Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
5. Nhân Đạo và Vấn Đề Tình Dục.
Ngót bốn mươi lăm lập Đạo cho đến bây giờ, chúng ta chưa hề thấy có một lần nào Đức Chí Tôn hoặc các Đấng Trọn Lành giáng dạy chúng ta rằng, bổn phận về nhơn đạo phải ràng buộc trong sự ân ái, nhằm thỏa mãn những đòi hỏi dục tình của thể xác hai người nam và nữ.
Luật lệ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cấm các tu sĩ lập gia đình, như vậy thử hỏi nhân sinh quan của Cao Đài giáo đối với vấn đề này ra sao?
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, câu mở đầu bài kinh hôn phối đã viết như sau :
Thì sự ăn ở giữa vợ chồng với nhau là một phép của Đấng Hóa Công, để tiếp nối cơ sanh hóa là đầu mối của sự luân hồi triền miên, vay rồi trả, trả rồi vay, chồng chất thêm mãi những sung sướng và khổ đau, vinh nhục luôn luôn đi kèm nhau...
Trên bình diện luân lý, dường như Thượng Đế sẽ trở nên mâu thuẫn với chính Ngài, nếu chúng ta chấp nhận rằng "hữu sanh hữu tử" là đầu mối của luân hồi, đồng thời việc gối chăn giữa vợ chồng với nhau là nhơn đạo nghĩa là bổn phận mà con người phải lo tròn.
Nói cách khác thanh niên nam nữ đến tuổi tuần cập kê nếu có kẻ nào từ chối việc lập gia đình, trong đó bao gồm cả sự thỏa mãn về tình dục giữa hai thể xác họ có bị coi như không tròn bổn phận nhơn đạo chăng? Triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dung hòa tất cả các giáo thuyết thì chữ nhơn đạo phải được hiểu như thế nào?
Nếu nói rằng nhơn đạo nằm trong mối tương quan tam cang ngũ thường, tứ đức tam tòng tức là những bổn phận của một con người đối với những liên hệ về huyết tộc và hôn phối, đối với bạn hữu, đối với quốc gia xã hội thì Đức Khổng Tử có lần nào buộc tội Đức Thích Ca không tròn câu nhơn đạo chưa, khi vị Thái Tử từ chối không chịu tiếp nối những cuộc ái ân với người vợ để cương quyết ra đi tìm chơn lý?
Phải chăng Đức Thích Ca đã có tội khi Ngài không chịu làm công việc thường tình của bao nhiêu kẻ khác đã làm?
Phải chăng tất cả những vị Linh Mục Thiên Chúa Giáo đã phạm tội vì không làm bổn phận lập gia đình và có vợ ?
Phải chăng tất cả những ni cô, nhà sư Phật Giáo đã mang trọng tội vì không chịu tìm một người khác phái mình để hợp hôn và sinh con đẻ cháu?
Như vậy thì nhơn đạo là cái gì, là sự ràng buộc nào? Sự ràng buộc trong mối giao tế thường nhật giữa cá nhân con người này đối với cá nhân con người khác hay là sự ràng buộc về sinh lý giữa một nam một nữ ?
Nếu như con người mất hẳn quyền tự chủ để định phận lấy mình theo những mối tương quan nhân quả thì cơ giải thoát cũng chẳng còn nữa. Bởi thế cho nên trong giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn không hề bắt buộc cũng không bao giờ cấm đoán sự kết nghĩa vợ chồng giữa hai người nam nữ trên mặt đất.
Cái quyền tự chủ để định phận lấy mình Ngài đã giao trọn nơi tay chúng ta, Ngài yêu thương con cái Ngài đang sống trong trầm luân khổ hãi nên mới đến chỉ đường dẫn lối, cho rõ cảnh thăng cảnh đọa rồi tự chúng ta phải lập vị lấy.
Sức một làm theo một, sức mười làm theo mười, tùy tài tùy lực, cái trí não tinh thần của mỗi cá nhân vốn chẳng đồng nhau nên chẳng có sự buộc ràng nào cả về mặt sinh lý giữa một nam một nữ.
