Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID22318 - Chương : 32. Ngày mai này là ngày vía Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Sách : Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Q.5 & Đức Hộ-Pháp PHẠM CÔNG TẮC
Tác Giả : Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC (1890-1959)

32. Ngày mai này là ngày vía Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.



32. Ngày mai này là ngày vía Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Đền Thánh đêm 12 /10 năm Nhâm Thìn (1952).

Ngày mai này là ngày Lễ vía Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, tưởng khi cả anh em chúng ta nam, nữ lưỡng phái đều tưởng nhớ Ngài lắm vậy. Ấy là người Anh Cả đầu tiên của chúng ta. Đức Chí Tôn đã ban hồng ân Thiêng Liêng vô đối ở dưới thế gian này, có một vị Giáo Tông đầu tiên của nền Đạo.

Nhân dịp ngày Lễ Đức Quyền Giáo Tông, chúng ta nên để tâm suy đoán nhớ lại thử coi cái gương của Ngài để lại cho chúng ta là cái gì, Bần Đạo xin nói rõ giúp cho toàn thể con cái của Đức Chí Tôn có phương thế suy đoán.

Hỏi lúc nòi giống Việt Nam và Quốc gia Việt Nam ở vào thời kỳ Pháp thuộc một người như Đức Quyền Giáo Tông, Bần Đạo nói rõ là một người bần hàn xuất thân, cha chết sớm duy có bà mẹ nuôi cho đến khi lớn, chỉ ở vậy thôi, không tái giá, chớ phải chi nhà giàu có “Môn đăng hộ đối” chẳng nói gì, nhà nghèo mà hẩm hút làm lụng nuôi con ăn học đến nên người.

Bần Đạo còn nhớ lại Đức Quyền Giáo Tông có nói với Bần Đạo một chuyện rất ngộ nghĩnh, Bần Đạo minh tả ra đây cho tất cả bên phái nữ để ý cho lắm, để làm một bài học hay.

Khi Bà thân của Người đã qua đời, thì cả trong làng thương yêu một cách không thể nói được.

Chức Sắc làm bàn đưa linh mà trong bài châm ấy để mấy chữ như vầy: “Tích Mạnh Mẫu” tức nhiên toàn thể nhận tang cả, chẳng khác gì Mạnh Mẫu cho lắm, chỉ biết mình là hạng bần hàn nên con mắt của người không bao giờ ngó đến kẻ nghèo khổ, lam lụ như Ngài thuở ấu xuân vậy.

Vì cớ cho nên Ngài đem tâm chí làm sao ích lợi cho dân, tức nhiên cho đồng bào trong nước. Vì thế cho nên Ngài phản đối một cách không thể tưởng tượng trong buổi lệ thuộc ấy, can đảm chúng ta không bao giờ dám đề xướng như vậy đặng.

Trong nước chúng ta buổi nọ, nhứt là trong Nam Kỳ (Bần Đạo dùng tiếng xưa) buổi nọ nếu có một người An Nam nào đứng đầu quần chúng, thì duy có Ngài mà thôi. Bởi chính mình Ngài vào Thượng Nghị Viện Chính Phủ Pháp buổi nọ duy có một mình Ngài trong Nam Kỳ.

Ấy vậy, nếu như buổi nọ Ngài muốn giong ruổi trên con đường danh lợi, thì cái công danh phú quý của Ngài vẫn ở trong tay, không xin ai, không hạ mình mà bợ đỡ hay nịnh hót ai đặng danh lợi ấy.

Danh lợi sở hữu vì tài đức của Ngài, Bần Đạo có thể nói Ngài là một người sống trong trưởng giả đó vậy, nhưng mà dòm trước mắt thấy cả đồng bào thống khổ, cái lẽ bất công nó cứ chàng ràng trước mắt của Ngài hoài.

Cho nên thật sự ra, dầu ngồi trên địa vị cao kỳ sang trọng bao nhiêu đi nữa Ngài không buổi nào thỏa thích được, đến nỗi Ngài tranh đấu, tranh đấu thấy mình bất lực muốn chết đi cho rồi, muốn tự vận nên hút á phiện đặng chết cho sớm, cho khuất con mắt, tránh cái thống khổ của dân đã chịu.

Nhưng cái người mà Đức Chí Tôn đã dành để đó, dễ gì chết một cách dễ dàng như thế. Nên Ngài sống, Ngài sống cho đến khi Đức Chí Tôn đến mở Đạo. Một lời Đức Chí Tôn phán thì cả cái sang trọng phú quý của Ngài, Ngài coi như bọt nước, nội một ngày cả sự nghiệp đều để cho thiên hạ.

