Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Bảo Ðạo Ca Minh Chương (1850-1928)
Trong Thập nhị Thời Quân, Ngài Ca Minh Chương lớn tuổi hơn hết và đăng Tiên sớm hơn tất cả.
Ngài Ca Minh Chương sanh năm 1850 (tuổi Canh Tuất) tại ấp Thanh Ba, làng Mỹ Lộc Tây, tổng Phước Ðiền Trung, quận Cần Giuộc, trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo. (Ngài Ca Minh Chương cùng quê với Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung).
Ngài được dân chúng làng Mỹ Lộc cử lên làm chức Hương Bộ trong làng. Sau một thời gian, Ngài chán nãn việc làng xã nên xin nghỉ và đi dạy học.
Hiền nội của Ngài Ca Minh Chương là Bà Phạm Thị Kế (1860-1933), Ông Bà sanh được một con gái đặt tên là Ca Thị Thế (1884-1956).
Ðầu năm 1926, ngày 3-4-1926 (âl 21-2-Bính Dần), Ðức Chí Tôn giáng cơ tại Vĩnh Nguyên Tự, Ngài Ca Minh Chương có hầu đàn, được Ðức Chí Tôn ban cho bốn câu thi và thâu nhận Ngài vào hàng môn đệ.
Khoảng tháng 5 năm Bính Dần (1926), Ðức Chí Tôn cho lập sáu đàn cơ để phổ độ nhơn sanh, trong đó có một đàn cơ lập tại nhà Ông Cựu Hội Ðồng Ðịa Hạt Nguyễn Văn Lai ở Tân Kim quận Cần Giuộc, quan Phủ Nguyễn Ngọc Tương và Ngài Lê Văn Lịch thay phiên chứng đàn, hai Ngài Ca Minh Chương và Phạm Văn Tươi phò loan, để dân chúng đến hầu đàn, nhập môn cầu Ðạo.
Ngày Khai Ðạo tại chùa Gò Kén, 14-10-Bính Dần (dl 18-11-1926), Ðức Chí Tôn lập tịch Ðạo Nữ phái, phong cho Cô Ca Thị Thế vào chức Phó Giáo Sư (tức là Giáo Hữu), lấy Thiên ân là Hương Thế.
Cũng trong đàn cơ nầy, Ðức Chí Tôn phong Bà Lâm Ngọc Thanh là Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Thanh. [Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn gọi Ca thị Thế là Ca thị]
Khi Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn phong Ngài Ca Minh Chương chức Bảo Ðạo, nên người ta thường gọi Ngài là Ca Bảo Ðạo.
Ðức Chí Tôn khai khiếu cho Ngài Ca Minh Chương, để Ngài ngồi phò loan cùng Ngài Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi, lập thành cặp Phò loan truyền đạo trong buổi sơ khai.
Ðức Chí Tôn giáng cơ cho Ngài Ca Bảo Ðạo bài thi để an ủi cho hoàn cảnh gia đình bi thảm của Ngài:
Qua bài thi trên, Ðức Chí Tôn cho biết: Ðức Chí Tôn cho gia đình của Ngài Ca Bảo Ðạo nhồi quả ba kiếp nhập lại trả trong một kiếp nầy: Ngài bị bịnh, vợ cũng bị bịnh, con bị điên khùng. Nay phải ráng chịu đựng để trả trong kiếp nầy cho sạch nợ tiền khiên thì mới có thể trở về cựu vị.
Ngài Ca Bảo Ðạo hành quyền Bảo Ðạo được một thời gian gần ba năm thì Ngài đăng Tiên ngày 19-10-Mậu Thìn (dl 30-11-1928), trở về thiêng liêng vị, hưởng thọ 79 tuổi.
