Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971)
Ngài Cao Hoài Sang sanh ngày 29-7-Tân Sửu (dl 11-9-1901) tại làng Thái Bình tỉnh Tây Ninh.
Thân phụ là ông Cao Hoài Ân (trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương chép là: Cao Hoằng Ân), thuở sanh tiền làm việc tại Tòa Án, là vị Thẩm Phán Việt Nam đầu tiên. Chức sắc tiền bối cho biết, ông Cao Hoài Ân là chơn linh của Xuyên Quan Tư Bộ ở Thiên đình giáng trần.
Thân mẫu là Bà Hồ Thị Lự (đắc phong Nữ Giáo Sư tại Kim Biên năm 1927, thăng Phối Sư năm 1935, thăng Nữ Đầu Sư ngày 9-12-1968).
Ông Bà Cụ Cao Hoài Ân có tất cả 3 người con:
. Con thứ hai là Ngài Cao Đức Trọng, Thiên phong Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài.
. Con thứ ba là Cô Cao Thị Cường, Thiên phong Nữ Giáo Sư Cửu Trùng Đài.
. Con thứ tư là Ngài Cao Hoài Sang, Thiên phong Thượng Sanh Hiệp Thiên Đài.
Năm 1925, thời kỳ còn xây bàn, ông Cao Hoài Ân có lần nhập bàn cho thi. Chỗ nầy, ông Huệ Chương thuật lại trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên, trang 13 như sau:
"Hằng đêm hằng có chư vị đến, mấy ổng thử cũng hết sách, mà cũng nhờ vậy mới phục đặng lòng của mỗi người. Như có một buổi, anh Cao Hoài Sang buồn, đề một bài thi Tự Thuật, có ý than thân trách phận, sao lăn lóc với tình đời, tuy tuổi chưa bao nhiêu mà đã mòn mỏi. Ảnh đem ra nhà cho ông thân tôi coi (ông thân của Huệ Chương là Ngài Cao Quỳnh Diêu), và cũng muốn để cho mấy ổng họa lại chơi cho vui. Nói chuyện với nhau rồi lẩn quẩn cũng cầu chư vị nữa.
Vào ngồi (xây bàn) trong 5 phút đồng hồ, thì có ông thân của ảnh là Bác Cao Hoằng Ân giáng đến.
Thuở Bác còn sanh tiền, Bác làm việc Tòa Án, lại cũng có đổi đi vùng miệt Tây Ninh, Bạc Liêu và nhiều chỗ khác nữa, rốt sau về Sài Gòn, rồi mới quá vãng, tôi tưởng nhiều người biết Bác lắm.
Khi ấy, chú tư tôi (Cao Quỳnh Cư) thưa với Bác rằng:
- Sẵn dịp Anh về đây, nhằm lúc Sang làm một bài thi Tự Thán, cậy mấy anh em tôi họa, vậy Anh họa chơi luôn thể.
Ông thân tôi lại nói:
- Anh cứ việc đề thi, dạy nó thế nào thì Anh định lấy, nhưng theo vận Từ Thứ mà lâu nay làng thi chịu phục là: voi, mòi, còi, roi, thoi, mà làm.
Dứt lời, Bác Cao Hoằng Ân tiếp liền, chẳng đợi phút nào cả, bài thi như vầy:
Ngài Cao Hoài Sang, thuở nhỏ học trường Sư Phạm, thi đậu bằng Thành Chung, rồi ra làm việc ở Sở Thương Chánh Sài Gòn, lần lần được thăng lên ngạch Tham Tá.
Ngài lập gia đình với Bà Võ Thị Giáo, sanh đặng 9 người con, gồm 5 trai và 4 gái.
Việc xây bàn thử nghiệm tiếp xúc với các vong linh, lần đầu tiên thực hiện tại nhà Ngài Cao Hoài Sang, ở phố hàng dừa gần chợ Thái Bình, Sài Gòn. Đó là đêm Thứ sáu, ngày 4-6-Ất Sửu (dl 24-7-1925), với bốn ông: Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Buổi xây bàn đầu tiên nầy không có kết quả.
Đêm Thứ bảy hôm sau, quí ông cũng tụ họp nhau tại nhà Ngài Cao Hoài Sang để thử xây bàn lần nữa, và lần nầy thì thành công, tiếp xúc được vong linh Cao Quỳnh Lượng (con trai của Ngài Cao Quỳnh Diêu) đã chết cách đó mấy năm, và sau đó được tiếp xúc với vong linh Ngài Cao Quỳnh Tuân, thân phụ của hai ông Diêu và Cư.