Ngài bán cả của cải ấy, Ngài ra với một mình không. Buổi nọ hút một ngày năm mười đồng bạc, mà bỏ hút rồi có một ngày ăn trường trai kể từ ngày Đức Chí Tôn đến, chính mình Bần Đạo làm chứng cho vậy.

Cái đức tin phi thường đã thấy trong cửa Đạo Cao Đài nầy có hai người: Một Đức Quyền Giáo Tông, hai Đức Cao Thượng Phẩm mà thôi. Phải chăng do nơi khối đức tin vô đối ấy đã làm cho Đạo Cao Đài nên hình như ngày hôm nay.

Một cái sứ mạng khó khăn nhứt là buổi nọ Đức Chí Tôn đến, Bần Đạo nhớ lại thiên hạ trở thành vô Đạo, cả toàn thể quốc dân giong ruổi theo duy vật.

Văn minh đương thời bây giờ, quên hẳn cả lễ nghi phong hóa nước nhà, làm cho sống lại chẳng phải là một điều dễ, phải chiều chuộng, bợ đỡ, nâng niu, chẳng khác nào bà mẹ coi từ vú sữa, mớm cơm cho con thơ dại, mới tượng hình của Đạo ngày hôm nay.

Cái khó khăn hơn hết Bần Đạo nói có bằng chứng, chính mình Đức Chí Tôn đến mở Đạo Ngài than khó lắm, chính mình Ngài là Đức Chí Tôn quyền năng vô đối mà còn than về cái khó đó.

Bần Đạo để bằng cớ hiển nhiên cho con cái Đức Chí Tôn ngó thấy, Đại Từ Phụ đã làm hai bài thi than buổi nọ như vầy:

“Cao Đài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng.
Chiều lụy đòi phen, xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cường khan”.
“Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy”.

Bằng cớ hiển nhiên đó chính mình Đức Chí Tôn còn than, chúng ta nhớ lại, buổi nọ cái sứ mạng thiêng liêng của Đức Quyền Giáo Tông và của Đức Cao Thượng Phẩm nó khó khăn dường nào. Thật sự phải chìu luỵ về tâm hồn con người buổi nọ một cách không thể tưởng tượng được.

Bần Đạo thú thật, buổi nọ Đức Quyền Giáo Tông, Đức Cao Thượng Phẩm và Bần Đạo cũng vậy, chỉ có ba anh em ôm sứ mạng thiêng liêng ấy nơi mình.

Lãnh sứ mạng khó khăn thì tưởng đâu Đạo Cao Đài cũng như Đạo Phật hay Minh Sư, Minh Đường, đáo để, cạo đầu vô chùa làm thầy Chùa tu là cùng, tưởng dễ dàng lắm, kiếp sanh nơi thời bấy giờ đã khổ não tâm hồn và xác thịt lệ thuộc như thế.

Ổng biểu tu, nào dè mở Đạo trong thời gian ngắn ngủi không bao lâu thấy cả con cái của Ngài, đến cùng Ngài, cả muôn, cả triệu, chừng đó mới biết sợ sệt.

Chính mình buổi nọ Đức Quyền Giáo Tông ra hậu điện, Người hỏi Bần Đạo: Đại Từ Phụ làm cái gì vậy? Thấy thiên hạ vào cửa Đạo quá chừng Đại Từ Phụ làm cái gì kỳ quá vậy?

Chính mình Bần Đạo cũng không biết, biết đâu Ông làm gì, Ông đến Ông thâu Tín đồ nhiều quá ảnh than rằng: Tới đâu hay tới đó chớ biết sao!

Kể từ đó bị khảo miết Đức Cao Thượng Phẩm bị khảo đến ngày giờ chót. Ngày giờ cuối cùng nằm trên giường bệnh cho tới hơi thở cuối cùng, không buổi nào không bị khảo, không buổi nào không bị nhục nhã. Cái luật thiên nhiên không có điều gì xin xỏ điều gì cũng phải mua chuộc.

Bần Đạo đã quyết rồi xin để Bần Đạo kết luận bởi mua chuộc với cái khảo đảo nhục nhã của đời, để bảo trọng danh giá của Ngài. Ngày nay Ngài sang trọng vô đối.

Chúng ta thấy gương rõ ràng Đức Phật Tổ là Chúa cả linh hồn của nhơn loại bên cõi Á Đông nầy. Đức Chúa Jésus Nazareth hay Christ Chúa của các linh hồn bên cõi Âu Châu.

Hai người ấy một người thì đi ăn xin, cầm Bình Bát đi ăn xin, không phải ăn xin cho Ngài, ăn xin cho kẻ đói khó nghèo nàn đem về cấp Cô Độc Viện, đặng nuôi dưỡng họ, một đời không có cái áo lành.

