Column 1 of row 1 | Column 2 of row 1 |
Column 1 of row 2 | Column 2 of row 2 |
Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929)
Ngài Cao Quỳnh Cư, hiệu là Bội Ngọc, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, tỉnh Tây Ninh.
Thân phụ của Ngài là ông Cao Quỳnh Tuân, làm Cai Tổng Hàm Ninh Thượng. Ông Cao Quỳnh Tuân mất lúc Ngài Cao Quỳnh Cư được 10 tuổi. Đức Chí Tôn cho biết, ông Cao Quỳnh Tuân là Xuất Bộ Tinh Quân ở Thượng giới giáng trần.
Thân mẫu của Ngài Cư là Bà Trần Thị Huệ (đắc phong Nữ Giáo Sư ngày 14-Giêng-Đinh Mão, dl 15-2-1927, do Đức Chí Tôn ân phong trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I).
Bào huynh của Ngài Cư là ông Cao Quỳnh Diêu (ông Diêu thứ ba, ông Cư thứ tư trong gia đình). Ông Cao Quỳnh Diêu về sau đắc phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm 1927, và Bảo Văn Pháp Quân năm 1929. (Xem Tiểu sử của ông Cao Quỳnh Diêu nơi chữ: Bảo Văn Pháp Quân, vần B).
Năm 1907, Ngài Cao Quỳnh Cư lập gia đình với Cô Nguyễn Thị Hiếu ở Sài Gòn (sau đắc phong Nữ Giáo Sư trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I, và sau cùng đắc phong Nữ Đầu Sư năm 1968). (Xem Tiểu sử Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, nơi chữ: Nữ Đầu Sư, vần N)
Người con trai duy nhứt của Ngài Cư và Bà Hiếu là Cao Quỳnh An, đi du học bên Pháp và mất ở bên đó.
Năm 1915, Ngài Cao Quỳnh Cư làm Thơ ký tại Sở Hỏa Xa Sài Gòn, sau được lên ngạch Còm-mi, ngụ tại nhà số 134 đường Bourdais, nay là đường Calmette Quận I Sài Gòn.
Vào hạ tuần tháng 7 năm 1925, nhằm tối Thứ sáu ngày 24-7-1925 (âl 4-6-Ất Sửu), quí ông Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, cùng một vài người nữa trong gia đình, tổ chức xây bàn theo cách thức của Thần Linh Học Tây phương, tại nhà ông Sang, ở dãy phố hàng dừa, bây giờ là đường Cống Quỳnh, gần Chợ Thái Bình, Sài Gòn. Buổi xây bàn đầu tiên không đạt kết quả.
Đêm sau, quí ông hẹn nhau, xây bàn thử lại lần nữa. Quí ông đốt nhang khấn vái, rồi ngồi quanh một cái bàn tròn một trụ ba chưn, đặt nơi hàng ba trước nhà, hai bàn tay của mỗi người đều úp lên mặt bàn, ngồi lẳng lặng định thần một lát thì cái bàn dao động, chưn bàn nhịp nhẹ xuống nền gạch phát ra tiếng. Các ông biết là có vong linh nhập bàn.
Để có thể nói chuyện với vong linh, ông Cư lên tiếng:
- Xin khoan đi, để cho tôi nói ít lời. Bây giờ chưa có cách chi để hiểu nhau, duy có gõ 2 tiếng là ừ, chịu, có, phải; còn gõ 1 tiếng là không, chẳng phải.
Vong linh liền làm chưn bàn nhịp xuống gạch 2 tiếng, tỏ ý chịu. Đoạn ông Cư nói tiếp:
- Ta hiểu theo đây thì có thể nói chuyện được với nhau tiện hơn. Nếu tôi hỏi chi, vong linh muốn trả lời, cứ theo thứ tự vần quốc ngữ mà gõ, mỗi chữ mỗi gõ, đến chữ nào dùng thì ngưng lại, nghĩa là lấy chữ chót, rồi bắt đầu trở lại mà gõ chữ khác, xong rồi sẽ ráp lại mà đọc, giống như đánh giây thép vậy. Vong linh liền gõ 2 tiếng: Ừ, chịu.
Qui ước với nhau xong rồi, ông Cư liền đọc theo vần quốc ngữ: a ă â b c d đ e ê g h i k l, tới chữ L thì bàn dứt gõ, nghĩa là lấy chữ L.
Ông Cư bắt đầu đọc vần trở lại: a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư, tới chữ Ư thì bàn dứt gõ, nghĩa là lấy chư Ư. Cứ thế tiếp tục, cuối cùng ông Cư ráp lại được 3 chữ: LƯỢNG CAO QUỲNH.
Ai nấy đều rất vui mừng vì thấy có kết quả.
Ông Cư hỏi:
- Như phải là Cao Quỳnh Lượng thì chắc biết tên những người ngồi đây. Vậy cứ gõ tên từng người xem có trúng không.