Trong quyển Phương Tu Đại Đạo, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc khi luận về đạo vợ chồng Ngài đã công khai nhắc nhở thanh niên nam nữ rằng, liệu như hoàn cảnh mình không đủ sức đùm bọc đời sống cho nhau thì đừng nên tạo thêm vòng oan trái :
Như vậy nhơn đạo không nằm trong sự ràng buộc về sinh lý giữa hai thể xác nam nữ mà nằm trong mối tương quan có tính cách giao tế giữa hai con người, khi hai kẻ ấy đã tự mình ký thỏa ước chung về cộng nghiệp là lập gia đình.
Tạm gác ra ngoài phần tinh thần nơi mỗi cá nhân, hình hài nhục thể nầy của chúng ta được kết thành từ sự ân ái của hai thể xác nam và nữ trong thế hệ trước, nên trong bản chất của nó đã chứa sẵn mầm tình dục, với thời gian mầm ấy sẽ trưởng thành, thôi thúc chúng ta đi tìm và gây thêm oan trái, vòng lẩn quẩn lại bắt đầu.
Đức Chí Tôn đến khai Đại Đạo, Ngài chỉ rõ cho chúng ta thấy diễn trình cuộc sống, lại đem cả huyền linh đặt sẵn ngay trên mặt đất nầy, kêu gọi và chờ đợi chúng ta biết nhận lấy mà giải thoát chính mình.
Ngài sẵn sàng đảo lộn đời sống sinh lý trong nội thân chúng ta, xây chuyển ngược vòng nhơn dục, để đem chúng ta ra khỏi bánh xe luân hồi chuyển kiếp thì có lý do nào ở một nơi khác, Ngài lại cho phép chúng ta thay hình ảnh Ngài, nhơn danh Ngài mà trói buộc con cái Ngài vào vòng sanh tử, gọi là cái "nhơn đạo" của Ngài hay sao?
Nền tảng siêu hình của học thuyết Cao Đài vẫn là sự huờn nguyên tam bửu, tức là trụ cả khối tinh, khí, thần, nuôi dưỡng cho những món quí báu đủ điều kiện kết thành một nhị xác thân, bất tiêu bất diệt mà nhập vào cảnh hằng sống thì chữ nhơn đạo dù bị giới hạn trong phần hình nhi hạ, cũng không thể nào được phép mâu thuẫn với chính nền tảng siêu hình của nó.
Vòng thê tử luôn luôn có cái nhân của nó, cái nhân ấy do chính chúng ta gây ra nhưng chúng ta lại sợ hãi quả nghiệp nên cái trí tinh ranh, xảo quyệt của mình mới tìm ra những luân lý sắc bén để trấn an tâm thức, rằng đó là cái đạo làm người, rằng Đức Chí Tôn muốn thế.
Cái trí xảo quyệt của chúng ta còn tìm cách xuyên tạc Thánh Giáo Ngài, đại ý nói rằng nhơn đạo tròn mới bước qua Thiên đạo, như là một điều kiện bắt buộc ai ai cũng phải có vợ có chồng rồi mới có thể đi tu theo Thánh ý của Ngài được.
Buổi mới Khai Đạo, có biết bao người vừa thức tỉnh giấc mộng trần ai lại toan tìm đường lên non luyện thuốc trường sanh, phế bỏ việc làm ăn sinh sống của gia đình, trút hết gánh nặng của mình đã tạo ra, bỏ mặc cho xã hội, tìm đường chạy trốn cho được yên thân gọi là tu hành, Ngài thấy vậy biết chắc kết quả chẳng đi đến đâu, bởi luật công bình không dung thứ cho kẻ trốn nợ nên mới có lời khuyên như trên, tuyệt nhiên Ngài không hề khuyến khích tiếp tục cuộc ân ái chăn gối mà cũng không hề cấm đoán. Nếu Thái Tử Sĩ Đạt Ta không cương quyết dừng lại chuyện gối chăn thì giờ nầy nhân loại chưa có một Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cho hay cơ Tạo Hóa tuy im lìm mà rất nên mắc mỏ! Chìa khóa giải thoát vẫn ở nơi tay mình vậy. Đức Chí Tôn trao cho thì chúng ta phải biết vặn lấy, nếu chúng ta chỉ cầm lấy mà ngắm thì cái chìa khóa trở thành vô dụng.
