Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID23467 - dddn : Ngọc Đầu Sư NGỌC LỊCH NGUYỆT (1890-1947)

Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947)



Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947)
 

Ngọc Lịch Nguyệt là Thánh danh của Ngài Lê Văn Lịch, khi Đức Chí Tôn phong Ngài làm Đầu Sư phái Ngọc.

Ngài Ngọc Lịch Nguyệt, hiệu là Thạch Ẩn Tử, sanh ngày mùng 1 tháng 9 năm Canh Dần (dl 14-10-1890) tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.

Thân sinh của Ngài là Cụ Lê Văn Tiểng, tu theo Đạo Minh Sư đến bực Thái Lão Sư, hiệu Lê Đạo Long;

Là người sáng lập ngôi chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc. Cụ Tiểng tu đắc đạo, sau khi qui liễu, đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Cụ có lời di chúc:

"Lập Vĩnh Nguyên Tự để sau nầy có Thập nhị Khai Thiên đến mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ."

Thân mẫu của Ngài Lê Văn Lịch là Cụ Bà Trần Thị Đắc, hiền nội của Ngài là Bà Trần Thị Khá, con gái của Ngài Trần Văn Thụ (Ngọc Chưởng Pháp).

Ngài Lê Văn Lịch có người con gái là Cô Lê Ngọc Trang, Đạo hiệu Bạch Tuyết.

Ngài Lê Văn Lịch thọ nhận từ phụ thân bí thuật huyền môn của Đạo Lão (Tiên giáo) và Y thuật.

Sau khi nhập môn vào Đạo Cao Đài, Ngài không dùng bí thuật huyền môn nữa, chỉ truyền lại cho con gái Lê Ngọc Trang về Y học cổ truyền.

Đầu năm Bính Dần 1926, quí Ngài Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc được lịnh cơ bút dạy xuống Vĩnh Nguyên Tự lập đàn cầu cơ;

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (Cụ Lê Văn Tiểng, đạo hiệu Lê Đạo Long, thân sinh của Ngài Lịch) giáng cơ dạy Ngài Lịch, lúc bấy giờ đã tu tới bực Dẫn Ân (Minh Đường), phải hiệp với quí Ngài Cư, Tắc để mở Đạo Cao Đài.

Trong thời gian nầy, Ngài Đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương đang làm Chủ quận Cần Giuộc đã gia nhập Đạo Cao Đài, nên cũng khuyên Ngài Lê Văn Lịch nhập môn vào Đạo.

Đêm 12-3-Bính Dần (dl 23-4-1926), Ngài Lê Văn Lịch được Đức Chí Tôn giáng cơ ân phong Ngọc Đầu Sư, Thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt;

Cùng một lượt với Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, trong cuộc Lễ Thiên phong đầu tiên tổ chức tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn có giáng cơ dạy Ngài Ngọc Lịch Nguyệt như sau:

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. I.14:

CAO ÐÀI

"Lịch ! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?

Tam Kỳ Phổ Độ là gì? Là phổ độ lần thứ ba.

Sao gọi là phổ độ? Phổ độ nghĩa là gì?

Phổ là bày ra, độ là cứu chúng sanh.

Muốn trọn hai chữ Phổ độ, phải làm thế nào?

Chúng sanh là gì?

Chúng sanh là toàn cả nhơn loại,chớ không phải là lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.

Muốn trọn hai chữ Phổ độ, phải làm thế nào? Thầy hỏi?

Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm nầy về theo Trung đi truyền đạo. Nghe và tuân theo...

Phải mặc y phục như Trung, mà màu hồng."

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. I. 22: "Thích Ca Như Lai thị Ngã, dục cứu chúng sanh, tá danh Cao Đài Đại Bồ Tát. Nhữ tri hồ?

Hữu Ngã đồ Thái Đầu Sư tại thử, nhĩ vô thức luyện đạo, Ngã phái Ngọc Đầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.

Tam thập tứ vị chúng sơn bất tri Chơn lý luyện thành. Ngã vi Chủ khảo giáo hóa. Khả tuân Ngã mạng.

Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai !"

Diễn nôm:

Thích Ca Như Lai là Thầy (Ta), muốn cứu chúng sanh, tá danh Cao Đài Đại Bồ Tát. Con biết không?

Có học trò của Thầy là Thái Đầu Sư tại đây, nó không biết luyện đạo. Thầy phái Ngọc Đầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.

34 vị tăng không biết Chơn lý luyện thành. Thầy là Chủ khảo giáo hóa. Khá tuân lịnh Thầy.