Ngài đi mót máy đồ rách rưới, rồi chầm khiếu, gặp người nào lạnh cởi ra đưa cho bận, ở trần mãi thôi. Đức Chúa Jésus Nazareth (Christ) không có được hai cái áo, không có chỗ nương thân Ông than một câu, than nghe thảm thiết làm sao: Con chim nó có cái ổ, con chồn nó có cái hang, mà con người này không biết chỗ nào gối đầu của mình!

Hai người ấy mà cái nghiệp họ đã đào tạo nơi thế gian này, một người hai ngàn năm, một người hai ngàn năm trăm năm vẫn còn tồn tại mãi thôi.

Biết bao nhiêu cơ nghiệp Đế Vương, biết bao nhiêu người giàu sang ở dưới mặt thế gian này, nào là đài Tần, đảnh Hớn cả thảy đều tiêu tan, chúng ta không còn ngó thấy một dấu tích gì lưu lại.

Mà hai người nghèo ấy, hai người bần hàn ấy, một người hai ngàn năm, một người hai ngàn năm trăm năm, đại nghiệp họ vẫn còn tồn tại.

Một điều Bần Đạo buồn cười hơn hết, ở ngoài đời dùng cường lực nào là bom nguyên tử, nào là gươm đao, súng đồng mọi thứ để tàn sát thiên hạ đặng làm bá chủ, đặng giành bá chủ không phải dễ làm.

Bởi vì họ muốn làm bá chủ của thiên hạ nhưng không được đâu, thiên hạ phản đối luôn, chống lại cường lực mãi thôi, chẳng buổi nào ngừng.

Mới đây con cái Đức Chí Tôn đã ngó thấy Xá Lợi Phật, tức nhiên xương của Đức Thích Ca buổi nọ thiêu còn sót lại miếng nhỏ nhỏ để lại phân phát các Chùa ở bên Ấn Độ.

Qua tới bên Ấn Độ Dương một miếng có một chút, đem Xá Lợi Phật bằng đầu mũi kim chớ có lớn đâu, thiên hạ hoan nghinh cả Xá Lợi Phật, không có súng, không ai ràng buộc, không đem súng mà họ theo, cả thảy đều cúi đầu không phải cầm súng mà người ta coi mạnh phi thường không thể gì tưởng tượng được.

Cái Ông mà nghèo nàn đệ nhất hơn hết, bây giờ thiên hạ thấy hình trái tim của ông cháy lửa ra, hễ ngó thấy hình trái tim thì cúi đầu hết thảy, mà cả toàn thể các liệt cường sắc dân Âu Châu cho tới Á Đông 600 triệu Tín đồ ngó trái tim đời đời không khi nào mỏi.

Đức Quyền Giáo Tông đã khéo lựa, Ngài bỏ cái ngôi vị Thượng Nghị Viện của Ngài, chỉ theo Đức Chí Tôn, nên người ta gọi Ông già tu Tiên (gọi theo lối kiêu ngạo) mà ngày hôm nay địa vị nầy Bần Đạo nói thật nó còn đời đời kiếp kiếp, cái danh giá của Ngài không bao giờ tiêu hủy.

Cao Đài còn, danh giá của Ngài vẫn còn, công nghiệp của Ngài đối với nhân loại vẫn còn.

Ngộ nghĩnh thay! Cả thiên hạ hạng nhứt là quốc dân Việt Nam đã nô lệ về phần xác, Đức Chí Tôn cho một người Tướng Soái đến đặng giải thoát họ, quí trọng hơn hết trong kiếp sống của họ là giải thoát về phần hồn.

Nắm về phần hồn làm chúa thiên hạ, ngộ nghĩnh thay! Tượng hình làm chúa trong đó tay Đức Quyền Giáo Tông là tay thứ nhứt hơn hết.

Sao, giờ phút này, Bần Đạo ngó lại phải để câu hỏi: Nền Đạo Cao Đài ngày kia sẽ tạo nền văn minh như thế nào? Thật vậy nền văn minh sẽ ra sao?

Bần Đạo nói hai vị Giáo Chủ kia đã mang thi phàm xác tục, mà họ còn để lại hai gương đẹp đẽ vô biên ấy, họ tạo Tân dân, họ đã đến đây phương kế hiệp thành chữ “Khí” của Đức Chí Tôn đến giữa Thánh đức của Ngài.

Rồi giờ phút nầy Đức Chí Tôn đến để nơi mặt thế gian này nền Tôn Giáo Cao Đài, thì nền văn minh ấy thế nào con cái của Đức Chí Tôn đoán biết.

More topics .. .