Chữ khổ là bài học của trường đời, Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã chỉ cho chúng ta phương cách để giải quyết nó. Đó là Thiên Đạo, là đường lối của ông Thầy Trời đến để giải quyết cuộc đời, trong đó có những bổn phận của một con người hành sử ra sao trong toàn bộ kế hoạch giải quyết. Cho nên không có một Thiên Đạo khác với Nhơn Đạo cũng không có một khoảng cách nào giữa Nhơn Đạo và Thiên Đạo.
Thế thường người ta vẫn quan niệm mặc được chiếc áo trường y, đi làm việc truyền giáo gọi là Thiên Đạo, còn không làm được việc ấy thì còn ở trong vòng Nhơn Đạo. Thử hỏi chức sắc được coi như kẻ đã tròn câu nhơn đạo, nghĩa là đã xong rồi, dứt hết, tại sao luật lệ Tam Kỳ còn cho phép tiếp tục chuyện gối chăn với vợ nhà?
Vậy thì nhơn đạo trong giáo lý Cao Đài không nằm trong sự ràng buộc gối chăn. Ân ái vẫn là đầu dây của mối nợ chưa dễ gì thoát khỏi, duy có biết thì tìm phương giải quyết lần hồi mới ra khỏi được.
Đức Chí Tôn không bao giờ buộc con cái Ngài phải trầm luân mãi mãi vào vòng trần tục, cho nên chữ nhơn đạo của Ngài không có nghĩa là bắt buộc phải thỏa mãn vấn đề tình dục giữa một nam một nữ, mà chỉ có nghĩa là những bổn phận của một cá nhân con người đối với những kẻ khác trong cộng đồng xã hội.
Trên bình diện thu hẹp giữa một cặp vợ chồng, nhơn đạo đồng nghĩa với những bổn phận tương trợ cùng nhau, còn chuyện gối chăn là một nhu cầu sinh lý của thể xác, cũng như nhu cầu ăn, ngủ, cư trú vậy. Thỏa mãn những nhu cầu ấy, không ít thì nhiều chúng ta sẽ gây nên đồng thời những ràng buộc khác nữa, tính cách máy móc nối chằng chịt ấy được diễn tả qua câu kinh:
Giáo lý Cao Đài không chủ trương từ chối cuộc sống hiện tiền, không mơ ước một Thiên Đàng khác hẳn, nơi đó linh hồn sẽ thoát được những thực tại bất toàn của thế cuộc, trái lại vẫn coi cuộc sống nầy như là một phần trong đời sống vĩnh cửu.
Đây là một giai đoạn tiếp nối và cũng là khởi đầu của những giai đoạn khác trong toàn bộ diễn trình cuộc sống, khi thì hiện thực trên mặt đất nầy, lồng trong mảnh hình hài của một phàm nhân, khi thì hiện thực trong những cảnh giới khác, trong những thực thể linh diệu hơn hay thô kệch hơn.
Nói cách khác ý niệm về thời gian trường cửu và hiện tại vẫn là một, con người đang sống trong hiện tại và cũng là đang sống trong trường cửu. Cho nên chữ nhơn đạo không phải chỉ xây dựng trên nền tảng giá trị của một lần thác sinh, mà nó phải được nhìn thấy một cách bao quát từ một ý niệm phi thời gian. Có như vậy, thì nhơn đạo tròn mới bước qua thiên đạo được, bằng chẳng vậy nghĩa là còn ngó thấy sự cách biệt giữa những bổn phận về Nhơn Đạo và Thiên Đạo, thì chắc rằng chẳng có ai trên mặt thế nầy dám tự nhận mình đã làm tròn câu Nhơn Đạo.
Việc kết nghĩa vợ chồng bao hàm cả vấn đề giải quyết sinh lý giữa một nam một nữ, phần nào cũng do những ràng buộc từ trước và cái hậu quả những hành động của chính mình trong cuộc sống hiện tại. Đó là một món nợ do mình gây ra. Chơn linh Bà Đoàn Thị Điểm đã có một lần giáng cơ minh định như sau :
Nếu coi đó như một món nợ phải trả, phải chấp nhận và trong khi trả, lại gây ra những nợ khác song hành thì cái vòng lẩn quẩn vẫn còn lẩn quẩn. Như vậy thế mở của Chánh Pháp Cao Đài ở đâu?
