Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
2. Thiên Cung Của Mỗi Con Cái Ðức Chí Tôn.
Ngày hôm nay Bần Ðạo giảng về Thiên Cung của mỗi con cái Ðức Chí Tôn. Thiên Cung ấy, Chí Tôn có nói rằng: "- Gia tài của các con, Thầy đã sắm sẵn."
Gia tài ấy tức là Thiên Cung vậy, Bần Ðạo nhớ lại buổi nọ Ðức Chí Tôn biểu chư Ðại Thiên Phong, nhứt là những môn đệ đầu tiên của Ngài bên Cửu Trùng Ðài, nên ta kể những vị ấy như là Thánh Tông Ðồ của Ðạo Cao Ðài vậy: như là Trung, Trang, Tương, Thơ, Nương, Ca.
Ðó là những vị đến lúc ban sơ khởi thể của nền Ðạo, Chí Tôn biểu: "Các con phải lập họ hàng của mình" tức là biểu lập Thiên Cung tại thế.
Thảm thay ! Hồng ân ấy, Chí Tôn liệng trong tay mà không biết nắm, tức nhiên họ làm mất đạo nghiệp của họ vậy.
Thiên Cung của chúng ta mà Ðại Từ Phụ gọi gia tài dành để cho chúng ta, trừ ra đứa nào chê bỏ Thầy mới đem cho đứa khác. Thiên Cung ấy là gì? Là các nguyên căn của Ðức Chí Tôn, là cơ tạo đoan Càn khôn vũ trụ.
Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn nói rằng:
Ðức Chí Tôn buổi nọ có Thiên Cung riêng, Ngài dứt cả toàn Thiên Cung đó đến một chỗ chẳng có vật chi, rồi Ngài lấy dương quang đặng Ngài biến tướng ra và ban cho mỗi con vật một điểm linh tính tiếng Phạn gọi là Monade, còn ta gọi là nhứt điểm linh, điểm linh ấy tấn hóa vô biên vô giới, đi từ vật chất đến Phật vị, thì trong con người đi biết bao nhiêu kiếp sống liên quan mật thiết cùng nhau, do mỗi kiếp sống để tạo thành một gia tộc.
Chúng ta sanh ở thế kỷ nầy có ông bà, cha mẹ, anh em bạn tác, vợ chồng. con cái, cả các cơ nghiệp hữu hình của chúng ta tạo tại thế nầy sẽ trở nên cơ nghiệp nơi cảnh vô vi kia đặng làm Thiên Cung của chúng ta.
Vậy Thiên Cung là gì? Nếu chúng ta gọi là gia tộc vô hình thì phải gọi là xã hội do đại nghiệp căn bản của chúng ta lập thành.
Nếu chúng ta tưởng tượng trở lại do lời của Ðức Chưởng Ðạo nói, thì Ðức Chí Tôn cũng vô một khuôn luật ấy, nhưng Ngài đạt Pháp, nắm cả bí mật vô biên đặng tạo Càn khôn vũ trụ riêng, chẳng khác như ta thấy tấn tuồng hữu vi nơi mặt thế nầy, cũng làm con, làm cha, mà ta thấy cha ta tạo nghiệp thế nào, thì ta cũng bắt chước như thế ấy.
Hình trạng Ðức Chí Tôn đã làm thì ta sẽ làm theo, hay là ta đã làm rồi nơi cảnh vô hình, Ðức Chí Tôn đã dành để cho ta mà ta chưa hề biết như vậy, ta chỉ biết giờ nầy mà thôi, đến khi bỏ xác thú rồi trở lại cảnh vô hình mới biết ta có một đại nghiệp.
Bởi vậy cho nên buổi sanh tiền trong kiếp sống của ta đây: ăn để sống, tranh giành để nuôi con thú tức là thú hình của ta mà quên lãng cả đại nghiệp.
Không có thảm trạng nào hơn là ta quên mình hiểm nguy, nên Chí Tôn rất thảm khổ thấy ta chìm đắm trong trường đời.