Ông Cư bắt đầu đọc: a ă â b c d đ e ê g h i k l..... và bàn tiếp tục gõ. Lần nầy thì việc làm có vẻ như quen dần, việc ráp chữ có phần nhanh hơn. Khi ráp xong các chữ thì đúng là tên của những người đang ngồi xây bàn. Cả thảy đều vui mừng cười rộ lên, còn cái bàn thì dỡ hỏng lên một chưn lắc qua lắc lại, dường như cũng vui cười theo vậy.
Khi đó ông Cao Quỳnh Diêu biết chắc là Cao Quỳnh Lượng, con trai của ông đã chết cách đây mấy năm, nên lên tiếng hỏi rằng:
- Con có hầu Ông Nội không?
Bàn gõ trả lời: - Có.
- Mời Ông Nội đến đây tiện không?
Bàn gõ trả lời: - Đặng.
Sau đó thì cái bàn dỡ lên rồi để xuống luôn, không còn dao động như trước nữa. Quí ông biết là vong linh đã xuất ra, nên buông tay ra nghỉ xả hơi.
Trước một việc lạ lùng và linh hiển như thế, quí ông bàn tán dữ lắm mà chưa ra lẽ. Kế thấy nghỉ được nửa giờ rồi, quí ông trở lại ngồi xây bàn như lúc nảy.
Tịnh thần một lát thì bàn dao động, bắt đầu gõ. Ông Cư ráp lại thì được chữ: CAO QUỲNH TUÂN. Đó là thân sinh của hai ông: Diêu và Cư. Ông Cư nói:
- Vì buổi Thầy quá vãng, anh em con vẫn còn nhỏ dại, cho đến nỗi anh cả con đã trọng mà còn không nhớ đặng hình ảnh của Thầy, huống chi là con còn nhỏ quá, duy buổi lớn khôn nghe người truyền ngôn lại cái hạnh đức của Thầy mà thôi.
Nếu có thể tiện, xin Thầy dùng dịp nầy cho anh em con một bài thi tự thuật hầu để roi truyền ngày sau cho con cháu thờ làm kỷ niệm.
Vong linh ông Cao Quỳnh Tuân liền gõ bàn, cho bài thi:
Thầy xin kiếu.
Khi bàn gõ xong chữ "kiếu" thì bàn dỡ lên rồi để xuống nhẹ hều, không còn dao động nữa. Vong linh đã xuất.
Đó là buổi xây bàn có kết quả đầu tiên. (Viết theo Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương).
Qua buổi xây bàn có kết quả lần đầu tiên, các ông suy nghĩ nhiều lắm, nhưng chưa giải đáp được, chỉ biết chắc chắn rằng có sự hiện hữu của các vong linh nơi cõi vô hình.
Cả ngày hôm sau là Chúa nhựt, nghỉ làm ở Sở, các ông vẫn bàn tán mãi, đến khi mệt nằm ngủ vùi. Lật bật đến gần tối, quí ông lo tắm rửa và cơm nước, xong cùng tựu lại nhà ông Cao Hoài Sang để tiếp tục xây bàn nữa.
Đêm nay, quí ông sửa soạn trang nghiêm hơn đêm qua nhiều lắm. Đến 9 giờ tối, quí ông đem bàn ra, đốt nhang khấn vái. Xong rồi thì vào ngồi quanh chiếc bàn.
Ngồi tịnh thần một lát thì bàn dao động nhẹ nhàng, khoan thai, gõ bàn xưng danh là Đoàn Ngọc Quế, con gái, rồi Cô cho một bài thi Tự Thuật: (Xem thêm chữ: Xây bàn, vần X)
Bài thi nầy rất hay, làm cho quí ông thích thú, mỗi người làm thi họa lại, khiến cho quí ông mê mẩn việc xây bàn. Ban ngày thì đi làm, mong cho tới tối đặng họp nhau lại xây bàn. Sau đó, có ông thân sinh của ông Cao Hoài Sang về nhập bàn, rồi có ông Ách Đồng về. (ông Ách Đồng là anh ruột của Ngài Phạm Công Tắc).
Vào tối thứ bảy ngày 8-8-1925 (âl 19-6-Ất Sửu), ba ông Cư, Tắc, Sang hiệp nhau xây bàn, ông Diêu bận việc nên vắng mặt. Cô Đoàn Ngọc Quế giáng bàn, nói chuyện một hồi, rồi ba ông xin kết nghĩa anh em với Cô.
Cô bằng lòng, gọi:
Rồi Cô chỉ rõ mồ mả của Cô ở trong nghĩa trang Bà Lớn tại Ngã Bảy (Bà Lớn là Bà Tổng Đốc Phương, là Bà Ngoại của Cô).
Cô tên thật là Vương Thị Lễ, còn tên Đoàn Ngọc Quế là tá danh, là con gái của ông Đốc phủ Vương Quan Trân, Cô kêu ông Vương Quan Kỳ bằng Chú ruột. Cô là Nữ Tiên Thất Nương ở Cung Diêu Trì. Cô có nhiệm vụ dùng văn chương thi phú dẫn dắt quí ông vào đường đạo đức. "Chiêu tập hồn thi bước Đạo dìu."
Quí ông mê say việc xây bàn để tìm hiểu về thế giới vô hình. Đêm nào cũng thức xây bàn đến khuya, sáng lại đi làm việc ở Sở cho đến chiều mà không cảm thấy mệt mỏi.
Rất nhiều Đấng Vô hình giáng bàn cho thi, để lần lần dẫn dắt quí ông vào đường Đạo.
Ngoài Cô Vương Thị Lễ (Thất Nương), còn có: Cô Hớn Liên Bạch (Bát Nương), Cô Lục Nương, Thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều hiệu là Quí Cao, Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng, Đức Thanh Sơn Đạo sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, v.v....
Quí ông xây bàn lúc nầy phân làm hai nhóm nhỏ: ông Diêu và ông Sang xây bàn mỗi đêm tại nhà ông Sang ở phố hàng dừa; ông Cư và ông Tắc thì xây bàn tại nhà ông Cư ở đường Bourdais.
Đấng AĂÂ đến với nhóm Xây Bàn lần đầu tiên vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925). Ba ông: Cư, Tắc, Sang, thỉnh bàn ra tính xây bàn cầu Cô Đoàn Ngọc Quế về làm thi. Ba ông vừa đặt tay lên bàn thì có một Đấng giáng bàn, cho bài thi:
Ông Cư thấy bài thi có ý rất lạ, liền hỏi tên họ là gì, thì vị giáng bàn xưng là AĂÂ. Ông Cư hỏi Ông AĂÂ bao nhiêu tuổi? Ông AĂÂ gõ bàn trả lời đếm hoài tới mấy trăm cái mà bàn vẫn tiếp tục gõ. Ông Cư nói chắc là Ông AĂÂ nầy lớn tuổi lắm và không dám hỏi nữa.
Kể từ buổi đó, Đấng AĂÂ thường nhập bàn giảng dạy cho ba ông biết nhiều điều rất thâm thúy. Những điều gì quá khó khăn mà không ai giải thích nổi thì ba ông cầu Ông AĂÂ về thì Ông AĂÂ giáng bàn giải thích rất rõ ràng, khiến mọi người đều kính phục.
Một hôm, Ông AĂÂ giáng bàn, Ngài nói rằng:
"Nếu muốn cho Bần đạo đến thường thì ba vị nạp mấy lời yêu cầu sau đây của Bần đạo:
Một là đừng kiếm biết Bần đạo là ai.
Hai là đừng hỏi đến quốc sự.
Ba là đừng hỏi việc Thiên cơ."
Cả ba ông: Cư, Tắc, Sang đều ưng thuận. Kể từ đó, ba ông thường cầu Đấng AĂÂ về để học hỏi về thi văn.
Mấy hôm sau, Đấng AĂÂ giáng bàn nói với ba ông:
"Nếu muốn cho Ta tận tâm truyền dạy Đạo lý thì hết thảy phải kỉnh Ta làm Thầy, cho tiện bề đối đãi."
Ba ông mừng lắm, liền vâng chịu, và bắt đầu thọ giáo học Đạo cùng Đấng AĂÂ.
Và kể từ đây, Đấng AĂÂ giáng bàn, xưng mình là Thầy và gọi ba ông là môn đệ.
Đến thượng tuần tháng 8 âm lịch, ba ông Cư, Tắc, Sang, được Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung nơi cõi Thiêng liêng: Trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu vị Tiên Nương mà Cô đứng hàng thứ 7 gọi là Thất Nương, Hớn Liên Bạch đứng hàng thứ 8 gọi là Bát Nương,...
Ba ông xin Cô cho biết cách cầu Đức Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông phải trai giới 3 ngày và tìm cho đặng Ngọc cơ thì cầu Lịnh Bà mới được.
Quí ông không hiểu Ngọc cơ là gì. Cô mới mô tả Ngọc cơ, giải rõ căn cội buổi xưa lấy hình dạng của sao Bắc Đẩu mà tạo thành, lại dạy cách phò cơ. Thất Nương cũng dặn mỗi người phải làm sẵn một bài thi đón mừng Nương Nương, dự bị sẵn đó. Cô cũng chỉ dẫn cách sắp đặt bàn ghế, giữ trang nghiêm tinh khiết để cầu Cửu Thiên Nương Nương giáng phàm mới đặng.
Ba ông không biết tìm mượn Ngọc cơ ở đâu. Như có linh tính xúi giục, ông Cư qua nhà người bạn láng giềng là ông Phán Tý chơi và luôn tiện hỏi thăm thì ông Tý liền cho biết, ông có một cây Ngọc cơ, và đang cho ông Âu Kích ở Chùa Minh Lý mượn, ông hứa đi lấy về cho ông Cư mượn.
Ba ông rất mừng rỡ vì đã có được Ngọc cơ rồi, bây giờ lo ăn chay 3 ngày đặng cầu Nương Nương.
