Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID21488 - Chương : 2. Lịch sử kiến trúc Báo Ân Từ.
Sách : Báo Ân Từ & Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

2. Lịch sử kiến trúc Báo Ân Từ.



2. Lịch sử kiến trúc Báo Ân Từ.

Vào năm 1932, Đức Phạm Hộ Pháp bảo các vị công quả Phạm Môn đi tháo dở 3 căn nhà gỗ của 3 Sở Phạm Môn : Sở Dưỡng Lão, Sở Nữ Công Nghệ, và Sở Trường Hòa,

Vì 3 căn nhà nầy đều có cùng kiểu vở và kích thước, đem chở tất cả vào Nội Ô Toà Thánh để ráp lại thành một ngôi nhà lớn bên cạnh Hộ Pháp Đường, dùng làm Báo Ân Tư.

Lúc đó, Báo Ân Từ có cột làm bằng gỗ, vách đắp bằng đất, và mái lợp ngói.

Qua năm sau, 1933, Hội Thánh khởi công xây dựng Tòa Thánh (Đền Thánh) thiệt thọ bằng vật liệu nặng với bê-tông cốt sắt, nên phải tháo dở Đền Thánh cũ làm bằng cây ván lúc trước, và đem dời Quả Càn Khôn đến tạm đặt thờ nơi Báo Ân Từ.

Vì không tính trước, nên khi Quả Càn Khôn đưa vào cửa Báo Ân Từ thì không lọt, bề ngang cửa nhỏ hơn một chút, túng thề đành phải ép Quả Càn Khôn móp vô một chút đặng cho lọt qua khung cửa.

Đứng trước cảnh nầy, Đức Phạm Hộ Pháp khóc và nói rằng : "Rồi đây Phước Thiện sẽ khổ lắm."

Việc xây cất Tòa Thánh trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, kéo dài ngót 14 năm, mãi đến Tết năm Đinh Hợi (1947), Tòa Thánh mới được xây cất và trang trí xong.

Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 27-1-1947), Đức Phạm Hộ Pháp làm lễ di chuyển Quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ trở về an vị nơi Bát Quái Đài của Tòa Thánh mới để thờ.

Lúc bấy giờ, Đức Phạm Hộ Pháp cho dọn dẹp và sửa soạn trở lại Báo Ân Từ để dùng tạm làm Đền Thờ Đức Phật Mẫu, bởi vì từ ngày Khai Đạo đến giờ, nơi Nội Ô Tòa Thánh chưa có Đền Thờ Đức Phật Mẫu.

Đức Hộ Pháp dạy Hội Thánh Phước Thiện tổ chức buổi lễ thỉnh Long vị Phật Mẫu nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại Trường Qui Thiện đem về thờ nơi Báo Ân Từ và dạy Lễ vụ Phước Thiện tạo thêm 2 Long vị chữ Nho để thờ 2 gian bên là : Chư Chơn Linh Nam phái và Chư Chơn Linh Nữ phái.

Đây là một vinh dự cho các vị công quả nơi Trường Qui Thiện mà Ông Đinh công Trứ đứng đầu.

Nguyên Ông Đinh công Trứ là Chủ trưởng của Minh Thiện Đàn do Đức Lý Giáo Tông lập năm 1928 tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho; đến năm 1929, Đức Lý Giáo Tông bàn giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp cai quản.

Nơi đây có lập một Thánh Thất gọi là Thánh Thất Khổ Hiền Trang và một Sở Thảo Đường, do lời dạy của Đức Phật Mẫu giáng cơ năm 1928 với bài thi Thảo Đường, chép ra như sau:

Thảo Đường phước địa ngộ tòng hoa,
Lục ức dư niên võ trụ hòa.
Cộng hưởng phàm gian an lạc nghiệp,
Thế đăng Bồng đảo định âu ca.

Thích nghĩa :

Ngôi nhà tranh nơi đất phước gặp một mối Đạo mới mở ra,
Hơn sáu trăm ngàn năm, vũ trụ được hòa bình.
Nhơn loại nơi cõi trần cùng nhau hưởng được cảnh an cư lạc nghiệp,
Cõi trần tiến lên thành cõi Tiên, mọi người đều có đời sống thạnh vượng vui vẻ.

Do đó Đức Phạm Hộ Pháp có dạy Ông Đinh công Trứ lập bàn thờ Đức Phật Mẫu nơi Sở Thảo Đường. Sự thờ phượng Đức Phật Mẫu nơi đây còn rất đơn sơ.

