tranh Đấu ra Ngươn Bảo Tồn (3) làm cho nhơn loại đặng hòa bình, lánh xa cơ tự diệt. (Hay)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp Chưởng Quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm, phần của Hộ Pháp Chưởng quản về Pháp".

CHÚ GIẢI: Vậy thì Hiệp Thiên Đài phải dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, cũng như Cửu Trùng Đài dưới quyền Giáo Tông và Bát quái Đài dưới quyền Đức Chí Tôn làm chủ.

Hộ Pháp là ai?
ID21075 - Chương : Hộ Pháp là ai?
Phần : Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Hộ Pháp là ai?

Hộ Pháp là ai?

Huyền vi mầu nhiệm của Đạo có Thiên Điều, cơ bí mật của Đời có Luật Pháp, Hộ Pháp là người nắm cơ mầu nhiệm của Đạo, nắm Luật của Đời, xử đoán chư Chức Sắc Thiên Phong và cả Tín Đồ cùng là xin ban thưởng; công thưởng, tội trừng nơi thế nầy.

Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị; phải chiếu luật Đạo cho toàn cả Tín Đồ, khỏi bị Thiên Điều, giữ phẫm vị Thiêng Liêng mỗi Chức Sắc, ắt phải gìn giữ đạo đức của mỗi người.

Người dùng hình phàm làm cho giảm tội Thiêng Liêng. (Hay) Nắm cơ mầu nhiệm công bình mà đưa các chơn hồn vào Bát Quái Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử đoán, làm chủ phòng Xử Đoán.

Dưới quyền Hộ Pháp có bốn vị:

  • Tiếp Pháp
  • Khai Pháp
  • Hiến Pháp
  • Bảo Pháp

Bốn vị ấy đồng quyền cùng Hộ Pháp; khi đặng lịnh người sai đi hành chánh, song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Pháp là người tiếp luật lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét đoán, coi có nên phân định hay chăng; những điều nào không đáng thì chiếu theo Đạo Luật, hoặc bỏ qua, hoặc trả lại cho Cửu Trùng Đài còn như đáng việc phải phân định, thì phải dâng lên cho Khai Pháp định đoạt.

Khai Pháp khi tiếp đặng luật lệ, đơn trạng kiện thưa của Cửu Trùng Đài định xử hay là đã xử nơi Tiếp Pháp dâng lên, thì quan sát coi nên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài biết cùng chăng, như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho Cửu Trùng Đài xin đình đãi nội vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ Pháp hay, đặng Hộ Pháp mời nhóm Hiệp Thiên Đài, khi hội Hiệp Thiên Đài thì Khai Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho Hiệp Thiên Đài quyết định, như quyết định phải sửa cải luật lệ hay là buộc án, thì Khai Pháp phải dâng lại cho Hiến Pháp.

Hiến Pháp khi tiếp đặng luật lệ đơn trạng, thì phải mở đường tra vấn cho minh lẽ nên hư, phải trái, đủ chứng cớ rõ ràng, rồi dâng lên cho Bảo Pháp cho đủ nội vụ, cấm Hiến Pháp không đặng thông đồng cùng Hiến Đạo và Hiến Thế. Ấy vậy kể từ việc chi đã giao vào tay Hiến Pháp rồi, thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo Pháp thì gìn giữ sự bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ đoán xét và định án chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Hộ Pháp đặng người phân xử.

Bảo Pháp là người Đầu Phòng Văn của Hộ Pháp.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Lo Bảo hộ luật Đời và luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết".

CHÚ GIẢI: Nói tóm lại, Hộ Pháp là người bảo hộ, luật Đời và luật Đạo, gìn giữ cho Đạo khỏi qui phàm, nâng đỡ cho đời vào Thánh vị, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết, dầu toàn Cửu Trùng Đài hay là Hiệp Thiên Đài sái luật thì Hộ Pháp phải phân xử cho phân minh, vì vậy mà Thầy buộc cả chi "Pháp" phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Thượng Phẩm là ai?
ID21076 - Chương : Thượng Phẩm là ai?
Phần : Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Thượng Phẩm là ai?

Thượng Phẩm là ai?

Thượng Phẩm là người thay mặt cho Hộ Pháp, phải tùng lịnh Hộ Pháp mà hành chánh. Hễ bước chơn vào cửa Đạo, thì là có Thiên Phẩm, mà hễ có Thiên Phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn nghĩa Phổ Độ.

Các chơn linh dầu nguyên nhân hay là hóa nhân đều nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao cho khỏi phạm luật lệ; xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, ắt giữ cho Cửu Trùng Đài đặng hòa nhã êm đềm, khép cửa Thiên Môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước (hay). Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên, hay là bị người mà phải hạ.

Người nắm luật Đạo nơi tay mà binh vực cả chư Chức Sắc Thiên Phong và các Tín Đồ, chẳng cho ai phạm luật, vừa lo cho người Đạo hạnh lên cho tột phẩm vị mình.

Thượng Phẩm là chủ phòng cải luật, làm Trạng Sư của Tín Đồ.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thượng Phẩm thì quyền về Đạo, dưới quyền:

  • Tiếp Đạo
  • Khai Đạo
  • Hiến Đạo
  • Bảo Đạo

Lo về phần Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư Môn Đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

CHÚ GIẢI: Các Tịnh Thất đều về quyền của Thượng Phẩm cai quản. Cả Tín Đồ thì về phần người binh vực, chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng, các Chức Sắc trấn nhậm mấy Thánh Thất phải do nơi quyền người thuyên bổ, liệu lượng tài sức mỗi người, mà chỉ định phận sự (công bình vậy).