Đêm đó, Đấng AĂÂ giáng bàn, bảo ba ông nhơn dịp nầy, làm một cái tiệc chay để đãi Cửu Thiên Nương và Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung.
Đêm 14 tháng 8 âm lịch, tất cả đều đủ mặt tại nhà của ông Cư, số 134 đường Bourdais, Sài Gòn.
Ông Cư đặt một bàn dài ở giữa nhà, trải náp đẹp, có rải bông lá, chung quanh đặt 10 cái ghế, cái ghế ở đầu bàn phía trong thì lớn nhất, dành cho Cửu Thiên Nương Nương, còn 9 cái ghế kia nhỏ hơn dành cho 9 vị Tiên Cô.
Trên bàn, trước mỗi cái ghế, đặt 1 cái ly, 1 tách trà, 1 cái chén với muỗng đũa, làm như là đãi tiệc người hữu hình vậy. Còn giữa bàn dài thì chưng trái cây và bông hoa tươi tốt, trông vào rất lịch sự.
Ông Cư dặn người nhà là ông không tiếp khách tối nay, và từ chập tối đã đốt trầm xông hương nơi bàn tiệc.
Đến giờ Tý, ba ông mặc quần áo chỉnh tề, đốt nhang đèn lên, đồng quì lạy khấn vái. Xong đem Ngọc cơ ra cầu.
Thật quả có Lịnh Cửu Thiên Nương Nương đến giáng cơ, và Cửu vị Tiên Nương cũng giáng cơ đầy đủ chào mừng ba ông. Thất Nương kêu ba ông đờn và ngâm bài thi của mình đặng hiến lễ Nương Nương. Nương Nương và Chín Cô đồng an vị mà nghe.
Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi vào bàn cho vui. Ba ông sợ thất lễ không dám ngồi, nhưng Thất Nương ép buộc, khó chối từ, nên mới đặt thêm 3 cái ghế ở phía sau, ba ông xá rồi ngồi xuống.
Bà Hiếu (hiền nội của ông Cư), rót rượu (rượu Champagne) lần lượt vào 10 cái ly, và gắp đồ ăn chay đặt vào chén cho mỗi vị, tựa như đãi người sống vậy. Sau cùng thì rót nước trà vào 10 cái tách trên bàn.
Nửa giờ sau, chừng như mãn tiệc, hai ông Cư và Tắc phò Ngọc cơ tái cầu.
Lịnh Nương Nương và Chín Cô để lời cảm tạ và hứa đã: "Từ đây có Ngọc cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung đến dạy việc."
Kế đó, mỗi Đấng viết cho 4 câu thi, Đức Cửu Thiên Nương Nương (Đức Phật Mẫu) cho trước, rồi lần lượt Nhứt Nương, Nhị Nương, v.v..., cuối cùng là Cửu Nương. Các bài thi nầy, về sau được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Báo Ân Từ vào ngày Rằm Trung Thu hằng năm.
Đầu tháng 9 năm Ất Sửu (1925), Đấng AĂÂ giáng cơ nói với ba ông Cư, Tắc, Sang như sau (để thử lòng ba ông):
"Tôi nói lộ Thiên cơ nên bị Ngọc Hư Cung bắt tội, xin tam vị Đạo hữu cầu Ngọc Hư tha tội tôi, nếu không thì tôi sẽ bị phạt."
Ba ông rất lo lắng, liền lập bàn hương án cầu Diêu Trì Cung vào ngày 3-9-Ất Sửu (dl 20-10-1925), ông Cư có đặt một bài thi để đọc trước hương án cầu xin Cửu Thiên Nương Nương tha tội cho Ông AĂÂ:
Đó là Đấng AĂÂ thử xem ba ông có thương AĂÂ thiệt tình không, để dự bị việc Vọng Thiên Cầu Đạo.
Ngày 27-10-Ất Sửu (dl 12-12-1925), Đức Cửu Thiên Nương Nương giáng cơ dạy rằng: "Ngày mùng 1 nầy, tam vị Đạo hữu Vọng Thiên Cầu Đạo." (Ngày mùng 1 nầy là ngày mùng 1-11-Ất Sửu, dl 16-12-1925).
Đức Bà Cửu Thiên viết xong lịnh đó thì thăng ngay.
Ba ông Cư, Tắc, Sang không biết Vọng Thiên Cầu Đạo là làm sao, chờ đợi đêm sau, cầu hỏi Thất Nương. Thất Nương đáp: - Không phải phận sự của Em, xin hỏi Ông AĂÂ.
Tối hôm sau nữa, có các Đấng khác giáng, ba ông cũng đem việc Vọng Thiên Cầu Đạo ra hỏi, các Đấng ấy cũng đáp y như Thất Nương.
Tối 30-10-Ất Sửu, ba ông cầu Đấng AĂÂ thì Ngài giáng cơ dạy rằng:
"Ngày mùng 1 tháng 11 âm lịch nầy, tam vị phải Vọng Thiên Cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa Trời, mỗi vị cầm 9 cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh."
Ba ông không hiểu Cao Đài Thượng Đế là ai, nhưng lịnh trên đã dạy thì cứ thi hành. Thế là đêm mùng 1-11-Ất Mão (dl 16-12-1925), ba ông lập bàn hương án ở ngoài sân trước nhà ông Cư, ba người mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang, quì chung quanh bàn, cầm 9 cây nhang cầu nguyện y như lịnh dạy, đến khi gần tàn hết 9 cây nhang mới thôi.
Xong rồi, ba ông đem Ngọc cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng cho bài thi chữ Nho rất khó hiểu.
Khi Đấng Cao Đài Thượng Đế thăng rồi, ba ông liền cầu Đấng AĂÂ giải nghĩa dùm.
Đấng AĂÂ giáng, giải nghĩa xong rồi thì cho bài thi:
Mãi đến đêm Noel (24-12-1925), Thất Nương giáng cơ truyền phải chỉnh đàn cho nghiêm hầu tiếp giá.
Nghe vậy, ba ông Cư, Tắc, Sang, nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm đủ hương đăng hoa trà tửu quả, chỉnh đàn thật nghiêm tịnh, (tại nhà của ông Cư) đốt nhang khấn vái, rồi hai ông Cư, Tắc ngồi phò Ngọc cơ.
Đấng giáng cơ viết như vầy:
Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy chư đệ tử kính mến Ta như vậy.
Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
Đấng Thượng Đế còn phán rằng:
Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà Khai Đạo.
Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa?
Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức."
(Trích trong Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Nguyễn Bảo Pháp)
Ngày 31-12-1925(âl 16-11-Ất Sửu), Đấng AĂÂ giáng:
Ba con thương Thầy lắm há?
Con có thấy đặng sự hạ mình của A Ă Â thế nào chưa?
Con có thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa?
Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A Ă Â chăng?
A Ă Â là Thầy.
Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?"
Đầu năm 1926, ngày 2-1-1926 (âl 18-11-Ất Sửu), Đức Chí Tôn Thượng Đế bắt đầu dạy Đạo cho ba ông.
Ngày 27-1-1926 (âl 14-12-Ất Sửu), khai đàn tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, Đức Chí Tôn giáng cho thi:
Đêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu (dl 12-2-1926), Đức Chí Tôn giáng tại nhà ông Cư:
Cư, Tắc, Sang! Trong năm mới nầy, Thầy trông mong ba con thấu rõ đạo đức hơn nữa, gắng chí nghe!"
Ngày 14/15-3-Bính Dần (dl 25/26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao Quỳnh Cư là Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
Ngày 18-5-Bính Dần (dl 27-6-1926), Đức Chí Tôn dạy cách tổ chức Lễ cúng Đại Đàn, xếp đặt vị trí đứng cho ba Ngài: Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang. Tuy Đức Chí Tôn không nói phong chức, nhưng với việc sắp đặt ba vị trí nầy, Đức Chí Tôn đã phong ba ông vào ba chức vụ: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh của Hiệp Thiên Đài.
Nhưng theo bài Bia kỷ niệm Đức Cao sĩ Thượng Phẩm của Hội Thánh, thì ngày 15-10-Bính Dần, Đức Chí Tôn chánh thức phong Ngài Cao Quỳnh Cư chức Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài.
Ấy là ngày mà ba vị: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, mặc đại phục đứng chầu lễ Đức Chí Tôn lần đầu tiên tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, khởi đầu thành lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Sau ngày Đại Lễ Khai Đạo tổ chức tại chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén Tây Ninh, chủ chùa là Hòa Thượng Như Nhãn đòi chùa lại, Hội Thánh buộc phải trả chùa và dời đi nơi khác.
Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy Hội Thánh đi mua đất ở làng Long Thành (Tây Ninh) để cất Tòa Thánh, không mua đất ở vùng khác được vì Thánh ý của Đức Chí Tôn là: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.
Trong khi Hội Thánh đi tìm đất, Đức Cao Thượng Phẩm thấy một miếng đất rừng đề tên chủ nhân là Cao Văn Điện, ông nầy là bạn của Ngài, nên Ngài tìm đến ông Điện nhờ chỉ dẫn để mua miếng đất rừng của ông Aspar người Pháp, làm Kiểm Lâm, ở kế bên miếng đất của ông Điện, đúng theo ý Đức Lý Giáo Tông hướng dẫn, dùng làm Thánh địa, cất Tòa Thánh và các cơ quan Trung ương của Đạo, tạo thành khu Nội Ô ngày nay.
Trong công cuộc phá rừng khai hoang để cất Tòa Thánh tạm và các cơ quan, Đức Cao Thượng Phẩm là người đứng đầu công trong Hội Thánh.
Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu thuật lại giai đoạn nầy trong quyển Đạo Sử I của Bà, chép ra như sau:
"Khi phá đám rừng nầy thì đàn Thổ (người Cao Miên từ Soài Riêng xuống làm công quả) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện người Pháp (Tỉnh trưởng Tây Ninh thời ấy) nghi ngờ, mời Đức Cao Thượng Phẩm ra Tòa Bố. Ông hỏi Đức Cao Thượng Phẩm làm cái gì mà đông đảo như vậy?