(Trong công cuộc Xây bàn nầy, ông Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ phò Ngọc cơ tại nhà ông Cư, với Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung cũng tại nhà ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Đạo, cũng tại nhà ông Cư ở số 134 đường Bourdais Sài Gòn, ông Cư đều chủ động và tổ chức tại nhà của ông, cho nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem: I, II, III, trong Tiểu sử của Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, sẽ hiễu rõ các việc của bốn ông: Cư, Tắc, Sang và Diêu.)
Ngày 15-10-Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao Hoài Sang chức Thượng Sanh, chưởng quản Chi Thế Hiệp Thiên Đài
Sau ngày khai đạo tại chùa Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, Đức Cao Thượng Sanh trở về Sài Gòn, chỉ lên xuống Tây Ninh để cùng với Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm lo việc đạo, chớ Ngài chưa hoàn toàn phế đời hành đạo như Đức Cao Thượng Phẩm.
"Mãi đến năm 1956 (Bính Thân), Đức Phạm Hộ Pháp bị một nhóm phản đồ về Tòa Thánh phản loạn, Đức Phạm Hộ Pháp phải ra đi Campuchia.
Đức Phạm Hộ Pháp vắng mặt, không người lèo lái con thuyền đạo, nên Hội Thánh yêu cầu Đức Cao Thượng Sanh về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo, do Vi Bằng ngày 10-3-Đinh Dậu (dl 9-4-1957).
Ngài triệu tập phiên họp Hội Thánh Hiệp Thiên Đài ở Sài Gòn, tại nhà ông Hiến Thế, có ông Bảo Sanh Quân tham dự, vào ngày 15-4-Đinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài và chư vị Thời Quân đồng quyết định về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo.
Khi ấy, Ngô Đình Diệm nhã ý muốn cho một phái đoàn đưa Đức Ngài về Tòa Thánh, nhưng Đức Ngài từ khước. Hội Thánh định rước Đức Ngài bằng một nghi lễ vô cùng long trọng, nhưng Đức Ngài cũng từ khước luôn.
Kể từ đây, Đức Ngài phế đời hành đạo.
Từ ngày về Tòa Thánh làm đạo tính đến ngày qui Thiên là 14 năm thiếu 20 ngày.
Con thuyền Đạo đương hồi sóng gió của bạo quyền, nhơn tâm xao động, Đức Ngài là người trầm tĩnh, liêm khiết. Nhờ đức tánh trầm tĩnh tùy thời của Ngài trấn an được nhơn tâm và uyển chuyển tùy cơ bảo thủ nghiệp đạo, mỗi mỗi đều cân nhắc lợi hại, nên hư.
Với sức thanh liêm đã tiềm ẩn trong con người phi thường ấy, đã làm cho danh đạo khỏi hoen ố, mà trái lại còn được đời kính nể là khác.
Thời kỳ Đức Ngài cầm quyền đã kiến thiết Nhà Hội Thánh Ngoại Giáo, tức là Nhà Hội Vạn Linh bây giờ, làm vòng rào và các cửa Nội Ô, xây dựng được Văn phòng Cơ quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý, Văn phòng Ban Thế Đạo, Bắc Tông Đạo, Đường Nhơn, Tần Nhơn, Đầu Sư Đường, Văn phòng Ban Chấp Hành Đại Đạo Thanh Niên Hội Trung Ương, Học đường Bộ Nhạc, xây cửa Chánh Môn, cùng mở Đại Lộ Chánh Môn;
Ngoài ra Đức Ngài còn đôn đốc kiến thiết dãy lầu Đạo Đức Học đường, Trường Lê Văn Trung, và hiện đang xúc tiến việc xây cất Đại Học Đường của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Lại nữa, Đức Ngài là một Nhạc Sư vào hàng Hậu Tổ, nên Đức Ngài quyết tâm chấn chỉnh Bộ Nhạc theo Thánh ý của Đức Chí Tôn và lời ủy thác của Đức Phạm Hộ Pháp. Huấn luyện các Nhạc sĩ nơi Cơ quan Phát Thanh về cổ nhạc để bảo tồn quốc hồn quốc túy, viết bài Giáo lý, sáng tác văn nghệ khuyến tu, chấn chỉnh văn đàn thi thơ."
"Tuổi già sức yếu, việc đạo lại quá đa đoan, nên Đức Ngài khởi chứng mất ngủ, lần sang bịnh thận tiểu máu, rồi biến đến bịnh áp huyết cao, nhưng nhờ sức chạy chữa tận tình, nên Đức Ngài dần dần bình phục.