Thượng Phẩm là cây cờ của Đạo. Hễ Đạo nơi nào thì Thượng Phẩm nơi ấy.

Thượng Phẩm đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

Hiệp Thiên Đài là luật lệ mà Thượng Phẩm lại là Chánh Trị, ấy vậy Thượng Phẩm là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

Bốn vị Thời Quân của chi Đạo, đồng quyền cùng Thượng Phẩm khi người ban quyền hành chánh, song mỗi vị có phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Đạo là người tiếp cáo trạng án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng, đáng ra binh vực thì phải dâng lại cho Khai Đạo.

Khai Đạo khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi, thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu nhóm Đại Hội Hiệp Thiên Đại đặng định liệu, như phải đáng bào chữa thì Khai Đạo phân giải giữa hội cho ra lẽ oan ưng, Hiệp Thiên Đài cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến Đạo.

Hiến Đạo khi đặng tờ chi của Khai Đạo dâng lên, tức cấp phải tìm biết căn nguyên cho rõ ràng, cấm không cho Hiến Đạo thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Thế.

Sự chi đã vào tay Hiến Đạo rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Hiến Đạo phải dâng nội vụ lên cho Bảo Đạo.

Bảo Đạo phải gìn giữ bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ lý đoán binh vực chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Thượng Phẩm, đặng người lo phương bào chữa.

Bảo Đạo là người làm Đầu Phòng Văn của Thượng Phẩm.

Thượng Phẩm và tứ vị Thời Quân của chi Đạo, phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Thượng Sanh là ai?
ID21077 - Chương : Thượng Sanh là ai?
Phần : Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Thượng Sanh là ai?

Thượng Sanh là ai?

Vật chất hữu sanh, thảo mộc hữu sanh, cầm thú hữu sanh, nhơn loại hữu sanh, tức là chúng sanh. Trong chúng sanh đã có nguyên sanh, hóa sanh và quỉ sanh (4).

Tỷ như nguyên nhân là khi Khai Thiên rồi, thì đã có chơn linh ấy, còn hóa nhân là chơn linh vật loại, đoạt đến phẩm vị nhơn loại, còn quỉ nhân là hai chơn linh kia xu hướng ác hành mà bị đọa đày vào quỉ vị.

Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết, nên gọi là Thượng Sanh.

Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, Thầy đem các chơn linh dầu nguyên sanh, quỉ sanh hay là hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn câu phổ độ.

Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhơn chuộc tội hay là hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi (ấy là thế độ). Nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Đạo, nắm luật thế nơi tay, mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Đạo.

Ai làm cho ngăn cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh đặng quyền kiện cùng Tòa Thánh; Chư Chức Sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh Đạo, thì người có quyền xin trị tội tức thì.

Thượng Sanh làm chủ phòng Cáo Luật.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thượng Sanh thì lo về phần Đời.

CHÚ GIẢI: Mỗi sự chi thuộc về đời thì về quyền của Thượng Sanh.

Dưới quyền của Thượng Sanh có bốn vị Thời Quân là:

  • Tiếp Thế
  • Khai Thế
  • Hiến Thế
  • Bảo Thế

Bốn vị Thời Quân chi Thế đặng cùng quyền cùng Thượng Sanh, khi người ban lịnh hành chánh; song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Thế khi đặng thế luật hay là trạng cáo chi của ngoại Đạo cùng là của Tín Đồ, mà kiện thưa trách cứ Chức Sắc Thiên Phong, bất câu phẩm vị nào, phải dâng lên cho Khai Thế.

Khai Thế khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp Thế dâng lên, thì phải kiếm hiểu các nguyên do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua Cửu Trùng Đài cho biết nội vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu người mời hội Hiệp Thiên Đài đặng định đoạt. Khi đặng lịnh của Hiệp Thiên Đài thì Khai Thế phải dâng nội vụ lên cho Hiến Thế.

Hiến Thế khi tiếp đặng nội vụ của Khai Thế dâng qua, thì tức cấp phải đi tra xét cho đủ chứng cớ rõ ràng rồi dâng lên cho Bảo Thế. Cấm nhặt không cho Hiến Thế thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Đạo.

Mỗi việc chi hễ vào tay Hiến Thế rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không biết tới nữa.

Bảo Thế phải giữ gìn sự bí mật ấy cho kín nhiệm rồi chiếu y theo Đạo Luật và Thế Luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng Sanh đặng người đến Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài hay là Bát Quái Đài mà buộc tội.

Bảo Thế là người Đầu Phòng Văn của Thượng Sanh.

Thượng Sanh là cây cờ của thế, tức là Đời, ấy vậy đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó. Người có quyền xem xét kẻ hành đạo coi Thánh Đức có đắc nhơn tâm cùng chăng, nhược bằng kẻ ấy thể Đạo không đủ tư cách, thì người có quyền dâng sớ cầu xin thuyên bổ.

