Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID23454 - dddn : Hiến Pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC (1890-1976)

Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1976)



Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1976)
 

Tiểu sử của Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức:

Hiến pháp Trương Hữu Đức (1890-1976)

Ngày 20-5-Tân Hợi (dl 12-6-1971), Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức có tự viết Tiểu sử của Ngài, xin chép y nguyên văn như sau đây:

"Trương Hữu Đức, sanh ngày mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần (1890) (trên giấy tờ sanh năm 1892), con ông Trương Văn Tựu (chết) Cựu Cai Tổng Cầu An Thượng, làng Hiệp Hòa (Chợ Lớn), Giáo Sư phái Ngọc và bà Lê Thị Nhụy tức Sót (chết).

(Hiền nội của Ngài Trương Hữu Đức là Bà Nguyễn Thị Sanh, nhập môn vào Đạo Cao Đài rất sớm, được Đức Chí Tôn phong phẩm Nữ Lễ Sanh, do kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ nhứt ngày 14-Giêng-Đinh Mão, dl 15-2-1927).

Nhập môn vào Đạo Cao Đài từ năm Ất Sửu (1925) lúc mới còn xây bàn, vì lúc ban sơ, những người theo đạo đều do lịnh Đức Chí Tôn chỉ định, nên không có Sớ Cầu Đạo.

Trong số 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn nêu tên trên bài thi tứ tuyệt trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển thứ I có tên ĐỨC (sau thọ phong Hiến pháp Hiệp Thiên Đài), hiệp với Ông HẬU thành cặp phò loan truyền đạo, Ông Hậu sau thọ phong Bảo Pháp Hiệp Thiên Đài.

Trong lúc các Ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang bày cuộc xây bàn thì Đức còn hoài nghi cho rằng mấy bạn ấy giả ngộ chơi nên không tin;

Về nhà, Đức đem bàn ra, đặt tay lên xây thử để xin thi, tức thì có vong linh người anh nhập, nhưng thay vì cho thi, lại cho hai vị thuốc. Đức uống thuốc ấy lành bịnh hậu trên 20 năm.

Qua bữa kế đó, vào lúc đúng ngọ, trong khi thanh tịnh, Đức bắt chước Ông Tắc, chấp bút một mình và cầu nguyện xin thi. Có vị Minh Nghĩa Tiên Ông giáng bút cho bài thi như sau:

Minh Đức mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn ao ước cái không hay.
Mừng cầu Âu Á càng thêm mặt,
Mừng nậu côn đồ đã chịu chay.

Đức chỉ xin được một bài thi đó thôi, sau chấp bút hoài cũng không được. Từ đó, Đức hết lòng tin tưởng, ăn chay luôn, phụng thờ Đức Cao Đài và hiệp cùng các đồng đạo đi phổ độ các nơi.

Cặp cơ Hậu - Đức có nhiệm vụ chấp cơ truyền đạo, mà mỗi đêm thứ bảy phải chấp cơ tại Thánh Thất Cầu Kho (Thánh Thất tạm nơi nhà Ông Đốc Bản) để cho thiện nam tín nữ đến hầu đàn cầu đạo.

Đồng thời mỗi đêm khác đều đi phổ độ các nơi thôn quê sau khi mãn giờ làm việc, vì lúc ấy, Ông Hậu làm Đốc học trường tư thục, còn Đức thì làm công chức cho chánh phủ Pháp.

Lắm khi phải đi suốt đêm, sáng về điểm tâm rồi đi làm việc luôn, nhưng vì sự tin tưởng nên không biết nhọc. Có nhiều đêm, Đức phải đi lên Gò Kén (Tây Ninh) để chấp cơ tại đó cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo.

Lúc đạo mới mở, Đức Chí Tôn chẳng những giáng cơ độ rỗi nhơn sanh mà còn ban điển lành cho các đồng tử để chữa bịnh cho bổn đạo. Vì vậy mà Đức chữa lành nhiều bịnh tê thủng, dịch tả, và câm, vv...

Việc chữa bịnh có được kết quả như vậy là nhờ điển lành của Đức Chí Tôn ban cho, chớ mấy vị đồng tử đâu có phải là người chữa bịnh.

Sự huyền diệu lạ lùng ấy làm cho đức tin của mọi người được tăng gia. Nhưng chẳng bao lâu, khi Đạo lập thành rồi, thì việc chữa bịnh bằng nhơn điển phải ngưng một lượt với cơ bút, vì e có sự lạm dụng.