Lễ An táng của Ngài được tổ chức rất trọng thể tại quê nhà của Ngài, và bửu tháp được xây cất tại đây. (Sau nầy Hội Thánh lấy cốt, cải táng, đưa về nhập Bửu tháp tại phần đất dành riêng để xây tháp cho Thập nhị Thời Quân, ở Ngã Ba Ao Hồ, Châu Thành Thánh địa, Tây Ninh)
Bài Thài tế lễ Ngài Ca Bảo Ðạo:
Ngài Ca Bảo Ðạo có giáng cơ cho bài thi:
Qua bài thi nầy, chúng ta nhận thấy rõ, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương đã đắc Tiên vị nơi cõi Thiêng liêng.
Ngay sau khi Ngài Ca Bảo Ðạo đăng Tiên, Ðức Chí Tôn giáng cơ ban cho bài Thánh ngôn dạy như sau:
Các con,
Ðại lụy! Cái thảm trạng chia lìa ngày nay có thể làm cho các con vì đau đớn mà biết thương yêu nhau chăng?
Thảm! Từ thử có một mình Bảo Ðạo là niên cao kỷ trưởng hơn các con hết, mà buộc Thầy phải đem về thì tưởng các con đủ biết mình là côi cút về đường Ðời không ai đủ trí thức hoàn toàn mà binh vực các con nữa, thì mới biết lập mình có đủ khôn ngoan tài tình đạo đức thì địa vị các con mới trở nên cao đặng.
Thầy đôi phen phải buộc lòng lấy hình phạt mà làm ra phần thưởng, các con đã hiểu Ðạo đặng chút ít, Thầy tưởng chẳng cần phải cạn lời, Thầy khuyên các con lấy "CHƯƠNG" làm dây thân ái mà buộc nhau, mới đặng hòa nhã nơi Hiệp Thiên Đài.
Thầy cho phép các con làm lễ táng cho nó long trọng, hầu nêu gương cho hậu tấn.
TẮC! Phải biểu CƯ xuống cho kịp đặng làm lễ y như lời Thầy dạy đám táng của THỤ, nhớ đừng bỏ nữa nghe!
Thầy cũng nhắc lại với con rằng: Ðủ ba năm phải thiêu hài cốt, lên tượng đặng đem nó vào Bát Quái Ðài nghe!
Nơi mộ nó phải để quan tài khỏi mặt đất một tấc mà đắp xây tháp y như lời Thầy đã dặn. Trên mặt tháp để chữ vàng: "BẢO ÐẠO CHƠN QUÂN" nhớ à!
(Trích trong Thánh giáo chép tay trang 42 của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu)
Ghi chú:
Sau đây là Bài Ðiếu Văn của Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung điếu Bảo Ðạo Ca Minh Chương qui vị:
Chư Hiền Hữu, Hiền Tỷ, Hiền muội,
Từ ngày Khai Ðạo, lần nầy là lần thứ ba, tôi vì phận sự nên phải dự vào việc tống chung ba vị Ðại Ðức trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ: Năm Dần Ông Thượng Tương Thanh, Thượng Chưởng Pháp ly trần ngày mồng 5 tháng 1 mãn phục; năm nay tháng 3 Ðức Nho Tông Chưởng Pháp Trần Ðại nhơn liễu đạo. (Ngọc Chưởng Pháp Trần văn Thu).
Ấy là hai vị Ðại Ðức bên Cửu Trùng Đài, ngày nay Ông Ca Minh Chương thọ Thiên ân Bảo Ðạo Hiệp Thiên Đài qui Thánh.
Theo thế tình, tôi cũng rơi lụy mà tỏ lòng bi ai nơi mộ phần chưa ráo đây. Con người thây phàm xác thịt ai tránh khỏi sự yêu thương, tình chồng vợ đầu ấp tay gối, khó giàu có nhau, cang thường nghĩa trọng, cha con hui hút sớm trưa, công sanh thành dưỡng dục bằng non biển; người đồng đạo tất con một CHA, tâm hiệp ý hòa, chia vui sớt nhọc, ngảnh lại mấy năm tình ấy rồi xem cảnh hôm nay, người qui Thánh nương bóng Ðức Cao Ðài, kẻ còn lao nhao lố nhố nơi bể khổ sông mê. Ôi! Gặp cuộc phân ly như thế, không ngăn giọt lụy, cảnh sầu bi nầy làm cho ruột thắt gan bào.
