Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Rằm Thượng, Trung, Hạ nguơn
A: The fifteenth day of the first (7th, 10th) lunar month. |
P: Le quinzième jour du premier (7è, 10è) mois lunaire. |
Rằm: ngày trăng tròn, tức là ngày 15 mỗi tháng âm lịch. |
Theo Nho giáo, ngày rằm Thượng nguơn là lễ: "Thượng nguơn tứ phước Thiên Quan Đại Đế Thắng Hội", hay cũng gọi là: Thượng nguơn Thiên Quan Thánh Đản.
Tương truyền, Thiên Quan là vua Nghiêu. Nho giáo chọn ngày rằm tháng giêng làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Nghiêu.
Vua Nghiêu là vị Thánh vương thời thượng cổ của nước Tàu, lấy đức trị dân, làm cho dân được an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc, để lại tấm gương sáng làm mẫu mực cho các vua chúa đời sau.
Do đó, đời sau tặng vua Nghiêu danh hiệu: Thiên Quan Tứ Phước 天官賜福. Thiên Quan là ý nói cái đức của vua Nghiêu sánh như Trời, che trùm thiên hạ. Tứ Phước là ban phước cho dân. Thiên Quan Tứ Phước là vua Nghiêu ban phước cho dân.
Thời xưa, nhiều nhà lập bàn thờ vua Nghiêu bằng một cái khánh nhỏ đặt ngoài trời, trong đó có viết 4 chữ Hán "Thiên Quan Tứ Phước".
Đối với Đạo Cao Đài, ngày rằm Thượng nguơn là ngày cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ được ân xá tội tình và cầu nguyện chư chiến sĩ trận vong cùng các đẳng chơn hồn được siêu thăng tịnh độ.
Do đó, lòng sớ dâng lên Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Đại Lễ Rằm Thượng nguơn, chép ra như sau đây:
"Kim vì vận hội Thượng nguơn, Ngọc Hư Cung Linh Tiêu Điện đại khai ân xá các đẳng linh hồn.
Chư Thiên phong nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.
Ngưỡng nguyện VÔ TRUNG TỪ PHỤ phát hạ hồng ân, hóa sanh đại đức, tùy nguơn vận hội, ân xá chư linh hữu công hành đạo, tế độ nhơn sanh, cập tiền vãng Thất Tổ, hậu vãng Cửu Huyền, do tử tôn lập thân hành đạo dĩ hiến phụ mẫu hiếu nghĩa vi tiên, chư chiến sĩ trung thành dõng cảm vị quốc vong thân, dĩ chí toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn.
Nguyện cầu các đẳng linh hồn, cập chư chiến sĩ vị quốc vong thân tảo đắc siêu thăng tịnh độ.
Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu. Dĩ văn."
Dịch nghĩa ra Việt văn:
"Nay vì vận hội Thượng nguơn, Ngọc Hư Cung và Linh Tiêu Điện đại khai ân xá các cấp linh hồn.
Các Chức sắc Thiên phong trang nghiêm thiết lập đàn cúng tế, nhang, đèn, bông, trà, trái cây, rượu tinh khiết, làm thành nghi tiết, thành tâm dâng lễ.
Ngưỡng nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ trong cõi Hư Vô ban xuống hồng ân, hóa sanh đức lớn, tùy theo nguơn vận hội, ban ơn xá tội cho các chơn linh có công hành đạo, cứu giúp nhơn sanh, và Thất Tổ đã qua trước, Cửu Huyền đã qua sau, do con cháu lập thân hành đạo để hiến dâng lên cha mẹ vì hiếu nghĩa làm đầu, các chiến sĩ trung thành dũng cảm vì nước quên mình, đến toàn thể dân chúng đau khổ vì chiến tranh đồng thời tử nạn.
Cầu nguyện các đẳng linh hồn và các chiến sĩ vì nước quên mình sớm được siêu thăng lên miền tịnh độ. Các đệ tử đồng thành tâm cúi lạy kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình."
Cũng trong dịp rằm Thượng nguơn nầy, Hội Thánh tổ chức cúng tế Cửu Huyền Thất Tổ và Chiến sĩ trận vong nơi Trai đường, sau đó là cúng tế và Cầu Siêu Hội các đẳng vong linh nơi Khách Đình.
Tấm phan lễ Cầu Siêu Hội là cây phướn chiêu hồn, kêu gọi các đẳng vong hồn đến hưởng lễ tế điện và cầu siêu.
Tấm phan đó được viết như sau:
Thiên vận Quí Dậu niên, Chánh ngoạt, thập lục nhựt, ngọ thời, Thiên ân xá tội.<
Hội Thánh thiết lễ Tế Điện Cầu Siêu Hội.