Đức Cao Thượng Phẩm trả lời: - Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su.
Ông Tham Biện hỏi: - Trồng mấy mẫu?
Đức Cao Thượng Phẩm trả lời: - Tôi trồng hết sở đất của tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.
Nên ngày nay, trong Nội Ô có cây cao su là do nơi đó.
Khổ tâm hơn hết là Đức Cao Thượng Phẩm bị người Pháp cật vấn đủ điều, cho đến nỗi tới giờ cúng cũng không vô Chánh điện được, buộc phải rào song ly lại.
Trong Chánh điện chỉ có một mình ông Lễ Sanh Thượng Xường Thanh cúng mà thôi, còn ở ngoài thì vài ba ông thợ mộc quì trên dăm bào lạy vô Bửu điện, vì lúc nầy, Chánh phủ Pháp nghi ngờ bắt Đạo và bó buộc không cho tụ họp đông đảo, như vậy mà ông Tham Biện người Pháp còn mời Đức Thượng Phẩm ra Toà Bố ngày một.
Giai đoạn di cốt Phật Tổ: (từ Chùa Gò Kén về Tòa Thánh)
Cốt Phật Tổ nặng quá, bởi con ngựa Kiền Trắc của Đức Phật Tổ cỡi lớn và dài, nên Đức Cao Thượng Phẩm phải kết hai cái xe bò lại để thỉnh cốt Phật lên.
Trong lúc sửa soạn thỉnh cốt Phật thì ông Chánh Tham Biện người Pháp cho một toán lính mặc đồ thâm, núp dưới đường mương ngoài lộ, chong súng lên đặng bắn Đức Cao Thượng Phẩm, tới chừng thấy rõ là thỉnh cốt Phật, mới rút lui. Hội Thánh từ từ di cốt Phật về đất mới mua.
Đức Cao Thượng Phẩm đứng trên xe bò vịn cốt Phật Tổ, thấy nghiêng bên nào thì hô lên để sửa lại cho ngay, đi từ 6 giờ chiều tới 2 giờ khuya mới đến Thánh địa (ngay cửa Hòa Viện, tức là cửa số 1 bây giờ).
Trước cửa Hòa Viện có cây vên vên, đến đây di cốt Phật Tổ vào không được vì bị một cái đường mương lớn quá. Đức Cao Thượng Phẩm phải lập kế, kiếm ván đặng lót cho xe vô mới được. Khi xe qua đường mương rồi thì tạm để cốt Phật nơi đây, vì Đức Cao Thượng Phẩm mệt đuối, nhào xuống đống lá khô trong rừng nằm nghỉ, tất cả Chức sắc cũng nằm xuống đó nghỉ theo.
Xin nhắc lại, khi mua đất nầy thì chưa tạo được cái nhà nào hết, chỉ có cái nhà bò của ông Aspar bán đất để lại (dãy nhà chỗ Chợ Từ Bi, gần nhà Đức Quyền Giáo Tông bây giờ), nhờ đó mà tạm dùng nhà bò nầy để làm Trù phòng cho công quả ăn phá rừng. Nên khi Đức Cao Thượng Phẩm thỉnh cốt Phật về tới đây mệt lả thì Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã chuẩn bị nấu cháo sẵn rồi, Nữ phái khiêng cháo và nước qua cụm rừng để ăn cho đỡ dạ.
Nền Phật Tổ đã được Đức Cao Thượng Phẩm an vị giữa hai cụm rừng, gần cây Ba nhánh.
Lúc bấy giờ, Đạo phải trải qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Đạo, nhứt là ông Cao Quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (thời Pháp thuộc).
Đức Cao Thượng Phẩm vâng lịnh Đức Chí Tôn phá rừng xong, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu Điện, Đông Lang, Tây Lang, Trường học, Trù phòng, đều bằng tranh và đào giếng (mà hiện giờ còn di tích là mấy cái giếng gần Tòa Nội Chánh đó)."
"Thảm thay! Trời đương thanh, biển đương lặng, gió đương êm, bỗng đâu đất bằng sóng dậy, nước lã khuấy nên hồ, đem đến gieo ác cảm cho Đức Cao Thượng Phẩm làm cho Đức Ngài phải về Thảo Xá Hiền Cung.
Đức Ngài quá buồn, vì khi vâng lịnh Đức Chí Tôn về Tây Ninh mở Đạo, Ngài phải bỏ sở làm, chưa hưu trí, con còn đang du học tại Paris.
Nhớ lại lúc bỏ sở làm thì anh em bạn nói rằng: "Thầy Tư! Sao thầy quá tin dị đoan, con còn đang học bên Pháp mà thầy đi như vậy thì việc học của con phải dở dang sao?"