Các con tu thọ pháp, tu thọ pháp. Kính vậy thay !

Những ngày đầu Khai Đạo, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt đóng vai trò quan trọng không kém Ngài Thượng Trung Nhựt.

Ngài được lịnh Đức Chí Tôn sưu tập 3 bài Kinh Tam giáo trong Kinh Tam Thánh Đại Động để làm Kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ngài cùng với Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt phụng soạn và ban hành quyển "TỨ THỜI NHỰT TỤNG KINH",;

Trong đó các bài Kinh Nhựt Tụng của Đạo Cao Đài được viết bằng chữ Nho, chữ Nôm và chữ quốc ngữ;

Cùng là giải thích ý nghĩa tổng quát của mỗi câu kinh, có phần phụ thêm giải về Nghi tiết phụng thờ của Đạo Cao Đài, in và ban hành vào năm Mậu Thìn (1928).

Khi hai Ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang rút khỏi Tòa Thánh Tây Ninh lập Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, thì Ngài Ngọc Lịch Nguyệt cũng rời Tòa Thánh, trở về Vĩnh Nguyên Tự tu hành.

Năm 1943, trong công cuộc nhà cầm quyền Pháp khủng bố Đạo Cao Đài, Ngài bị họ bắt đày đi Côn Đảo, đến năm 1945, Ngài mới được trả tự do trở về.

Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt bị sát hại trong cuộc chiến chống Pháp xâm lược của phong trào Việt Minh, Ngài qui liễu tại Chợ Lớn ngày 2-9-Đinh Hợi (dl 15-10-1947) thọ 58 tuổi.

Mộ của Ngài đặt tại phần đất phía sau Vĩnh Nguyên Tự, gần mộ của thân phụ Ngài là Cụ Lê Văn Tiểng.

Ngài Ngọc Lịch Nguyệt thỉnh thoảng có giáng cơ tại đàn cơ ở Vĩnh Nguyên Tự. Ngày 7-1-Ất Tỵ (1965), Ngài Ngọc Lịch Nguyệt giáng cơ, xin trích lục ra sau đây:

THI:
NGỌC chiếu khai xuân đã vẹn tròn,
LỊCH trình quí giá đáng vàng son.
NGUYỆT lai sẽ rõ cơ mầu nhiệm,
Mừng thấy đệ huynh chí chẳng mòn.

Hỡi chư Hiền đệ, Hiền muội !

THI:
Bần đạo thấy khắp trong huynh đệ,
Gối đã dùn, chẳng nệ mỏi xương.
Bạc màu tóc đã điểm sương,
Mà không nệ nhọc trên đường quả công.
Thiệt quí giá phúc hồng hiếm có,
Bước dặm trường đi đó đi đây.
Phổ thông giáo lý Đạo Thầy,
Thiêng liêng nương đó giải bày thiệt hơn.
Dầu nóng bức chẳng sờn cực nhọc,
Dẫu ngày đêm lăn lóc phụng hành.
Hiệp hòa lớn nhỏ em anh,
Rày đây mai đó chẳng canh cải lời.
Bần đạo thấy nghĩ thôi quá tiếc !
Mảnh thân phàm bị diệt tiêu tan.
Lấy đâu làm một con thoàn,
Để cùng huynh đệ một đàng thi đua.
Còn ở tục dễ thừa hành đạo,
Nương cõi đời giả, tạo cái Chân.
Có nhiều phương tiện xa gần,
Để mà khuyến thiện dìu nhân trở về.
Như Bần đạo lỡ bề thoát tục,
Cõi vô hình mấy lúc tiếc thương.
Tùng chung Tiên Phật một đường,
Muốn dìu sanh chúng phải nương cơ huyền.
Vì lẽ đó lời khuyên hơn thiệt,
Để đệ huynh nghiệm biết gần xa.
Ráng mà khắc kỷ xông pha,
Ráng mà giữ tánh để ra giúp đời.
Đừng bê trễ than ôi uổng bấy !
Đời mỏi mòn chẳng phải còn xa.
Trước tiên gìn giữ chữ hòa,
Tuy rằng số ít mà ra muôn phần.
Đến chùa, Thất, rửa lần tội lỗi,
Nghe kệ kinh tắm gội linh hồn.
Mau chân mà tiến bước dồn,
Quả đầy công đủ bảo tồn nguyên căn.


THI:
Căn lành gìn giữ chớ buông lơi,
Dù mấy năm qua cũng một đời.
Mải miết mặc ăn cùng chỗ ở,
Hơi tàn vạn sự thảy buông trôi.

More topics .. .