Cẩn thỉnh:
Cấp cấp đáo lai Khách Đình đàn nội, Thọ hưởng hồng ân đồng đăng bỉ ngạn.
Dịch nghĩa ra Việt văn:
Vận Trời năm Quí Dậu, tháng giêng, ngày 16, giờ Ngọ, ơn Trời xá tội.
Hội Thánh thiết lễ Tế Điện và Cầu Siêu Hội.
Kính mời:
Mau mau đến Khách Đình, vào trong đàn tế, Thọ hưởng ơn Trời, cùng qua bờ giác.
Ngày rằm Trung nguơn là lễ "Trung nguơn Địa Quan Thánh Đản" hay cũng gọi là Trung nguơn Địa Quan Xá Tội.
Tương truyền Địa Quan là vua Thuấn. Nho giáo chọn ngày rằm tháng 7 âm lịch làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn.
Vua Thuấn là một vị Thánh vương của nước Tàu thời thượng cổ, Ngài nổi tiếng là người con hiếu thảo, đứng đầu Nhị thập tứ Hiếu.
Vua Nghiêu nghe ông Thuấn là trang hiếu thảo đệ nhứt nên tìm đến gặp ông Thuấn, rồi đem hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả hết cho ông Thuấn, xem xét cách ăn ở của ông Thuấn trong 3 năm, thấy quả thật Thuấn là người hiền nên vua Nghiêu quyết định truyền ngôi vua cho ông Thuấn.
Đức của vua Thuấn cũng ban rải khắp thiên hạ, nên dân chúng đều được thái bình an lạc.
Trong sách Trung Dung, Đức Khổng Tử rất khen ngợi vua Thuấn: "Hạnh hiếu của vua Thuấn lớn lắm vậy! Luận về đức, Ngài là bậc Thánh nhơn; luận về sang thì Ngài ở ngôi Thiên tử; luận về giàu thì gồm bốn biển, ông bà cha mẹ được hưởng cúng tế trong tông miếu (đó là quang ư tiền), con cháu được triều đình ban cho phước lộc (đó là dụ ư hậu)."
Vì hiếu của Ngài rất lớn nên đời sau tặng cho Ngài là Địa Quan Xá Tội 地官赦罪.
Do đó, trong ngày rằm tháng 7, người nào nhớ tưởng đến ông bà cha mẹ quá vãng mà thực lòng cầu khẩn cho ông bà cha mẹ được siêu thăng thì được vua Thuấn cảm ứng, xem xét lòng hiếu thảo của người con mà xá tội cho ông bà cha mẹ khỏi chịu hình phạt nơi cõi Âm phủ.
Đức của vua Thuấn rộng lớn như Đất (Địa), nghĩa là gánh chở tất cả thiên hạ, bao dung không phân biệt hạng người nào, nên mới tôn Ngài là Địa Quan.
Như vậy, theo Nho giáo, ngày rằm Trung nguơn là ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn. Ngài là Địa Quan Xá Tội, cảm ứng với những người nào có lòng thành cầu khẩn cho ông bà cha mẹ quá vãng bị đọa đày nơi cõi Âm được siêu thăng.
Bên Phật giáo, ngày rằm Trung nguơn là ngày rất quan trọng vì Phật dạy thiết lễ Vu Lan Bồn.
Vu Lan Bồn là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: Ullambana, Ullam là Vu Lan, Bana là Bồn, người Tàu dịch nghĩa là: Giải đảo huyền, tức là cởi trói người bị treo ngược, ý nói cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề.
Ngài Mục Kiều Liên, đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tu hành chứng được quả A-La-Hán, đạt được Lục Thông (6 phép Thần thông);
Tưởng nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, Ngài liền dùng thần nhãn thấy được mẹ đang bị đọa làm Ngạ quỉ nơi Âm phủ, thân thể ốm gầy tiều tụy, bụng lớn đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, không ăn uống gì được nên suốt năm chịu đói khát luôn luôn.
Ngài Mục Kiều Liên thương xót mẹ quá nên Ngài vận thần thông đem bát cơm đến dâng cho mẹ. Bà mẹ vì quá khao khát nên khi cầm được chén cơm thì lòng ích kỷ nổi lên, sợ người khác cướp giựt, lấy tay trái che giấu chén cơm, tay mặt bốc ăn.
Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên nên khi đưa cơm vào miệng, thì cơm hóa thành lửa, bà chẳng ăn được, vẫn phải chịu đói khát.
Ngài Mục Kiều Liên thấy thế thì hết sức đau buồn, kêu khóc thảm thiết. Ngài đến bạch hỏi Đức Phật Thích Ca, cầu xin Đức Phật dạy cách cứu độ thân mẫu.
