Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Phối Thánh Phạm Văn Màng (1888-1933)
Ngài Phạm Văn Màng, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Thanh Phước, quận Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Thân phụ là Cụ Phạm Văn Nhơn, thân mẫu là Bà Trần Thị Tơ, gia đình lễ giáo Nho gia.
Thuở nhỏ, ông Màng được cha mẹ cho đi học chữ Nho độ 4 năm, sau đó theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
Năm 18 tuổi, ông cưới vợ, cô Trịnh Thị Bền, người cùng làng. Hai vợ chồng sanh đặng tất cả 7 người con, nhưng chỉ nuôi được 1 trai và 3 gái: Một trai tên là Phạm Văn Xạnh (về sau đắc phong phẩm Chơn Nhơn, chết), 3 gái tên là: Phạm Thị Xia (Giáo Thiện, chết), Phạm Thị Hỏi (Giáo Thiện, chết), Phạm Thị Xong (Giáo Thiện, hiện được 73 tuổi tính đến năm 1996, có chồng là Lê Ngọc Lượm).
Ông Màng được Ban Hội Tề trong làng cử làm Phó Hương Quản.
Ngày 21-12-Bính Dần, ông Màng đến Thánh Thất tại chùa Gò Kén để tìm hiểu sự huyền diệu của Đức Chí Tôn và ông thành tâm xin nhập môn vào Đạo Cao Đài ngay hôm đó.
Khi quí Chức sắc Thiên phong vâng lịnh Đức Lý Giáo Tông đi mua đất rừng tại làng Long Thành để cất Tòa Thánh làm nền tảng cho Đạo, ông Màng liền xin từ chức Phó Hương Quản để trọn hiến thân làm công quả cho Đạo.
Ông được Đức Cao Thượng Phẩm và Phối Sư Thái Bính Thanh cho phép về quê mộ nhân viên công quả lên tiếp sức khai phá rừng, tạo tác xe bò để chuyên chở và làm những lâm cụ cần thiết.
Ông đã hoàn thành công tác và cùng với anh em công quả cất một dãy nhà ở Đông Lang bằng cây lợp tranh để Chức sắc và khách thập phương có nơi tạm nghỉ.
Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh dạy ông về làng mộ thêm công quả nữa để tiếp tục khai phá rừng làm những con đường trong Nội Ô, ông Màng đều hoàn thành tốt đẹp.
Dưới sự chỉ dạy của Đức Cao Thượng Phẩm, ông Màng đã góp phần đắc lực vào những công việc quan trọng như cất Tòa Thánh tạm, Hậu Điện, Đông Lang, Tây Lang, Phòng Trù, Nhà Khách.
Năm 1928, cơ khảo Đạo xảy ra, Đức Cao Thượng Phẩm bị một nhóm người dùng bạo lực đuổi ra khỏi Tòa Thánh, ông Màng cùng với Lễ Sanh Trịnh Phong Cương phò tá Đức Cao Thượng Phẩm về khu đất của gia đình Đức Ngài ở gần Giếng Mạch Tây Ninh;
Rồi cùng với một số bạn đạo tạo dựng nơi đây một ngôi nhà, được Đức Cao Thượng Phẩm đặt tên là Thảo Xá Hiền Cung để làm nơi dưỡng tu cho Đức Ngài.
Năm 1929, Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên. Sau khi lo việc đám táng cho Đức Ngài xong thì hai ông Màng và Cương lui về quê nhà. Ông Màng nhận chức Phó Trị Sự để tiếp tục lập công quả.
Đầu năm Canh Ngọ (1930), Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn lập Phạm Môn để tận độ nhơn sanh. Ông Màng vội thu xếp công việc gia đình, từ chức Phó Trị Sự, trở lên Tòa Thánh hội hiệp cùng các bạn đạo trung kiên buổi trước xin hiến thân trọn đời vào Phạm Môn để lập công quả.
Đức Hộ Pháp giao cho ông Màng trách nhiệm Cai quản Sở Trường Hòa, điều động 50 anh em công quả, trong đó có một số người Tần (người Miên) khuếch trương Lương điền Công nghệ, tạo nguồn sống khá dồi dào cho Đạo.
Ông Màng về điều độ gia đình gồm vợ (Trần Thị Bền) và 4 đứa con cùng theo ông lên Tòa Thánh, cùng làm công quả nơi Sở Trường Hòa, và hiến thân trọn đời vào Phạm Môn.
Trong thời gian ông Màng làm Cai Sở Trường Hoà, ông bị một số người đứng đơn vu oan ông gồm 36 khoản tố cáo lên Đức Hộ Pháp.
Đức Hộ Pháp gọi ông lên để xét hỏi ông có phạm vào các tội đó không?
Ông Màng nói: - Bạch Thầy, con có các tội đó, con xin nhận chịu và cúi đầu thọ tội.
Đức Hộ Pháp hỏi: - Sao em dám phạm tội như vậy?
Ông Màng cung kính đáp: - Bạch Thầy, các anh lớn con, mấy em con, không thương con, nói con như vậy, nếu mà con nói không có thì thành ra mấy anh em con nói không thật với Thầy. Thầy quở phạt anh em con tội nghiệp.
Đức Phạm Hộ Pháp vốn đã rõ oan khúc của ông, nhưng hỏi thử để xem ông đối đáp như thế nào, nay nghe ông Màng nói như vậy thì Đức Ngài nghẹn ngào đổ lụy. Đức Ngài an ủi ông với một tình cảm thắm thiết giữa thầy và trò, và khuyến khích ông cứ chí quyết quên mình để phụng sự Đạo pháp.
Ngày mùng 3-Giêng-Nhâm Thân (dl 7-2-1932), Đức Phạm Hộ Pháp lập hồng thệ cho 72 vị công quả Phạm Môn kỳ nhứt tại Sở Trường Hòa, ông Màng đứng tên trong danh sách với số thứ tự 26, vợ ông là Trần thị Bền cùng 4 con cũng được lập hồng thệ cùng với ông.
Về sau, cô Trần Thị Bền được Đức Lý Giáo Tông giáng cơ phong vào phẩm Lễ Sanh Giáo Thiện Nữ phái đêm 15-2-Ất Hợi (dl 19-3-1935), sau nầy, cô được thăng lên phẩm Chí Thiện.
Sau ba năm cai quản ổn định Sở Trường Hòa, Đức Phạm Hộ Pháp bổ ông Màng qua làm Cai Sở Bàu Sen để khuếch trương thêm.
Làm Cai Sở Bàu Sen được gần một năm thì ông Màng lâm bịnh nặng. Đức Hộ Pháp thường đến thăm và tặng thuốc cho ông uống.
Ngày 27-9-Quí Dậu (dl 14-11-1933), ông Thần Võ Văn Thoàn (một vị công quả trong Phạm Môn đã qui vị trước đây và đắc Thần vị), giáng cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp rằng: Đắc lịnh Trần Văn Xương (Thần Hoàng Long Thành), chư Địa Thần lo nghinh tiếp Phối Thánh Phạm Văn Màng.
Đúng 12 giờ khuya, tức 00 giờ ngày 1-10-Quí Dậu (dl 18-11-1933) ông Phạm Văn Màng nhẹ nhàng thoát xác tại Sở Quảng Nghệ, hưởng được 46 tuổi.
Linh cữu được quàn tại Sở Quảng Nghệ ba ngày, Đức Hộ Pháp đứng chủ sự đám táng, hành pháp độ thăng và có thuyết minh cho toàn thể tín đồ tham dự đám táng biết rằng, ông Phạm Văn Màng đã đắc Thánh vị, phẩm Phối Thánh.
13 ngày sau, tại đàn cơ nơi Phạm Nghiệp, Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Bảo Văn Pháp Quân phò loan, vị Thần Võ Văn Thoàn về cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp: Phạm Văn Màng đã đắc Thánh vị, và xin tái kiếp hành đạo vì ông chưa thỏa nguyện công nghiệp hành đạo.
Đức Phạm Hộ Pháp không cho ông Màng tái kiếp vì e không kịp với cơ Chuyển thế của Đức Chí Tôn.
Sự đắc Thánh của ông Phạm Văn Màng tỏ ra một cách rõ ràng rằng: dù phẩm vị tại thế gian thấp kém, nhưng công hạnh và tâm đức đầy đủ, trọn vẹn phế đời hành đạo, trọn tâm trọn chí lập công bồi đức thì nhứt định sẽ đạt được phẩm vị cao trọng xứng đáng nơi cõi thiêng liêng.
Đức Chí Tôn đã từng dạy rằng: Thầy lập cho các con một trường thi công quả, các con muốn đến đặng Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.
Ngày 15-3-1938, Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, đã ký Đạo Nghị Định số 7/PT truy phong Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng vào phẩm THÁNH NHƠN của Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Hội Thánh Phước Thiện, cùng với một số Chức sắc Phước Thiện hữu công khác đã qui liễu, cũng được truy phong lên các phẩm Đạo Nhơn, Chí Thiện, v.v...
Chiếu y Pháp Chánh Truyền ban quyền hành cho Giáo Tông và Hộ Pháp,
Chiếu y Tờ Vi bằng của Đại Hội Phước Thiện ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Dần (1938) công cử những vị hữu công cùng Cơ Quan Phước Thiện vào hàng truy phong Nam phái theo kỷ luật Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng.