Khi thọ phong chánh thức vào hàng Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài với chức Hiến pháp Chơn Quân, Đức thường lên xuống Tòa Thánh Tây Ninh để hành đạo trong lúc rảnh rang, vì Đức vẫn còn giúp việc cho Chánh phủ Pháp, tùng sự tại Sở Hỏa Xa Sài Gòn.

Sau, Đức được Ông Chánh Sở Mật Thám Nam Kỳ là Ông Nadau mời đến để giao chức vụ Thông dịch viên Sở ấy.

Trước khi nhận lời, Đức có cầu cơ thỉnh giáo Đức Chí Tôn, vì lúc bình thường, Đức không thích giúp việc cho Sở ấy, là Sở không có cảm tình đối với dân chúng. Đức Chí Tôn dạy Đức nên qua giúp việc cho Sở ấy vì sẽ có cơ hội giúp Đạo.

Quả thật như lời Đức Chí Tôn nói, chẳng bao lâu Ông Cao Quỳnh Cư (tức Cao Thượng Phẩm ), có ra bản "PHỔ CÁO CHÚNG SANH" để truyền bá Đạo Cao Đài, trên bìa Bản Phổ Cáo ấy có tựa đề "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ".

Lần đầu tiên Bản Phổ Cáo ấy không có kèm thêm chữ Hán, nhưng lần sau, Ông Cư có thêm mấy chữ Hán. Để tượng trưng Tam giáo qui nguyên, ngoài bìa Phổ Cáo Chúng Sanh có vẽ hình ba vị Giáo chủ là Đức Thích Ca, Đức Lão Tử, và Đức Khổng Tử.

Bản Phổ Cáo Chúng Sanh in lần đầu được gởi ra Nha Tổng Giám Đốc Mật Thám Hà Nội để dịch ra Pháp văn. Nhưng người thông dịch viên ngoài ấy lại dịch câu tựa: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo lớn cứu vớt 3 Kỳ.

Lúc đó là lúc nhà cầm quyền Pháp để ý theo dõi hành vi Đạo Cao Đài rất gắt, nên Hà Nội gởi bài dịch văn ấy vào Nam hỏi Ông Chánh Sở Mật Thám Nadau, có phải Đạo Cao Đài làm chánh trị không, để họ giải tán.

Nhằm lúc ấy, Ông Nadau tin dùng Đức, nên Ông mới đến hỏi bài dịch văn ấy có đúng nghĩa không?

Đức trả lời rằng: Không đúng, vì nguyên văn câu ấy có nghĩa là Đại Đạo mở lần thứ ba để độ rỗi, chớ không phải cứu vớt 3 Kỳ (trong Liên bang Pháp là Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ).

Để trưng bằng cớ cụ thể, Đức đem trao cho Ông Nadau Bản Phổ Cáo Chúng Sanh có in chữ Hán. Ông liền phúc trình ra Hà Nội giải thích rõ việc ấy. Nhờ đó mà Đạo khỏi bị giải tán và người Đạo cũng đỡ khổ. Đó là bằng chứng Đức cứu Đạo.

Còn nhiều việc khác nữa, nhưng không đáng kể.

Qua năm 1945, Pháp bị Nhựt bổn đảo chánh tại Đông Dương, Đức tản cư về thôn quê, nhưng ở đâu cũng không yên, Đức liền về Tòa Thánh, ở được một hôm thì Pháp đổ bộ, bắn chết một Đạo hữu ở Rừng Thiên nhiên (Tòa Thánh).

Tính không êm, Đức liền rời khỏi Tòa Thánh, băng rừng đi bộ từ Tây Ninh về Lộc Giang (Chợ Lớn). Lúc đó dẫu có tiền cũng không có xe đi.

Tản cư ở Lộc Giang được một thời gian, Đức trở lại quê nhà ở Hiệp Hòa (Chợ Lớn), nhưng sau lại tản cư xuống chùa Minh Đức nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại cầu Băng Ky Gò Vấp, do Ông Sĩ Tải Nguyễn Văn Thiệt làm chủ, lúc ấy cùng ở chung với mấy Ông: Bảo Pháp, Bảo Thế, Khai Đạo, cũng đồng cảnh huống.

Cũng trong năm 1945, bị bom nguyên tử, Nhựt đầu hàng Đồng Minh, Pháp trở lại Đông Dương và chiến đấu với Việt Minh. Pháp kêu gọi công chức hồi cư để hiệp tác, Đức còn do dự mấy tháng.

Đến năm 1946, mới chịu trở lại vì hoàn cảnh bắt buộc.

Đến năm Nhâm Thìn (1952), được giấy hồi hưu, Đức trở về Hiệp Hòa ở chung với người em ruột trong một ngôi nhà tranh rách nát. Nhờ vậy mà tránh khỏi Việt Minh và quân đội Pháp khủng bố. Quân đội nầy chỉ khủng bố những nhà tốt mà thôi.

