Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
1. Hư vô chi khí và Tiên thiên khí.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
Hư Vô chi Khí sanh có một Thầy. Còn mấy Đấng Thầy kể đó, ai sanh? Ấy là Đạo. Các con nên biết. Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn hôn Thế Giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.
Hư Vô chi Khí là chất khí nguyên thủy sanh ra Thái Cực, là Đại hồn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Khi có Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế rồi thì Ngài dùng Khí Hư Vô ấy biến hóa ra, được diễn tả là Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái, tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật.
Khí Hư Vô còn được gọi là: HỖN NGƯƠN KHÍ, TIÊN THIÊN KHÍ.
Đức Lão Tử gọi nó là Đạo, Nho giáo gọi là Vô Cực.
"Trước khi chưa phân định Âm Dương Càn Khôn Thế giới, thì trong thời kỳ ấy, khí Hồng mông đương hỗn độn mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hiệp, kêu là Tiên Thiên Hư Vô chi Khí. Trong Khí Hư Vô ấy, lại có phát hiện một vầng Đại quang minh là Thái Cực, đó kêu rằng: Vô Cực sanh Thái Cực.
Vòng Hư Vô ấy lại có một điểm trung tâm là Thái Cực, mà Thái Cực là cơ, hễ cơ là lẻ, đã lẻ thì làm sao hóa sanh để tạo thành CKTG, vạn vật muôn loài, côn trùng thảo mộc, thủy tú sơn xuyên? Nên cái Lý đơn nhứt ấy mới phóng ra một vầng Quang Minh phân định: Khí nhẹ nhàng bay bổng lên làm ngôi Càn, Càn là Thiên, tức là Nhứt Dương chi Khí. Khí nặng nề ngưng giáng xuống làm Khôn, Khôn là Địa, tức là Nhứt Âm chi Khí.
Cái năng lực mạnh bạo của hai Khí Âm Dương vần vần quanh lộn, lăn tròn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian. Khí Dương động, khí Âm tịnh, Âm thì nương một chỗ, còn Dương bao quát Càn Khôn. Đức Thái Cực Thánh Hoàng mới vận hành khí Chơn Dương hiệp cùng khí Chơn Âm.
Hai khí Âm Dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm nhau mà hóa sanh là do trong chỗ điều hòa, tương ứng tương cảm, huân chưng đầm ấm, mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Khi Âm Dương bắt đầu sanh hóa muôn loài vạn vật, rồi muôn loài vạn vật cứ sanh sanh mãi mãi, đời nọ sang đời kia, không bao giờ ngừng nghỉ.” (Đại Thừa Chơn Giáo)
Theo Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài, thuở chưa có Trời Đất, tức là chưa có Càn Khôn Vũ Trụ, trong khoảng không gian bao la có một chất khí Hồng Mông Hỗn Độn, gọi là Hư Vô chi Khí, Nho giáo gọi là Vô Cực, Lão giáo gọi là Đạo, khí ấy mịt mịt mù mù, thanh trược lộn lạo.
Lần lần khí ấy ngưng tụ lại, rồi nổ ra một tiếng thật lớn, tạo ra một khối Đại Linh Quang chiếu diệu khắp không gian. Nho giáo gọi khối ấy là Thái Cực, khối ấy chính là Đại Hồn của Vũ Trụ, nên cũng gọi là Thái Cực Thánh Hoàng hay Ngọc Hoàng Thượng Đế. Khối ấy trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, là nguyên lý đầu tiên duy nhứt, tuyệt đối. Đấng Thái Cực Thánh Hoàng vận dụng Thái Cực để phân ra thành hai khí gọi là Lưỡng Nghi: Nghi Dương và Nghi Âm, cũng gọi là Dương quang và Âm quang.
Hai khí Âm Dương ấy xoay chuyển không ngừng, càng lúc càng nhanh, gây ra tiếng nổ dữ dội, để Âm Dương kết hợp, tạo thành vật chất, bắn phá ra chung quanh các khối vật chất lớn làm thành các quả tinh cầu và trái đất. Lúc ấy mới bắt đầu có Càn Khôn Vũ Trụ với hình thể hữu vi vật chất, và sau đó lần lần xuất hiện các loài sinh vật trên các quả địa cầu.
Vô Cực → | Thái Cực → | Lưỡng Nghi → | Trục thời gian → |
Hư Vô chi Khí | Tiên Thiên Khí | Hậu Thiên Khí |