Thượng Sanh đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

Hiệp Thiên Đài là luật lệ, mà Thượng Sanh lại là Chánh Trị, ấy vậy là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

Thượng Sanh và tứ vị Thời Quân về chi Thế, cũng phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Ngoài Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Arts Belles Littres) trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân nay đã vào chánh vị đặng chỉnh đốn lễ nhạc lại cho hoàn toàn, cho tới ngày thành Đạo. Bảo Sanh Quân (Assistance publique) Thầy đương phong đỡ làm Tiếp Y Quân đặng đợi tới ngày thành Đạo. Bảo Học Quân (Enseignement) và nhiều Chức Sắc khác nữa Thầy chưa lập.

Các vị ấy Hộ Pháp còn đương chờ đến.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo, Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".

CHÚ GIẢI: Vì lời khuyên của Thầy mà Đức Lý Giáo Tông xin buộc cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài phải Minh Thệ giữa Hội Thánh rằng: Lấy dạ vô tư mà hành Đạo, lại muốn tỏ ra rằng: Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thật trọng quyền, Ngài mới ban dây sắc lịnh, buộc cả Tín Đồ và cả Chức Sắc Thiên Phong, hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mang dây sắc lịnh vào mình mà hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chiều theo, chỉ để cho Hội Thánh có quyền định tội, lại buộc cả Chức Sắc nào đã thọ quyền của Hiệp Thiên Đài cũng phải minh thệ, y như vậy mới đặng hành chánh. (Bảo Văn Pháp Quân cũng phải vậy nữa nghe.) (5)


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.
(2) Hay lắm, hay lắm.
(3) Nguơn Tạo Hóa, Nguơn Tấn Hóa và Nguơn Bảo Tồn, đã giải rõ trong bài chú thích Pháp Chánh truyền Cửu Trùng Đài Nam Phái.

Dưới Cửu Trùng Đài có Tòa Tam Giáo cũng như Bát Quái Đài có Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng. Khi nào có Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài xử đoán rồi mà người bị cáo còn uất ức hàm oan thì mới kêu nài đến Tòa Hiệp Thiên Đài, thảng như Tòa Hiệp Thiên Đài xử rồi mà người bị cáo còn uất ức nữa thì phải kêu nài lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là quyền của Bát Quái Đài chưởng quản.

Dầu cho lập Tòa Tam Giáo dưới Cửu Trùng Đài hay là đệ lên cho Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là Bát Quái Đài, cũng đều phải do nơi Hộ Pháp.

(4) Nguyên sanh là gốc từ Khai Thiên đã có. Hóa sanh là Khai Thiên rồi mới biến hóa ra. Quỉ sanh là hai phẩm kia phạm Thiên Điều bị sa đọa.
(5) Ấy là lời của Đức Lý Giáo Tông dặn Bảo Văn Pháp Quân.

Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
ID21078 - Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài

Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Đạo phục của Hộ Pháp
ID21079 - Chương : Đạo phục của Hộ Pháp
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của Hộ Pháp

Đạo phục của Hộ Pháp

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Hộ Pháp có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục, người phải mặc giáp, đầu đội Kim Khôi toàn bằng Vàng, trên Kim Khôi có thể Tam Sơn, giống như cái chỉa ba ngạnh, chủ nghĩa là Chưởng Quản Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc. Chơn đi hia, trên chót mủi hia có chữ "Pháp", ngoài giáp thì choàng mãng bào, thế nào bên tả phải giáp, bên hữu thì mãng. Tay hữu (bên Đạo, nghĩa là bên Thượng Phẩm) cầm Gián Ma Xử (thể, lấy Đời chế Đạo) còn tay tả (bên Thế, nghĩa là bên Thượng Sanh) nắm sâu chuỗi "Từ Bi" (thể, lấy Đạo chế Đời) thành ra nửa Đời nửa Đạo. Ngang lưng cột dây lịnh sắc có ba màu Đạo (thể Chưởng Quản Tam Giáo nơi mình, nắm trọn Thể Pháp và Bí Pháp đặng qui nhứt), cái mối dây lịnh sắc phải ngay chính giữa bụng.

Bộ Tiểu Phục thì toàn bằng hàng vàng (màu Đạo), đầu đội Hổn Ngươn Mạo màu vàng, bề cao một tấc ngay trước trán chính giữa có thêu ba Cổ Pháp của Tam Giáo là Bình Bát Vu, cây Phất Chủ, và bộ Xuân Thu, ngay trên ba Cổ Pháp ấy có chữ "Pháp" chơn đi giày vô ưu màu trắng. Nơi chót mũi có chữ "Pháp" lưng nịt dây lịnh sắc y như Đại Phục.

Khi ngồi Tòa Tam Giáo, thì phải mặc bộ Tiểu Phục, còn Đại Phục thì chỉ để khi ngự trên ngai mình.

Đạo phục của THƯỢNG PHẨM
ID21080 - Chương : Đạo phục của THƯỢNG PHẨM
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của THƯỢNG PHẨM

Đạo phục của THƯỢNG PHẨM

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Thượng Phẩm cũng có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục thì toàn bằng hàng trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh có viền chỉ kim tuyến bạc. Đầu để trần, chơn đi giầy vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ "Đạo". Lưng buộc dây lịnh sắc y như của Hộ Pháp song mối phải thả ngay bên hữu. Tay hữu cầm Long Tu Phiến (nghĩa là cây quạt kết đủ 36 lông cò trắng) trên đầu quạt ngay giữa có Phất Chủ, (thể, quạt đưa các chơn hồn vào Tam Thập Lục Thiên, nghĩa là vào Thiên vị) tay tả cầm sâu chuỗi Từ Bi, (thể, dâng Đạo vào cho Hộ Pháp).

Bộ Tiểu Phục cũng bằng hàng trắng, lưng cột dây lịnh sắc y như Đại Phục, đầu đội Hổn Ngươn Mạo màu trắng, y như của Hộ Pháp, ngay giữa trán có thêu "Long Tu Phiến" ngay trên hình Long Tu Phiến có chữ "Đạo".

Khi đến Tòa Tam Giáo, thì phải mặc bộ Tiểu Phục, còn Đại Phục thì chỉ dùng khi đến ngự trên ngai mình.

Đạo phục của THƯỢNG SANH
ID21081 - Chương : Đạo phục của THƯỢNG SANH
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của THƯỢNG SANH

Đạo phục của THƯỢNG SANH

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Thượng Sanh cũng có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục cũng y như của Thượng Phẩm, đầu bịt "Thanh Cân" nghĩa là: (một bao đảnh xanh), lưng mang dây Thần Thông (nghĩa là một đường lụa đỏ) và nịt dây lịnh sắc y như của Hộ Pháp và Thượng Phẩm, song mối phải thả ngay về bên tả. Nơi lưng giắt Thư Hùng Kiếm (thể, tạo thế và chuyển thế) tay hữu cầm cây Phất Chủ (thể, đưa thế vào cho Hộ Pháp) tay tả nắm sâu chuỗi "Từ Bi" (thể, dâng Đạo cho Nhơn Sanh), chơn đi giầy vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ "Thế".

Bộ Tiểu Phục cũng y như của Thượng Phẩm, song ngay trước mão chính giữa có thêu Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ, ngay trên hình Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ có chữ "Thế", lưng cột dây lịnh sắc như Đại Phục.

Khi đến Tòa Tam Giáo, thì phải mặc bộ Tiểu Phục, còn Đại Phục thì chỉ khi đến ngự trên ngai mình.

Đạo phục của THẬP NHỊ THỜI QUÂN
ID21082 - Chương : Đạo phục của THẬP NHỊ THỜI QUÂN
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của THẬP NHỊ THỜI QUÂN

Đạo phục của THẬP NHỊ THỜI QUÂN

CHÚ GIẢI: Đạo Phục của Thập Nhị Thời Quân có hai bộ, một bộ Đại Phục và một bộ Tiểu Phục.

Bộ Đại Phục toàn bằng hàng trắng, cổ trịt viền chỉ Kim Tuyến bạc. Đầu đội mão quạ cũng bằng hàng trắng, lưng nịt dây lịnh sắc theo chi mình mà thả mối, chơn đi giầy vô ưu màu trắng.

Bộ Tiểu Phục cũng toàn hàng trắng. Lưng nịt dây lịnh sắc y như Đại Phục. Đầu đội mão cũng như Tiểu Phục của Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh, tùy theo chi mình mà để Cổ Pháp, chơn đi giầy vô ưu màu trắng.

Khi Hành Chánh thì mặc bộ Tiểu Phục, còn Đại Phục thì khi Đại Lễ. Còn nhiều vị Chơn Quân khác hoặc đã đến rồi hoặc chưa đến, mà Đạo Phục còn để tạm hay là Thầy chưa quyết định, sau sẽ giải rõ.

Đạo phục của BẢO VĂN PHÁP QUÂN
ID21083 - Chương : Đạo phục của BẢO VĂN PHÁP QUÂN
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của BẢO VĂN PHÁP QUÂN

Đạo phục của BẢO VĂN PHÁP QUÂN

CHÚ GIẢI: Bộ Đại Phục của Văn Pháp toàn bằng hàng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo (1) như các Chức Sắc nơi Hiệp Thiên Đài, song hai bên ngay chính giữa có kết một bông sen năm cánh, trên mỗi bông thì thêu Thiên Nhãn Thầy ngay đường giữa trước mão cũng kết một bông sen nhưng khỏi thêu Thiên Nhãn. Cả thảy là ba bông sen trên mão.

Lưng đai Bạch Tuyết Thần Quang bằng hàng trắng, bề dài ba thước ba tấc ba phân; bề ngang ba tấc ba phân ba ly, buộc mối chừa ra trước thế nào đủ thắt một bông sen năm cánh.

Chơn đi giầy vô ưu cũng bằng hàng trắng, trước mũi mỗi chiếc cũng có một bông sen nhỏ hơn một thí.


(1) Y theo Thánh Giáo ngày 13 Mars 1931 của Lục Nương Diêu Trì cung dạy về mão của Thập Nhị Thời Quân thì cái vòng tròn úp lên đầu đội là "Thế Nhựt Hình" còn hình bán nguyệt của mão là "Thế Nguyệt Tượng". Vậy thì gọi là Nhựt Nguyệt Mạo.

Đạo phục của BẢO SANH QUÂN
ID21084 - Chương : Đạo phục của BẢO SANH QUÂN
Phần : Đạo phục của chức sắc Hiệp Thiên Đài
Luật : Pháp Chánh Truyền

Đạo phục của BẢO SANH QUÂN

Đạo phục của BẢO SANH QUÂN

CHÚ GIẢI: Bộ Đại Phục của Bảo Sanh Quân toàn bằng hàng trắng. Đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo giống như các Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, ngay giữa mão từ ba phân lên bốn phân thêu một Thiên Nhãn; hai bên mão thêu hai Thiên Nhãn nữa, cả thảy là ba.

Vòng theo vành mão cột một sợi dây Tiên Thằng, (bề ngang tám phân, bề dài hai thước) buộc thế nào chừa Thiên Nhãn ngay giữa mão ra, cho hai mối thòng xuống hai bên vai.

Lưng đai Song Quang Thần Thông, nghĩa là một đường lụa trắng, kết hai bên hông hai vòng vô vi.

Chơn đi giầy vô ưu cũng bằng hàng trắng.

Bài diễn văn của HỘ PHÁP
ID21085 - Phần : Bài diễn văn của HỘ PHÁP
Luật : Pháp Chánh Truyền

Bài diễn văn của HỘ PHÁP

Bài diễn văn của HỘ PHÁP

Chư Hiền Huynh và chư Hiền Tỷ

Ai là người đã mang mảnh xác thịt ở trong vòng võ trụ nầy, cũng nhìn rằng đã thọ ân của hai Đấng Tạo Công.

Đấng thứ nhứt, là Trời.

Ban cho ta một điểm linh tâm; chúng ta nhờ nương theo nó mà khôn ngoan hơn vạn vật, hầu thay thế cho Trời, mà trau giồi cơ hữu hình của đời, cho ra tận thiện tận mỹ;

chung qui rồi thì cả sự hay khéo của cá nhân, lại hiệp cộng vào khối trí thức tinh thần của toàn nhơn loại, đặng lưu lại làm chương trình học vấn của hậu tấn, lập nên phương thế cho kẻ trước dắt người sau, người sau nương kẻ trước; lẽ Trời định vậy.

Chúng ta nhờ tìm mà hay, nhờ học mà hiểu, đào luyện trí lự; đặng nối chí của người tiền nhơn. Trước qua, sau tới, nong nã cho trí lự tăng tiến thêm hoài; tưởng khi đến ngày tận thế, thì có lẽ nhơn loại sẽ đạt đặng biết bao sự bí mật huyền vi cơ tạo.

Ấy là cớ chỉ rõ và chứng chắc rằng, quả có Đấng Chí Linh đưa tay thúc giục cả vạn loại vào đường tấn hóa trí thức tinh thần.

Đấng thứ nhì, là Cha Mẹ chúng ta.

Ban cho chúng ta mảnh hình hài nầy, nhờ nuôi mới sống, nhờ dạy mới khôn; chịu nơi vòng hữu định của trí lự và phận sự làm người; nặng mang mối Đạo Quân, Sư, Phụ nơi mình, tam cang, ngũ thường vai oằn oại, cái khó khăn của phận làm người, ai không ghê sợ; ngặt ghê sợ mà vong phế, lại chẳng trọn đạo làm người.

Hại nỗi! Cái khó đời lại còn gây thêm lắm điều tăng khổ; đời càng khó, phận càng gay, đời càng hay, càng sanh nỗi khó; nếu chúng ta không khảo dượt tận tâm cái vấn đề cơ sanh hoá chúng ta, mà quyết định lấy một chương trình, hầu nương theo mà điều độ cái hành vi thân thể, thì là tránh sao cho khỏi hại bởi lạc lầm, vì vụng trí.

Cái chương trình ấy là những cơ chỉ sanh ra bởi các tư tưởng của cả Tôn Giáo đã lập thành nên Đạo. Chữ Đạo là đường đặt ra bởi đó, đặng dìu dắt nhơn sanh khỏi bước đời gay trở;

cốt yếu là lập mục đích, định chuẩn thằng cho kẻ trước hiệp người sau, kẻ kim hòa người cổ, tóm cả trí lự của nhơn loại, đặng làm ngọn huệ quang soi rọi khắp nhơn gian, mượn cả sự tội tình sầu thảm của thế, mà tạo Bát Nhã thuyền đặng vớt người nơi khổ hải.

  • Phật, vì thương đời, mà tìm cơ giải khổ.
  • Tiên, vì thương đời, mà bày cơ thoát khổ.
  • Thánh, vì thương đời, mà dạy cơ thọ khổ.
  • Thần, vì thương đời, mà lập cơ thắng khổ.
  • Hiền, vì thương đời, mà đạt cơ tùng khổ.

Chữ khổ là đề mục của khoa học trường đời, phẩm vị Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật, là ngôi vị của trang đắc cử.

Hễ có vay thì có trả, có thỉ ắt có chung, có gầy tự nhiên có lập (tuote cause a son effet); trong trường hỗn độn nầy, đã sanh biết bao oan nghiệt tội tình, làm cho các đẳng linh hồn, dầu cho còn giữ nguyên linh, biết tự trọng, tự bảo mình đi nữa, vì trược nhiễm, cũng khó mong thoát đặng dễ dàng khỏi cửa luân hồi chuyển kiếp.

Đã tấn, ắt có thối, đã dở phải tìm hay, đã tà thì tìm chánh, đã dữ ắt tìm lành; (la loi des réparations), nỗi cuộc tranh đua đã gây biết bao oan gia; trái chủ, buộc các Đấng Thiêng Liêng, dầu cho đặng cao thăng, biết dưỡng chí, tu tâm đi nữa, cũng bởi lẩn truất thương sanh, mà phải phế hủy kiếp duyên, chịu đọa đày nơi trần tục.

Cái cơ tấn hóa Thiêng Liêng vẫn thế, chẳng khác nào như có một quyền hành mạnh mẽ buộc các đẳng linh hồn phải thuận tùng mà lập thành địa vị, đẳng cấp, cho đến ngang bậc cùng Trời, dầu cho Cổ Phật cũng khó toan tránh khỏi.

Có hữu hình thì chắc có vô vi, công bình tạo đoan đã định, tại thế nầy thể nào, thì trên cõi hư linh cũng vậy, chẳng khác nào đã có mặt luật nhiệm mầu, giục cả nhơn sanh tự tỉnh, lấy trí thức mà lánh dữ tìm lành, theo gương chư Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật, dầu cho Đức Chí Tôn, cũng phải chiều theo phép mà tạo thời, cải thế.

Phép của Trời có một, là thương khắp cả chúng sanh, nên định cho phẩm vị hữu hình và Thiêng Liêng có một, nghĩa là phải tương đắc cùng nhau, đặng định quyết phép công bình lành thăng, dữ đọa.

Máy tạo bởi chữ hòa mà có, thì thế giái càn khôn cũng phải hòa mới vĩnh cửu. Địa cầu nầy cũng phải hòa mới toàn hảo, nhơn loại cũng phải hòa mới trường tồn, chẳng khác nào xác thịt phải hòa thuận cùng linh hồn mới mong đạt Đạo.

Lấy lớn mà định nhỏ, xem nhỏ mà tìm lớn, thi hài nầy nhờ hòa khí mà thành hình, thì linh hồn cũng phải tùng theo phép âm dương hòa hiệp mới qui hồi cựu bổn; linh hồn bởi chữ hòa khí mới có đến thì tức nhiên phải nương theo hòa khí mới có về.

Tuy pháp bửu của các Tôn Giáo đã đoạt đặng vẫn nhiều, chớ cơ mầu nhiệm chỉ có chữ hòa là đủ.

  •  Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đà vào lục dục thì là thuận cùng trí lự khôn ngoan.

  •  Khí lực cho cường thạnh thanh bai đừng để đến đổi mê muội bởi thất tình, thì trí lự khôn ngoan thuận theo linh tâm mà nẩy nở.

  •  Linh tâm phải định tĩnh từ hòa, đừng để đến đổi mờ ám bởi tội tình, thì thuận với lòng Trời, hiễn linh tại thế đặng đoạt phép huyền vi.

Thân là tinh, lực là khí, trí là thần.

Nói rõ ra thì tinh là thân thể; khí là điễn lực nghĩa là trí lự; thần là linh hồn; ba cái báu của mình ngày nào tương đắc, nghĩa là hòa hiệp cùng nhau, thì người mới mong đắc Đạo.

Cơ Đạo của Chí Tôn đến lập buổi Hạ ngươn Tam Kỳ Phổ Độ nầy duy lấy một chữ hòa làm tôn chỉ.

Có hòa mới có hiệp, có hiệp mới có thương, mà sự thuơng yêu là chìa khóa mở cửa Tam Thập Lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh y như lời Chí Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ Bi Bác Ái mới đắc đạo vô vi, phải hòa hiệp mới có qui nhứt.

Chí Tôn đã định khai đạo đặng thị chứng cho các Tôn Giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện, trừ tuyệt hại tranh đấu thù hiềm, làm cho Thế Giới đặng hòa bình, thoát cơ tận diệt.

Thể Đạo của Chí Tôn cũng phải nương theo chữ hòa mới toan thành lập, Chí Tôn định thành Hội Thánh, đặng thay thế hình thể của Người, thì cũng tùng theo phép Tạo Hóa cá nhân mà gây nên ảnh tượng:

  • Cửu Trùng Đài là thi hài, ấy là Tinh.
  • Hiệp Thiên Đài là chơn thần, ấy là Khí.
  • Bát Quái Đài là linh hồn, ấy là Thần.

Nếu cả ba mà không tương hiệp, thì khó mong thành Đạo cho đặng.

Nếu có một quyền hành nào tại thế nầy mà làm cho thân thể Chí Tôn phải chia phui manh mún ra đặng, thì là Đạo ta là giả Đạo, tất nó phải tiêu diệt trong một lúc ngắn ngủi chi đây.

Còn như quả là Chí Tôn vì thương yêu con cái của Người, chính mình đến lập Đạo đặng giải thoát cho chúng sanh, thì những mưu chước của tà quyền ngăn cản bước Đạo của Thầy khó mong nghịch mạng với Chí Tôn, ắt là không mong bền vững.

Hại thay! Cho những kẻ vô phần toan phân phái chia phe, làm cho xác Chí Tôn phải tan tành rời rã.

Khổ thay! Cho những kẻ không duyên chối Thánh Giáo nghịch Chơn Truyền làm cho chơn thần của Chí Tôn phải ô uế đê hèn muốn toan bỏ xác.

Đau đớn thay cho những người ấy! Thê thảm thay cho những kẻ ấy! Dám cả gan để tay vào mà tàn hại Chí Tôn; cái tội tình ấy lớn lao bao nả.

