Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID20905 - Chương : Kinh Cúng Tứ Thời: Bài Dâng Hoa
Kinh : Giải Nghĩa Kinh Thiên-Đạo
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Kinh Cúng Tứ Thời: Bài Dâng Hoa

Bài Dâng Hoa
(Thài theo giọng Ðảo Ngũ Cung)
KINH: GIẢI NGHĨA:
1. Từ bi giá ngự rạng môn thiền, Ðức Chí Tôn đi xe xuống, tỏa hào quang chiếu sáng Thánh Thất.
2. Ðệ tử mừng nay hữu huệ duyên. Chúng con là học trò của Thầy, ngày nay vui mừng có được cái duyên hưởng ơn huệ của Thầy ban cho.
3. Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ, Kính dâng lên Năm sắc Hoa tươi để tỏ lòng kính trọng.
4. Cúi mong Thượng Ðế rưới ân Thiên. Cúi lạy Ðức Chí Tôn, mong Ðức Chí Tôn chan rưới ơn lành.

(Lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy).

GIẢI NGHĨA:

- Thài: là ngâm từng chữ của bài Kinh với giọng ngân thật dài theo giọng của điệu Cổ nhạc Ðảo Ngũ Cung.

Khi cúng Ðại đàn Ðức Chí Tôn tại Thánh Thất hay khi cúng Ðại đàn Ðức Phật Mẫu tại Ðiện Thờ, đồng nhi thài 3 bài Dâng Tam Bửu, thì Lễ sĩ lần lượt điện dâng lễ phẩm, bước đi theo hình chữ Tâm [] từ Ngoại nghi vào Nội nghi:

  • Lần thứ nhứt: dâng Hoa và Quả;
  • Lần thứ nhì: dâng Rượu và Bình rượu;
  • Lần thứ ba: dâng Trà và Bình trà.
- Ðảo Ngũ Cung: là điệu nhạc cổ, nhịp đi rất chậm, để đồng nhi cất giọng thài theo.

Câu 1: Từ Bi giá ngự rạng môn thiền.

GIẢI NGHĨA:

- Từ Bi: Từ là lòng thương tưởng lo lắng giúp ích cho chúng sanh, làm cho họ được an ổn vui vẻ. Bi là lòng trắc ẩn thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh, lúc nào cũng muốn cứu vớt họ ra khỏi phiền não và tai họa.

Từ bi là lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh, muốn giúp chúng sanh thoát khổ.

Từ bi là hạnh của Phật.

Trong Câu Kinh 1, Từ Bi là chỉ Ðức Chí Tôn.

- Giá ngự: Giá là xe của vua đi, ngự là tiếng chỉ về vật dụng hay hành động của vua. Giá ngự là xe của vua đi. Ở đây, ý nói là Ðức Chí Tôn dùng xe đi xuống cõi phàm trần.
- Môn thiền: Môn là cửa, Thiền là là yên lặng suy tưởng. Môn thiền hay Thiền môn, dịch là cửa Thiền, chỉ cái chùa thờ Phật làm nơi tu hành. Ở đây, môn thiền là chỉ Thánh Thất để thờ cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng. Rạng: Làm cho sáng.
- Câu 1: Ðức Chí Tôn đi xe xuống, tỏa hào quang chiếu sáng Thánh Thất.

Câu 2: Ðệ tử mừng nay hữu huệ duyên.

- Ðệ tử: Học trò. Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn xưng mình là Thầy, gọi các tín đồ là môn đệ, và các tín đồ xưng là Ðệ tử.
- Hữu: Có.
- Huệ duyên: Huệ là ơn, duyên là mối dây ràng buộc đã được định sẵn. Huệ duyên là cái duyên được hưởng ơn huệ.
- Câu 2: Chúng con là học trò của Thầy, ngày nay vui mừng có được cái duyên hưởng ơn huệ của Thầy ban cho.

Câu 3: Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ.

- Kỉnh lễ: Dâng phẩm vật lên để tỏ lòng kính trọng.
- Năm sắc hoa tươi: tượng trưng cho Ngũ Tạng và Ngũ Quan của thân thể con người, tương ứng với Ngũ Hành.