Chiếu theo hồ sơ công nghiệp của mỗi vị,
Nghĩ vì những vị kể tên dưới đây tận tâm cùng Cơ Quan Phước Thiện từ buổi ban sơ cho đến ngày qui liễu, nên:
Điều thứ nhứt: Ban hành cho toàn đạo đều rõ, những vị dưới đây đặng truy phong vào hàng Chức sắc Phước Thiện:
1. Phạm Văn Màng, 46 tuổi, ở làng Thanh Phước, Tổng Mỹ Ninh, Tây Ninh.
2. . . . . . . . . . . . .
Điều thứ nhì: Trần Khai Pháp Hiệp Thiên Ðài Chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, mỗi vị tùy phận sự của mình, lãnh thi hành Đạo Nghị Định nầy.
Ngày 14-11-Mậu Tý (dl 14-12-1948), Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài ký Thánh Lịnh cho Hội Thánh hằng năm cử hành Lễ Vía Kỷ niệm hai vị Phối Thánh Phạm Văn Màng và Bùi Ái Thoại, vì công nghiệp của hai vị Phối Thánh từ buổi ban sơ đã được Ngọc Hư Cung nhìn nhận, cùng đặc ân của Quyền Chí Tôn ân tứ.
GHI CHÚ: Vị Thần Võ Văn Thoàn và Phối Thánh Phạm Văn Màng, lúc ở thế là hai anh em bạn rể, Ông Thoàn vai anh. Cả hai vị đều là đệ tử của Phạm Môn, được Đức Phạm HộPháp điểm đạo cho lập Hồng Thệ thọ Đào Viên Pháp cùng một lượt tại Sở Trường Hòa ngày 3-Giêng-Nhâm Thân. Ông Thoàn qui liễu trước và đắc Thần vị.
Đức Phạm Hộ Pháp có cho đôi liễn đặt trên Bàn đưa:
BÀI THÀI Hiến lễ: Phối Thánh Phạm Văn Màng:
Theo sự giải thích của ông Nhạc Sư Trần Thiện Niệm, khi tế lễ Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng, trước hết đồng nhi thài bài Tuần Hương: "Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền."
Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng rất thường giáng cơ.
Năm 1935, Ngài giáng cơ nói chuyện với 20 vị Lễ Sanh Giáo Thiện đầu tiên, có cho bài thi:
Bạch Sư phụ, con là Màng đây.
Hễ thấy nhau thêm tủi.
Xin chào mấy vị Sư thúc, mấy bạn, mấy em.
- Bạch Sư phụ, khi Sư phụ bị đồ lưu thì con và "Nhượng" vẫn gần bên, Nhượng và con đã chán thấy điều phản phúc của nhiều người. Nếu chẳng quả Thiên Thơ định trấn Thánh thì mấy kẻ ấy đã bị hai con tàn hại. Lẽ định là sanh Thánh chớ không phải tử Thánh.
Nhưng Thiên Thơ biến chuyển, ngày nay họ vẫn còn ra vào Ngọc Hư Cung đợi án. Tiếc thay cho một kiếp sanh, đã gặp Phật mà không thấy Phật thì Thiên vị lấy đâu mà định đặng?
Các bạn Phạm Môn! Khá để ý cho lắm nghe! Một lời quở cũng đủ sa đọa, đừng gây tội tình mà khổ đa.
Thưa các bạn, Anh "Lịnh" ngày giờ nầy đã ra thân phận một người phụ nữ, hại nỗi lại tái sanh nơi cửa cướp đảng côn đồ, biết có nhớ thân mà tầm đạo.
Thưa cùng Sư Mẫu rằng: Cô "Bền" đã an phận nơi Bạch Thiên Cung. Còn mấy bạn kia cũng có phần đoạt vị mà cũng có tái kiếp. Chị "Yến" đương hành đạo tại Trung Huê, vì sanh tiền chị đã đại nguyện độ rỗi Đường nhơn. Nói với anh "Tiều" rằng: Con nhỏ đã theo má nó.
Thường thường các bạn tuy không thấy chớ chúng tôi hằng về thăm viếng.
Anh "Thế" còn hầu ở Cung Hiệp Thiên Hành Hóa, có mảy mún lỗi lầm chẳng chi trọng hệ mà phòng ngại.
Các anh em đã qui liễu thì về chung một chỗ với nhau hết. Mấy anh em đừng lo ngại, chỉ lo TU và theo chơn Sư phụ là đủ.
Em nhượng cơ cho Phối Thánh Thoại. Thăng.