Coi gương lại Juda bán Đức Chúa Jésus Christ còn nhẹ, vì Juda ham ba chục ngươn bạc đặng nuôi môn đệ của Người mà bán Người, còn những kẻ nầy đây duy háo danh mà phản Đạo.

Chí Tôn đã đến thế, hạ mình đặng làm Thầy dạy dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hòa hiệp nơi lòng bác ái từ tâm của Người, là hiệp làm một cùng Người, mới có đủ quyền hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị;

Mà đã sáu năm chầy rồi, thân thể hỡi còn rời rã ngất ngơ, chơn thần hỡi còn dật dờ mê muội, thì thế nào các Đấng Thiêng Liêng hiệp một cùng đời cho đặng, hầu mong sửa cải Thiên Thơ, tụ hội các nguyên nhân đem vào cửa Đạo.

Vì năm Đạo phân chia làm cho nhơn tâm bất nhứt, nhân loại nghịch lẫn nhau, Chí Tôn đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết thương yêu hòa thuận.

Bần Đạo xin để cho những tay rối loạn gây thù nghĩ lại coi phải mình là người thương Thầy mến Đạo hay chăng cho biết.

Khi khai Thánh Giáo bên Thái Tây thì Chí Tôn đã nói trước rằng: Còn nhiều chuồng Chiên, Người sẽ đến đem về làm một.

Lời tuyên ngôn ấy nghĩa là còn nhiều Đạo đương nuôi nấng ung đúc tinh thần của con cái Chí Tôn, đặng chờ ngày Người đến hiệp chung lại một, lời ấy ngày nay đã quả.

Các chuồng Chiên Thiêng Liêng của Chí Tôn là:

  •  Phật Đạo thì có Bà La Môn (Brahmanisme), Thích Ca Mouni (Cakymuoni), Pythagore Giáo.

  •  Tiên Đạo thì là Lão Tử Giáo, Dương Châu, Mặc Địch, Vạn Pháp, Bàn Môn cho tới Thầy Pháp, Thầy Phù, bóng, chàng, đồng cốt, v.v...

  •  Thánh Đạo thì là Thiên Chúa Giáo (Christianisme), Gia Tô (Catholicisme), Tin Lành (Protestantisme), Hồi Hồi (Mahométantisme).

  •  Thần Đạo thì là Trung Huê Phong Thần, Hi Lạp Phong Thần và Ai Cập Phong Thần, (Mythologie Chinoise, Grecque et E¨gyptienne).

  •  Nhơn Đạo thì là Socrate, Esobe, Platon, vân vân ở Hi Lạp, Khổng Phu Tử (Confuciannisme), Mạnh Tử (Mentius), Nhị Trình Giáo, vân vân, chung cộng cùng cả Hớn Phong, Đường Thi, Tấn Tục, tại Trung Huê từ trước.

Trước khi đến khai Đạo đặng hội hiệp các Tôn Giáo lại làm một, thì Người đã sai các Đấng Thiêng Liêng cao trọng hạ trần mà bày ra các Hội Giáo Đạo Đức, đặng thức tỉnh trước nhơn sanh như là:

  • Khảo cứu Thiên Đạo Giáo (Société théosophique).
  • Khảo cứu triết lý Phật Đạo (Société des recherches sur la philosophie bouddhique).
  • Thần kinh và tâm lý triết học (Société Psychique).
  • Thần linh học (le spiritisme), vv.. .

Có nhiều Hội Giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo, đặng dạy lần cho vạn quốc rõ thấu Chánh Truyền;

Ngày nay Thầy mới đến lập một cái Cao Đài, nghĩa là đền thờ cao hay là đức tin lớn tại thế nầy (la haute église ou la plus grande foi du monde) làm nên nền Đạo;

Lại mượn một sắc dân hèn hạ nhỏ nhít của hướng Á Đông là Annam ta, đặng cho trọn lời tiên tri "Đạo xuất ư Đông" và cho trúng Thánh ý chiều lụy hạ mình của Thầy, lập thành Hội Thánh;

Làm hình thể Thiêng Liêng của Thầy, hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định tánh, làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh, nhìn Thầy mà trở về quê cũ.

Tuy Thầy hạ mình chiều lụy đặng để nên guơng cho Hội Thánh thì mặc dầu, song xét ra thì quả nhiên thấy rõ rằng Thầy tránh khỏi mang thây hài hèn hạ của kiếp làm người;

Mà lại còn đến thế với một thể thống vinh diệu thiêng liêng, không hình mà làm cho chúng ta thấy, không nói mà làm cho chúng ta nghe, giữ trọn quyền hành Chí Tôn nơi tay mà điều đình mối Đạo.

Cái oai quyền ấy có ảnh hưởng cho nền Đạo biết làm bao. Thầy dùng; phép là lương tâm, quyền là tình ái, mà làm cho cả nhơn loại thấy rõ mặt Thầy, hầu nhìn lẫn nhau trong Thánh Đức của Thầy, mà cộng yêu hòa ái.

Cộng Hòa! Cộng Hòa! Ấy là hai lời châu ngọc của Thầy để vào lòng của mỗi người. Mình biết Cộng Hòa mới làm cho cả xã hội quốc dân đặng cộng hòa, rồi làm gương cho rực rỡ quang minh mà truyền bá cả tư tưởng cao thượng ấy ra khắp toàn cầu, cho cả nhơn loại đặng cộng hòa đại đồng thế giái.