Ngày 21-3-Tân Hợi (dl 16-4-1971), trước khi về Sài Gòn dưỡng bịnh, Đức Ngài đi thăm các vị yếu nhân trong đạo lần cuối cùng.
Đức Ngài nói với Ngài Khai Đạo: "Anh không đi Pháp là Thiên ý, để Anh ở nhà lo công việc cho tôi."
(Trích trong bài Lược sử Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, đăng trong báo Thông Tin số 29 trang 7,8,9,10)
Đức Thượng Sanh ngọa bịnh và đăng Tiên tại tư gia, số nhà 36/24 đường Cô Giang, Sài Gòn, lúc 17 giờ ngày 26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971), hưởng thọ 71 tuổi.
Hiền nội của Đức Thượng Sanh cho biết như sau:
"Buổi trưa ngày 26-3-Tân Hợi, Bà cho Đức Thượng Sanh dùng nửa chén cháo. Đức Ngài bảo rằng mệt, cần nằm nghỉ. Đức Ngài mới lên lầu, kéo ghế bố xếp nằm nghỉ mệt. Bà vẫn thường ở sát bên cạnh để săn sóc Đức Ngài.
Khi thấy Đức Ngài nằm nghỉ, không có gì đáng ngại, Bà liền xuống lầu có chút việc, và khi trở lên thì đã thấy Đức Ngài tịch. Bà cho biết, Đức Ngài tịch lúc 17 giờ ngày 26-3 Tân Hợi. Không có lời Di ngôn."
Thánh hài của Đức Ngài được Truyền Trạng Lê Quang Tấn và trưởng nam của Đức Ngài là Cao Hoài Hà chở bằng xe du lịch từ Sài Gòn về Giáo Tông Đường vào lúc 19 giờ 40 phút, và liền theo đó, tin Đức Ngài đăng Tiên được truyền ra một cách nhanh chóng.
Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh hồi 20 giờ 20 phút đêm 27-3-Tân Hợi (dl 22-4-1971),
Đức Cao Thượng Sanh giáng cơ, và bài giáng cơ của Ngài chép ra sau đây:
Chào mừng chư Chức sắc Thiên phong, chư Đạo hữu Nam Nữ.
Bần đạo lấy làm vui sướng được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp phù sanh của con người chỉ có giải thoát được là quí hơn hết.
Hôm nay, Bần đạo đến để thỏa mãn sự yêu cầu của quí vị. Bần đạo không có điều gì hay hơn là bài thi đã cho lúc Bần đạo tái thủ phận sự, nhưng xin sửa lại hai câu đầu như vầy:
Kỳ dư đều để y như cũ.
Bần đạo còn rất nhiều Đạo sự không tiện ở lâu. Xin kiếu.
THĂNG"
Ông Cao Hoài Hà là con trưởng nam của Đức Thượng Sanh, có nhắc lại lời dạy của Đức Thượng Sanh khi còn tại tiền, và xem đây là lời Di ngôn của Đức Ngài:
"Đạo cũng đã trưởng thành, có Pháp Chánh Truyền, Giáo pháp, Đạo luật. Hãy sống trong sạch để làm gương cho mọi người. Hãy tùng lịnh Hội Thánh.
Sống Đạo và sống trong sạch mới không phụ thuộc vào ai. Hãy thương yêu nhau, đừng vì lẽ gì mà chia rẽ, hiềm ghét. Rồi đây, Đức Chí Tôn sẽ qui các Chi phái về một gốc."
Thuở trước, Đức Phạm Hộ Pháp cho biết nguơn linh của Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là Đại Tiên Lữ Đồng Tân, một trong Bát Tiên, giáng trần cùng Đức Cao Thượng Phẩm, hiệp với Đức Phạm Hộ Pháp để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo.
Sau đây là Bản Tuyên Dương công nghiệp hành đạo của Đức Cao Thượng Sanh:
(do Ngài Hiến Pháp đọc tại Đền Thánh ngày 4-4-Tân Hợi).
Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính chư Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nam nữ.
Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Chưởng quản Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Tòa Thánh Tây Ninh, đã qui Thiên hồi 17 giờ ngày 26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971) hưởng thọ 71 tuổi.
Tin buồn nầy làm chấn động cả các giới trong toàn quốc nói chung và toàn Đạo Cao Đài nói riêng.
Thánh thể của Ngài đang quàn tại Tòa Thánh Tây Ninh, chờ đến ngày mùng 6-4-Tân Hợi, nhằm 30-4-1971 sẽ cung nghinh liên đài kỵ Long mã di chuyển theo lộ trình trong châu vi Tòa Thánh;
Và sau khi đại diện các Hội Thánh đọc ai điếu xong, lễ cung nghinh liên đài nhập bửu tháp sẽ cử hành y theo chương trình của Hội Thánh đã lập, mà toàn đạo đều hiểu biết.
