Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID23473 - dddn : Nữ Đầu Sư Hàm Phong HỒ HƯƠNG LỰ (1878-1972)

Nữ Đầu Sư Hàm phong Hồ Hương Lự (1878-1972)



Nữ Đầu Sư Hàm phong Hồ Hương Lự (1878-1972)
 

BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP

Của Bà Nữ Đầu Sư Hàm phong Hồ Hương Lự, đăng Tiên ngày 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972) tại Nữ Đầu Sư Đường, Tòa Thánh Tây Ninh.

Ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đọc Bản Tuyên Dương Công Nghiệp nầy trước Liên đài đặt tại Đền Thánh, vào lúc 9 giờ 17 phút ngày 24-11-Nhâm Tý (dl 29-12-1972).

Kính thưa Hội Thánh,

Kính chư Chức sắc Thiên phong, Chức việc và toàn đạo Nam Nữ,

Kính chư quí Quan Khách,

Nhân danh Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và Thống Quản Nữ phái Cửu Trùng Đài, tôi xin long trọng tuyên dương công trạng của Đức Bà Nữ Đầu Sư Hồ Hương Lự vừa qui Thiên vào ngày 22 tháng 11 Nhâm Tý, hưởng thọ 95 tuổi.

Về phần Đời:

Bà Hồ Hương Lự, tức Hồ Thị Lự, sanh ngày 26-6-Mậu Dần (1878) tại Ích Thạnh, tổng Long Vĩnh Hạ (Gia Định), chồng là ông Cao Hoằng Ân, Thẩm Phán đầu tiên tại Việt Nam.

Về phần Đạo:

Đắc phong phẩm Giáo Sư tại Kim Biên ngày rằm tháng 8 năm Đinh Mão (dl 10-9-1927).

Rằm tháng 10 năm Ất Hợi (dl 10-11-1935), bà được thăng phẩm Phối Sư.

Công nghiệp:

Năm Kỷ Tỵ (1929), bà về Tòa Thánh giúp việc nơi Lương Viện.

Qua năm Canh Ngọ (1930), làm Quản lý Sở may và làm công quả nơi Nhà Khách.

Năm Nhâm Thân (1932), lãnh Quản lý Lương Viện, Trù phòng và thay mặt bà Nữ Chánh Phối Sư tại Tòa Thánh. Sau đó bắt thăm đi hành đạo, làm Đầu Họ Đạo Long Xuyên.

Sau lại không người thế nơi Phòng Trù, nên Đức Quyền Giáo Tông cho phép ông Giáo Sư Thượng Sáng Thanh kiêm luôn Nữ phái.

Qua năm Bính Tý (1936), vì bịnh nên phải nghỉ một thời gian, khi bình phục sức khỏe, bà về giúp việc tại Nhà may Linh Đức.

Sau ngày Đức Phạm Hộ Pháp cùng nhiều Chức sắc phái Nam vắng mặt, bà vẫn ở tại Tòa Thánh để chung lo Đạo với Hội Thánh.

Trong lúc người Pháp chiếm Tòa Thánh, Nhà may Linh Đức phải dọn về nhà bà Giáo Sư Hương Nhiều. Sau người Pháp lấy Linh Đức làm trường học thì nhà may phải dọn về tiệm Minh Đức một thời gian rồi giải tán.

Trong lúc Đạo chinh nghiêng, chư Chức sắc cao cấp Nam phái không còn ai ở nơi đây, chỉ còn mấy vị Lễ Sanh nam nữ chung lo giúp sức với bà. Nhà cầm quyền Pháp lại chở hết tài sản của Đạo, chỉ còn lại chút ít đồ của Hội Thánh mà thôi.

Cuối năm Canh Thìn (1940), bà phải về nhà dưỡng bịnh vì kém sức khỏe, mãi đến tháng 4 năm Ất Dậu (1945), bà mới trở lại Tòa Thánh tiếp tục việc Đạo.

(Nhớ lại khi xưa:)

Lúc lưu lại Sài Gòn, bà ở tại nhà ái nữ của bà là cô Cao Thị Cường và con trai là Cao Hoài Sang (tức Đức Cao Thượng Sanh Hiệp Thiên Đài).

Năm Bính Dần (1926), bà lên Kim Biên trú ngụ tại nhà Trưởng nam của bà là Cao Đức Trọng (tức là Thời Quân Cao Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài). Sau đó, Đức Phạm Hộ Pháp lên mở đạo tại Kim Biên, độ bà vào Đạo.

Năm Ất Mão (1927), bà trở về Sài Gòn.