Anh Bảo Ðạo ôi! Thương vì nhớ mấy lúc cùng nhau hội hiệp, khi thi phú, lúc cờ bàn nơi Tòa Thánh.
Nhớ đến tiếng cợt tiếng cười, thương vì nghĩa, rồi đây xác phàm của anh phải ở đồng trống sương gieo, thương vì thế, vì bình bồng, có ai giữ mồ trăm năm, lâu rồi cũng là mồ hoang cỏ loáng;
Thương nỗi vợ yếu trông chồng nhìn cảnh sầu khuya với ngọn đèn leo lét, thương cuộc con ngây, bặt vắng lời châu ngọc của cha hiền đức, nhìn nơi đây đồng không mông quạnh, nhớ tới xác phàm anh ở chỗ như thế thì khó lấp cơn sầu, mà nghĩ kỹ thì Chơn linh vẫn còn, vì anh hữu duyên nên gặp ÐạoTrời rộng mở Tam Kỳ Phổ Độ.
Mấy năm dư, anh đã mượn nâu sồng lánh tục, anh vui cùng sanh chúng. Nay hồn lìa khỏi xác, vẹt ngút mây xanh trông vào Cực Lạc an nhàn, non chiều hạc gáy, động tối qui chầu, nghĩ đến đó lấp đặng mạch sầu. Nên tôi mới tỏ ít câu sau đây nhắc công nghiệp của anh đối cùng xã hội.
Tôi xin nhắc một ít công lao của Bảo Ðạo trong đường Ðời và trong Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Nguyên anh là người nhao rún ở ấp Thanh Ba làng Mỹ Lộc Tây, tổng Phước Ðiền Trung, huyện Phước Lộc. Hồi anh còn thiếu niên, gặp nhiều bậc Nho văn Hiền triết, cư trú trong huyện Phước Lộc, như Ông Ðồ Chiểu, Ông Cống Quỳnh, vv...
Ông Ca Minh Chương cũng là chí Thánh, lúc làm Giáo huấn là lo Nhơn đạo, mà người cũng gần lo Thiên đạo. Anh trường chay giữ giới thọ giáo đạo Minh Sư, có câu kinh: Bá niên vạn kiếp nan tao ngộ, trăm năm muôn kiếp khó mà gặp mối Ðạo khai. Ông Ca Minh Chương hữu duyên hữu phần, nên gặp lúc Trời khai Long Hoa Tam Hội.
Tôi xin nhắc lại, năm Bính Dần, hội Thượng nguơn, tôi cùng hai em: Cư, Tắc, thọ Thánh chỉ đi phổ độ tại huyện Phước Lộc nầy, khi ấy Ông Ca Minh Chương đã có hầu đàn nghe lời châu ngọc của Ðấng Ðại Từ Bi.
Người hữu duyên mau hiểu lời Thánh giáo, nên người liền nhập môn cầu Ðạo. Qua hạ tuần tháng 2 năm đó, ba anh em tôi thọ Thánh chỉ xuống Vĩnh Nguyên Tự ở 10 ngày học đạo, khi đó Ông Ca Minh Chương cũng theo xuống Vĩnh Nguyên Tự.
Có một bữa, Ðại Từ Phụ khai khiếu cho Ông Ca Minh Chương. Hồi mới khai khiếu, ba anh em tôi ngơ ngơ ngáo ngáo không hiểu chi hết, tưởng là Ðạo hữu Chương niên cao kỷ trưởng mắt mờ nên Ðại Từ Phụ khai khiếu cho sáng láng, ngõ hầu khi nào Ðại Từ Phụ giáng cơ viết Hán tự thì Ðạo hữu Chương coi đọc cho dễ, té ra không phải vậy, mình bàn theo trí phàm, thiệt rất lạc lầm.
Ðức Chí Tôn khai khiếu cho Ông Chương là để cho người làm phò loan đặng đi phổ độ. Không bao lâu sau, người cùng Ðạo hữu Phạm Văn Tươi, là hai Chức sắc Hiệp Thiên Đài phò loan đặng phổ độ nhiều nơi. Lúc ấy, Ông Bảo Ðạo sức kém lực suy mà nhờ huyền diệu thiêng liêng bảo hộ nên người lập được công quả.
Nhớ lúc Ông dầm mưa trải nắng, thiệp hải đăng sơn, sức tuy yếu mà chí chẳng sờn, không kém gì Huỳnh Trung buổi trước, nghĩ mấy hồi ma khảo, người vô tâm ngăn phá Ðạo Trời mà anh cũng thìn một dạ, thiệt chí hào kiệt, trí tri dễ núng, khiến lụy anh hùng đây. Trước nhờ Ðấng Chí Tôn dìu hồn anh đem về cõi thọ.
Ông Bảo Ðạo, lúc gần qui vị, linh quang anh thiệt tinh tấn, nhớ đến mấy lời châu ngọc anh than cùng tôi, thiệt ruột dường dao cắt.
Anh nhắc những ân anh thọ nơi Bác tôi, khi anh lo việc hương đảng, anh khiêm từ đến đỗi cung tụng những việc phải của tôi đối đãi với anh khi anh làm Giáo Thọ, ấy là nhơn nghĩa anh giữ vẹn, thiệt anh là chí Thánh đó.
Anh than cùng tôi, anh buồn lo vì nhiều kẻ tính riêng, người toan tự lập, còn phận anh thì thủy chung như nhứt, cứ do Tòa Thánh.
Nay anh về Tiên cảnh, xin cũng chung lo giúp Ðạo đặng tâm hòa như một, xin anh chứng lòng thảo của mấy em.
Hôm nay làm lễ tiễn hành, đưa linh hồn anh về Cực Lạc, an nhàn Bồng Lai.
Sau đây là Bài Văn Tế của Ðức Phạm Hộ Pháp đọc tại Bửu tháp của Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương (nơi sanh quán):
Thuở sinh tiền, Ngài Ca Bảo Ðạo rất ít làm thơ.
Sau đây, chúng tôi sưu tầm được một bài thơ đường luật của Ngài, họa vận bài thơ CHỮ BẦN của Ngài Thuần Ðức Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài đề bên dưới bài thơ của Ngài là: Giáo Chương, tức là thầy giáo Ca Minh Chương.
Tại Minh Thiện Ðàn ở Phú Mỹ (Mỹ Tho), Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng đàn ngày 25-7-1929, cho bốn câu thi khuyến tu, khoán thủ Bảo Ðạo Chơn Quân:
THĂNG
Tại Tòa Thánh, ngày 9-10-Kỷ Sửu (dl 28-11-1949), Ngài Ca Bảo Ðạo giáng cơ, xin chép ra sau đây:
Mừng mấy em văn thần võ sĩ của Chí Tôn,
Hèn lâu, Qua mới gặp đặng mấy em, vì Qua mắc lo với Ðức Cao Thượng Phẩm cho cơ Ðạo đặng mau chóng để làm gương cho mặt thế ngày nay, cho toàn cả nhơn sanh đặng biết nhiệm mầu huyền vi của Ðức Chí Tôn và cả chư Thần Thánh Tiên Phật. Nay đã đến thời kỳ Năm Châu đặng hiểu biết mối Ðạo Trời. Vậy mấy em ráng lo sao cho tròn phận sự một người con hiếu của Chí Tôn.
Từ tạo Thiên lập Ðịa tới giờ, biết bao Thần Thánh Tiên Phật thọ lịnh Ngọc Hư xuống trần dạy Ðạo, nhưng vì vật dục sở tế, khí bẩm sở câu, làm cho cả con cái Chí Tôn đều bị nhiễm trần mà không đặng hồi cựu vị.