Nhơn cuộc lễ nầy, tôi xin tuyên dương công nghiệp của Đức Ngài về cả hai phương diện Đạo lẫn Đời.
Về mặt Đời:
Ông Cao Hoài Sang (tên họ của Đức Ngài) sanh ngày 11-9-1901 (Tân Sửu) tại Thái Bình (Tây Ninh), con của ông Cao Hoài Ân, giúp việc Tòa Án, và Bà Hồ Thị Lự. Khi trưởng thành và thi đậu bằng Thành Chung trường Trung học Chasseloup Laubat, ông vào giúp việc Sở Thương Chánh Sài Gòn cho đến khi gặp Đạo.
Nói đến ông, ai ai trong giới công chức và đồng bào tại thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của ông là một công chức đúng mực thanh liêm.
Là một chí sĩ thương dân yêu nước, ông thường giao du cùng các bạn đồng chí khác như hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, chẳng hạn.
Cả ba ông lại là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm nhạc tại thủ đô Sài Gòn. Hai ông Cư và Sang được coi là bậc thầy trong giới nầy, sau khi ông Cư đăng Tiên rồi, thì ông Sang được coi như Hậu Tổ.
Ban Âm nhạc của Đạo Cao Đài đã nhờ Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm, nhứt là trong điệu cổ nhạc, vì Đức Ngài là nhà điêu luyện rành nghề. Mất Đức Ngài, giới âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng, đã mất một nhạc sư cự phách, đáng tiếc thay!
Về mặt Đạo:
Đến năm Ất Sửu (1925) là lúc phong trào xây bàn hay "Sai ma" cũng vậy, đang thạnh hành tại thủ đô Sài Gòn, ông hiệp cùng hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, mỗi đêm đến chơi tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, tức Cao Thượng Phẩm, để thỏa mãn tánh háo kỳ của mình bằng cách xây bàn để tiếp xúc với những người khuất mặt ở thế giới bên kia (hồn linh).
Một hôm nọ, vào lúc tháng 7 năm 1925, ông Cao Quỳnh Cư đến nhà ông Cao Hoài Sang chơi, lại gặp ông Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Sang, ba ông hiệp nhau xây bàn chơi.
Bất ngờ cuộc chơi nầy hướng dẫn ba ông đến chỗ lập được kỳ công trong việc khai sáng Đạo Trời, tức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng ta đang sùng bái đây.
Đêm 24 tháng Chạp 1925, nhơn dịp lễ Giáng Sinh, tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, có mặt cả ba ông dự, Đức Chí Tôn giáng với danh hiệu AĂÂ cho một bài thi như vầy:
Đức Chí Tôn dạy thêm:
"Đêm nay phải vui mừng vì chính ngày nầy, Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa."
Sau đó ít lâu, Đức Chí Tôn cho bài thi sau nầy, lấy tên những người có mặt tại đàn cơ, trong đó có tên ông Sang (tức Đức Thượng Sanh):
12 chữ lớn trong 3 câu trên là tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Sở dĩ phải xen đoạn Đạo sử nầy vào cuộc đời của Đức Thượng Sanh là vì ông còn đang giúp việc trong công sở nhà nước Pháp, mà ông vẫn nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, cứ mỗi đêm hiệp cùng các bạn đạo đi chấp cơ truyền bá đạo Trời ở khắp nơi, mặc dù nhà cầm quyền Pháp rất để ý đến Đạo Cao Đài lúc sơ khởi.
Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Thượng Sanh là một tay chấp cơ truyền đạo, cũng như Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm, luôn cả ba ông đồng tâm hiệp lực nhau để phổ độ chúng sanh trong toàn quốc.
Trong Tờ Khai Đạo cùng chánh quyền Pháp năm 1926, Đức Ngài cũng ký tên với 28 người khác để thay mặt cho 247 người Đạo hữu có tên trong tịch đạo, do ông Cựu Thượng Nghị viên Lê Văn Trung đứng đầu Tờ Khai Đạo, ông nầy sau đắc phong Quyền Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ông nầy cũng do Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh dẫn độ.
Nhờ sự hướng đạo đắc lực của ông Thượng Nghị viên với sự cộng tác của ba vị kể trên mà cơ phổ độ phát triển mau lẹ, kỳ công nầy, một phần lớn nhờ Đức Thượng Sanh hy sinh đời công chức mình để đi phổ độ các nơi trong toàn quốc.