Thời gian kể từ năm 1941, giặc giã bắt đầu nổi lên và cuờng độ chiến tranh càng lúc càng lớn. Nơi làng Phú Mỹ không còn được an ninh như trước, nên từ năm 1943 đến năm 1945, Ông Đinh công Trứ cùng với các bạn đạo trong Minh Thiện Đàn, rời bỏ Phú Mỹ, tản cư về Tây Ninh, lập ra Trường Qui Thiện để làm cơ sở tiếp tục tu hành.

Tại Trường Qui Thiện, Ông Đinh công Trứ tạo lập một Đền Thờ Đức Phật Mẫu khang trang hơn nhiều so với lúc còn ở Phú Mỹ, gọi là Đền Thờ Phẫt Mẫu Qui Thiện.

Long vị của Đức Phật Mẫu thờ nơi Báo Ân Từ có đề ở giữa 4 chữ Nho lớn theo đường thẳng đứng là : DIÊU TRÌ KIM MẪU.

Phần tô điểm trang trí sơn phết thì Đức Phạm Hộ Pháp giao cho Ban Kiến Trúc. Tá lý Sở Đắp Vẽ Lâm thành Kía và Nguyễn thế Trạch lãnh đắp chơn dung Đức Cao Thượng Phẩm đứng trên mặt dựng trong Báo Ân Từ, tay cầm Long Tu Phiến đưa lên, mặc áo rộng trắng.

Đức Phạm Hộ Pháp dạy Lễ Viện Phước Thiện sửa soạn đúng 6 giờ chiều ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 30-1-1947), thiết Lễ an vị Đức Phật Mẫu.

Từ từ, toàn thể Chức sắc và Đạo hữu tề tựu tại Báo Ân Từ, các Chức sắc đều mặc Đại phục theo sắc phái, khi thấy Đức Hộ Pháp mặc áo dài trắng thường phục, cả thảy đều trở về thay đổi, mặc áo dài trắng tay chẹt hết.

Đức Hộ Pháp nói : "Nơi triều Thiên ở Đền Thánh chầu Lễ Đức Chí Tôn là đẳng cấp nên phải có áo mão, còn về nơi đây là cửa Phật của Đức Phật Mẫu, chỉ với tình MẸ - CON mà thôi, nên không mặc Thiên phục với áo mão."

Đức Ngài sắp đặt Chức sắc Nữ phái quì ban giữa, kế tiếp đến Nữ Đạo hữu quì chót.

Ban bên hữu toàn là Nữ phái quì cúng; Ban bên tả thì thuộc Nam phái, Chức sắc Nam phái quì trước, nối theo là các Nam Đạo hữu.

Ngoại Nghi được gọi là Bàn Hội Đồng, cũng hương hoa trà tửu quả, để mời chư Chức sắc Đại Thiên Phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài quá vãng như Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông, vv...đến dự lễ cúng Phật Mẫu.

Phía sau Ngoại Nghi, dành cho Đức Hộ Pháp cùng chư vị Thời Quân và Chức sắc Hiệp Thiên Đài quì cúng Đức Phật Mẫu.

Sau khi cúng Đức Phật Mẫu xong, lễ thành, Đức Ngài gọi Lễ Viện Phước Thiện và các Giáo Nhi, Đồng Nhi, đến đứng chung quanh Bàn Hội Đồng (Ngoại Nghi).

Đức Ngài dạy :

"Khi cúng rồi phải day ra xá một xá, cũng như ở Đền Thánh vậy.

Nên hiểu, không phải xá Hộ Pháp, mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh Quang, tức là nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật : trước là Phật Pháp Tăng gọi là Tam Qui, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp vạn linh, vạn vật, vv ...

Bởi cái Bí Pháp Diêu Trì Cung có liên quan mật thiết cùng Hiệp Thiên Đài ( một căn cội Pháp ) vận hành nguơn khí.

Nơi nào có Hiệp Thiên Đài thì có Tam Qui thường bộ Pháp giới. Mặc dầu nơi đây không có thờ chữ KHÍ mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào mạng sanh của chúng ta đó vậy

Mấy em lễ sĩ nhớ, khi cúng Đức Phật Mẫu, phải xướng câu : "NAM NỮ NHẬP ĐÀN". Nơi nầy về MẸ, ai cũng là con, không ai dám xưng Chức sắc, dầu Hộ Pháp cũng là con.

Lễ sĩ mặc áo vàng phái Thái, được phép đi giày mang vớ trắng. Theo lẽ có Lễ sĩ Nữ dâng Tam Bửu, mà thấy coi bộ bề bộn, phải mấy đứa thủ trinh, còn nhỏ, bắt nó tập lễ đi coi gọn hơn.