Bà có 3 người con: 2 Nam và 1 Nữ, đều tu theo Đạo Cao Đài. Con trưởng nam là Thời Quân Tiếp Đạo Cao Đức Trọng, thứ nữ là Giáo Sư Cao Hương Cường, còn quí tử là Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang.

Cả nhà bà đều nêu gương đạo hạnh làm vinh hiển tổ tông. Cái gương cang trực của bà cũng hiếm có. Bà dám đương đầu với bất cứ ai có manh tâm phản và chống đối Đạo, chẳng hạn như vị Cựu Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, có lần lên Tòa Thánh, mặc âu phục vào tọa vị trên ngai tại Cung Đạo. Bà dõng dạc đứng ra phản đối và bắt buộc ông Long bằng lẽ đạo, phải rời khỏi chỗ tôn thờ.

Về việc đạo, bà thường dùng lời ngay lẽ phải đối với tất cả mọi người. Phần đông trong Đạo đều mến phục cái tánh cang trực của bà. Tánh cang trực ấy, bà áp dụng để xây dựng, chớ không hề xúc phạm ai. Ấy là sự cẩn ngôn cẩn hạnh đó vậy.

Rất tiếc thay! Bà mất đi là Đạo mất một bậc lão thành đáng thương kính. Từ đây, bà vắng bóng, bổn đạo không còn được nghe lời cang trực đanh thép của một lão mẫu nữa.

Kính thưa Hội Thánh và chư quí vị,

Nỗi thương tiếc không bút mực nào tả xiết!

Vậy trước khi dứt lời, tôi thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho hương hồn Đức Bà Nữ Đầu Sư Hồ Hương Lự sớm tiêu diêu nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, và xin chân thành phân ưu cùng tang quyến.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
Hiến Pháp,
Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.

Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự được đắc phong Nữ Đầu Sư Hàm Phong cùng một lượt với Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, do đàn cơ tại Cung Đạo ngày 20-10-Mậu Thân (dl 9-12-1968), Đức Lý Nhứt Trấn Oai Nghiêm giáng cơ phong thưởng.

Sau đây là trích Bài Ai Điếu của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Chưởng quản Cửu Trùng Đài Nam phái, đọc trước Liên đài của Cố Nữ Đầu Sư H.P. Huơng Lự tại Bửu tháp lúc 10 giờ 30 ngày 26-11-Nhâm Tý.

"Hỡi ôi! Non Tiên ngút tỏa, biển Thánh mưa tuôn,
Cõi trần sớm hiệp rồi tan,
Kiếp sanh nào khác lá vàng ngày thu.
Đạo Trời vạch áng mây mù,
Vun bồi Tiên vị, công phu rạng ngời.
Hồng quần tích đức chiều mơi,
Nêu gương liệt nữ Việt Thường soi chung.
Tuy Nữ giới, chí Nam nhi khó sánh,
Dù sức hèn, trí quân tử không đương.
Đức chánh chơn, thuật xử thế thuần lương,
Hạnh liêm khiết, ôn hòa đều khắc kỷ.
Trong cửa Đạo, dưới trên đồng kính nể,
Mặc sang hèn, yêu ái cả quần sanh.
Nề nếp Nho phong lễ giáo chặt gìn,
Khuôn viên Đại Đạo, Chơn truyền vẹn giữ.
Hằng ta-bà hóa độ nhơn sanh,
Đem Chánh giáo phổ truyền khắp chốn.

Ôn lại quãng đời hành đạo từ năm Ất Sửu (1925) đến năm Mậu Thân (1968), đắc vị Nữ Đầu Sư Hàm Phong tới giờ, 47 năm trường, trải qua biết bao phen cơ Đạo thăng trầm, cố Hiền Tỷ vẫn một lòng son sắt, trung liệt với Đạo Trời, chẳng quản gian lao, không sờn cay đắng, biết bao khổ hạnh truân chuyên, không bút mực nào tả xiết, nhưng giữ vững đức tin chung lo nghiệp đạo đến ngày thoát xác, thật đáng bậc tiền bối khả kính vậy.

Từ đây Tiên tục đôi đường, Âm Dương cách trở,
Não nùng thay! Toàn đạo thở than,
Thống thiết bấy, tín đồ tang chế.
Chín mươi lăm tuổi, công viên quả mãn,
Bốn mươi bảy năm, cửa đạo vuông tròn.
Niêm phong Thánh thể, an ngự Liên đài,
Kỵ Long Mã đưa đường về Cực Lạc.
Trên Tiên giới, Hiền Tỷ vui vầy trăng gió,
Dạo khắp cùng cung điện cảnh tiêu dao.
Nguyện linh hồn an bước Tiên du,
Chầu Đế Khuyết nghìn thu toại hưởng.
Hỡi ôi! Thương thay! Tiếc thay!
Hiển linh xin chứng.

Sau đây là Trích đoạn bài Điếu văn của Hội Thánh Phước Thiện đọc tại Bửu tháp Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự, ngày 26-11-Nhâm Tý (dl 31-12-1972).

"Trước khi chưa có Đạo Cao Đài, Đức Bà tùng Đạo Minh Sư. Nhờ có căn nguyên, Đức Bà tìm thấy trong kinh điển có để lời tiên tri về sau sẽ có một mối Đạo xuất thế:

CAO như Bắc Khuyết nhơn chiêm ngưỡng,
ĐÀI tại Nam phương Đạo thống truyền.

Nên khi Đức Chí Tôn đến khai nền Đại Đạo, Đức Bà liền nhập môn tùng giáo, không chút ngờ vực, dâng hiến cả mảnh thân cho Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, để làm con tế vật phụng sự cho Đạo pháp và nhơn sanh.

Tuy phận liễu bồ nhược chất, nhưng tài đức và đạo hạnh của Đức Bà khó ai sánh kịp.

Lúc còn ở ngoài thế, song thân định bề gia thất, nhưng chẳng may, nửa chừng xuân gãy gánh cang thường, Đức Bà vẹn giữ mối đạo nhơn luân, thủ tiết thờ chồng nuôi con, khổ nỗi vừa quán xuyến gia đình, vừa dưỡng nuôi dạy dỗ đàn con thơ nên người nên đạo, âu đó cũng là một cơ thử thách để cho Đức Bà rạng danh một người hiền phụ và hiền mẫu nơi cõi Á Đông nầy.

Nhờ công ơn của Đức Bà vì nhơn sanh, tạo dựng cho nền Đại Đạo, hai tay rường cột để nâng gánh Đạo Trời, là Cố Cao Tiếp Đạo và Đức Cao Thượng Sanh. Nếu Đức Bà không phải là bậc Thiên tài thì cũng chưa hẳn đủ trí mưu mà thi thố cho đặng.

Lần dở trang sử cũ Trung Hoa, chúng ta thấy đời ca tụng bà Mạnh Mẫu là mẹ của thầy Mạnh Tử, khéo nuôi con và khéo dạy con nên bậc Chí Thánh.

Lấy công tâm để luận, đối với bà Mạnh Mẫu, thì Đức Bà Nữ Đầu Sư đây không thua kém, mà lại có phần hơn. Cũng đồng phương pháp giáo hóa, nhưng Đức Bà đã khéo gầy tạo cho con trở nên Chí Tiên và Chí Phật để phụng sự cho Đạo lẫn Đời. Còn riêng phần Đức Bà đối với Thiên triều của Đức Chí Tôn, trên đường tu học, bà cũng đạt đến tột phẩm triều nghi của nữ giới, đâu kém thua gì bực tu mi nam tử.

Hân hạnh thay cho dân tộc Việt Nam! Hữu phước thay cho nòi giống Việt Thường! Đã có bậc anh thư làm rạng vẻ con Lạc cháu Hồng, không thẹn tuổi tên cùng quốc tế.

Một điều đặc biệt chúng ta đáng lưu ý, từ ngày xả thân hành đạo, Đức Bà được Đức Chí Tôn trọng dụng để bảo thủ Chơn truyền, điểm tô nghiệp Đạo. Biết bao lần thuyền Đạo gặp cơn giông tố bão bùng, bên ngoài cường quyền đàn áp, bên trong nội bộ khảo đảo đủ điều, mỗi phen biến cố, Đức Bà đóng vai trò giúp một cánh tay đắc lực cho Đức Hộ Pháp khử tà diệt mỵ, bảo thủ Chơn truyền.

Ngoài sứ mạng kể trên, còn một điều quan trọng mà ai là tín đồ Đạo Cao Đài cũng phải cúi đầu sùng kính ân nghĩa của Đức Bà. Để chứng minh, chúng tôi xin trích ra một đoạn văn thuyết đạo, chính Đức Phạm Hộ Pháp mô tả.

Đức Ngài nói: "Bần đạo nhớ khi lên mở Đạo tại Kim Biên năm 1927 đặng truyền giáo. Đức Chí Tôn cho vị Phối Sư Hương Lự của chúng ta được thông công cùng Ngài, nhờ nghe nhờ thấy đặng truyền pháp cho Bần đạo."