Cơ phổ độ Lục Tỉnh phân ra như sau:
1). Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, phò loan phổ độ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.
2). Ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức, phò loan phổ độ các tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.
3). Ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang, phò loan phổ độ các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hoà, Bà Rịa, Sađéc.
Ngoài công việc phò loan phổ độ các tỉnh kể trên, Đức Thượng Sanh còn tùy lúc rảnh ban đêm lên Gò Kén, chùa Từ Lâm, để hiệp cùng Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm để chấp cơ phổ độ, và đồng thời chung lo Đại lễ Khai Đạo tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, sau nầy được dời về làng Long Thành, tức Tòa Thánh hiện giờ.
Ngày 15-10-Bính Dần, ông Cao Hoài Sang đắc phong Thượng Sanh một lượt với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Đêm 14 rạng 15 tháng 3 Bính Dần (1926), sau khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, Đức Chí Tôn giáng dạy như vầy:
"Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền thiêng liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn."
"Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa."
"Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi Giáo Tông thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập thất Địa cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại.
Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.
Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. Thầy lại chọn Thập nhị Thời Quân, chia ra làm ba: Phần của Hộ Pháp chưởng quản là Chi Pháp: lo bảo vệ Luật Đời và Luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.
Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo: lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư môn đệ Thầy, bên vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.
Thượng Sanh thì chưởng quản Chi Thế, lo về phần Đời.
Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.
Thầy cho các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt trọng phạt."
Từ đây, về mặt hữu hình, ba vị Chưởng quản tối cao của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài không còn nữa, sau khi Đức Thượng Sanh qui Thiên, và Đạo Cao Đài mất thêm một bực vĩ nhân nữa.
Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Tòa Thánh, Đức Thượng Sanh tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa trong cửa Đạo cho toàn Đạo được hưởng thái bình hạnh phúc.
Những tưởng Đức Ngài đến với sứ mạng thiêng liêng để hoàn thành cơ nghiệp Đạo, thì chắc là Đức Ngài phải được sống lâu với bổn đạo để bảo tồn nghiệp đạo đến cùng.
Nào ngờ đâu! Ta muốn vậy mà Trời chưa cho vậy.
Than Ôi ! Thiên số nan đào! Tuy sự mất còn là định mệnh, nhưng đối với kiếp sanh của con người sao khỏi đau lòng lúc tử biệt sanh ly.
Kính thưa quí vị,
Chúng ta đã từng khóc nhiều cho số kiếp ngắn ngủi của nhiều bậc tiền bối chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cứ khóc đi cho đến cạn khô giọt lệ, rồi cũng phải nghĩ lại Đạo nghiệp nước nhà mà tự trấn tỉnh lấy tâm hồn, để tìm phương bảo tồn đại nghiệp Đạo và tiếp tục sứ mạng thiêng liêng của chúng ta;
Vì sứ mạng ấy, dầu lớn dầu nhỏ, dầu quan trọng hay không, cũng là sứ mạng do Đức Chí Tôn cùng các Đấng thiêng liêng giao phó chúng ta, phải tùy khả năng mình mà làm cho hoàn thành.
Đã đành rằng chúng ta phải thương tiếc một Đấng lãnh đạo anh minh như Đức Thượng Sanh, nhưng thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương Đức Ngài bấy nhiêu để gặt hái một phần công quả nào hữu ích cho Đạo, và cho chúng sanh nhờ.
Đó là đền đáp công ơn của bậc tiền bối chúng ta đã dày công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng, chớ không lẽ ngồi khóc hoài để nhìn sự sụp đổ trước mặt chúng ta sao?
Vậy chúng ta hãy đứng lên và đồng tâm hiệp lực tiếp tục xây đắp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta.
Trước khi dứt lời, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho toàn thể quí vị và quí quyến. Tôi xin nghiêng mình trước liên đài của Đức Thượng Sanh và thành tâm cầu nguyện cho anh linh của Đức Ngài được cao thăng, sau nữa chơn thành phân ưu cùng tang quyến.
Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, ngoài thiên tài về âm nhạc cổ truyền, Ngài còn là một nhà thơ lỗi lạc với bút hiệu Thanh Thủy lúc đầu, sau lấy thêm bút hiệu là Huệ Giác.
Theo lời Ngài Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch, bút hiệu Thanh Thủy do hai câu đối của Đức Thái Thượng ban cho: (?)
Thi văn của Đức Thượng Sanh sáng tác rất nhiều, nếu thu thập đầy đủ có cả mấy trăm bài. Sau đây, xin chép một vài bài thi tiêu biểu: