Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID23475 - dddn : Phối Thánh BÙI ÁI THOẠI (1909-1946)

Phối Thánh Bùi Ái Thoại (1909-1946)



Phối Thánh Bùi Ái Thoại (1909-1946)
 

Ngài Bùi Ái Thoại, tên thật là Bùi Văn Dậu, sanh năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Hậu Thành, tổng Phong Hòa, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Nghề nghiệp: Thợ vẽ.

Thân phụ là Bùi Văn Hên (Đội Trưởng của Nam triều), thân mẫu là Huỳnh Thị Ngà (có chỗ chép là Nguyễn Thị Ngà).

Ngài Bùi Ái Thoại nhập môn vào Đạo Cao Đài ngày mùng 7-10-Đinh Mão (dl 1-11-1927) tại Hậu Thành, Cái Bè, và cũng từ ngày nầy, ông hiến thân làm công quả nơi Sở Lương điền Công nghệ Tộc đạo Cái Bè.

Thân phụ của Ngài Bùi Ái Thoại xuất thân từ võ quan của triều đình Huế, người miền Trung, vì sanh kế phải vào Nam lập nghiệp, gặp thân mẫu của Ngài ở Cái Bè, nên nếp sống gia đình chịu ảnh hưởng Nho phong.

Ông Bà sanh con đông, nhưng không nuôi được vẹn toàn, chỉ còn nuôi được Bùi Ái Thoại là con độc nhứt, nhưng Ông Bà lại mất sớm lúc Ngài Bùi Ái Thoại còn niên thiếu.

(1) Theo lời thuật lại của ông Văn Hiếu Liêm ở Phạm Nghiệp, khi Ngài Bùi Văn Dậu nhập môn cầu đạo thì Ngài đổi tên là Bùi Ái Thoại, (Ái là yêu, Thoại là tiếng nói) ý nghĩa là Ngài yêu tiếng gọi của Hội Thánh nên nhập môn và hiến thân làm công quả cho Hội Thánh. Nhưng Sớ Cầu Đạo của Ngài thì ghi tên là: Bùi Ái Thại, sanh năm 1913 (Quí Sửu).

Hiện ngôi mộ của Ngài tọa lạc tại Nghĩa địa Cực Lạc cũ, bên cạnh Thánh Thất Phận đạo Đệ tứ, và trên mộ bia lại ghi năm sanh của Ngài là 1908 (Mậu Thân).

Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nhờ hấp thụ sự giáo hóa của gia đình nên Ngài Thoại được bà con chòm xóm thương mến, nhất là tánh chất của Ngài rất hiền hòa chơn thật.

Khi Đạo Cao Đài vừa truyền đến quê của Ngài thì Ngài liền nhập môn cầu đạo, rồi làm tờ hiến thân vào sở Lương điền Công nghệ tại Quận đạo Cái Bè. Năm ấy, Ngài được 19 tuổi.

Năm 1933, Ngài Thoại được 25 tuổi, Ngài lập gia đình, vợ của Ngài cũng ở Cái Bè, sanh được một đứa con gái, rồi chẳng may, vợ của Ngài đau bịnh qua đời, để lại gà trống nuôi con.

Chẳng bao lâu sau, đứa con gái thân yêu cũng bị bịnh chết. Ngài trở nên bơ vơ một mình, nhưng vẫn đối xử với cha mẹ vợ rất hiếu kỉnh như đối với cha mẹ ruột, hòa mục cùng anh em trong nhà, khiến mọi người đều thương mến, đồng đạo nể vì.

Năm Ất Hợi (1935), có lịnh của Hội Thánh mộ công quả lên Tây Ninh xây cất Tòa Thánh, Ngài liền xin phép cha mẹ vợ để đi lên Tây Ninh hiến thân làm công quả.

Ngài có tức cảnh làm bài thi:

Xót cảnh cuồng phong chiết cội ngô,
Khách trần sống sót bại cơ đồ.
Hai năm thê phụng người tròn tiết,
Thảm đạm hài nhi xót cụm mồ.
Thệ hải lời vàng cam lỗi hẹn,
Than ôi! Ai lỡ nhịp cầu ô.
Thủ trinh cùng nghĩa duyên trăm nguyện,
Toan tránh đường ba niệm Nẳng-Mô.

Ngài Thọai lên Tây Ninh trình diện Đức Phạm Hộ Pháp, được bổ vào Sở Bò Cạp lập công năm 1936 (Bính Tý).

Đức Phạm Hộ Pháp định khởi công cất Tòa Thánh, nên ra Châu Tri kêu mộ nhơn công của các cơ sở, ai có biệt tài gì thì ra giúp Hội Thánh đặng tạo tác Tổ Đình. Ngài Thoại đến trình diện, và được giao trách nhiệm Tá Lý Sở Đắp Vẽ.

Nhờ được sự chỉ dạy của Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Bùi Ái Thoại trở nên là một nhơn tài trong nghề đắp vẽ, trên được yêu mến tín nhiệm, dưới được em út kỉnh vì.

Công việc tạo tác Tòa Thánh mới được chừng 80 % thì có lịnh nhà cầm quyền Pháp bắt đình chỉ.

Ngày mùng 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941) nhà cầm quyền Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp, mặc dầu trước đó, Đức Ngài đã bày tỏ lập trường và tôn chỉ của Đạo Cao Đài qua Tờ Phúc Trình gởi quan Chủ trưởng Ủy Ban Điều Tra các thuộc địa ngày 12-12-1937, và khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, Đức Ngài kêu gọi Đạo hữu tùng quân giúp vào đội công binh của Pháp.

Nghĩa cử xem thù là bạn, lấy ơn đáp oán, trong thế kỷ 20 nầy, chỉ có hai vị siêu nhân của nhơn loại là Thánh Gandhi ở Ấn Độ và Đức Phạm Hộ Pháp ở VN mà thôi. (ông Gandhi kêu gọi dân Ấn Độ giúp quân đội Anh trong đội Hồng Thập Tự)

Sau khi nhà cầm quyền Pháp bắt Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc cao cấp của Đạo, chúng đe dọa và xua đuổi các Chức sắc, chức việc, và các công quả trong Nội Ô buộc phải trở về nguyên quán.

Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại, một dạ trung thành với Đạo, không chịu trở về nguyên quán, mà ở lại tạm trú với anh em trong vùng Thánh địa, chờ ngày yên ổn để trở lại tiếp tục làm công quả nữa.

Ông Bùi Ái Thoại ra hiệp với ông Chí Thiện Lê Văn Gấm tạo lập lò chén thuộc Sở Công nghệ Giang Tân, trước có phương thế lo cho sự sống, sau là dạy nghề cho các công quả hầu đùm bọc nhau trong buổi nền Đạo chinh nghiêng.

Ngày 25-Giêng-Ất Dậu (dl 9-3-1945), quân đội Nhựt đảo chánh Pháp tại Sài Gòn, Pháp đầu hàng. Quân đội Pháp phải rút khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh hoạt động trở lại. Ông Bùi Ái Thoại liền vào trình diện với Hội Thánh, xin tái thủ phận sự Tá Lý Sở Đắp Vẽ để tiếp tục tái thiết Tòa Thánh.

Trong thời gian quân Pháp chiếm đóng Nội Ô, chúng dùng Tòa Thánh làm nơi để xe, dùng Báo Ân Từ làm câu lạc bộ, phá phách các dinh thự tan hoang, hư hao nhiều chỗ, nên công việc tái thiết rất vất vả và đòi hỏi nhiều công phu.

Mặc dầu Đức Phạm Hộ Pháp vẫn còn bị đồ lưu nơi Mã đảo, chưa trở về Tổ Đình, nhưng ông Tá Lý Bùi Ái Thoại vẫn nhớ rất kỹ những lời chỉ dạy của Đức Phạm Hộ Pháp, những phát họa của Đức Ngài, nên khi ông Thoại trở lại làm việc thì ông đều làm đúng như lời Đức Phạm Hộ Pháp, không hề sai chạy.

Ông hăng say làm việc ngày đêm, đôn đốc và khuyến khích anh em trong sở đem hết khả năng tô điểm lịch xinh ngôi Tổ Đình, là khối Đức tin của toàn đạo, trước trả hiếu Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, sau trọn nghĩa với thầy là Đức Phạm Hộ Pháp, để khỏi uổng phí một kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại, như được Ơn Trên bố hóa tâm trí minh mẫn, tay nghề khéo léo, nên ông đắp vẽ tượng cốt các Đấng Giáo Chủ Tam Giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm, Đức Chúa Jésus, Đức Khương Thượng, các tượng của Bát Tiên và Thất Thánh trên tấm diềm nơi Bát Quái Ðài;

Còn trước mặt tiền Tòa Thánh là tượng Đức Quyền Giáo Tông, Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh, tượng Đức Phật Di-Lạc trên nóc Hiệp Thiên Ðài, và sau cùng là tượng Tam Thế Phật trên nóc Bát Quái Ðài.

Qua bàn tay khéo léo của ông Bùi Ái Thoại, hình tượng của các Đấng như sống động, uy nghi, vô cùng đẹp đẽ.

