Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Đầu Sư Thượng Sáng Thanh (1888-1980)
Sau đây xin chép lại nguyên văn Bản Tuyên Dương Công Nghiệp của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh;
Do Đại diện của Hội Thánh Cửu Trùng Đài (Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh) đọc trước Liên đài của Cố Thượng Đầu Sư:
"Nhân danh Ngọc Đầu Sư, Đại diện Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ;
Tôi xin trân trọng tuyên dương công nghiệp hành đạo của Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Sáng Thanh vừa qui Thiên, hưởng thọ 93 tuổi.
A. Phần lai lịch hành đạo:
Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, thế danh là Trần Ngọc Sáng, sanh năm 1888 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho, người quốc tịch Việt Nam.
Nhập môn ngày 16 tháng 11 năm Bính Dần (1926) tại chùa Gò Kén, Tây Ninh. Sau ngày nhập môn tùng giáo, Ngài giữ trọn phận sự tín đồ Đại Đạo, xứng đáng là môn đệ yêu dấu của Đấng Chí Tôn.
- Ngày 21-5-Đinh Mão (1927), trong một đàn cơ tại Thánh Thất Hữu Đạo (Mỹ Tho);
Có Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt chứng đàn, Ngài thọ phong phẩm Giáo Hữu phái Thượng, do Đức Chí Tôn giáng cơ phong Thánh.
- Từ ngày đắc phong vào hàng Thánh Thể, Ngài xả thân hành đạo, tận tụy với nhiệm vụ thiêng liêng của Hội Thánh giao phó trong sứ mạng Thể Thiên hành hóa.
- Năm Đinh Mão (1927), Ngài đắc lịnh hành đạo tại Mỹ Tho, nơi Thánh Thất của Ông Phối Sư Thái Ca Thanh để phổ độ nhơn sanh trong tỉnh.
- Năm Mậu Thìn (1928), đảm nhiệm Đầu Họ Đạo Mỏ Cày, đồng thời đi phổ độ và truyền giáo ở các tỉnh Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Long Xuyên.
- Năm Kỷ Tỵ (1929), đắc lịnh đi quan sát tình hình Đạo sự ở 5 tỉnh Hậu Giang.
- Năm Canh Ngọ (1930), đảm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Long Xuyên, và mỗi tháng về Tòa Thánh dạy Hạnh Đường 10 ngày, trong suốt gần 2 năm trường.
- Ngày 15-10-Nhâm Thân (1932), được thăng Giáo Sư.
- Năm Quí Dậu (1933), kiêm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Mỹ Tho.
- Năm Giáp Tuất (1934), đảm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Sa Đéc.
- Năm Ất Hợi (1935), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu.
- Năm Kỷ Mão (1939), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre.
- Năm Canh Thìn (1940), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Chợ Lớn, Gia Định, Tân An,
- Năm Tân Tỵ (1941), về Tòa Thánh hành đạo.
- Năm Quí Mùi (1943), Chánh quyền Pháp bắt đày ra Côn Đảo trong 2 năm, cho đến ngày Đảo Chánh 9-3-1945 mới được trả tự do trở về xứ.
- Năm Bính Tuất (1946), đảm nhiệm Khâm Trấn Đạo Định Tường.
- Năm Đinh Hợi (1947), về Tòa Thánh dạy Hạnh Đường, khóa Huấn Luyện Lễ Sanh.
- Năm Mậu Tý (1948), kiêm nhiệm Quyền Thượng Thống Lại Viện.
- Ngày 7-4-Mậu Tý (1948), Ngài được thăng Phối Sư.
- Năm Kỷ Sửu (1949), đảm nhiệm Quyền Thượng Chánh Phối Sư.
- Năm Tân Mão (1951), kiêm nhiệm Quyền Thái Chánh Phối Sư.
- Năm Ất Mùi (1955), Ngài được thăng Thượng Chánh Phối Sư Chánh vị, do Quyền Chí Tôn tại thế phong thưởng.