Mấy em Giáo Nhi, khi cúng đàn nơi Đền Thờ Phật Mẫu, đọc bài Kinh Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu, rồi kế Điện Hoa.

Khi cúng Tứ Thời mới tụng bài Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tụng đến câu :

Cùng chung giáo hóa chung cùng lo âu,

Thì sửa lại là :

Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu,

Để rồi Bần đạo cho lịnh Tiếp Lễ Nhạc Quân sửa lại những chữ trùng tự trong Kinh.

Bài Dâng Hoa đến chữ :

Cúi mong Thượng Đế ...

thì sửa lại là :

Cúi mong Phật Mẫu rưới ân Thiên.

Kỳ Lễ cúng Phật Mẫu nầy, theo lẽ cúng giờ Ngọ, nhưng Bần đạo định cúng thời Dậu là cốt yếu thuộc Âm, lại là ngày Vía Đức Chí Tôn.

Buổi đầu, Bần đạo biết thế nào cũng bở ngở và sơ sót, nên cúng để chỉ dạy. Đến kỳ Sóc Vọng tới đây, phải chấn chỉnh cho trang hoàng.

Từ đây, Lễ Viện Phước Thiện, Hành Chánh, phải tuân y lịnh dạy, đừng sửa đổi. Vào những ngày Sóc Vọng cùng các ngày Lễ, Vía, phải thiết lễ cúng Đức Chí Tôn vào thời Tý, còn cúng Đức Phật Mẫu vào thời Ngọ.

Từ đây về sau, nơi nào muốn lập Đền Thờ Phật Mẫu thì phải lập Thánh Thất trước, rồi mới lập Đền Thờ Phật Mẫu sau. Phải coi cách thức hành lễ nơi Đền Thánh và nơi Báo Ân Từ đây mà bắt chước làm y theo một khuôn mẫu, chẳng nên canh cải trái Pháp mà sanh biến, loạn hàng thất thứ."

(Viết theo bài Tường thuật của Ông Truyền Trạng Phạm ngọc Trấn).

Ngày 2-2-Đinh Hợi (dl 22-2-1947), Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ tại Báo Ân Từ, bày tỏ sự cảm động vì con cái của Phật Mẫu đã lập Đền Thờ Phật Mẫu trang trọng để thờ phụng Người. (Xin xem bài Thánh ngôn số 11 ở phần Thánh Ngôn Sưu Tập phía sau).

Đức Phạm Hộ Pháp có dành một khu đất rộng 4 mẫu phía trước cửa Hòa Viện để chánh thức kiến tạo Đền Thờ Phật Mẫu (Trung Ương).

Nhưng lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái còn đang chịu loạn lạc khổ sở, trong cửa Đạo lại có sự chia phân, nên Đức Phật Mẫu dạy tạm thờ Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ, là nhà thờ công nghiệp của con cái Phật Mẫu, đặng thấy lòng thương yêu cưng con đáo để của Phật Mẫu dường nào, cho đến khi cổi xác phàm, còn đem vô tế lễ cũng là trình diện trước mắt Bà MẸ Thiêng liêng." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp).

Khu đất rộng 4 mẫu mà Đức Phạm Hộ Pháp dành để cất Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương, nằm ở ngoại ô Tòa Thánh, trên đường Bình Dương, cách cửa Hòa Viện (cửa số 1) chừng 1000 thước về hướng Núi Bà, bên tay mặt, tại xóm Tà Mun hiện nay.

Vào cuối năm Tân Mão (1951), nhận thấy Báo Ân Từ bằng cây ván, cất trước đây 20 năm, nay đã hư mục hầu hết, mái ngói quá cũ bị dột nhiều chỗ khi trời mưa, nên Bà Phối Sư Hương Nhiều, Chưởng quản Phước Thiện Nữ phái, có dâng tờ lên Đức Hộ Pháp và Hội Thánh xin cho Nữ phái Phước Thiện được lãnh cất lại Báo Ân Từ bằng vật liệu nặng cho chắc chắn.

Đức Hộ Pháp chấp thuận, nhưng kiểu mẫu phải do Ngài chỉ định và Ban Kiến Trúc đứng ra xây dựng.

Đức Ngài kêu Tá Lý Đinh văn Cung (Ban Kiến Trúc) chỉ dẫn từng chi tiết để chỉ huy công quả thợ hồ làm việc.

Phần làm móng, đúc cột và đà ngang, hoàn toàn bằng bê-tông cốt sắt, cả mái lợp bên trên cũng đúc bê-tông luôn, vách xây hai mươi bằng gạch rất chắc chắn.

Phần trang trí và đắp vẽ, Đức Phạm Hộ Pháp giao cho Tá Lý Hà văn Chỉnh của Ban Kiến Trúc, hướng dẫn công thợ đắp vẽ và sơn phết.