Ấy là phận sự tối cao tối trọng của Thầy đã phú thác cho chúng ta, mà chúng ta không xem trọng hệ lại vì công danh quyền lợi mà thù nghịch lẫn nhau, nhục mạ lẫn nhau, từ Thầy, phản bạn, thì chúng ta có đáng mặt làm con cái tôi tớ của Thầy chăng?

Biết bao thế lực đã thành lập trong buổi này, chung công hiệp sức nhau mà phá rối Đạo Thầy: Ngoài thì kẻ nghịch đương trù hoạch phương châm mà tàn hại, trong lại bị người phản phúc, vu oan làm cho đến đổi nhớp nhơ danh Đạo, mòn mỏi điêu tàn.

Hỏi nếu Đạo có bề nào chúng sanh mới nương nơi đâu đặng rỗi?

Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh lập luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền hành buộc cả Hội Thánh, nghĩa là thân thể thiêng liêng, hiệp làm một.

  • Luật thì có Tân Luật.
  • Pháp thì có Pháp Chánh Truyền.
  • Quyền thì Tòa Tam Giáo.

Ấy là: Cái còi, cây gậy, hàng rào thiêng liêng, đặng lùa cả các chuồng chiên của Thầy hiệp một; mà hại thay, kẻ chăn chẳng biết lóng tiếng còi, đoàn chiên không kiêng ghê con gậy, rào thưa rích thưa ran để đến đổi bầy sói lũ hùm bắt chiên Thầy phân thây xé thịt; cái hại ấy do tại nơi đâu?

Tại Hội Thánh cũng chưa nên Hội Thánh, Chức Sắc Thiên Phong có cũng như không, có bóng không hình, làm cho thân Thầy không đủ quyền hành mà xây chuyển Thiên Thơ (Plan divin), hầu đối địch quyết thắng tà mưu nhiễu hại.

Cả Thánh Ngôn của Thầy dạy dỗ chúng ta từ buổi khai Đạo đến chừ đã hiện thành Tân Pháp (nouvel vangile) mà ngày nay chúng sanh còn chưa hiểu thấu, vì phần nhiều người lạm dự vào bậc Thiên Phong lấy tà tâm bẻ bai biếm nhẻ chớ chẳng chịu truyền bá lời lành, làm cho kẻ Đạo tâm xiêu đường lạc ngỏ.

Nếu cơ Đạo dường này thì chúng ta mong chi tận độ chúng sanh và lập thành thể Đạo cho đặng.

Đạo có Thể pháp làm ngoại dung, và Bí pháp làm nội dung, mà Thể pháp tác thành mười điều chẳng đặng ba, còn Bí pháp thì chưa ai hiểu thấu, làm cho Đạo mất giá trị trước mắt chúng sanh, đức tin càng ngày càng khuyết giảm.

Để thế lực cho các Tôn Giáo khác công kích Chánh Truyền, mà hại cho người hết lòng vì Đạo phải ngại ngại lo lo về điều hư thiệt.

Bởi cớ biết bao Tiên, Phật đã giáng cùng khắp Thái Tây cho tiên tri về nền Thánh Giáo, nói trước rằng: Những người bền vững căn tu mới mong giữ vẹn đức tin nhập vào cửa Đạo. Cơ khảo Đạo ngày nay xem quả vậy.

Thưa cùng chư Hiền Huynh và chư Hiền Tỷ.

Bần Đạo tưởng chúng ta đã nặng mang trách nhậm nơi mình, mà chúng ta không có đởm tâm liệu mình tự xử, thì mới mong minh đoán cùng ai.

Em nên khai thiệt rằng tại nơi lòng thành yếu ớt của chúng ta không dụng cả công tâm mà điều đình Chánh Giáo, lại để nể nể, vì làm gương xấu cho kẻ chác tiếng bua danh, gây phe đảng, lập tư riêng làm nên thế lực. Ngày nay đã có tiếng độc lập, tự quyền cũng do bởi đó.

Trong mình chúng ta có hai người, một là ta, hai là Chức Sắc Thiên Phong, nghĩa là tôi tớ của Thầy.

Với chúng ta, dầu cho tan xương nát thịt với một kiếp sống thừa nầy, không chi rằng hại, duy hại là hại cho phận sự Thiêng Liêng, nếu chúng ta không biết cao trọng mà giữ tròn trách nhậm, đặng bảo thủ cái cơ nghiệp chung của cả nhơn sanh là Đạo ngày nay đây, thì cái tội tình trước mặt Thầy tính coi bao lớn!

Vậy thì chúng ta nên chung công hiệp sức cùng nhau, kể từ đây nhứt định chẳng cho ai phạm quyền mình, vì quyền mình, là quyền Thầy, dầu cho còn một mặt Tín Đồ thì Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh.

Xúm xít nhau mạnh yếu tùy phương, bảo thủ cây cờ Đạo của Thầy là Tòa Thánh, lại gắng tạo thành sừng sựng tại miền Cực Đông nơi Nam Việt nầy một cái Cao Đài, đặng làm ngọn đèn soi sáng đến cảnh Cộng Hòa của toàn thế giới.

More topics .. .