Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Quyền hành GIÁO TÔNG
Giáo Tông là anh cả các con. |
Có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời. |
Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn. |
Nó đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung, đặng cầu rỗi cho các con. |
Ghi Chú: Để tiện việc tham khảo chúng tôi thêm vào phần trên đây, nguyên bản của Hội Thánh không có.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Tông là anh cả các con.
CHÚ GIẢI: Giáo Tông thay mặt cho Thầy, đặng bảo tồn chơn Đạo của Thầy tại thế, thì anh cả nhơn sanh đặng dìu dắt các con cái của Thầy, dầu lớn tuổi hay là nhỏ tuổi, quyền Thiêng Liêng đã định vậy.
Tuy trong Hội Thánh có chia ra hai phần hữu hình là: "Cửu Trùng Đài" và "Hiệp Thiên Đài" mà nơi Hiệp Thiên Đài, dầu cho Hộ Pháp cũng phải là em của Giáo Tông, song Hộ Pháp phải nhỏ về phần hữu hình đã nói trên đây, chớ phần Thiêng Liêng thì đồng vị.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời.
CHÚ GIẢI: Giáo Tông đặng đồng quyền cùng Thầy mà dạy dỗ cả chư Môn Đệ của Thầy trong đường Đạo Đức, dìu bước từ người, chăm nom săn sóc cho khỏi phạm Thiên Điều, thì là buộc tuân y TÂN LUẬT.
Ấy vậy dầu cho phẩm vị nào phạm tội; thì Giáo Tông cũng chẳng vì tình riêng gọi là tha thứ khoan dung. Để lòng che chở, làm cho kẻ phạm phải mất Thiên Vị, lại gây điều đố kỵ của nhơn sanh, làm cho nhẹ giá trị của nền Chánh Giáo.
Những sự đau thảm khó khăn của Tín Đồ tức là chúng sanh, những sự khổ hạnh của Hội Thánh, nghĩa là hàng Chức Sắc Thiên Phong, thì Giáo Tông phải liệu phương che chở an ủi làm cho đời khổ não hóa ra đời hạnh phước; người nắm trọn quyền thể Thiên hành hóa, ấy là phận sự tối cao tối trọng của Đức Giáo Tông đó.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn.
CHÚ GIẢI: Hễ nói về phần xác là nói phần hữu hình, mà nói về phần hữu hình của chúng sanh tức là nói về phần Đời. Còn như nói về phần hồn tức là phần Thiêng Liêng ấy là phần Đạo.
Trên đây Thầy đã nói rằng: Có quyền dìu dắt trong đường Đạo và đường Đời, thì Thầy đã chỉ rõ rằng, có quyền dìu dắt cả các con cái của Thầy trên con đường Đạo Đức của chính mình Thầy khai tạo và trên con đường Đời cơ Đạo gầy nên;
Chớ chẳng phải nói trọn quyền về phần Đạo và phần Đời, nghĩa lý phân biệt nhau duy có chữ ĐƯỜNG và chữ PHẦN, xin rán hiểu đừng lầm hai chữ ấy.
Đây là lời Thánh giáo của Thầy đã dạy Hộ Pháp khi Người hỏi Thầy về quyền của Giáo Tông.
Hộ Pháp hỏi: "Thưa Thầy theo như luật lệ Thánh Giáo Gia Tô Thầy truyền tại thế, thì Thầy cho Giáo Tông trọn quyền về phần hồn và phần xác; Người nhờ nương quyền hành cao trọng đó, Đạo Thánh mới có thế lực hữu hình như vậy.
Đến ngày nay, Thầy giảm quyền Giáo Tông của mấy con về phần hồn đi, thì con sợ e cho Người không đủ quyền lực mà độ rỗi chúng sanh chăng?"
Thầy đáp: "Cười! Ấy là một điều lầm lạc của Thầy, vì nặng mang phàm thể mà ra. Thầy cho một người phàm đồng quyền cùng Thầy về phần hồn thì nó lên ngai Thầy mà ngồi, lại nắm quyền hành CHÍ TÔN ấy, đặng buộc nhơn sanh phải chịu lòn cúi trong vòng tôi tớ của xác thịt hơn nữa.
Cái quyền hành quí hóa ấy, Thầy tưởng vì thương mà cho các con, nào dè nó là một cây gươm hai lưỡi để giục loạn cho các con.
Nay Thầy đến chẳng phải lấy nó lại, mà Thầy chỉ đến làm cho tiêu diệt cái hại của nó; nếu muốn trừ cái hại ấy thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.
Kẻ nào đã nắm trọn phần hữu hình và phần Thiêng Liêng, thì là độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh trị và luật lệ vào tay, thì nhơn sanh chẳng phương nào thoát khỏi vòng áp chế.
Như Thầy để cho Giáo Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Đạo và Đời) thì "HIỆP THIÊN ĐÀI" lập ra chẳng là vô ích lắm sao con?
"CỬU TRÙNG ĐÀI" là Đời, "HIỆP THIÊN ĐÀI" là Đạo, Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền: Sức quyền tương đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm nom săn sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh Giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm giáo".
PHÁP CHÁNH TRUYỀN:Nó đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung, đặng cầu rỗi cho các con.
CHÚ GIẢI: Thầy đã nói, đặng cầu rỗi cho các con thì Thầy đã chỉ rõ rằng, Giáo Tông có phần cầu rỗi mà thôi, chớ phần siêu rỗi là về quyền của Bát Quái Đài chưởng quản.
Đức Giáo Tông làm thế nào mà thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung mà cầu rỗi cho các Tín Đồ?
Người phải đến Hiệp Thiên Đài cầu huyền diệu Cơ Bút mới đặng. Xin trích lục ra đây, đoạn Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài nói về việc ấy: "Lại nữa Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại".
Ấy vậy về phần Thiêng Liêng là phần Đạo, thì Ngài chẳng có quyền hành chi hết, dầu cho dâng sớ cầu điều chi cùng Bát Quái Đài, thì cũng phải do nơi Hiệp Thiên Đài cả.
Hiệp Thiên Đài là trung gian để liên hiệp Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.