Nay các em đã lãnh lịnh Ngọc Hư mà nỡ để cho sanh linh chịu hồi chìm đắm hay sao? Mấy em nên cầm cờ Ðạo đi khắp mọi nơi, rồi làm như quan Phương Bá nhà Châu để dựng nền nhơn nghĩa cho đời rõ thấu.
Có vậy, nhơn sanh hiểu đặng rồi mới nạp mình vào cửa Thánh. Bằng chẳng vậy thì nhơn sanh lầm đường lạc nẻo rất nhiều, lại uổng một kiếp sanh đã gặp kỳ Khai Ðạo, đến lúc lâm chung, hồn ra khỏi xác rồi mới biết tự hối ăn năn mà phải chịu luật Thiên điều trừng trị. . . Biết bao phen mới trở về cùng Ðức Chí Tôn đặng.
Thôi, Qua mừng chung mấy em. THĂNG.
Ngày 7-Giêng-Canh Dần (dl 23-2-1950), Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tại Báo Ân Từ nói với Ðức Hộ Pháp:
"Bần đạo đến cốt yếu đặng cậy Hộ Pháp, rằm tới đây làm ơn phò loan cho Ca Bảo Ðạo đến nói về vụ Ông Khoa.
Theo ý của Ca Bảo Ðạo thì Người nói rằng: Tốt hơn để cho Khoa tu luyện ít nữa mười năm thì mới đủ đạo đức tài tình mà chống cự cùng Cơ Khảo thí. Nếu đức tin chưa vững, e phải thối tâm thì rất nên oan uổng."
Ngày 15-Giêng-Canh Dần (dl 3-3-1950), Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ nói với Ðức Phạm Hộ Pháp và Ông Hồ Tấn Khoa:
"Bạn KHOA nghe:
"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp,
Bần đệ xin Ngài dìu dắt dạy dỗ dùm KHOA cho đến ngày đệ đến giao quyền Bảo Ðạo cho KHOA.
Thầy đã chấp thuận và có Thiên thơ tiền định. Cái thiệt phận của KHOA, Người đã hiểu biết.
Vậy, ngày nào Người chịu khảo duợt chẳng nổi thì Ngài nhắc nhở rằng: Cửa chứa chơn tinh phải cho xứng giá mới được."
Ba năm sau, ngày 13-8-Quí Tỵ (dl 20-9-1953), Ngài Ca Bảo Ðạo giáng cơ báo cho biết là ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ngài sẽ đến ban quyền Bảo Ðạo hữu hình cho Ông Hồ Tấn Khoa.
Khi Ông Khoa được Ðức Phạm Hộ Pháp cho biết tin nầy thì ngay đêm hôm sau là 14-8-Quí Tỵ (dl 21-9-1953), Ông Hồ Tấn Khoa liền làm một Bức Khải đốt dâng lên Ngài Ca Bảo Ðạo và Ðức Cao Thượng Phẩm. (Bức Khải là tờ sớ dâng lên để bày tỏ ý kiến).
Nguyên văn Bức Khải của ông Hồ Tấn Khoa, xin chép ra sau đây:
Thành kính bạch Ðức Ca Bảo Ðạo,
Ðệ tử là Hồ Tấn Khoa đặng nghe Ðức Phạm Hộ Pháp và quí vị Trần Khai Pháp với Lê Bảo Thế cho hay rằng, ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ðức Ngài sẽ đến để ban quyền Bảo Ðạo cho đệ tử .
Trước nhiệm vụ lớn lao ấy, đệ tử hết sức sợ sệt và lo lắng, vì đệ tử xét mình nặng mang phàm thể, phải bị lục dục thất tình trì níu, mà đệ tử chẳng đủ chí, đủ tài, đủ đức để chống chỏi cho nổi, nên với sức phàm nầy, đệ tử không sao gánh nổi nhiệm vụ giao phó.