Đức cũng muốn về Tòa Thánh làm Đạo nhưng vì lúc ấy, Đạo còn dùng rất nhiều quân đội nên không về vì tình trạng không hạp.

Mãi đến hạ tuần tháng 8 năm Ất Mùi (1955), quân đội Cao Đài, một phần tự giải ngũ, một phần gia nhập vào quân đội quốc gia, còn Đức Phạm Hộ Pháp thì bị cấm phòng tại Hộ Pháp Đường, Đức mới về Tòa Thánh để quan sát tình hình và hiệp với các Chức sắc khác để lo gỡ rối cho Đạo.

Nói đến đây, Đức không quên ghi ơn hai Ông bạn Hiệp Thiên Đài là Bảo Thế và Tiếp Pháp, có lòng đến tận nhà ở Hiệp Hòa, khuyên Đức về hợp tác hành đạo.

Vì vậy mà Đức mới thanh toán hết gia nghiệp mới gầy dựng được chút ít, chí quyết phế đời hành đạo, mong cứu vãn tình thế, vì lúc ấy là lúc hỗn loạn. Có nhiều Chức sắc và Đạo hữu bị giam cầm do Ban Thanh Trừng điều khiển.

Năm Bính Thân (1956), Đức cùng Hội Thánh ký kết Thỏa Ước với Chánh phủ Cộng Hòa, cam kết không làm chánh trị. (Thỏa Ước Bính Thân 1956, Xem nơi Tiểu sử của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước).

Đồng thời Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đang lưu vong tại Nam Vang, lại phát động Phong trào Chung sống Hòa bình, và chỉ định Đức làm đại diện cho Người nơi Tòa Thánh.

Vì lẽ đó mà Đức bị tình nghi và bị cắm cư trú hai năm tại Sài gòn, mặc dù Đức không thọ lãnh chức Trưởng Ban Miền Nam Phong trào Chung sống Hòa bình do Đức Phạm Hộ Pháp bổ nhiệm, nghĩ vì đã ký Thỏa Ước Bính Thân, thì cố nhiên phải tôn trọng chữ ký của mình.

Mãn hai năm cư trú, Đức trở về nhà với gia đình để dưỡng sức vì tuổi cao kỷ trưởng. Tuy nhiên, đối với sự thành bại của Đạo, không thể ngồi ngó cho đành.

Vậy nên vào lúc tháng 9 năm Nhâm Dần (1962), Đức trở về Tòa Thánh tái thủ phận sự tại Hiệp Thiên Đài với nhiệm vụ: Tuyển soạn Thánh Ngôn và viết Đạo Sử.

Chí nguyện làm tròn phận sự, rồi có nhắm mắt theo Thầy cũng ngậm cười nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.

Từ ấy, Đức cộng tác với Đức Thượng Sanh.

Ngoài nhiệm vụ kể trên, còn kiêm nhiệm thêm Bộ Pháp Chánh, Ban Kiểm Duyệt, Ban Đạo Sử và Thơ viện cho đến ngày nay.

Đắc phong Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và cuộc lễ Tấn Phong được tổ chức vào ngày Chúa Nhật 21-5-Tân Hợi (dl 13-6-1971) tại Tòa Thánh Tây Ninh, có mời Chánh quyền, các đoàn thể và các tôn giáo bạn đến dự."

Tòa Thánh, ngày 20 tháng 5 Tân Hợi.
(dl 12-6-1971)
HIẾN PHÁP Trương Hữu Đức

Sau ngày Đức Thượng Sanh đăng Tiên (26-3-Tân Hợi, dl 21-4-1971), Hội Thánh Hiệp Thiên Đài họp phiên Đại Hội vào ngày 24-4-Tân Hợi (dl 18-5-1971) để công cử vị cầm quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, thì toàn Hội đồng thanh cử Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức lên đảm nhận trọng trách ấy.

Vi Bằng công cử được dâng lên quyền thiêng liêng, Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ chấp nhận và phê chuẩn, do đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh ngày 6-5-Tân Hợi (dl 29-5-1971).

Tháng 4 năm Quí Sửu (1973), trong đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh, Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ý thăng nhiệm cho Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức lên Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, để đủ quyền năng thực hành trọng trách bảo thủ Luật pháp Chơn truyền hầu phát triển nền Đạo.

Từ ngày lãnh trọng trách Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, Ngài Hiến pháp rất lo âu và tận tụy với nhiệm vụ, nên thường hay bịnh hoạn, mỗi lúc mỗi nhiều hơn.