Ông Tá Lý Bùi Ái Thoại có làm bài thi bày tỏ cảm xúc của mình trước cảnh tang thương của cuộc đời:

Hè chí thu sang tiết trở đông,
Ướm xuân thoạt nhớ nợ tang bồng.
Quanh năm ngẫm lại buồn cho phận,
Chất tuổi càng thêm thẹn với lòng.
Ơn nước trót đời mang khó trả,
Nợ nhà mãn kiếp tính chưa xong.
Ngùi trông trăm họ vùi chung đỉnh,
Giành giựt giết nhau chẳng tưởng dòng.

Ông Bùi Ái Thoại đem hết tâm trí và sức lực vào công cuộc đắp vẽ các pho tượng và trang trí Tòa Thánh, làm việc ngày đêm, nên cuối cùng ông kiệt sức và lâm bịnh nặng.

Ngày 29-Giêng-Bính Tuất (dl 2-3-1946), ông cổi xác trần trở về cõi thiêng liêng, sống được 38 tuổi, trong có 19 năm phụng sự cho Đạo.

Nhiều người thương tiếc than rằng: Phải chi ông ráng sống thêm mấy tháng nữa thì thấy được ngày Đức Phạm Hộ Pháp hồi loan, để thầy trò sum hiệp vui vầy. (Đức Hộ Pháp được đưa trở về Tòa Thánh ngày 30-8-1946).

Năm Đinh Hợi (1947), Bát Nương giáng cơ cho Hội Thánh biết ông Bùi Ái Thoại đã đắc quả Phối Thánh, và nên ghi vào lịch Đạo ngày mất mà thiết lễ kỷ niệm hằng năm, giống như trường hợp Phối Thánh Phạm Văn Màng, để nêu gương cho hậu thế.

Thật vậy, người ở thế, nếu Tam Lập (Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn) được hoàn toàn, thì dù ở phẩm bực nào nơi cõi trần, cũng đắc được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng. Cân công bình thiêng liêng rất vô tư, hữu công tất đắc.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn nhiều lần nói rằng:

"Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một Trường Công Đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn."

Ngài Phối Thánh Bùi Ái Thoại thỉnh thoảng có giáng cơ tại Báo Ân Từ, không thường xuyên bằng Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng.

Sau đây là bài giáng cơ của Phối Thánh Bùi Ái Thoại, Ngài Phối Thánh Màng giáng trước, tái cầu thì Ngài Phối Thánh Thoại giáng tiếp theo.

Tái cầu:

PHỐI THÁNH BÙI ÁI THOẠI

- Bạch sư phụ, con là Thoại.

Thưa chào chư vị Sư thúc, Sư huynh.

Hèn lâu, con nhớ Sư phụ lắm, mà không biết làm sao!

Khi Sư phụ bị đày, con rầu buồn quá đổi, thêm lo lắng Đền Thánh chưa rồi. Làm ngày làm đêm, mang bịnh nan y nên qui liễu.

Nhờ Chí Tôn thương nên ban lịnh Ngọc Hư Cung cho vào hàng Phối Thánh.

Bạch Sư phụ, làm ơn nói với "Năm Sỏi""Sáu Út" rằng "Kỉnh" bị án sa đọa Phong Đô, nhưng nhờ công nghiệp tạo tác Tòa Thánh, Đức Chí Tôn ân xá cho chuyển kiếp luân hồi, mà chưa đi, còn đương kiện ông "Chữ".

Con gặp "Quân""Ngưu" lẩn quẩn nơi Thánh địa đặng đợi dịp trả oán theo Ngọc Hư Cung cho phép.

Nhưng Phạm Phối Thánh và con khuyên lơn họ, để cho kẻ tội nhơn phụng sự quốc gia, và nghĩ Thánh tâm, oan gia nên giải bất nghi kết, nên họ cũng an lòng, đặng xem hành tàng của kẻ tội nhơn, hoặc tha hoặc trị.

Con mới dắt Anh "Thiết" kiến diện Sư thúc Thượng Phẩm đặng người điều độ.

Con nhớ mấy anh em con quá! Khi thấy thờ phượng con, con đau lòng quá! Sư phụ nói lại giùm, con để lời cám ơn họ.

Nếu con có phước giáng cơ đặng thường, con có nhiều điều nói với họ.

Con kính lạy Sư phụ, con xin kiếu. Thăng.

BÀI THI HOÀI NIỆM đề nơi mộ của Ngài Phối Thánh Bùi Ái Thoại:

HOÀI NIỆM
Kính bút truyền ghi bậc đức tài,
Đã dày công buổi Đạo hoằng khai.
Đem thân hiến trọn về cửa Phạm,
Tạo nghiệp Tam Kỳ tiếng hậu lai.
Bởi ý thức đời là giả tạm,
Nên tìm bến Đạo bỏ đường hai.
Quả mãn công viên hồi cựu vị,
Phối Thánh Thiên phong bậc đức tài.

More topics .. .