Đức Ngài dạy đắp một khuôn bao thật lớn ở ngay giữa tấm vách ngăn (mà phía sau làm Hậu điện) , để đắp các pho tượng thờ theo sự tích HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ, tức là vua Hớn Võ Đế rước Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng Nữ nhạc, cỡi chim Thanh loan đi xuống phàm trần để chứng lễ Khánh thọ của vua Hớn Võ Đế.

  •  1. Trên hết đắp chơn dung Đức Phật Mẫu cỡi chim Thanh loan.

    (Thanh loan là con chim loan màu xanh, cùng một loại với chim phụng, con chim trống gọi là phụng, con mái gọi là loan. Thanh loan được dùng làm con chim lịnh của Đức Phật Mẫu và để Đức Phật Mẫu cỡi đi du hành đến các cõi trần).

  •  2. Kế đó đắp 9 pho tượng của Cửu vị Tiên Nương. -

  •  3. Tiếp theo đắp 4 pho tượng của 4 vị Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu Đức Phật Mẫu.

  •  4. Đắp pho tượng của Ông Tiên Đông Phương Sóc đứng, 2 tay nâng một cái dĩa rước 4 quả đào Tiên do Đức Phật Mẫu đem xuống tặng mừng vua Hớn Võ Đế.

    Tượng của Ông Đông Phương Sóc phải đặt bên phía tay mặt của Đức Phật Mẫu mới đúng.

  •  5. Bên phía tả của Đức Phật Mẫu đắp lên một ngôi chùa cổ thật đẹp gọi là Hoa Điện, rồi đắp Pho tượng Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư (thường gọi là Cao Thượng Phẩm) quì trước sân Hoa Điện.

Anh em công quả Sở Đắp Vẽ bạch : "- Bạch Thầy, làm sao biết được hình dung của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương cùng các Đấng mà đắp."

Đức Hộ Pháp dạy : Tượng của Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương đắp theo hình chưng cộ lần đầu tiên năm Đinh Hợi (1947). Thầy có chỉ cho Chí Thiện Trạch với Trần phong Lưu làm và Tá Lý Lâm thành Kía cất giữ, coi theo đó làm mẫu. Khi trước có mượn bức ảnh của Bà Nữ Phối Sư Hương Hiếu về sự tích về đời nhà Hớn bên Tàu. Biểu mấy đứa nó rọi lại bức ảnh và chép lại sự tích ấy.

Trong lúc anh em công thợ làm việc, Đức Hộ Pháp thường đến xem sóc, chỉ dạy việc nầy việc nọ, khơi nhắc nhiều chuyện vui vẻ làm phấn khởi tinh thần của các anh em công thợ.

Nơi khuôn bao hình chữ nhựt ở tấm vách ngoài, ngó ngay vào Chánh điện, Đức Hộ Pháp định cho đắp tượng Đức Cao Thượng Phẩm quì nghinh tiếp Đức Phật Mẫu, nhưng sau đó Đức Ngài đổi ý, dạy chừa trống.

Đức Ngài nói: - Chờ ngày nào tạo được Đền Thờ Phật Mẫu Trung Ương chánh thức thì nơi đó sẽ đắp hình NAM BÌNH VƯƠNG PHẬT, cũng như nơi Đền Thánh có Hộ Pháp ngự trên ngai trông vào Bát Quái Đài. Còn ở đây là Báo Ân Từ dùng tạm làm Đền Thờ Phật Mẫu , nên chỗ nầy không đắp, để trống.

Anh em thợ hồ bạch : "- Xin Thầy cho biết hình Nam Bình Vương Phật để sau nầy mấy con đắp."

Đức Hộ Pháp nói : - Chừng nào tạo Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức thì Thầy sẽ cho biết, không gì lạ. Đền Thánh tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên phục khôi giáp, thì nơi Đền Thờ Phật Mẫu tượng trưng Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên có hình Ngài, nhưng không mặc Thiên phục, chỉ mặc áo cà sa nhà Phật mà thôi.

Theo tài liệu của Ban Kiến Trúc, Báo Ân Từ được :

  • Khởi công xây dựng ngày 16-1-Nhâm Thìn (dl 11-2-1952).
  • Đức Hộ Pháp trấn Thần và An vị cúng Đức Phật Mẫu ngày 4-8-Quí Tỵ (dl 11-9-1953).
  • Khánh thành ngày 9-1-Ất Mùi, nhân dịp Đại Lễ Khánh Thành Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày mùng 6 đến ngày 16-1-Ất Mùi.

More topics .. .