- Năm Quí Mão (1963) thăng phẩm Quyền Đầu Sư.
- Năm Giáp Thìn (1964), thăng phẩm Đầu Sư Chánh vị, nhưng phải tạm hành quyền Thượng Chánh Phối Sư.
- Năm Bính Ngọ (1966), Ngài chỉ hành quyền Đầu Sư sau khi có Thánh giáo của Đức Lý Đại Tiên, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ phong thưởng vị Phối Sư Thượng Tửng Thanh, lãnh nhiệm vụ Quyền Thượng Chánh Phối Sư.
B. Phần công nghiệp khổ hạnh:
- Năm Tân Mùi (1931), Ngài bị nhà chức trách Pháp bắt giam tại Sa Đéc, giải xuống Vĩnh Long, xét vô tội nên được thả.
- Năm Nhâm Thân (1932), Ngài cùng với Đức Quyền Giáo Tông đi hành đạo tại Chợ Mới Long Xuyên, bị kẻ nghịch đạo vu oan, khiến nhà chức trách bắt Ngài cùng Đức Q. Giáo Tông, giải ra Tòa Long Xuyên xét xử được trắng án.
- Năm Giáp Tuất (1934), Ngài đi dự Lễ Khánh Thành Thánh Thất Tân Khánh Tây Sa Đéc, bị Chủ Quận Châu Thành Sa Đéc ố đạo, bắt giải ra Tòa Sa Đéc xét xử, được trắng án.
- Năm Quí Mùi (1943), Chánh Phủ Pháp bắt Ngài đày ra Côn Đảo, nơi đây do ân huệ thiêng liêng tiền định, Ngài cảm hóa được dân chúng địa phương nhập môn tùng giáo;
Mà phần đông là nhân viên chánh quyền buổi ấy, khuyến khích họ tạo dựng được một ngôi Thánh Thất sở tại mà hiện nay di tích Thánh Thất nơi Côn Đảo vẫn còn.
C. Phần công nghiệp ban khen:
- Trong những năm dài hành đạo tại Sa Đéc, Ngài chịu nhiều cực nhọc và khổ hạnh, vì bị quyền Đời buổi nọ gây khó khăn;
Tuy nhiên, Ngài vẫn một lòng tận tụy với nhiệm vụ, không một lời than thở, chí nguyện tận trung với Đạo, tận hiếu với Thầy mà thôi.
Cảm đến công khó của Ngài, nên Đức Bát Nương Diêu Trì Cung có giáng cơ đề nghị với Ngài Khai Pháp Chơn Quân;
Lúc ấy đang đảm nhiệm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, cấp Ban Khen cho Ngài về tinh thần phục vụ, có chí đảm đương, gánh chịu sự khó khăn nơi tỉnh Sa Đéc.
Hội Thánh có lập Tờ Ban Khen đọc tại Đền Thánh và cũng có lời Ban Khen của Đức Quyền Giáo Tông khi Ngài hành đạo tại Long Xuyên.
- Năm Tân Mão (1951), Ngài Chủ Tọa Đại Hội Nhơn Sanh được Đức Phạm Hộ Pháp gởi văn thư để lời Ban Khen Ngài đã ngoan khéo cầm quyền chủ tọa;
Đủ trí, vững tâm, nắm oai quyền gìn giữ Chơn pháp của Đạo, nên Đại Hội Nhơn Sanh được kết quả hoàn toàn.
- Năm Tân Mão (1951), Ngài vâng lịnh Hội Thánh đi chứng Lễ An Vị Thánh Thất Bạc Liêu, được Đức Cửu Nương Diêu Trì Cung về cơ khen ngợi lập được kỳ công đắc thắng;
Và để lời cám ơn Ngài có chút từ tâm để khêu ngọn đuốc huệ cho nhiều nhân vật đạo đức nơi tỉnh Bạc Liêu theo đường Chánh giáo.