Ðã vậy, từ ngày đệ tử đặng dịp về ở Tòa Thánh và hiểu biết mối Ðại Ðạo Cao Ðài thì đệ tử vẫn luôn luôn thắc mắc và khổ tâm khổ trí về chỗ Ðức Chí Tôn đã nói, mối Ðại Ðạo của Thầy chỉ có MỘT.
Nhưng trái lại, sự thật hiển hiện trước mắt, đệ tử thấy nền Ðại Ðạo Cao Ðài hiện giờ chia ra đến 12 Phái, mỗi Phái đều lập qui mô sự nghiệp riêng, không sao hiệp nhứt đặng.
Vì lẽ ấy nên khi nhập môn cầu Ðạo, đệ tử có lập đại nguyện xin với Ðức Chí Tôn ban bố huyền diệu giúp sức cho đệ tử đóng góp một phần công quả vào CƠ QUI NHỨT và cho đệ tử đặng thấy kết quả trong kiếp sanh nầy.
Bởi cớ nên đệ tử đã hết tâm gây dựng cho Phái Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh để lấy đó làm một cây cầu cho các Phái khác sớm hiệp về một mối.
Ðệ tử đã lao tâm khổ nhọc trong mấy năm trường, vừa hả dạ thấy Ðức Lý Giáo Tông chấp thuận chuẩn y phẩm vị (nhưng giáng nhứt cấp) cho các Chức sắc Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh, thì thình lình đất bằng sóng dậy, một cuộc khảo đảo quá sức nặng nề làm cho cây cầu Tiên Thiên phải tan rã theo bọt nước, và từ ấy, CƠ QUI NHỨT phải bị bế tắc.
Ngày nay, Ðức Ngài định giao quyền Bảo Ðạo cho đệ tử thì đệ tử khép nép dưng bức Khải nầy, cúi xin Ðức Ngài mở lượng khoan hồng giúp xin hai điều sau đây, nếu đặng thì đệ tử mới dám nhận:
1). Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Chí Tôn về hứa chắc với đệ tử rằng: Ðức Ðại Từ Phụ sẽ ban bố đầy đủ hồng ân, giúp cả về huyền diệu thiêng liêng và phương tiện hữu hình cho đệ tử thật hành trong kiếp sanh nầy đặng CƠ QUI NHỨT 12 Phái Ðạo Cao Ðài hiệp về một mối, anh lớn em nhỏ thật tâm hòa hiệp, thương yêu vui vầy với nhau, chớ không còn chia rẽ nữa.
2). Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp long trọng hứa sẽ thủ tiêu Ðạo Nghị Ðịnh số 8 để cho các Chi Phái dễ bề qui hiệp.
Ðó là đại nguyện của đệ tử, và đệ tử tin chắc rằng Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm, cùng luôn cả Ðức Lý Giáo Tông với Ðức Ðại Từ Phụ, Ðức Ðại Từ Mẫu đã soi tâm biết rằng đệ tử xin hai điều kể trên để thật hành đại nguyện của đệ tử là vì Thầy, vì Ðạo, vì chúng sanh, chớ đệ tử chẳng có mảy may nào tư kỷ.
Ngoài đại nguyện nầy, nếu Ðức Ngài còn cần giao phận sự chi khác cho đệ tử thì đệ tử xin nguyện hứa để hết tâm lo lắng, còn việc thành bại xin do nơi quyền thiêng liêng của Ðức Ngài xây chuyển, chớ sức phàm của đệ tử thì chẳng làm chi nên việc.
Ðệ tử thành tâm khấn nguyện Ơn Trên thương tình ban phước cho đệ tử đặng đắc thành sở nguyện thì đệ tử mới dám nhận chức BẢO ÐẠO, bằng không thì đệ tử xin cáo thối trước để làm một vị tín đồ mà thôi.
Ðệ tử đê đầu cúi tạ ơn Ðức Ngài.
Do bức Khải cầu xin hai điều của Ông Hồ Tấn Khoa, thật sự là đặt điều kiện tiên quyết với các Ðấng thiêng liêng, nên ngay tối hôm sau, ngày 15 tháng 8 năm Quí Tỵ, Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ trách cứ nhẹ nhàng:
"Hồ Hiền đệ,
Bạn nên biết rằng, Chí Tôn dành cho mỗi đứa ta mỗi phận sự, mà phận sự chẳng hề đồng đều. Bạn biết rằng, có Trời mới có mình. Ai đã ngồi chờ Thiên mạng mà đặng nên, bạn đã tự hiểu, sứ mạng thiêng liêng của mình thì tự mình định liệu, bằng chẳng vậy, ngôi vị tạo thành mới xứng đáng vào đâu?
Ca Bảo Ðạo đã cầu xin cho Hiền hữu nơi Ngọc Hư Cung định vị thì Hiền hữu cứ tuân lời, chẳng nên khước từ mà phạm Thiên điều.
Ông Hồ Tấn Khoa bạch: - Xin thâu hồi Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 để thống nhứt nền Ðạo.
Ðức Cao Thượng Phẩm dạy tiếp: - Phải biết Thiên cơ không luật phàm nào sửa cải được. Ta mong muốn như thế nhưng nghịch Thiên điều thì oai quyền như Cổ Phật cũng không sửa cải được. Hiền hữu nên biết điều ấy. Chi chi cũng do Chí Tôn định liệu."
Do bức Khải nầy mà việc ban quyền Bảo Ðạo cho Ông Hồ Tấn Khoa bị Ngài Ca Bảo Ðạo đình lại một thời gian.
Ðến đêm mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (dl 11-2-1954), tức là gần 5 tháng sau, tại Cung Ðạo Tòa Thánh, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ xin với Ðức Phạm Hộ Pháp trao quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa để Hiệp Thiên Đài có đủ chư vị Thời Quân làm việc.
Bài giáng cơ nầy, chép ra như sau:
Chào Hộ Pháp Thiên Tôn, cùng chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.
Cùng các bạn,
Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,
Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh lịnh.
Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ.
Hồ Hiền hữu! Bổn Quân lấy làm hữu hạnh đặng hiểu Hiền hữu kế nghiệp thì chỉ mong một điều trọng hệ hơn hết là trách vụ khó khăn cực nhọc ấy, Hiền hữu cáng đáng kham tất.
Vậy Hiền hữu nên nhớ rằng, nghiệp thiêng liêng hằng tồn tại mãi, còn quán tục là thừa.
Hiền hữu nên nhớ mãi lời ký thác của Bổn Quân hầu ngày sau vui gặp nhau nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.
Bổn Quân xin nhượng cơ cho Cao Thượng Phẩm.
THĂNG.
Tiếp điển:
Chào Hộ Pháp và các bạn.
Hộ Pháp làm ơn trấn thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ. Còn Khai Pháp lập Minh Thệ cho Người, có Bần tăng chứng giám. THĂNG.
Do đàn cơ tại Cung Ðạo trên đây, Ðức Phạm Hộ Pháp lập Thánh Lịnh ban quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa. Nguyên văn Thánh Lịnh chép ra sau đây:
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền ban quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp;
Chiếu y Ðạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;
Chiếu y Thánh Ngôn của Bảo Ðạo Ca Minh Chương đêm 9 tháng Giêng Giáp Ngọ (11-2-1954):
"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,
Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh Lịnh.
Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ."
Chiếu y Thánh Ngôn của Ðức Cao Thượng Phẩm nói rằng: "Hộ Pháp làm ơn trấn Thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ, còn Khai Pháp lập Minh Thệ, có Bần tăng chứng giám."
Nên:
Ðiều thứ nhứt: Kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh nầy, chức tước và phận sự Bảo Ðạo về mặt hữu vi, giao trọn cho Hồ Tấn Khoa đảm nhận.
Ðiều thứ nhì: Các cơ quan Chánh Trị Ðạo các tư kỳ phận thi hành Thánh Lịnh nầy.