Ngài đăng Tiên lúc 20 giờ 15 phút ngày 15-12-Ất Mão (dl 15-1-1976), hưởng thọ 87 tuổi.

Trong Bài Điếu văn của Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa, đọc trước liên đài của Ngài Hiến pháp, trước khi nhập bửu tháp, có một đoạn quan trọng, xin trích ra sau đây:

"Nhớ buổi xưa, lúc cơ Đạo chinh nghiêng, Đức Phạm Hộ Pháp đang bị bao vây trong Hộ Pháp Đường, cả Chức sắc lưỡng phái lưỡng Đài đang hoang mang, nhơn tâm bất nhứt, tâm lý bất đồng, sống trong hoàn cảnh hồi hộp lo âu sợ sệt, đột nhiên thấy Anh Hiến pháp đơn độc xách gói về Tòa Thánh.

Anh Bảo Thế và các Anh khác hỏi Anh về Tòa Thánh làm gì trong lúc khó khăn rối rắm như vầy?

Khi ấy, lần đầu tiên Em gặp Anh và cũng lần đầu tiên Em nghe Anh thốt ra một câu trả lời bất hủ, mà Em vẫn còn ghi mãi trong ký ức, lấy làm gương sáng cho bước hành đạo, và hôm nay, Em xin nhắc lại cho toàn thể các bạn Đạo hiện diện nơi đây đặng biết và ghi nhớ để làm phương châm hành đạo.

Anh nói rằng: "Sách xưa có dạy: Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần. Trong Đạo cũng vậy, lúc cơ Đạo thạnh hành, ai cũng làm đặng. Hôm nay gặp buổi chinh nghiêng, nền Đại Đạo đang cơn bối rối, Đức nầy mới xin về để cùng chia sớt phần nào cảnh lo âu khó nhọc với Anh Em."

Lời nói bất hủ nầy cho ta thấy tinh thần hy sinh phục vụ của Anh cao cả là dường nào và có mãnh lực nhắc cho chúng ta cả thảy nhớ câu Minh Thệ: Hiệp đồng chư môn đệ..., để mỗi khi cơ Đạo gặp cảnh khó khăn, thì chúng ta phải nhứt tâm nhứt trí siết chặt hàng ngũ, trụ vững đức tin, chia đau sớt khổ với nhau, để phục vụ cho Đạo pháp và cho nhơn sanh,chớ không lý do gì lánh né phận sự, để miệng thế bia danh muôn thuở."

Đầu năm 1975, trong lúc nội chiến giữa quân đội quốc gia và quân đội cộng sản xảy ra rất ác liệt trong toàn Miền Nam Việt Nam, Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức, với tư cách là Chưởng quản Hiệp Thiên Đài, lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài, có gởi một bức Thông Điệp kêu gọi Hòa bình đến các Chánh phủ liên hệ trong cuộc chiến và yêu cầu đặt vùng Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh ra ngoài vòng chiến tranh.

Sau đây là nguyên văn Thông Điệp Hòa bình nầy:

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ngũ thập niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
Văn Phòng
CHƯỞNG QUẢN
HIỆP THIÊN ĐÀI
Số: 51
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
THÔNG ĐIỆP
của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh về
Hòa Bình Việt Nam

Kính gởi:

· Các Chánh phủ liên hệ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

· Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc.

· Ông Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

· Ông Chủ Tịch Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế Đình Chiến tại Việt Nam.

· Chánh Phủ các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc.

· Các nhà Lãnh đạo Tôn giáo.

Nghĩ vì Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 qui định cuộc đình chiến ở Việt Nam là một niềm hy vọng lớn lao cho toàn cả dân Việt Nam đã quá đau khổ vì nạn chiến tranh, nay mong được thấy Hòa bình lập lại.

Nhưng ngược lại, hai năm qua mà cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn ngày càng ác liệt, gây không biết bao nhiêu cảnh máu đổ thịt rơi, cửa nhà tan nát, mỗi ngày hy sinh cả ngàn thanh niên ưu tú của dân tộc, làm cho mọi người phải đau lòng thất vọng.

Trước cảnh tang thương tang tóc của dân lành, Hội Thánh và toàn thể tín hữu Cao Đài luôn luôn giữ vững tôn chỉ cộng yêu hòa ái của một nền tôn giáo đại đồng và trung thành với đường lối Hòa bình Chung sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chủ trương để hòa giải dân tộc.

Nên thiết tha kêu gọi quí Lãnh tụ các bên lâm chiến:

1) Xin mở lòng thương xót đồng bào ruột thịt của chúng ta quá đau khổ vì chiến tranh, sớm bình tỉnh ngồi lại để tự giải quyết vấn đề nội bộ giữa người Việt với nhau trong tình huynh đệ, tương thân tương ái, tương nhượng, hầu chấm dứt nạn chiến tranh tàn khốc. Đặng như vậy, cả 40 triệu đồng bào Việt Nam sẽ ghi ơn quí vị và thế hệ mai sau sẽ ghi một điểm son vào trang lịch sử hiện tại cho quí vị.

2) Xin lưu tâm đến Tổ Đình Tòa Thánh Tây Ninh và cả vùng Thánh địa gồm 19 Phận đạo là nơi tôn nghiêm sùng bái của toàn thể tín hữu Cao Đài và cũng là nơi gần nửa triệu dân lành chỉ biết tu hiền, sống đông đúc nơi đây được đôi bên đặt ngoài vòng chiến, để tránh khích động đến lòng tín ngưỡng của mấy triệu tín hữu trong toàn quốc.

3) Nếu muốn dùng một nơi nào trong vùng Thánh địa Tây Ninh để làm địa điểm của hai bên và Ủy Hội Quốc Tế làm nơi hòa đàm trong quốc nội thì chúng tôi có thể sẵn sàng chấp thuận. Trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề Hòa bình Việt Nam, trật tự an ninh nơi đây sẽ tạm thời do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đảm nhiệm.

Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chúng tôi cũng thiết tha kêu gọi các cường quốc trong hai khối và tất cả các quốc gia Hội Viên Liên Hiệp Quốc, cùng toàn thể nhân dân yêu chuộng Hòa bình trên thế giới chứng nhận và ủng hộ lời kêu gọi nầy.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ngày 04-12-Giáp Dần.
(dl 15-1-1975)
TM. Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
CHƯỞNG QUẢN Hiệp Thiên Đài
Hiến pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC
(ấn ký)

Bài Thài hiến lễ Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức:

HỮU ĐỨC mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn mong uớc cái không hay.
Mừng nay gặp Đạo lòng mong muốn,
Chí quyết cùng nhau để hiệp vầy.

Nguyên Đức Chí Tôn cho biết nguyên căn của Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức là Từ Hàng Đạo Nhơn và Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu là Xích Tinh Tử.

Quỉ Cốc Đại Tiên có giáng cơ cho mỗi Ngài một bài thi. (Xin độc giả xem Tiểu Sử của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu).

Ngài Hiến pháp Trương Hữu Đức có bút hiệu là Thân Dân, có làm khá nhiều bài thi đường luật, xin trích ra đây vài bài tượng trưng:

ĐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC
Đạo Đời tương đắc cứ như nhiên,
Đời Đạo đôi bên nắm vững quyền.
Đạo đắc nhơn tâm, Đời đắc sách,
Đời do dân ý, Đạo dân quyền.
Ái hòa Đạo dụng làm căn bản,
Nhân nghĩa Đời toan giúp phổ truyền.
Đời Đạo tương liên gieo Thánh đức,
Nhơn sanh an hưởng cảnh Thần Tiên.
 ***
Ba đào sóng bủa bởi thuyền to,
Lèo lái kiên gan vững phận trò.
Nẻo tắt đường quanh bền sức chống,
Sông sâu biển thẳm gắng công dò.
Lướt dòng cậy có nhiều thần lực,
Quá hải nương nhờ bóng tự do.
Bến tục thuyền từ dìu độ chúng,
Đưa vào nguồn sống khỏi tò mò.
THÂN DÂN

Họa nguyên vận 2 bài thi Ngư và Tiều của Ông Huệ Giác:

Nghinh ngang mặt nước một con thuyền,
Cái thú ngư ông ấy thú Tiên.
Bủa lưới bao trùm gồm bốn biển,
Giăng câu định hướng nắm ba giềng.
Ở trần không nhiễm mùi trần tục,
Xử trí yên vui cảnh trí riêng.
Trời Đất rộng thinh dành một cõi,
Thú nhàn quyết tránh lợi danh quyền.
 ***
Nào phải nông gia sợ mất mùa,
Tiều phu nghề ấy khỏi nài mua.
Rừng tòng phủi sạch điều hơn thiệt,
Rìu búa chi màng cảnh được thua.
Trối kệ những ai ham đổi mới,
Thìn lòng riêng tớ giữ nghề xưa.
Chim trời cá nước ai ngăn đón,
Danh lợi đâu cần nhọc trí đua.
HIẾN PHÁP Trương Hữu Đức
Biệt hiệu THÂN DÂN.

More topics .. .