Làm sao có thể giải thoát được con người, câu trả lời vẫn nằm ở sự hiểu Đạo và hành Đạo. Sự hiểu biết đích thực luôn luôn bao hàm một hành động, vì chính nó cũng là một hành động vậy, sự hiểu Đạo vốn rất khác xa cái khả năng thuộc lòng giáo lý. Khi tâm thức được bừng sáng đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó, đại để là những công việc:
Tức là lập công , bồi đức và định phận cho chính mình theo đúng luật công bình của Tạo Đoan. Đó là một sự trả nợ của chính mình, một lối mở đường thoát thân, công nghiệp phụng sự vạn linh trong sự sáng suốt của tâm linh.
Tinh thần ấy hoàn toàn tự do và cá nhân mỗi người có được trọn quyền quyết định chuyện gối chăn giữa một nam một nữ, tuyệt nhiên nhân sinh quan Cao Đài Giáo không hề trói buộc ai vào vòng thê tử. Nhơn Đạo buộc mình phải có những bổn phận đối với những phần tử trong gia đình, khi đã tạo lập và không hề trói buộc ai phải chịu chìm đắm trong những sinh hoạt gia đình đời đời kiếp kiếp, cũng không hề trói buộc một nam một nữ khi đã kết nghĩa vợ chồng với nhau thì phải tiếp tục chuyện gối chăn cho đến chết, cũng không buộc đình chỉ việc ái ân sau một thời gian chung sống.
Tâm thức bừng sáng với ánh Đạo đến đâu chúng ta sẽ có những hành động thích ứng đến đó và đây là tinh thần ngũ chi hiệp nhứt. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng quan niệm chung về hạnh phúc của người Đông Phương thời xưa, ngoài những ước vọng về tiền tài và trường thọ, còn có một ước vọng sinh được nhiều con cháu.
Quan niệm ấy đề cao sự truyền chủng tột độ, đến nỗi việc không có con nối dõi tông đường bị xem như là một tội bất hiếu. Nếu chịu khó đi sâu vào lãnh vực xã hội học, chúng ta sẽ thấy rằng quan niệm ấy có lý do để sinh tồn trong chế độ xã hội xưa là vì muốn bảo vệ quyền lợi của gia tộc.
Bốn mươi mấy năm trước đây, Việt Nam vẫn còn theo chế độ phong kiến và trình độ dân trí còn nhiều khuyết điểm bị gò bó trong nền văn minh xã thôn, Đức Chí Tôn đến khai Đại Đạo, Ngài phải tùy theo phong hóa nhưng không bao giờ chấp nhận chế độ đa thê, song một số trường hợp đặt biệt nếu người trong cuộc muốn được như vậy :
"Cấm người trong Đạo từ ngày ban hành luật này về sau không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối. Thảng như phụ nữ kia không có con nối hậu thì Thầy cũng rộng cho đặng phép cưới thiếp, song chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng." (Điều 9 - Chương Thế Luật - Bộ Tân Luật).
Tuyệt nhiên Ngài không hề xác nhận rằng việc nối dõi tông đường là một bổn phận về nhơn đạo mà Ngài chỉ cho phép nếu chúng ta muốn. Đây là một điểm quan hệ vì nếu điều luật nầy được hiểu một cách máy móc thì học thuyết Cao Đài sẽ có những điểm mâu thuẫn nội tại.
Nếu ngày nay chúng ta cũng đề cao chữ hiếu theo lối này, xem nhơn đạo bị ràng buộc trong bổn phận truyền chủng thì sự cách biệt về tôn giáo vẫn còn, hai tiếng Đại Đạo sẽ trở thành ảo tưởng, cái cơ duyên để dung hợp tất cả tinh ba giáo thuyết sẽ không còn nữa bởi tự trong ý thức về triết lý hãy còn chứa đựng "mầm chi phái", thể hiện trong quan niệm về một sự cách biệt giữa Nhơn Đạo và Thiên Đạo. <