Ta thử tưởng tượng như ta làm cha mẹ đang giữ đại nghiệp cho con, phần hương hỏa đó rất vĩ đại, trong thời buổi còn niên thiếu cho nó đi ra ngoại quốc du học rồi lúc nó ở ngoại quốc nó không đủ phương sanh sống, cái gia nghiệp ấy nó chưa được hưởng mà không ai giúp đỡ tự nó tìm kế làm thuê làm mướn với tài hay mà sống.
Nếu nó sống được với nghề hay nghiệp giỏi, với cái thiệt tài của nó thì không nói gì, ngặt một nỗi nó không sống được theo phương pháp quân tử, nó phải hạ mình xuống đi ăn trộm ăn cướp bạo tàn, điếm đàng, lường dối, làm đủ mọi tội lỗi với phương sống đê hèn đó của đứa tiểu nhơn, thì ta thử hỏi ông cha hay bà mẹ cầm cái đại nghiệp ấy sẽ đau đớn thương tâm như thế nào chớ?
Thật ra Ðức Chí Tôn cũng dường đó, một đám nhơn sanh như chúng ta đây, Ông đã nói: Của mỗi đứa con Ông còn giữ một đại nghiệp, đại nghiệp ấy không phải của Ông cho, mà là của tự mình chúng ta tạo dựng nhưng chúng ta lại nỡ quên phứt nó đi, để cho thân thể ra hèn tiện, khổ não, truân chuyên, mà cái đại nghiệp kia ta không thể bảo trọng được.
Nếu đương đầu với mạng sống mà ta không tự tỉnh, kiếm phương pháp sống cho chí thành, rủi tìm cái sống theo quỉ pháp, thử hỏi Ðức Chí Tôn sẽ đau đớn như thế nào nữa?
Thầy đã nói: "- Gia tài của các con Thầy không bao giờ lấy cho kẻ khác, kỳ dư kẻ nào chê bỏ."
Nếu chúng ta thất nghiệp cả của cải phụ ấm do nơi ta đào tạo ấy mà ta trở bước hưởng lại không được là tại nơi ta từ chối, tự ta quên mình mà từ bỏ cái đại nghiệp ấy.
Ta sống một trăm tuổi có nghĩa gì đâu? Ví như mỗi phen có một đám xác đi qua, thì dường như người quá cố nhắc nhở ta một điều gì?
Người chết ấy nói với ta rằng: "- Tôi đi đây là đến cảnh thiệt, nơi quí ngài ở lại đó là cảnh giả đa nghe ! Phải sáng suốt đặng phân thiệt giả mới bền giữ cơ nghiệp Thiêng Liêng, chớ đời sống phàm gian là một khổ hãi đa nghe !"
Nhơn loại bao giờ mới tỉnh cơn mơ mộng tàn ác mà tìm cho được cái sống Thánh đức cao siêu? Vì cớ cho nên mỗi đứa chúng ta, dầu lao khổ, truân chuyên, dầu nhiều phen bị khảo đảo khổ hạnh, mà dường như tinh thần ta thấy khoái lạc hơn nữa, là tại sao vậy?
Tại ta biết rằng sự khảo đảo hình xác nầy không phương gì mà động chạm đến phạm vi đại nghiệp của ta kia đặng, bất quá là bóng dáng mà thôi, mà hễ không động đến được thì ta biết rằng ta có thể bảo thủ được, không mất của thiêng liêng ta đã sẵn có.
Nếu cả mấy em biết nghe theo chơn lý vô cùng vô tận của Thiêng Liêng Hằng Sống ấy, bảo trọng được cái cảnh thiệt tướng ấy thì hay hơn là trọng cái sống của thế tình mơ mộng.
Mấy em chỉ nên sợ một người mà thôi, ngoài ra dưới thế gian nầy không còn sợ ai hết. Kẻ nào có quyền thế thì chỉ có giết chết thân ta là hết chuyện, còn các em, các con phải sợ Người mà chẳng những giết thi hài của mấy em, mấy con, mà còn tận đọa tam đồ chi khổ, lại còn truất cả đại nghiệp của mấy em và mấy con nữa.
Người ấy là Ðại Từ Phụ vậy.
Thuyết Ðạo QII / tr37