Quả thế, không ai dám phủ nhận chính nền Đạo Cao Đài ngày nay có đủ Chơn truyền Bí pháp siêu độ chúng sanh, phần lớn là nhờ công ơn của Đức Bà, mà nhơn loại được hưởng diễm phúc hồng ân của Đức Chí Tôn ban bố.

"Khi nọ, Đức Chí Tôn biểu Bần đạo lại kệ bàn viết có sắp một dãy nhựt trình đặng rút ra hai tờ, Ngài lại dạy Chị chúng ta là bà Phối Sư Bảy (Hương Lự) đứng bắt ấn, kế Bần đạo trải hai tờ nhựt trình sau lưng mà Bà Chị vẫn không hay biết.

Tới lúc bắt ấn rồi, Bần đạo thưa: Đã trải rồi. Tức thì Bà Chị nhảy ngược lại, đạp trên hai tờ nhựt trình. Bần đạo không hiểu nghĩa gì. Đức Chí Tôn biểu coi hai chơn có đạp cái gì.

Bần đạo coi chơn trước giở lên là hình Tưởng Giới Thạch, đạp ngay trên đầu; còn chơn sau, Bần đạo biểu giở nhón lên, coi thấy hình Roosevelt, Tổng Thống của nước Mỹ, đạp ngay lên ngực và miệng.

Đức Chí Tôn nói với Bần đạo rằng: Một ngày kia, Trung hoa sẽ thờ phụng Đạo đáo để, còn nước Mỹ sẽ lãnh trách nhiệm đi truyền giáo toàn cầu." (Trích thuyết đạo của Đức Hộ Pháp)

Bà Nữ Đầu Sư Hàm Phong Hương Lự đăng Tiên vào lúc 1 giờ 40 phút rạng sáng ngày 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972).

Vào lúc 20 giờ 35 đêm 22-11-Nhâm Tý, Hội Thánh thiết một đàn cơ tại Giáo Tông Đường, được Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ cho bài Thài để đồng nhi tế điện Nữ Đầu Sư Hương Lự.

Đàn cơ tại Giáo Tông Đường.
Đêm 22-11-Nhâm Tý (dl 27-12-1972)
Lúc 20 giờ 35 phút.
Phò loan: Chưởng Ấn Nguyễn Văn Hợi và Cải Trạng Nguyễn Văn Kiết.
Hầu đàn: Thời Quân Bảo Đạo.
Chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện.

BÁT NƯƠNG

Em chào Hiền huynh Bảo Đạo, chư Chức sắc nam nữ Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, cùng các em nam nữ.

Nơi Diêu Trì Cung rộn rịp đón Hương Lự Nương Nương.

Em được lịnh đến đây, có sự thông cảm của Đức Quyền Giáo Tông để trao 4 câu thài hầu Lễ Viện hành lễ cho Nữ Đầu Sư Hương Lự:

HƯƠNG thơm ngào ngạt Đạo kỳ ba,
LỰ tỉnh hồng quần Thánh đức ca.
NƯƠNG bóng từ bi dìu chủng tộc,
NƯƠNG cơ thoát tục thức con nhà.

Cười . . . Hiền huynh Bảo Đạo nhắn lời, Em kính thăm Đại huynh Hiến Pháp.

Xin kiếu, đợi kỳ sau sẽ đàm đạo nhiều hơn. Thăng.


"Chúng tôi hầu chuyện cùng bà Quyền Nữ Chánh Phối Sư Hương Tiếu, được bà kể cho nghe về tánh đức cương nghị và nhất là lòng thương đàn em, không phân giai cấp quí tiện.

Bà nói: Trong một đêm khuya thanh vắng, Đức Bà chạnh lòng nhớ đến quí tử là Cố Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, bâng khuâng lo cho đại nghiệp Đạo.

Đức Bà tâm sự: Chồng chết, con (là Thượng Sanh) vừa mới 9 tuổi, rán nuôi con cho ăn học thành thân, thi đậu, đi làm việc, cũng như Cao Tiếp Đạo, nay bỏ tôi, nó qui hồi Thiên cảnh hết rồi.

Còn đứa con gái là Ba Cường, nay đau mai mạnh. Chớ chi Đức Chí Tôn đem tôi về thế cho Thượng Sanh ở lại lo cho nhơn sanh, tôi già rồi, có sống cũng không ích chi cho Đạo." (Trích báo Thông Tin số 68).

More topics .. .