D. Tổng Luận:
Ôn lại quá trình 55 năm hành đạo của Ngài, chúng ta nhận thấy:
- Ngài là một Chức sắc Đại Thiên phong tiền bối đạo hạnh và gương mẫu.
Ngài đã vì chúng sanh, vì Đạo, mà 4 lần lâm vào vòng lao lý. Nhưng không vì khổ hạnh ấy mà Ngài thối bước ngã lòng. Khó nhọc không màng, gian nan chẳng quản.
Ngài để bước ta-bà khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ buổi trước để hoằng dương nền Chơn pháp của Đức Chí Tôn theo Thiên ý.
Với sứ mạng thể Thiên hành hóa, Ngài là một trong những sứ giả tiền bối, mang lời châu tiếng ngọc của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng gieo vào cân não nhơn sanh;
Để giục thức các bậc nguyên căn hữu phước tỉnh giấc mộng trần, qui tùng Chánh giáo, hầu chung hưởng hồng ân của Đại Từ Phụ trong buổi Chuyển thế khai Nguơn Thánh Đức.
Với đức tánh từ hòa, khiêm nhượng, rộng lượng, khoan hồng, giàu lòng bác ái, Ngài thu phục được nhơn tâm, cảm hóa được lòng người, khiến toàn đạo ai cũng cảm mến, kính yêu.
Đối với bề trên, Ngài một mực kính ngưỡng.
Đối với bạn đạo đồng hành, Ngài trọn tình trọn nghĩa, hữu thủy hữu chung.
Đối với đàn em, Ngài hết dạ thương yêu, đùm bọc và nhất là hết lòng dìu dắt, nâng đỡ, an ủi, vỗ về những đứa em lạc bước.
Toàn đạo thường ca tụng Ngài là: Hiện thân của sự thương yêu, từ nhượng, một bậc đại đức chơn tu, mẫu mực hoàn toàn.
Tóm lại, chúng ta thấy cuộc đời hành đạo của Ngài luôn luôn gắn bó với nghiệp Đạo trên 50 năm qua.
Với chí hy sinh vì đời thọ khổ, Ngài đã miệt mài và tận tụy với Thiên trách;
Cùng gánh vác chia xẻ những nỗi vui buồn vinh nhục với Hội Thánh và toàn đạo trong những lúc cơ Đạo thăng trầm.
Trên 15 năm cầm quyền Thượng Đầu Sư, là cấp lãnh đạo Hội Thánh Cửu Trùng Đài về mặt hữu vi;
Ngài tỏ ra luôn luôn ôn hòa và khéo léo dìu dắt Chức sắc đàn em đi trong khuôn viên luật pháp chơn truyền của Đại Đạo.
Với đức độ từ ái của Ngài, toàn đạo đều hết lòng chiêm ngưỡng, công nghiệp lớn lao của Ngài sẽ ghi đậm nét son nơi thanh sử muôn đời lưu dấu và ngời sáng ánh huệ quang cho hậu tấn soi chung.
Mấy năm sau nầy, vì niên kỷ quá cao, sức phàm hữu hạn, mặc dù tinh thần Ngài vẫn còn tráng kiện, sáng suốt;
Song thể xác theo định luật của Tạo đoan phải lần lượt hao mòn, đi đứng khó khăn, yếu ớt, nên Ngài phải trở về tư gia tịnh dưỡng cho con cháu được thỏa niềm hiếu đạo.
Mặc dầu Hội Thánh hằng lui tới viếng an và gia đình tận tình lo lắng cho Ngài, nhưng mạng căn và Thiên số đã định, sức khỏe của Ngài kiệt dần;
Nên ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Thân, Hội Thánh rước Ngài vào biệt điện Nam Đầu Sư Đường an dưỡng, chờ giờ về Thầy;
Cho đến lúc 11 giờ 30 phút khuya đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng năm Canh Thân (1980), Ngài nhẹ nhàng viên tịch, hưởng thọ được 93 tuổi.
