Click here to sort by Book Click here to sort by Author Click here to read previous Book Click here to read next Book
Column 1 of row 1 Column 2 of row 1
Column 1 of row 2 Column 2 of row 2
↻ Close
ID27158 - Chương : Ngũ huân - Ngũ uẩn
dictionary : Cao Đài Tự Điển - Vần NG
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

Ngũ huân - Ngũ uẩn



Ngũ huân - Ngũ uẩn
五蕈 - 五蘊
A: Five hot flavours.
P: Cinq saveurs bruâlants.
Ngũ: Năm, thứ năm.
Huân: loài rau có mùi hôi, nồng, vị cay.
Ngũ huân là năm thứ rau có mùi hôi, vị cay, nên còn gọi là Ngũ tân hay Ngũ vị tân.(tân là cay).
Uẩn: chất chứa, tích tụ.

Ngũ uẩn là năm thứ tích tụ hòa hiệp tạo thành thân tâm của con người.

I. NGŨ HUÂN:
  • 1. Hành: cách thông.
  • 2. Hẹ: từ thông.
  • 3. Tỏi: đại toán.
  • 4. Kiệu: lan thông.
  • 5. Nén: hưng cừ.

Bốn thứ: Hành, hẹ, tỏi, kiệu đều có ở Việt Nam, Trung hoa, Ấn Độ. Chỉ có nén (hưng cừ) thì không có ở VN và Trung hoa, chỉ có ở Ấn Độ.

  •  1. Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì:

    "Những người tu Phật, nhằm những ngày chay, không nên ăn năm món ấy, cũng không nên gia vị vào đồ ăn, vì dùng năm món ấy thì hỏa dộng và bay hơi hôi hám. Ấy là những vị, những món không thanh tịnh.

    Trong Bồ Tát Giái Kinh, ở khoản Giái Khinh Cấu thứ tư, có khuyên Phật tử không nên ăn Ngũ tân.

    Trong Địa Tạng Kinh có dạy: Những người trì niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, trong thời kỳ trì niệm và tụng kinh, phải cữ Ngũ tân, và gìn giữ Ngũ giới cấm.

    Thủ Lăng Nghiêm Kinh, quyển tám: Năm món cay nồng ấy , nếu ăn chín thì phát dâm, bằng ăn sống thì sanh nóng giận, những kẻ ăn những món ấy, dẫu có tài giảng thuyết 12 Bộ Kinh (Thập nhị Bộ Kinh) nhưng chư Thiên Tiên trong 10 phương đều xa lánh họ vì mùi hôi thúi của những món ấy.

    Còn những bọn quỉ đói thì nhơn họ ăn mấy món ấy, đến liếm mép họ, thành ra họ thường ở chung với quỉ, phước đức của họ càng ngày càng tiêu."

  •  2. Theo Đại Thừa Chơn Giáo thì:

    Người luyện đạo cần phải kiêng cữ Ngũ huân.

    "Phải cữ Ngũ huân: Lại tu cũng cần phải cữ kiêng vật thức hàng ngày cho chính mới nên.

    Đã biết ăn cho ngon miệng mới nuôi được thân phàm, song nuôi thân tuy béo mà hại đến linh hồn thì sao?

    Bởi vậy, như loại Ngũ huân là loại ăn vô có thể làm cho yếu ớt linh hồn thì lẽ nào không cữ?"

  •  3. Theo Tiên giáo thì:

    Trong Đạo Sử I của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, trang 40, bài giáng cơ của ông Quí Cao ngày 16-1-1926:

    "Ngũ Kỵ: Hành, Tỏi, Sản, Ớt, Tiêu.

    Theo Phật giáo thì kỵ, Tiên giáo thì không.

    Phật vì tích Thanh Đề Mục Liên gọi là uế vật, là phi.

    Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi."

    Trong Tân Luật, phần Tịnh Thất, không có điều nào nói về Ngũ huân hay Ngũ vị Tân.

II. NGŨ UẨN:

Ngũ uẩn, còn được gọi là Ngũ ấm (ấm là tích lập).

Ngũ uẩn là 5 món tích tụ hòa hiệp làm thành thân tâm của con người. Chúng che khuất chơn lý khiến chúng sanh luân hồi, thọ khổ.

Ngũ uẩn gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

  • 1. Sắc uẩn (Forme): chỉ chung mọi thứ vật chất hữu hình như năm căn, năm cảnh, v.v....
  • 2. Thọ uẩn (Sensation): chỉ tác dụng của thọ sự vật của tâm đối với cảnh, cảm thấy buồn khổ hay vui sướng.
  • 3. Tưởng uẩn (PercePhước Thiệnion): chỉ tác dụng tưởng tượng sự vật của tâm đối với cảnh.
  • 4. Hành uẩn (Impression): tác dụng về mọi thứ thiện ác như: tham, sân, si,.... của tâm đối với cảnh, tức là đối với cảnh vật đem lòng ham muốn hay ghét giận.
  • 5. Thức uẩn (Conscience): bản thể hiểu biết, phân biệt sự vật của tâm đối với cảnh.

Trong Ngũ uẩn, Sắc uẩn là thân, còn 4 uẩn kia là tâm.

Kinh Tăng Nhứt Hàm: Sắc như bọt nước tụ lại, Thọ như bong bóng nổi phập phồng, Tưởng như hơi bốc vật vờ, Hành như cây chuối, Thức như huyễn pháp.

Khi đã đạt được trí huệ, soi lại thì thấy Ngũ uẩn đều Không, Sắc tức là Không, mà Tưởng, Thọ, Hành, Thức cũng đều Không."

"Trong đoạn đầu bài 'Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh' có nói rằng: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, trong khi Ngài thi hành Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức nền Trí huệ sâu xa đưa đến bờ giác, thì Ngài soi thấy rằng Ngũ uẩn đều là Không. Sự soi thấy như vậy độ thoát khỏi các sự khổ não tai ương.

Cái Sắc có khác gì cái Không, và cái Không có khác gì cái Sắc đâu? Sắc tức là Không và Không tức là Sắc vậy.

Cho đến cái Thọ, cái Tưởng, cái Hành và cái Thức cũng đều như vậy cả.

More topics .. .