Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID23462 - dddn : Hiến Thế NGUYỄN VĂN MẠNH (1894-1970)

Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970)



Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970)/h6>
 

Tiểu sử của Ngài Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh:

Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970)

Tiểu sử của Ngài Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh được Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa viết và đọc nhân ngày gia đình của Ngài Hiến Thế thiêu hài cốt của Ngài, lấy tro đưa về Tòa Thánh.

Nguyên văn bản Tiểu sử nầy, xin chép ra sau đây:

TIỂU SỬ của HIẾN THẾ NGUYỄN VĂN MẠNH:

Đại huynh Nguyễn Văn Mạnh, sanh năm Giáp Ngọ (1894) tại làng Tân Niên Trung, tỉnh Gò Công. Cụ thân sinh là Nguyễn Văn Chợ, Xã Trưởng và Cụ thân mẫu là Lê Thị Liễu, Giáo viên.

Thời thơ ấu, ở với cha mẹ đi học, đỗ bằng Tiểu học ở Gò Công, rồi lên Sài Gòn ngụ nơi nhà người cậu là Cụ Đốc Phủ Lê Quang Liêm tiếp tục đường học vấn nơi trường Tabert, thi đỗ bằng Trung học Phổ Thông và bằng Tú Tài.

Cũng như bao thanh niên thời ấy, sau khi đỗ đạt rồi thì cũng ra trường làm công chức tại Tòa Tân Đáo tức là Sở Ngoại Kiều ngày nay.

Vốn con nhà thế phiệt trâm anh đạo đức, nên Đại huynh vẫn giữ truyền thống của ông bà và được tiếng là vị công chức chí mực thanh liêm, luôn luôn tận tụy với nhiệm vụ, mau mắn giúp đỡ mọi người, nên Đại huynh được trên quan yêu, dưới dân chuộng, đường hoạn lộ Đại huynh thăng lần lên Thông Phán, Tri Huyện, Tri Phủ.

Được hấp thụ tinh thần đạo đức từ thuở bé, nên Đại huynh không bỏ qua một dịp nào để làm điều âm chất và nhơn nghĩa.

Kịp đến năm Bính Dần, Đức Chí Tôn mở Đạo tại Sài Gòn, thì Đại huynh là một trong các môn đệ đầu tiên được Đức Chí Tôn giao trọng trách phổ thông Chơn đạo.

Ngày Rằm tháng 3 năm Bính Dần (1926), cùng một lượt với Ông Phạm Công Tắc được Đức Chí Tôn phong là Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ, Ông Cao Quỳnh Cư là Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ, Đại huynh và chư vị: Đức, Hậu, Nghĩa, Tràng, Tươi, Chương, Kim, Đãi, Mai, Nguyên, Phước đồng được Đức Chí Tôn phong là Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.

Mặc dầu việc quan ràng buộc, nhưng Đại huynh vẫn tận tụy với nhiệm vụ của Đức Chí Tôn giao phó, nên ngày thì làm việc cho Nhà nước, đêm thì làm việc cho Đạo, phò cơ phổ độ chúng sanh.

Đến ngày 13-2-1927, Đại huynh được Đức Chí Tôn ân phong vào hàng Thập nhị Thời Quân với phẩm tước là Hiến Thế, một lượt với chư vị Thời Quân khác.

Đắc phong Thời Quân, Đại huynh càng hăng say thêm, chẳng quản nhọc nhằn, quên ăn quên ngủ, đêm nào cũng như đêm nấy, thức gần suốt sáng, ôm cơ phổ độ cùng với chư vị Thời Quân khác, khai đường mở lối đến ngày hôm nay, nền Đạo mới đặng huy hoàng đẹp đẽ để cho chúng ta thọ hưởng.

Tiếc một điều là Đại huynh có một thể xác không được tráng kiện mà lại phải quá lao tâm lao lực trong lúc Đạo mới phôi thai, nên Đại huynh thường hay bịnh hoạn, không thể hành đạo một cách liên tục như chư vị Thời Quân khác.

Nhưng lúc nào Đại huynh cũng một lòng hoài bão với sứ mạng thiêng liêng, luôn luôn lưu tâm về đại nghiệp Đạo.

Trong lúc Đức Phạm Hộ Pháp tự lưu vong nơi Cao Miên, nền Đạo chinh nghiêng, thì Đại huynh cùng Đức Thượng Sanh và chư vị Thời Quân khác về Tòa Thánh, hiệp sức cùng nhau để cầm giềng mối đạo.

Đại huynh lãnh trách nhiệm điều khiển Cơ Quan Phước Thiện với chức vụ Phó Thống Quản Cơ Quan Phước Thiện, do Thánh Lịnh số 26/Tân Luật ngày 19-8-Ất Tỵ (dl 14-9-1965).

Ít lâu sau, Đại huynh được thăng lên cầm quyền Thống Quản Phước Thiện, do Thánh Lịnh số 47/Tân Luật ngày 20-12-Ất Tỵ (dl 11-1-1966).

Nhưng sức người có hạn, cơn bịnh của Đại huynh ngày càng thêm trầm trọng, nên ngày 10-2-1966, Đại huynh phải xin nghỉ một thời gian để đi qua Tích Lan và Thái Lan chữa bịnh, nhưng chỉ thuyên giảm đôi phần.

Trở về Sài Gòn, mặc dầu gia đình tận tâm lo đủ phương điều trị về Tây cũng như Đông y, nhưng nhiệm kỳ đã mãn, nên ngày Rằm tháng Giêng Canh Tuất (dl 20-2-1970), Đại huynh đã trở về bái lịnh Đức Chí Tôn và Phật Mẫu, hưởng thọ 77 tuổi.

Hôm nay, Đại huynh lại hiển linh kêu gọi và thúc giục gia quyến sớm đưa tro xá lợi của Đại huynh về nơi Tổ Đình, vì vậy mới có buổi lễ hôm nay, đi cặp với Lễ kỷ niệm Đức Cao Thượng Phẩm cho đặng thêm trọng thể.

Nhơn dịp nầy, tôi xin toàn thể Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu lưỡng phái thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban hồng ân cho Đức Cao Thượng Phẩm và Đại huynh Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh được cao thăng Thiên vị, thường giáng linh hộ trì mỗi chúng ta được thi hành sứ mạng cho được vuông tròn.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Tòa Thánh ngày 1-3-Đinh Tỵ (dl 19-4-1977)
BẢO ĐẠO Hồ Tấn Khoa

(Tài liệu của Cải Trạng Lê Minh Khuyên)

✲ Bán Nguyệt San Thông Tin số 18 ngày 10-11-Canh Tuất (dl 8-12-1970) có đăng ngày Tiểu Tường của Cố Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh là ngày 1-11-Canh Tuất (dl 29-11-1970).

Buổi chiều, lúc 14 giờ 30 phút, Hội Thánh đã hành lễ Tiểu Tường trước Bàn linh của Ngài nơi Báo Ân Từ.

Bài Thài hiến lễ:

HIẾN mình cho Đạo buổi sơ khai,
THẾ cuộc càng xây dạ chẳng nài.
CHƠN chánh quyết tâm lo lập đức,
QUÂN thần vẹn nghĩa cảm bi ai.

✲ Bán Nguyệt san Thông Tin số 40 ngày 12-11-1971 có đăng ngày Đại Tường của Cố Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh là ngày 10-9-Tân Hợi (dl 28-10-1971).

Lễ Đại Tường được cử hành tại Báo Ân Từ, có tế điện.

Phối Sư Ngọc An Thanh, Thượng Thống Lễ Viện dâng sớ.

Hiện diện: Hiến Pháp, Hiến Đạo, 3 Chánh Phối Sư, Chơn Nhơn Phạm Duy Hoai, chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện và Đạo hữu Nam Nữ.

Thượng Thống Lễ Viện hành pháp xả tang.

Gia đình Ngài Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh có:

  • Hiền nội: Lê Thị Biếu.
  • Các con: Nguyễn Hữu Thìn, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Thị Bạch Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc.
  • Cháu nội: Nguyễn Trung Toàn.
  • Dâu: Trương Thị Hạnh và Trần Thị Kim Hoa.

More topics .. .