Hôm nay, Thiên mạng đã xong, nợ trần giũ sạch, công viên quả mãn, Ngài trở về bái mạng Ngọc Hư. Hội Thánh và toàn đạo ngậm ngùi thương tiếc.
Từ đây, Hội Thánh vắng bóng hình một bậc Chức sắc Đại Thiên phong tiền bối lão thành rất dày công cùng Đạo nghiệp.
Nhưng công nghiệp đặc biệt nhất của Ngài là:
- Về mặt truyền giáo Ngoại quốc, với cương vị Thượng Chánh Phối Sư có trọng trách về phần Ngoại giao;
Ngài vâng lịnh Đức Hộ Pháp và Hội Thánh, đi dự Đại Hội Tôn giáo Quốc Tế tại Nhựt Bổn.
Nơi đây, Đạo kỳ của tôn giáo Cao Đài được phất phơ trên Kỳ đài quốc tế, triết lý và tôn chỉ của Đại Đạo được xương minh mạnh mẽ;
Chủ thuyết Tứ hải giai huynh đệ hay là Đại đồng huynh đệ của Đại Đạo nhận định:
✥ Bốn biển đều là anh em, tất cả loài người là đồng bào, do một nguồn cội, một gốc thiêng liêng mà ra, được Đại Hội Tôn giáo Quốc tế chân thành tán dương nhiệt liệt.
Đây là một thắng lợi tinh thần đáng kể của Đạo Cao Đài trên vũ đài quốc tế mà chính Ngài đạt được kỳ công đó.
- Mặt khác, Chánh phủ Pháp bắt Ngài lưu đày ra Côn Đảo, những tưởng nơi đây xa xứ biệt nhà;
Với cảnh trời nước bao la, núi cao rừng rậm, biển cả mênh mông, hết trông ngày qui hồi cố quốc, và có thể gởi xương nơi đất khách.
Nào ngờ đâu, chính nơi đây, do ơn huệ thiêng liêng chan rưới và tiền định, trong lúc tiếp xúc với dân chúng địa phương trong các công tác tù nhân hằng ngày.
Ngài cảm hóa được họ nhập môn cầu đạo khá đông đảo, trong đó đa số là nhân viên chánh quyền buổi ấy;
Khuyến khích họ tạo dựng thành công một ngôi Thánh Thất, mà hiện nay di tích vẫn còn.
Thật là một việc hy hữu, một kết quả hiếm có bất ngờ, ngoài sự ước muốn của Ngài.
Âu đó cũng là một diễm phúc mà Ơn Trên đã dành để đặc biệt cho Ngài đó vậy. (Trích bài Điếu Văn của Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh, đọc trước Liên đài khi nhập bửu tháp).
Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh có làm Tờ Di Ngôn để lại căn dặn các con của Ngài như sau:
"Từ trước tới giờ, Ba hành đạo không muốn làm hao tổn của Hội Thánh và nhơn sanh, nên chừng nào Ba có về thiêng liêng thì các con làm y như Má các con buổi trước;
Nghĩa là: Từ điếu và mọi việc mua sắm quả phẩm cúng tế như bánh trái, rượu, trà,... làm hao tốn của nhơn sanh, chỉ dùng bông hoa tươi một ít để cúng tế mà thôi."
Tờ Di Ngôn nầy được các con của Ngài gởi đến Hội Thánh;
Và Hội Thánh thông truyền cho Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nên nghiêm chỉnh tuân hành di ngôn đáng kính trên đây và cũng để chư vị ái nữ của Cố Thượng Đầu Sư giữ được trọn lời căn dặn cuối cùng của thân sinh.
Bài Thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh:
Bài thi 4 câu nầy là của Đức Chí Tôn ban cho Ngài Đầu Sư vào năm Bính Dần khi Chí Tôn thâu nhận Ngài làm môn đệ, nay lấy bài thi nầy làm bài thài hiến lễ.