Ngũ Tạng, Ngũ Quan và Ngũ Hành.
NGŨ TẠNG: NGŨ QUAN: NGŨ HÀNH:
Tâm (tim) Lưỡi Hỏa: màu đỏ.
Can (gan) Mắt Mộc: màu xanh.
Tỳ (lá lách) Miệng Thổ: màu vàng.
Phế (phổi) Mũi Kim: màu trắng.
Thận (thận) Tai Thủy: màu đen.

Khi dâng Năm sắc Hoa tươi lên cúng Ðức Chí Tôn, cũng nên chọn 5 màu hoa tương ứng với Ngũ Hành. Các hoa màu Vàng, Xanh, Ðỏ, Trắng thì dễ tìm, còn hoa màu đen thì không có, nên có thể chọn hoa màu tím sậm hay đỏ sậm.

Năm sắc Hoa tươi nầy tượng trưng cho Ngũ quan Ngũ tạng của con người tức là tượng trưng Xác thân con người.

- Câu 3: Kính dâng lên Năm sắc Hoa tươi để tỏ lòng kính trọng.

Câu 4: Cúi mong Thượng Ðế rưới ân Thiên.

- Thượng Ðế: Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế, ngày nay gọi là Ðấng Cao Ðài.
- Ân Thiên: Ơn Trời.
- Câu 4: Cúi lạy Ðức Chí Tôn, mong Ðức Chí Tôn chan rưới ơn lành.

CHÚ Ý: Khi cúng Ðức Phật Mẫu, thài tới câu kinh nầy thì đổi chữ 'Thượng Ðế' thành chữ 'Phật Mẫu': Cúi mong Phật Mẫu rưới ân Thiên.

Dùng Hoa tượng trưng cho TINH là Thể xác, trùng hợp với sự tích Na Tra nhập xác bông sen tức là Thân thể của Na Tra được tạo bằng bông sen trong Truyện Phong Thần.

Ðể cứu cha mẹ khỏi bị Ngao Quảng bắt trói hành tội, Na Tra phải tự chặt tay, lóc thịt, mổ bụng chết trước mặt Ngao Quảng Long Vương, đền cho cái tội giết chết Ngao Bính và Lý Lương lúc nọ.

Hồn Na Tra đêm ấy báo mộng cho mẹ, xin mẹ lập cho một cái miểu tại núi Túy Bình để nhờ hương khói của bá tánh cúng cho linh hồn được mau cứng cát.

Bà mẹ liền lén chồng (cha của Na Tra là Lý Tịnh) lên cốt lập miểu cho Na Tra tại núi Túy Bình, đúng theo lời cầu xin. Ðược nửa năm, một hôm tình cờ Lý Tịnh kéo quân qua đó, thấy thiên hạ đến miểu dâng hương rất đông, vì Ông Thần thờ nơi miểu rất linh, ai cầu chi được nấy.

Lý Tịnh liền vào xem thử, thấy cốt tượng trên bàn thờ là Na Tra, thì nổi giận, cho rằng Na Tra đã chết rồi mà còn muốn khuấy phá dân chúng, nên Ông đập tượng cho gãy nát và nổi lửa đốt miểu cháy tiêu.

Hồn Na Tra không còn nơi nương tựa, nên bay về Ðộng Thái Ất để kêu oan với Thầy. Ông Thái Ất bèn gọi Kim Hà đồng tử đi hái 2 cái bông sen và 3 lá sen còn nguyên cọng.

Thái Ất liền bẻ 360 khúc cọng sen làm xương, lấy các cánh bông sen đắp lên làm thịt, đắp phủ bên ngoài 3 lá sen làm da, để một hột linh đơn vào giữa, rồi họa phù niệm chú, bắt vía thâu hồn Na Tra, xô nhập vào hình sen rồi hét lớn: Na Tra chưa sống lại còn đợi chừng nào?

Xảy nghe một tiếng ư, một người hiện ra từ hình sen trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt có ngời, cao lớn đẹp đẽ, ấy là Na Tra nhập xác bông sen đó.

Nhắc lại câu cầu nguyện khi Dâng Hoa: 'Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng.'

More topics .. .