Đức Phật Thích Ca dạy rằng:
- Này Mục Kiều Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác, tạo ra tội lỗi nặng nề, trải qua nhiều kiếp, nay bị đọa vào ác đạo làm loài ngạ quỉ, nên không thể một mình ông cứu độ được.
Mặc dầu lòng hiếu thảo của ông lớn lao nhưng không làm sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì một chiếc thuyền con không thể chở nổi một tảng đá lớn.
Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát.
Ta nay vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu độ cha mẹ ông thoát khỏi các điều đày đọa khổ sở nơi cõi Âm phủ.
Này Mục Kiều Liên! Ngày rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư tăng trong mười phương, sau 3 tháng an cư kết hạ, tinh tấn tu hành.
Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của chư Phật vì thấy chư tăng tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn.
Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ ông, và cầu xin cho mẹ ông được giải thoát khỏi nơi ác đạo.
Ông hãy sắm đủ các món hương trăm mùi, năm thứ trái cây, cùng nhang dầu đèn nến, giường chiếu, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay, tóm lại là đủ bốn món cúng dường quí báu trong đời;
Rồi ông phải thân hành đi rước các vị đại đức cao tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng chứng được bốn quả Thánh, các vị kinh hành dưới cội cây được sáu phép thần thông tự tại như hàng Thanh văn, Duyên giác, các vị Thánh tăng, hoặc Thập Địa Bồ Tát thị hiện làm Tỳ Kheo, v.v....
Ông phải thành tâm kính lễ trai tăng, cúng dường và thỉnh cầu chư tăng chú nguyện cho linh hồn mẹ ông được thoát khổ.
Nhờ công đức chí thành chú nguyện, linh hồn của mẹ ông sẽ được siêu thoát, cũng như tảng đá dù nặng ngàn cân, song nhiều người khiêng thì dời nó đi đâu cũng được.
Ngài Mục Kiều Liên vâng theo lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu Lan, nhờ đó mà thân mẫu của ông được thoát kiếp ngạ quỉ, siêu thăng về cõi giới lành.
Sau khi thấy phép Vu Lan có kết quả tốt đẹp, Ngài Mục Kiều Liên hết sức vui mừng, bạch hỏi Đức Phật Thích Ca:
- Bạch Thế Tôn, thân mẫu của đệ tử nhờ công đức Tam bảo và oai thần của chư tăng, nên được thoát kiếp ngạ quỉ khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng Phật tử, nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn nầy để cứu độ cha mẹ của họ trong hiện tại hay trong nhiều kiếp trước, chẳng biết có được không?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Quí lắm! Nầy Mục Kiều Liên, đời sau nếu có được các Tỳ Kheo, vua, thái tử, các quan, hàng tam công cho đến thứ dân, vì lòng hiếu thảo, muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng 7 mỗi năm, là ngày Phật hoan hỷ, làm lễ Vu Lan nầy, để cúng dường trai tăng.
Nhờ công đức của chư tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai họa khổ não, còn cha mẹ đời trước thì khỏi khổ ngạ quỉ, được sanh vào cõi Nhơn Thiên, hưởng phước vui vẻ không cùng.
Khi đó Ngài Mục Kiều Liên và bốn chúng đệ tử đều hoan hỷ vâng làm. Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, các hàng Phật tử có hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Chú thích vài từ ngữ của Phật giáo:
Tóm lại, ngày rằm tháng 7 tức là rằm Trung nguơn, Nho giáo và Phật giáo đều định cho là ngày con báo hiếu cha mẹ.
- Nho giáo thì khuyên chư nhu cúng lễ: Địa Quan Xá Tội, Ngu Thuấn Đại Đế, tức là cúng và cầu nguyện vua Thuấn xá tội cho cha mẹ, để cha mẹ được thoát khỏi các cảnh khổ não nơi cõi Âm phủ.
- Phật giáo thì Đức Phật Thích Ca dạy các Phật tử làm lễ Vu Lan Bồn, trai tăng cúng dường chư Đại Đức, Tỳ Kheo, tăng ni, để nhờ chư tăng ni chú nguyện cho cha mẹ được thoát khỏi các cảnh đày đọa khổ não nơi cõi Địa ngục.
Đối với Đạo Cao Đài, ngày rằm Trung nguơn không có cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ (vì đã cầu nguyện trong rằm Thượng nguơn), chỉ cầu nguyện các chiến sĩ trận vong và các đẳng vong hồn vừa qui liễu từ rằm tháng giêng đến rằm tháng 7 âm lịch.
Lòng sớ cúng Đại lễ rằm Trung nguơn chép ra như sau:
"Kim vì vận hội Trung nguơn, Ngọc Hư Cung đại khai ân xá các đẳng linh hồn.
Chư Thiên phong nghiêm thiết đàn tràng, hương đăng hoa trà quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ. Ngưỡng vọng VÔ TRUNG TỪ PHỤ phát hạ hồng ân, hóa sanh đại đức, tùy nguơn hội ân xá chư linh hữu công hành đạo, thọ khổ tế độ nhơn sanh, dĩ vong tánh mạng, cập chư chiến sĩ trung thành dõng cảm vị quốc vong thân, chí toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn, nguyện cầu các đẳng linh hồn tảo đắc siêu thăng tịnh độ.
Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu. Dĩ văn."
Dịch nghĩa ra Việt văn:
Nay vì vận hội Trung nguơn, Ngọc Hư Cung đại khai ân xá các cấp linh hồn.
Các Chức sắc Thiên phong trang nghiêm thiết lập đàn cúng tế, nhang, đèn, bông, trà, trái cây, rượu tinh khiết, làm thành nghi tiết, thành tâm dâng lễ.
Ngưỡng nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ trong cõi Hư Vô ban xuống hồng ân, hóa sanh đức lớn, tùy theo nguơn vận hội, ban ơn xá tội cho các chơn linh có công hành đạo, chịu nhiều khổ nhọc, cứu giúp nhơn sanh, đã mất tánh mạng, cùng các chiến sĩ trung thành dũng cảm vì nước quên mình, đến toàn thể dân chúng đau khổ vì chiến tranh đồng thời tử nạn.
Cầu nguyện các đẳng linh hồn sớm được siêu thăng tịnh độ.
Các đệ tử đồng thành tâm cúi lạy kính cẩn dâng sớ tâu lên. Kính trình.
Và sau đó thì cúng tế và Cầu Siêu Hội các đẳng chơn hồn nơi Khách Đình, cũng giống y như kỳ rằm Thượng nguơn.
Theo Nho giáo, ngày rằm Hạ nguơn là lễ: Thủy Quan Giải Ách 水官解厄, hay nói đầy đủ là: Hạ nguơn Giải Ách Thủy Quan Đại Đế Thắng Hội.
Tương truyền, Thủy Quan là vua Hạ Võ, vị vua có công lớn với dân chúng vào thời thượng cổ nước Tàu, vì vua Hạ Võ trị thủy thành công, hết nạn nước lụt hằng năm. Nhờ công lớn nầy, vua Thuấn nhường ngôi cho Hạ Võ, mở ra nhà Hạ.
Đời sau chọn ngày rằm Hạ nguơn làm ngày Thánh đản của vua Hạ Võ, và dân chúng tặng Ngài danh hiệu Thủy Quan Đại Đế để nhắc lại công đức trị thủy của Ngài, và cũng có ý nói rằng: công đức của vua Hạ Võ nhiều như nước, làm lợi rất lớn cho cả thiên hạ.
Đến ngày rằm Hạ nguơn, dân chúng cúng tế và cầu nguyện vua Hạ Võ cởi bỏ hết các tai ách cho dân chúng nhờ.
Đối với Đạo Cao Đài thì rằm Hạ nguơn là ngày kỷ niệm Đại lễ KHAI ĐẠO, có tổ chức cúng Đại đàn Đức Chí Tôn và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Lòng sớ cầu nguyện Đức Chí Tôn y như lòng sớ cúng rằm Trung nguơn.
Sau đó thì tổ chức cúng tế và Cầu Siêu Hội cho các đẳng vong linh và các chiến sĩ trận vong nơi Khách Đình, tấm phan làm phướn chiêu hồn y như kỳ rằm Thượng nguơn.
Tóm lại:
Ba ngày rằm lớn trong năm là 3 ngày đại lễ kỷ niệm Thánh đản của 3 vị Thánh vương thời thượng cổ nước Tàu, có nhiều công đức đối với dân chúng:
Chỉ có ngày rằm Trung nguơn là làm lễ Vu Lan nơi các chùa, cúng dường chư tăng ni, đại đức, để cầu xin chư tăng ni chú nguyện, giải thoát cha mẹ đã chết khỏi các khổ hình nơi cõi Âm phủ và được siêu thăng, hoặc cầu cho cha mẹ còn sống được tăng long phước thọ.
Ba ngày rằm Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn đều thiết đại lễ cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Tòa Thánh, Thánh Thất, Báo Ân Từ và các Điện Thờ Phật Mẫu, để dâng sớ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn vừa mới qui liễu vì đau bịnh hay vì tai nạn, cùng với các chiến sĩ vị quốc vong thân vừa tử trận, tất cả đều được siêu thăng lên miền tịnh độ.
Việc Cầu Siêu Hội được tổ chức nơi Khách Đình.
Đặc biệt trong ngày rằm Thượng nguơn, các tín đồ của Đạo Cao Đài lập sớ dâng lên Đức Chí Tôn, lấy công quả hành đạo để cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ và phụ mẫu được siêu thăng lên miền Cực Lạc.