Nhưng Ngài nhứt quyết nghe lời Đức Chí Tôn dạy mà thôi, nên Ngài thu xếp gia đình, bỏ sở làm, về Tây Ninh lo Đạo, chịu biết bao cảnh gian nguy, vì chỗ nầy khi xưa, đầy những bụi cây thú dữ, phải ăn vạc nằm sương, mới tạo thành Tòa Thánh tạm và xây cất đủ mọi nơi thành khoảnh, thì lại bị thiên hạ đuổi đi."
"Tạo đâu đó xong xuôi, rồi Đức Cao Thượng Phẩm bị một trận khảo đảo khá dữ dội là: Có một nhóm người thiếu thương yêu (nhóm ông Tư Mắt) gieo ác cảm, hội nhau dưới Thủ Đức, nước lã khuấy nên hồ, họ đồng lòng về Tòa Thánh đuổi Đức Cao Thượng Phẩm, kỳ 24 giờ phải ra khỏi Tòa Thánh, nếu không thì bắt cột trong rừng bắn.
Làm Đạo lúc phôi thai, rất khổ sở trăm bề, có kẻ nghịch rình mò, âm mưu với nhau hợp lại, xúi giục gây rối làm loạn. Họ đồng lòng với nhau đuổi hai vợ chồng thầy Tư (tức Cư và Hiếu) ra khỏi Tòa Thánh.
Buồn cười.... Tuồng đời lạnh nhạt. Thôi! Họ dữ quá!
Chúng tôi về Thảo Xá Hiền Cung, là nơi căn cội mà Chí Tôn dạy cất trước, nên Thảo Xá Hiền Cung là gốc." (ĐS. I. 125)
"Ngài về Thảo Xá, vì buồn rầu, vì xấu hổ với anh em bạn, mặt mũi nào trở về sở làm được nữa, thế nên Ngài thất chí, ước nguyện của Ngài không thành.
Vì khi ra đi, Ngài quyết chí đem thân nầy làm con tế vật cho Đức Chí Tôn sai khiến, nhưng cơ đời rất nên cay nghiệt, xảy đến nhiều nỗi tang thương cho gia đình Ngài.
Ngài quá đau khổ, có làm bài thi Tự Thán như vầy:
Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ an ủi Đức Cao Thượng Phẩm và cho bài thi dưới đây:
Thất Nương giáng cơ ban cho đôi liễn Thảo Xá Hiền Cung ngày 12-6-Mậu Thìn (dl 28-7-1928): (Xem chi tiết nơi chữ: Thảo Xá Hiền Cung)
Đức Cao Thượng Phẩm, từ ngày về Thảo Xá Hiền Cung thì lâm bệnh nặng, thân thể hao mòn, sắc diện âu sầu buồn bã. Ngài bị tâm bịnh vì thất chí, lương y khó phương điều trị cho lành mạnh.
Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh cất Tịnh Thất trong Nội Ô để rước Đức Cao Thượng Phẩm nhập tịnh.
"Ngày 15-10-Mậu Thìn (1928), 7 giờ sáng, một đoàn xe hơi Chức sắc Đại Thiên phong Hiệp Thiên, Cửu Trùng, đến Thảo Xá Hiền Cung rước Đức Cao Thượng Phẩm, thì Ngài vui lòng lên xe về Tòa Thánh, nhập Tịnh Thất.
Hội Thánh có chọn Chức sắc phụng sự mọi việc thường thức cho Ngài. Đức Cao Thượng Phẩm nhập Tịnh Thất một thời gian, bịnh tình cũng chưa thuyên giảm, hằng ngày kém ăn mất ngủ, thân thể xem gầy còm.
Ngày 26-12-Mậu Thìn (1928) (gần Tết), Ngài tỏ với người bạn thân là Bà Giáo Sư Hương Hiếu, lo sắp đặt 6 giờ chiều trở về Thảo Xá. Ngài không cho Chức sắc hay trước.
6 giờ chiều, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh kêu một cỗ xe ngựa, lót nệm để Ngài nằm, đi theo hộ vệ chỉ có người bạn thân của Ngài và Giáo Hữu Trí, đưa Ngài về Thảo Xá.
7 giờ rưỡi tới nơi, đỡ vào phòng nghỉ ngơi, xem được khỏe như lúc lên xe. Từ đây ở yên nơi Thảo Xá." (ĐS. I. 65)
"Ngày 1-3-Kỷ Tỵ (dl 10-4-1929), 11 giờ trưa, Đức Cao Thượng Phẩm cho mời Đức Phạm Hộ Pháp cùng ông Bảo Văn Pháp Quân, Bà Giáo Sư Hương Hiếu, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu Thượng Kỳ Thanh, Lễ Sanh Thượng Nguơn Thanh.
Đức Cao Thượng Phẩm nhìn Đức Phạm Hộ Pháp trối rằng: "Nay Qua về chầu Đức Chí Tôn, Em ở lại hiệp với Chức sắc chung lo nền Đạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi sự. Anh dầu có nhắm mắt thì sự mất cũng như còn."
Nói rồi tuôn hai hàng nước mắt. Kế day qua nói với người bạn thân của Ngài, căn dặn để trọn tâm lo tròn phận sự.
Nói dứt lời thì Ngài xuất linh hồn êm ái, gương mặt cũng như người đương ngủ. Có một điều phi thường là lời trối Ngài nói có hàng có chấm, cũng như lúc mạnh khỏe. Cả Chức sắc có mặt đều cảm động ngậm ngùi thương tiếc.
Khi Ngài dứt hơi thì đỡ ngồi dậy, thúc xác ngồi kiết tường, trước mặt lập bàn hương án có chưng hoa quả trà rượu.
Đức Phạm Hộ Pháp ra kiểu cho thợ mộc đóng liên đài hình bát quái.
Thời Tý, 12 giờ đại liệm, rồi thành phục tế lễ theo nghi tiết. Hội Thánh thông tri cho toàn đạo các tỉnh đều hay, đặng hành lễ cầu nguyện cho Đức Cao Thượng Phẩm được tiêu diêu nơi miền Tiên cảnh.
Quàn tại Thảo Xà Hiền Cung 3 ngày, Chức sắc và Đạo hữu Nam Nữ điếu tế rất đông.
Chức sắc Hiệp Thiên Đài cầu cơ bút, Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tỏ vẻ vui mừng được về bái mạng Đức Chí Tôn cùng Đức Phật Mẫu nơi Bạch Ngọc Kinh và Diêu Trì Cung. Hai Đấng đều ban ân công nghiệp buổi Khai Đạo làm tròn sứ mạng.
Ngài cho tiếp một bài thi tứ tuyệt:
Ngài tỏ vẻ vui mừng nay đã thoát khỏi biển trần về cảnh Thiêng liêng Hằng sống." (ĐS. I. 67)
"Sau đây, Đức Cao Thượng Phẩm có giáng cơ cho hai bài thi khi di liên đài ra Bửu tháp:
Bài thi (Ngảnh lại mà đau.......) được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Cao Thượng Phẩm.
Ngày 7-3-Kỷ Tỵ (dl 16-4-1929), giờ Tý tại Tòa Thánh Tây Ninh, tức là sau khi Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên 6 ngày, Đức Chí Tôn giáng cơ như sau:
"Thầy đã nói rõ rằng: Thượng Phẩm phải về Thầy trước các con, nhưng mà hại thay! Vì biếng nhác, các con không đọc Thánh ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.
Tắc ! Con có nhớ Thầy nói với các con rằng: Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại Thiêng liêng chi vị, thì ai đem các chơn hồn các con vào cửa Thiên giùm đó con, lại nữa các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần Đời, còn phần Đạo cũng có đôi đứa con mới đặng cho. Cười...
Con đừng phiền hà trách mấy anh con, nhứt là đừng nói rằng: Chúng nó giết Thượng Phẩm nghe, vì Thiên cơ đã định, các con có biết chi mà hờn trách lẫn nhau.
Thơ ! Con phải xây cái Tháp của Thượng Phẩm phía trước cây Ba nhánh, phải day mặt về Đông, giống như ngó vào Điện mà hầu Thầy vậy, song 3 từng phải lợp ngói như nóc chùa của Đường nhơn vậy nghe!
Đừng làm cái Tháp như của Bảo Đạo, vì hai đứa phẩm vị khác nhau, chung quanh bát quái, phải làm như hình có cột, tại chính giữa Tháp phải có lỗ cho Nhựt quang giọi vào tới liên đài." (ĐS. I. 76)
Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Hớn Chung Ly giáng trần. Hớn Chung Ly tức là Chung Ly Quyền thời nhà Hớn (Hán) bên Tàu, là một vị Đại Tiên trong Bát Tiên, đứng dưới Lý Thiết Quả, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo, có phận sự xây dựng nền Đạo lúc sơ khai.
Vua Hớn Võ Đế bên Tàu cũng do chơn linh Đại Tiên Hớn Chung Ly đầu kiếp, cho nên Hớn Võ Đế và Đức Cao Thượng Phẩm, chỉ là hai kiếp giáng trần của Đại Tiên Hớn Chung Ly.
Do đó, nơi Báo Ân Từ, khi Đức Phạm Hộ Pháp tạc tượng Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng trần chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế, thay vì tạc tượng Hớn Võ Đế thì Đức Ngài cho tạc tượng Đức Cao Thượng Phẩm thay vào.
Đức Cao Thượng Phẩm hợp với Đức Phạm Hộ Pháp thành cặp Phò loan Phong Thánh để lập Hội Thánh, và lập Pháp Chánh Truyền làm Hiến Pháp của Đạo.
Đức Cao Thượng Phẩm rất thường giáng cơ góp ý kiến với Đức Phạm Hộ Pháp để điều hành nền Đạo.
Ngoài ra, Đức Cao Thượng Phẩm cũng thường giáng cơ dạy Đạo, Ngài cùng với Bát Nương giáng cơ dạy về Luật Tam Thể, tạo thành một tập sách quí báu cho người tín đồ cần học Đạo.